Sự hy sinh thầm lặng của người dân Hồ Bắc: 60 triệu người chịu cảnh bị cách ly, ôm nỗi khổ sống trong tâm dịch để ngăn virus Corona không lây lan ra toàn thế giới

06/02/2020 10:49 AM | Xã hội

Trong khi giới truyền thông xúc động về những tấm gương người tốt, việc tốt, những bác sĩ miệt mài cứu người không nghỉ ở các vùng tâm dịch Corona thì một sự hy sinh to lớn khác đang diễn ra mà hầu như chẳng mấy ai chú ý.

Theo hãng tin Bloomberg, chính quyền Bắc Kinh đang hy sinh cả một tỉnh để ngăn chặn dịch bệnh Corona lây lan ra thế giới. Tại tỉnh Hồ Bắc, nơi có khoảng 60 triệu người đang gặp khó khăn vì bị cách ly, chính phủ vẫn kiên quyết ngăn chặn luồng di cư ra vào tỉnh nhằm hạn chế sự lây lan dịch bệnh. Hàng nghìn bác sĩ và chuyên gia đang gấp rút theo dõi và tìm các phương pháp dập dịch nhưng hệ thống y tế tại đây vẫn quá tải. Đã 2 tuần trôi qua và rất nhiều y bác sĩ từ khắp nơi đổ về Vũ Hán-Hồ Bắc chỉ ngủ có vài tiếng mỗi ngày.

Một cuộc chiến luôn có sự hy sinh

Khi dịch Corona mới bùng phát, tỉnh Hồ Bắc được cho là nơi khởi nguồn của dịch bệnh và cũng là nơi chiếm 97% số nạn nhân tử vong và 67% số người nhiễm trên toàn thế giới. Một điều hiển nhiên khi dịch bệnh bùng phát là chính phủ sẽ kiểm soát, cách ly các vùng bệnh. Dẫu vậy, hầu như không có ai thấu hiểu cho nỗi khổ của những người trong vùng dịch cũng như sự hy sinh của chính phủ Trung Quốc khi phải ra mệnh lệnh này.

Theo thống kê, sự lây lan nhanh của dịch bệnh đang khiến hệ thống y tế tại Hồ Bắc quá tải. Mặc dù rất nhiều y bác sĩ đổ về đây cũng như cả nước đang chung tay giúp tỉnh Hồ Bắc dập dịch nhưng tình hình vẫn vô cùng khó khăn. Tỷ lệ tử vong do dịch Corona tại Hồ Bắc cao đến 3,1%, hơn nhiều mức bình quân 0,16% tại các tỉnh khác của Trung Quốc.

Sự hy sinh thầm lặng của người dân Hồ Bắc: 60 triệu người chịu cảnh bị cách ly, ôm nỗi khổ sống trong tâm dịch để ngăn virus Corona không lây lan ra toàn thế giới - Ảnh 1.

97% số nạn nhân tử vong vì Corona là ở Hồ Bắc

Sự hy sinh thầm lặng của người dân Hồ Bắc: 60 triệu người chịu cảnh bị cách ly, ôm nỗi khổ sống trong tâm dịch để ngăn virus Corona không lây lan ra toàn thế giới - Ảnh 2.

2/3 số bệnh nhân Corona là ở Hồ Bắc

"Nếu tỉnh Hồ Bắc không bị cách ly, người dân tại đó sẽ đi khắp cả nước để nhờ cậy sự giúp đỡ về y tế và có nguy cơ lây lan dịch bệnh cho toàn quốc. Mệnh lệnh cách ly đem lại rất nhiều khó khăn cho Hồ Bắc và thành phố Vũ Hán nhưng đây là điều đúng đắn mà Trung Quốc phải làm cho cả nước cũng như thế giới. Nó chẳng khác gì một cuộc chiến, dù có hy sinh và khó khăn nhưng vẫn phải làm", Cựu giám đốc Yang Gonghuan của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Trung Quốc nói.

Thành phố Vũ Hán, nơi khởi nguồn của dịch Corona, với 11 triệu người là đô thị cấp 2 của Trung Quốc. Điều này đồng nghĩa Vũ Hán có nền kinh tế phát triển nhưng nó vẫn nằm dưới các đô thị lớn như Thượng Hải, Bắc Kinh hay Quảng Châu. Vũ Hán có những bệnh viện hiện đại nhưng nguồn lực y tế của thành phố chưa được chuẩn bị đủ để đối phó với những đại dịch như Corona.

Khi các bác sĩ nhận ra tình hình dịch bệnh chuyển biến xấu và chính phủ quyết định cách ly tỉnh Hồ Bắc, điều này không chỉ ngăn cản người dân tìm kiếm các biện pháp chữa bệnh và sự hỗ trợ từ bên ngoài mà còn khiến lượng lớn vật tư chậm trễ vận chuyển vào vùng dịch. Hàng loạt những trang thiết bị, vật tư như khẩu trang, đồ phòng hộ hay các dược phẩm cho bệnh viện bị tắc nghẽn tại các cửa kiểm tra quanh tỉnh.

Theo anh Ding Ze, chủ sở hữu một công ty sản xuất kính mắt phòng hộ, chuyến hàng của doanh nghiệp nhà anh vận chuyển cho thành phố Vũ Hán đã bị trễ 10 ngày do phải trải qua những trạm kiểm tra dịch khắp cả nước.

"Chúng tôi gửi hàng từ ngày 25/1/2020 nhưng phải đến 2/2 chúng mới đến các bệnh viện ở Vũ Hán. Tất cả các chuyến hàng vận chuyển vào Hồ Bắc đều bị chậm do việc kiểm tra dịch bệnh ở các trạm", anh Ze chia sẻ.

Sự hy sinh thầm lặng của người dân Hồ Bắc: 60 triệu người chịu cảnh bị cách ly, ôm nỗi khổ sống trong tâm dịch để ngăn virus Corona không lây lan ra toàn thế giới - Ảnh 3.

Hàng tiếp tế được vận chuyển đến Hồ Bắc

Mặc dù từ ngày 2/2, chính quyền Bắc Kinh đã vận chuyển 50 tấn vật tư cho Vũ Hán cũng như việc hàng nghìn lượt quyên góp cùng nhiều tấn hàng hóa đổ về vùng dịch nhưng tình hình thiếu vật tư cũng như quá tải vẫn xuất hiện. Hệ thống cơ sở hạ tầng và y tế của Hồ Bắc hiện không được chuẩn bị để ứng phó với đại dịch Corona đang lây lan quá nhanh và rất nhiều trường hợp có dấu hiệu bệnh nhưng không được nhập viện do quá tải.

Trong khoảng 23/2 đến 4/2/2020, số người tử vong vì Corona tại Hồ Bắc đã tăng hơn 25 lần lên gần 500 nạn nhân. Rất nhiều trường hợp trong số này không được phát hiện nhiễm bệnh kịp thời do bệnh viện quá tải.

Sự hy sinh thầm lặng của người dân Vũ Hán

Bà ngoại của anh Zhang Yaru, một nhạc sĩ tại Vũ Hán, đã không được nhập viện vào cuối tháng 1/2020 vì triệu chứng nhiễm bệnh của cụ không rõ ràng và bệnh viện cần dành giường cho những người bị nặng hơn. Không lâu sau đó, cụ bất ngờ hôn mê và qua đời mà không có một dấu hiệu bất thường nào. Mọi chuyện chỉ vỡ lở khi các bác sĩ khám nghiệm tử thi.

"Cụ chẳng thể trăn trối gì với chúng tôi và có khi cũng chẳng hiểu chuyện gì đang diễn ra với mình. Gia đình chúng tôi hiện đang vô cùng khó khăn, tuyệt vọng khi hầu như mọi người đều có khả năng đã nhiễm Corona. Cụ ông của tôi hiện đang có những triệu chứng như đang nhiễm bệnh rồi", anh Zhang buồn bã nói.

Tất nhiên, sự hy sinh của những công dân Vũ Hán như anh Zhang đã được đền đáp xứng đáng.

Trong khi tỷ lệ lây nhiễm tại tỉnh Hồ Bắc tăng lên với tốc độ chóng mặt hàng ngày thì số ca nhiễm ở các vùng khác của Trung Quốc lại chậm dần. Điều này cho thấy sự hiệu quả trong quyết định cách ly đầy khó khăn của Trung Quốc nhằm ngăn chặn sự lây lan của Corona ra cả nước và thế giới.

(Click vào ảnh để xem chú thích)

"Một số người có thể nói rằng cư dân tỉnh Hồ Bắc đang phải hy sinh, nhưng đó là sự hy sinh cần thiết để ngăn dịch bệnh lây lan rộng", một bác sĩ giấu tên của bệnh viện Third People’s Hospital đồng tình với quyết định dũng cảm của chính phủ.

Mặc dù ra lệnh cách ly nhưng chính phủ Trung Quốc cùng cả nước vẫn không bỏ rơi người dân Hồ Bắc. Hơn 8.000 nhân viên y tế từ khắp cả nước đã đổ về đây để chống dịch. Phần lớn trong số đó được chuyển về 27 bệnh viện của Vũ Hán, số còn lại tỏa về những trung tâm y tế tại các đô thị nhỏ hơn.

Hai bệnh viện dã chiến với 2.600 giường bệnh đã được xây dựng chỉ trong 10 ngày với sự trợ giúp của hơn 2.000 công nhân đến từ ngoài vùng dịch. Rất nhiều sân vận động, văn phòng hay khách sạn đã được chuyển làm trung tâm y tế tạm thời nhằm đáp ứng số bệnh nhân ngày một tăng.

Bất chấp những cố gắng đó, Vũ Hán và tỉnh Hồ Bắc vẫn thiếu thốn nhiều vật tư cũng như phải đương đầu với khó khắn lẫn sự hy sinh.

"Mọi thứ đang được cải thiện nhưng chúng tôi vẫn thực sự quá tải khi phải làm việc 24/7, công cuộc tìm ra phương pháp chữa bệnh vẫn chưa có kết quả hoàn thiện", một bác sĩ không nêu tên của bệnh biện Tongji Hospital tại Vũ Hán thừa nhận.

Tại Trung Quốc, văn hóa hy sinh vì những người khác là một trong những truyền thống tốt đẹp ăn sâu vào xã hội. Bởi vậy ngoài những tấm gương bác sĩ, y tá đang quằn mình chống dịch, chính những người bệnh ở Vũ Hán lẫn Hồ Bắc hay thậm chí là toàn người dân Trung Quốc cũng xứng đáng với sự hy sinh mà họ đang phải chịu đựng.

"Ban đầu, tôi thấy bực mình vì bệnh viện và các cơ quan chức năng không giúp đỡ tôi theo như ý muốn, nhưng rồi tôi nhận ra rằng không phải họ không giúp mà là mọi thứ đang bị quá tải. Tôi không trách ai cả bởi nếu bạn lớn lên ở Trung Quốc, bạn sẽ hiểu có những sự hy sinh là cần thiết", anh John Chen, một sinh viên tỉnh Hồ Bắc đã phải chờ 8 tiếng đồng hồ để xét nghiệm dịch Corona nói. Trong khi đó, người mẹ yêu quý của anh vẫn phải chờ đợi tới lượt để xét nghiệm.

Sự hy sinh thầm lặng của người dân Hồ Bắc: 60 triệu người chịu cảnh bị cách ly, ôm nỗi khổ sống trong tâm dịch để ngăn virus Corona không lây lan ra toàn thế giới - Ảnh 5.

Đường phố Vũ Hán vắng tanh sau lệnh cách ly

AB

Cùng chuyên mục
XEM