Hậu Shark Tank, một startup từng bị 4 "cá mập" từ chối đạt mức tăng trưởng doanh số 200% mỗi năm, hợp tác với những thương hiệu hàng đầu thị trường
Giám đốc Chiến lược của startup này cho biết họ nằm trong số ít đơn vị cung cấp giải pháp về gamification theo mô hình SaaS trên thị trường, thu hút được những khách hàng như Home Credit trong ngành tài chính, Điện Quang trong ngành sản xuất. Doanh số năm nay của công ty dự kiến đạt hơn 600.000 USD.
Trong chương trình Shark Tank Việt Nam mùa 4 hồi năm 2021, Founder & CEO Hồ Tiến Lộc của Woay – một nền tảng thiết kế mini game dành cho doanh nghiệp – đã kêu gọi 450 triệu đồng cho 1% cổ phần của công ty.
Lĩnh vực gamification mà Woay theo đuổi là một hình thức ứng dụng nguyên lý thiết kế game vào hoạt động marketing. CEO của Woay tin rằng đây sẽ là xu hướng marketing trong 5 năm tới nhờ các lợi ích tăng tương tác, thu thập data tiềm năng, tăng doanh số, tri ân khách hàng...
Với nền tảng thiết kế minigame của Woay, các thương hiệu có thể tự truy cập vào để sản xuất chương trình với chi phí chỉ từ 500.000 đồng.
Trước các nhà đầu tư, Tiến Lộc tự tin sẽ “win” được thị trường và cho biết mình không có “nỗi đau khởi nghiệp”. Tuy nhiên, đây cũng chính là lý do khiến Shark Nguyễn Thanh Việt quyết định không tham gia thương vụ.
“Tôi thấy bạn chả có khó khăn gì cả, không cần đi gọi vốn. Tôi không thấy có gì hấp dẫn để đầu tư vào bạn. Đi khởi nghiệp mà bạn chưa thất bại bao giờ thì khả năng thất bại lần này rất có thể xảy ra. Vì vậy tôi không đầu tư”, Shark Việt nói thẳng.
Shark Nguyễn Xuân Phú và Shark Đỗ Liên cũng không tham gia, với lý do không phải sở trường và cảm thấy không giúp gì được cho startup. Đối với Shark Phạm Thanh Hưng, mô hình hiện tại của Woay "nhỏ quá" nên ông từ chối đầu tư.
Với chuyên môn về mảng công nghệ, Shark Nguyễn Hòa Bình nói với Tiến Lộc rằng ông có thể biến nhà sáng lập này “thành triệu phú”, và đề nghị đầu tư 1 tỷ đồng cho 25% cổ phần. Sau khi hội ý, phía Woay đồng ý với deal đã được điều chỉnh của Shark Bình là 1 tỷ đồng cho 20% cổ phần.
Mức tăng trưởng doanh số 200% mỗi năm giữa xu hướng mua sắm kết hợp giải trí
Chia sẻ với chúng tôi, ông Nguyễn Thành Long – Giám đốc Chiến lược của Woay cho biết theo một thống kê của TikTok, hiện nay cứ 3 người tiêu dùng lại có một người muốn có trải nghiệm giải trí khi mua sắm. Trước xu hướng này, gamification được ứng dụng ngày càng nhiều.
“Rất nhiều ngành đã ứng dụng gamification vì lý do rất đơn giản là khách hàng ngại tương tác nếu không có thứ gì thú vị. Đây là thách thức đối với các nhãn hàng, bởi khách chịu tương tác đồng nghĩa với việc có thêm cơ hội bán được hàng và thu thập thông tin. Do đó, gamification trở thành tất yếu với nhiều đơn vị làm tiếp thị, truyền thông”, ông Thành Long phân tích.
Đề cập tới những thay đổi đối với Woay hậu Shark Tank, lãnh đạo startup này cho biết quy mô công ty đã lớn hơn. Số lượng nhân sự tăng từ gần 20 lên khoảng 35 người. Họ được làm nhiều thứ hơn và có nhiều cơ hội đến hơn, cụ thể là cơ hội về khách hàng.
“Trước đây, chúng tôi chỉ làm gamification cho ngành marketing, nhưng đang dần mở rộng thêm sang mảng nhân sự. Chúng tôi cũng nằm trong số ít đơn vị cung cấp giải pháp về nền tảng gamification trên thị trường, thu hút những khách hàng lớn và làm việc cùng nhiều đối tác khác nhau để tích hợp”, ông Thành Long chia sẻ.
Các khách hàng của Woay thuộc nhiều ngành khác nhau. Có thể kể đến Home Credit và SSI trong ngành tài chính, công ty bóng đèn Điện Quang trong ngành sản xuất, Marc và Owen trong lĩnh vực thời trang, Đại học Đông Á và Đại học Gia Định trong lĩnh vực giáo dục.
Trên sóng Shark Tank vào giữa năm 2021, Founder Tiến Lộc cho biết Woay dự kiến đạt doanh thu 4,5 tỷ đồng vào cuối năm. Ông Thành Long tiết lộ rằng trong năm 2022, công ty đã đạt mức doanh thu gấp gần 2 lần con số đó, cũng đã có lãi và dùng để tái đầu tư xây dựng công ty cho tới thời điểm này.
“Chúng tôi đang có hơn 272 khách hàng, tăng trưởng doanh số khoảng 200% mỗi năm. Năm 2022 đạt hơn 300.000 USD và năm nay dự kiến đạt hơn 600.000 USD. 70% doanh số đến từ các thương hiệu lớn yêu cầu những tùy chỉnh riêng về thiết kế game sao cho phù hợp với chiến dịch của họ”, Giám đốc Chiến lược của Woay chia sẻ.
Thị trường liệu đã sẵn sàng?
Một trong những chi tiết gây chú ý trên sóng Shark Tank là Founder Tiến Lộc cho biết mình không có “nỗi đau khởi nghiệp”. Tuy nhiên, ông Thành Long chỉ ra rằng Woay vẫn gặp một số trở ngại nhất định liên quan đến tính sẵn sàng của thị trường.
“Thực ra chuyển đổi số là câu chuyện không dễ dàng. Mặc dù nền tảng của chúng tôi được gọi là “no-coding”, không phải lập trình mà có thể tự thiết kế - cài đặt, nhưng việc đó vẫn khá phức tạp. Vì vậy, trở ngại của chúng tôi liên quan đến tính sẵn sàng của thị trường và mức độ hiểu biết về công nghệ của khách hàng hay doanh nghiệp sử dụng.
Một trở ngại khác là vấn đề tài chính. Nuôi sống công ty là một chuyện, nhưng để phát triển bùng nổ một cách mạnh mẽ còn phụ thuộc vào nguồn lực tài chính. Nếu có thì sẽ làm được nhiều thứ hơn”, Giám đốc Chiến lược của Woay cho hay.
Theo tìm hiểu, hiện không có thông tin về việc tham gia hay góp vốn của cổ đông đến từ NextTech của Shark Bình.
Đề cập tới kế hoạch ngắn hạn của Woay, ông Long cho biết họ định vị mình là nền tảng gamification một điểm đến (One-stop Gamification Platform), tức là người dùng có thể vào để thiết kế, cài đặt và quản trị cho toàn bộ hoạt động gamification với nhiều tích hợp sẵn có của nhiều nền tảng công nghệ phổ biến khác.
“Sau khi người dùng chọn mẫu thiết kế minigame, chúng tôi đã tích hợp được để game được phân phối qua website của Haravan, Sapo hay Zalo OA.
Với những chương trình chơi mini game trúng thưởng nhanh, bạn phải vận hành rất phức tạp để đưa quà đến tay khách, nhưng Woay đã đấu nối được với VIHAT trên hệ thống cho việc tặng quà là các thẻ cào điện thoại, xác minh người dùng bằng OTP. Bên cạnh đó, Woay cũng hợp tác với Urbox để khách hàng chọn được quà tặng ngay trên hệ thống đưa vào chiến dịch”, ông Long giải thích về mô hình của Woay.
Sắp tới vào giữa tháng 9, với kinh nghiệm thực hiện các hoạt động gamification cho hơn 1.000 chiến dịch, 50 triệu lượt chơi, Woay sẽ tung ra thêm giải pháp dành riêng cho nhóm khách hàng thuộc ngành bán lẻ và FMCG (ngành hàng tiêu dùng nhanh) – lĩnh vực đầy sôi động và cạnh tranh, rất cần thu hút khách hàng, tăng doanh số. Mục đích cuối cùng là giúp chương trình khuyến mãi trở nên hấp dẫn, có tính cạnh tranh hơn so với những nhãn hàng triển khai hoạt động khác.