Hé lộ hệ sinh thái 'khủng' của anh em họ Trịnh tại Thanh Hoá, đơn vị vừa được nhận chìm 500.000m3 chất thải nạo vét tại Khu kinh tế Nghi Sơn

15/07/2024 21:10 PM | Kinh doanh

UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành Giấy phép đồng ý cho Tổng Công ty Đầu tư Xây dựng và Thương mại Anh Phát nhận chìm 500.000m3 chất thải nạo vét tại Khu kinh tế Nghi Sơn. Đây là gói thầu thuộc Dự án nạo vét tuyến luồng hàng hải chuyên dùng và các vùng nước phục vụ bến cảng thuộc Khu phát triển GAS&LNG và các loại hình phụ trợ lọc hóa dầu tại Khu kinh tế Nghi Sơn.

Hé lộ hệ sinh thái 'khủng' của anh em họ Trịnh tại Thanh Hoá, đơn vị vừa được nhận chìm 500.000m3 chất thải nạo vét tại Khu kinh tế Nghi Sơn- Ảnh 1.

Hé lộ hệ sinh thái 'khủng' của anh em họ Trịnh tại Thanh Hoá, đơn vị vừa được nhận chìm 500.000m3 chất thải nạo vét tại Khu kinh tế Nghi Sơn (nguồn ảnh Int)

Anh Phát được nhận chìm 500.000m3 chất nạo vét tại biển Nghi Sơn

Ngày 10/7/2024 UBND tỉnh Thanh Hóa đã ký ban hành Giấy phép nhận chìm ở biển cho Tổng Công ty Đầu tư Xây dựng và Thương mại Anh Phát (sau đây gọi tắt là Công ty Anh Phát). Khối lượng nhận chìm 500.000m3 chất nạo vét tại Khu kinh tế Nghi Sơn.

Theo đó, căn cứ vào các quy định của pháp luật nhà nước; căn cứ Quyết định số 01/2024/QĐ-UBND ngày 10/01/2024 của UBND tỉnh Thanh Hoá về việc bổ sung vị trí nhận chìm ở biển vào Phụ lục 2 của Quyết định số 47/2022/QĐ-UBND ngày 27/9/2022 của UBND tỉnh Thanh Hóa quy định khu vực, địa điểm đổ thải, nhận chìm đối với vật chất nạo vét từ các hệ thống giao thông đường thuỷ nội địa và đường biển trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Theo Báo cáo đánh giá tác động môi trường của Dự án đã được Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp phê duyệt tại Quyết định số 131/QĐ-BQLKKTNS&KCN ngày 26/3/2024; Theo đề nghị của Giám đốc Sở TN&MT tại Tờ trình số 1131/TTr-STNMT ngày 27/6/2024m UBND tỉnh Thanh Hóa đã cho phép Tổng Công ty Đầu tư Xây dựng và Thương mại Anh Phát được nhận chìm chất nạo vét ở biển, thuộc Dự án nạo vét tuyến luồng hàng hải chuyên dùng và các vùng nước phục vụ bến cảng thuộc Khu phát triển GAS&LNG và các loại hình phụ trợ lọc hóa dầu tại Khu kinh tế Nghi Sơn. Khối lượng chất nhận chìm 500.000 m3, thành phần của chất nạo vét, nhận chìm gồm bùn, bùn sét. Chất nạo vét không chứa chất phóng xạ, chất độc, chất thải nguy hại vượt quy chuẩn an toàn bức xạ, quy chuẩn kỹ thuật môi trường.

Địa điểm khu vực biển nhận chìm thuộc vùng biển thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa (Khu vực biển đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa bổ sung vào Phụ lục 2 của Quyết định số 47/2022/QĐ-UBND ngày 27/9/2022 của UBND tỉnh quy định khu vực, địa điểm đổ thải, nhận chìm đối với vật chất nạo vét từ các hệ thống giao thông đường thủy nội địa và đường biển trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa tại Quyết định số 01/2024/QĐ-UBND ngày 10/01/2024).

Khu vực biển được phép sử dụng có diện tích là 190,2 ha, độ sâu sử dụng từ -14,88m đến -13,24m, được giới hạn bởi các điểm góc AP01, AP02, AP03, AP04 có tọa độ thể hiện trên Bản đồ khu vực biển kèm theo.

Phương tiện chuyên chở: 4 tàu kéo, 06 tàu hút phun (xén thổi) công suất trên 2000 CV, 06 xà lan hút cát phun cát lên bờ, 06 máy đào gầu dây dung tích gầu 5m3 và 12 xà lan tự hành có cửa xả đáy trọng tải 800T đến 1500T, 06 tàu hút bụng tự hành công suất trên 2000 CV, 02 cẩu 25 tấn kết hợp xà lan. Hình thức nhận chìm chất nạo vét theo hình thức xả đáy.

Thời gian đề nghị nhận chìm là 24 tháng kể từ ngày ký Giấy phép nhận chìm ở biển (thời gian thi công nhận chìm cụ thể được nêu trong Dự án nhận chìm ở biển).

Tổng Công ty Đầu tư Xây dựng và Thương mại Anh Phát có trách nhiệm nộp lệ phí cấp giấy phép nhận chìm ở biển theo quy định tại Thông tư số 105/2018/TT-BTC ngày 15/11/2018 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp lệ phí cấp giấy phép nhận chìm ở biển và các khoản phí có liên quan theo quy định của pháp luật; bố trí đủ kinh phí để thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường, phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, phục hồi môi trường do hoạt động nhận chìm gây ra.

Chỉ được tiến hành nhận chìm sau khi được giao khu vực biển theo quy định của pháp luật và báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa, Sở TN&MT tỉnh Thanh Hóa; thông báo về thời gian bắt đầu nhận chìm, thông tin về đơn vị thi công, đơn vị giám sát hoạt động nạo vét, nhận chìm, giám sát môi trường với Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thanh Hóa, Ủy ban nhân dân thị xã Nghi Sơn, Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp và các cơ quan có liên quan làm cơ sở cho việc theo dõi, kiểm tra, giám sát.

Thực hiện nhận chìm đúng địa điểm, khối lượng, thành phần vật chất được phép nhận chìm, sử dụng đúng phương tiện chuyên chở, cách thức nhận chìm, thời điểm và thời hạn nhận chìm theo quy định đúng quy định tại Giấy phép và quy định trong Dự án nhận chìm ở biển; phải có các biện pháp phòng, chống các sự cố, đảm bảo an toàn lao động, an toàn hàng hải, bảo vệ môi trường trong quá trình thực hiện hoạt động nhận chìm.

Trường hợp có dấu hiệu không bảo đảm an toàn hoặc nhận chìm không đúng vị trí hoặc không đúng thành phần của chất nạo vét hoặc khối lượng bị hao hụt trong quá trình vận chuyển chất nhận chìm hoặc một trong các thông số giám sát môi trường vượt giới hạn cho phép thì phải dừng ngay hoạt động nhận chìm và thực hiện các biện pháp giảm thiểu tác động đến môi trường, khắc phục sự cố; đồng thời báo cáo cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật.

Đăng ký các phương tiện chuyên chở chất nhận chìm đã gắn thiết bị giám sát hành trình với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền gồm: Cảng vụ Hàng hải Thanh Hóa, Sở TN&MT tỉnh Thanh Hóa, Ủy ban nhân dân thị xã Nghi Sơn, Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp, Bộ đội Biên phòng tỉnh; ghi chép toàn bộ quá trình thực hiện việc nhận chìm, nhật ký hàng hải để phục vụ công tác kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền và các lực lượng tuần tra, kiểm soát trên biển.

Lập phương án đảm bảo an toàn hàng hải, an toàn giao thông, Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, phê duyệt; thực hiện thi công nạo vét, vận chuyển, nhận chìm chất nạo vét đảm bảo không ảnh hưởng đến các hoạt động khác trong khu vực; chấp hành đúng quy định về quản lý hoạt động của người, phương tiện trong khu vực biên giới biển nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại Nghị định số 71/2015/NĐ-CP ngày 03 tháng 9 năm 2015 của Chính phủ về quản lý hoạt động của người, phương tiện trong khu vực biên giới biển nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Trong quá trình thực hiện nếu phát hiện các vấn đề ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh hoặc ảnh hưởng đến việc vận hành vũ khí trang bị, kỹ thuật do tác động của hoạt động nhận chìm gây ra thì phải tạm dừng và phối hợp với cơ quan quân sự các cấp xác định biện pháp khắc phục, xử lý đúng quy định. TCT Đầu tư Xây dựng và Thương mại Anh Phát đồng thời cũng phải thực hiện nghiêm các quy định về nghĩa vụ liên quan tại giấy phép này…

Anh Phát "yên ắng" sau vụ khởi tố tại Hạc Thành Tower

Dữ liệu cho thấy, Công ty TNHH Một thành viên Sông Mã (nay là Công ty cổ phần Sông Mã) thành lập ngày 07/10/2010, có trụ sở chính tại đường Lê Hoàn, phường Ngọc Trạo, TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Ngành nghề hoạt động chính là kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê.

Tại thời điểm tháng 5/2016, Công ty cổ phần Sông Mã có vốn điều lệ đạt gần 33,6 tỷ đồng, trong đó Tổng Công ty Đầu tư Xây dựng và Thương mại Anh Phát - CTCP góp 91,16%, đại diện phần vốn Nhà nước (ông Lê Khắc Luận) góp 7,576%, còn lại là cổ đông khác. Đại diện pháp luật khi này là Tổng Giám đốc Lê Tế Loan (SN 1951).

Đến tháng 12/2017, Sông Mã tăng vốn lên gần 63,6 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông không được tiết lộ. Sau đó, đến tháng 3/2018, Công ty tiếp tục điều chỉnh vốn tăng lên 200 tỷ đồng. Cổ đông sáng lập vẫn là Tổng Công ty Đầu tư Xây dựng và Thương mại Anh Phát - CTCP, đại diện phần vốn Nhà nước (ông Lê Khắc Luận) và các cổ đông khác. Tuy nhiên, tỷ lệ sở hữu không được công bố.

Tại lần thay đổi thứ 9 trên Cổng thông tin Quốc gia về doanh nghiệp cho thấy, vào tháng 12/2021, Công ty cổ phần Sông Mã có vốn 600 tỷ đồng. Người đại diện pháp luật kiêm Tổng Giám đốc là ông Lê Văn Tám (SN 1953).

Liên quan đến dự án Hạc Thành Tower, vào thời điểm năm 2013, ông Nguyễn Đình Xứng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, được phân công phụ trách về giá cả.

Ngày 29/1/2013, UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành Quyết định số 389/QĐ-UBND giao cho Công ty TNHH MTV Sông Mã 2.958,7m2 đất tại địa chỉ số 3 đường Phan Chu Trinh, phường Điện Biên, thành phố Thanh Hóa để thực hiện dự án Hạc Thành Tower.

Đến ngày 23/12/2013, ông Nguyễn Đình Xứng ký Quyết định số 4562/QĐ-UBND phê duyệt tiền sử dụng đất nộp ngân sách nhà nước của Công ty cổ phần Sông Mã tại dự án Hạc Thành Tower với đơn giá 21.000.000 đ/m2 (mức giá này được xác định từ năm 2009), gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước số tiền 55.870.162.500 đồng.

Tuy nhiên, dù mãi đến năm 2013 mới giao đất nhưng vẫn tính giá đất của năm 2009 là 21 triệu đồng/m2, trong khi thực tế, tại thời điểm 2013, giá đất được đơn vị ngay cạnh giao dịch với ngân hàng là cao hơn nhiều lần. Như vậy, phương pháp tính thiệt hại ngân sách hơn 55,8 tỷ đồng trên cơ sở lấy giá giao dịch mỗi mét vuông của đơn vị liền kề thời điểm 2013 trừ đi 21 triệu đồng/m2 rồi nhân với tổng diện tích đất được giao.

Thời điểm này, ông Văn Xuân Hùng, nguyên Trưởng phòng Quản lí công sản - giá cả Sở Tài chính Thanh Hóa - đã tham mưu, giữ nguyên giá năm 2009 là 21 triệu đồng/m2 mà không tính giá trị đất thời điểm giao đất (năm 2013) theo quy định pháp luật.

Người chịu trách nhiệm tiếp theo là ông Nguyễn Bá Hùng - nguyên Phó Giám đốc Sở Tài chính Thanh Hóa (khi ông Nguyễn Bá Hùng đang giữ chức Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Như Xuân, Thanh Hóa thì bị bắt). Ông Nguyễn Bá Hùng đã trình tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh ký giao đất với giá cũ.

Bà Đinh Thị Cẩm Vân - thời điểm đó là Giám đốc Sở Tài chính thống nhất chủ trương tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa kí Quyết định số 4562 nói trên gây thất thoát ngân sách Nhà nước. Bà Vân cũng đã bị bắt giữ phục vụ điều tra.

Gần đây Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa đã ra Quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với ông Nguyễn Mạnh Sơn - nguyên Chủ tịch HĐQT; ông Đinh Xuân Hướng - nguyên Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Sông Mã về tội “Vi phạm quy định về quản lý sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí” theo Điều 219 Bộ Luật Hình sự. Thời điểm bị bắt giữ, ông Hướng đang là Bí thư Huyện ủy huyện Như Thanh.

Mở rộng vụ án "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" xảy ra tại Dự án đầu tư xây dựng công trình Hạc Thành Tower, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa mới đây đã khởi tố bị can và thi hành lệnh khám xét nơi ở, nơi làm việc và lệnh bắt bị can để tạm giam đối với các ông Nguyễn Mạnh Sơn (SN 1958), nguyên Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH MTV Sông Mã.

Hé lộ hệ sinh thái 'khủng' của anh em họ Trịnh tại Thanh Hoá, đơn vị vừa được nhận chìm 500.000m3 chất thải nạo vét tại Khu kinh tế Nghi Sơn- Ảnh 2.

Dự án Hạc Thành Tower đã hoàn thành, nhưng gây thất thoát ngân sách Nhà nước

Liên quan đến những vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí tại dự án Hạc Thành Tower này. Ngày 16/6/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa đã ra quyết định khởi tố vụ án để tiến hành các hoạt động điều tra liên quan đến những sai phạm xảy ra tại dự án.

Bí thư, Chủ tịch tỉnh Thanh Hoá bị khởi tố vì Hạc Thành Tower, nhưng lãnh đạo Anh Phát vẫn "bình an"

Ngày 29/12/2023, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa đã có quyết định khởi tố bị can, áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú đối với ông Trịnh Văn Chiến - cựu bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa

Theo Công an tỉnh Thanh Hóa, ông Trịnh Văn Chiến, 63 tuổi, bị khởi tố để điều tra về tội "vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí" theo khoản 3, điều 219, Bộ luật Hình sự, liên quan đến vụ án Hạc Thành Tower.

Liên quan đến vụ án Hạc Thành Tower, Công an tỉnh Thanh Hóa đã khởi tố vụ án từ tháng 6/2022.

Đến nay, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa đã khởi tố các bị can gồm: Nguyễn Đình Xứng, cựu chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa; Cù Đình Hiền và Bùi Văn Nam, đều là cựu phó trưởng phòng kinh tế - tài chính thuộc Văn phòng UBND tỉnh Thanh Hóa;

Đinh Cẩm Vân, 58 tuổi, cựu giám đốc Sở Tài chính Thanh Hóa;

Nguyễn Bá Hùng, 57 tuổi, cựu phó giám đốc Sở Tài chính Thanh Hóa, cựu bí thư Huyện ủy, cựu chủ tịch HĐND huyện Như Xuân (Thanh Hóa);

Văn Xuân Hùng, 63 tuổi, cựu trưởng phòng quản lý công sản - giá cả Sở Tài chính Thanh Hóa;

Nguyễn Mạnh Sơn, cựu chủ tịch hội đồng thành viên Công ty Sông Mã;

Đinh Xuân Hướng, cựu bí thư Huyện ủy, cựu chủ tịch HĐND huyện Như Thanh (Thanh Hóa), cựu tổng giám đốc Công ty Sông Mã.

Các bị can trên bị khởi tố để điều tra về tội "vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, gây thất thoát, lãng phí" theo điều 219, Bộ luật Hình sự.

Theo Công an tỉnh Thanh Hóa, sai phạm của các bị can nêu trên diễn ra trong quá trình thực hiện nhiệm vụ phê duyệt tiền sử dụng đất nộp ngân sách nhà nước của Công ty Sông Mã (nay là Công ty cổ phần Sông Mã) tại dự án Hạc Thành Tower.

Có một điều lạ rằng, dù góp vốn tới 91,16% tại Công ty Sông Mã nhưng 'anh em họ Trịnh' là Trịnh Văn Nghiệm và Trịnh Văn Hiệu vẫn bình yên trong khi Bí thư, Chủ tịch tỉnh Thanh Hoá, rồi Chủ tịch và Tổng Giám đốc của Công ty Sông Mã đều bị khởi tố.

Từ 2023 đến nay, Anh Phát chỉ trúng 2 gói thầu nhỏ so với các gói thầu nghìn tỷ trước đây

Từ năm 2023, Anh Phát tỏ ra khá yên ắng khi chỉ đấu thầu 2 gói thầu tại Nghi Sơn (và đều trúng cả hai).

Đó là gói thầu số 03, thuê trụ sở làm việc Cảng vụ hàng hải Thanh Hoá tại thị xã Nghi Sơn với trị giá gần 999.999.000 đồng.

Theo tìm hiểu của MarketTimes, theo quy định tại Điều 54 Luật Đấu thầu, đối với các gói thầu xây lắp có giá dưới 1 tỷ đồng thì áp dụng hình thức chỉ định thầu (gói thầu có giá trị trong hạn mức được áp dụng chỉ định thầu).

Dữ liệu hồ sơ đấu thầu cho thấy, Anh Phát còn trúng gói thầu số 6 thi công xây dựng Ban quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp tỉnh Thanh Hoá trị giá trên 25,4 tỷ đồng.

Đây là những con số quá khiêm tốn khi trong giai đoạn 2015 - 2022, Anh Phát trúng chục dự án và các gói thầu lớn trị giá cả nghìn tỷ đồng.

Đôi nét về Công ty Anh Phát

Theo tìm hiểu của MarketTimes, Công ty Anh Phát thành lập từ tháng 6/2005, với tên gọi ban đầu là Công ty TNHH Anh Phát, hoạt động chính trong lĩnh vực xây dựng, có trụ sở ở thành phố Thanh Hóa.

Xuất phát điểm từ số vốn khiêm tốn, mãi sau hơn một thập kỷ chào đời, Công ty Anh Phát mới bắt đầu hành trình tăng vốn ấn tượng, từ tháng 4/2016, Công ty nâng vốn điều lệ 130 tỷ đồng lên 500 tỷ đồng.

Lúc này, nhóm cổ đông gia đình gồm có ông Trịnh Xuân Nghiệm (1971) góp 350 tỷ đồng, sở hữu tương ứng 70% cổ phần; bà Đào Ngọc Dung (1973), vợ ông Nghiệm, góp 100 tỷ đồng (20% cổ phần) và ông Trịnh Văn Hiệu (1968), anh trai ông Nghiệm, góp 50 tỷ đồng còn lại, tức 10% cổ phần.

Ông Trịnh Xuân Nghiệm là chủ tịch hội đồng quản trị, kiêm người đại diện pháp luật, trong khi ông Trịnh Xuân Hiệu đảm nhiệm vai trò tổng giám đốc. Trong suốt hành trình tăng vốn, thời điểm tháng 2/2019 chứng kiến lần đầu tiên vốn điều lệ của Công ty Anh Phát cán mốc 1.000 tỷ đồng, với tỷ lệ sở hữu các cổ đông không thay đổi.

Sau một vài đợt mở rộng quy mô, tính đến hết năm 2021, số vốn điều lệ của Công ty Anh Phát đã lên đến 2.000 tỷ đồng, cao hơn 15 lần so với 6 năm trước.

Ở Thanh Hóa, Công ty Anh Phát nổi danh với những thương vụ thâu tóm dự án gây xôn xao dư luận. Còn nhớ tháng 11/2006, doanh nghiệp này có đơn xin thuê 962,5m2 đất của Chi nhánh nông sản Agrexim tại phường Phú Sơn, thành phố Thanh Hóa để xây dựng trụ sở văn phòng giao dịch của công ty.

Chưa đầy 1 tháng sau, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có văn bản đồng ý thu hồi thửa đất trên để cho Công ty Anh Phát thuê lại với thời hạn đến năm 2018.

Đó chỉ là một ví dụ nhỏ, trong danh sách các dự án được thâu tóm bởi doanh nghiệp này, từ dự án cây xăng dầu, khai thác khoáng sản, dự án bất động sản thâu tóm "đất vàng", khách sạn… cho đến hàng loạt dự án tại khu kinh tế Nghi Sơn. Đáng nói nhất là lùm xùm liên quan đến dự án cung cấp nước tại khu kinh tế Nghi Sơn hồi năm 2016, năm mà Công ty Anh Phát bắt đầu màn tăng vốn "khủng".

Thực tế, trước khi bước ra con đường kinh doanh độc lập, anh em ông Trịnh Xuân Nghiệm, Trịnh Văn Hiệu đã hoạt động tại doanh nghiệp nhà nước có sức ảnh hưởng lớn với tỉnh nhà, ấy là Công ty Cổ phần Xây lắp dầu khí Thanh Hóa (PVC Thanh Hóa).

Sau nhiều năm cống hiến, ông Nghiệm từng lên đến vị trí thành viên hội đồng quản trị, còn ông Hiệu cũng là một cựu Trưởng ban kiểm soát của PVC Thanh Hóa.

Một số thành viên nổi bật trong hệ sinh thái các doanh nghiệp của anh em doanh nhân Trịnh Xuân Nghiệm gồm: Công ty Cổ phần Vận tải biển Goldensea, Công ty Cổ phần Tập đoàn AP, Công ty Cổ phần Môi trường VN Xanh, Công ty Cổ phần quản lý và khai thác bến xe Thanh Hoá, Cửa hàng kinh doanh xăng dầu số 1, 2 - Công ty TNHH Anh Phát, Công ty Cổ phần Dầu khí Nghi Sơn, Công ty Cổ phần Anh Phát Petro, Công ty TNHH Nội thất AP, Công ty TNHH Dịch vụ khách sạn Anh Phát...

Không chỉ Công ty Anh Phát, ông Trịnh Xuân Nghiệm và vợ còn sở hữu lượng lớn cổ phần ở Công ty Cổ phần Metal Petrochem, Công ty Cổ phần NSControl... Đồng thời, ông Nghiệm cũng có mặt trong danh sách cổ đông của Công ty Cổ phần Đầu tư Khoáng sản Đại Dương, doanh nghiệp tiếng tăm của tỉnh Thanh Hóa.

Theo Bảo Châu

Cùng chuyên mục
XEM