Hậu phá sản, ông chủ Tây của Leflair cay đắng trả lời báo Việt Nam: Người đời thích nghe chuyện một công ty thất bại hơn là những câu chuyện thành công

11/08/2020 08:40 AM | Kinh doanh

"Các thông tin thường bị cường điệu hóa. Người đời thích nghe câu chuyện một công ty hay cá nhân nào đó thất bại còn hơn cả những câu chuyện thành công", Loïc Gautier - Cofounder kiêm CEO Leflair chia sẻ quanh câu chuyện phá sản của sàn thương mại điện tử chuyên hàng hiệu này.

"Dưới áp lực về nguồn vốn hữu hạn và yêu cầu cắt giảm chi phí vận hành, chúng tôi phải đưa ra quyết định khó khăn - tạm dừng hoạt động kinh doanh Leflair tại thị trường Việt Nam", startup sàn thương mại điện tử hàng hiệu giá rẻ Leflair đưa ra thông báo hồi tháng 2/2020 trước khi tuyên bố phá sản tại Việt Nam.

Hơn 120.000 khách hàng, doanh thu thuần mỗi năm đạt hơn 8 con số USD (hàng chục triệu USD), duy trì giá trị đơn hàng trung bình cao nhất thị trường TMĐT Việt Nam, Leflair vẫn phá sản sau 5 năm khởi nghiệp và bị tố ôm khoản nợ 2 triệu USD của 500 nhà cung cấp Việt.

Trước những thông tin như CEO không có mặt tại nơi cư trú, Leflair bị điều tra hay đồng sáng lập bị cảnh sát bắt giữ, CEO Leflair Loïc Gautier mới đây cảm thán: "Các thông tin thường bị cường điệu hóa. Người đời thích nghe câu chuyện một công ty hay cá nhân nào đó thất bại còn hơn cả những câu chuyện thành công".

Hậu phá sản, ông chủ Tây của Leflair cay đắng trả lời báo Việt Nam: Người đời thích nghe chuyện một công ty thất bại hơn là những câu chuyện thành công - Ảnh 1.

Trong video trả lời phỏng vấn Vietcetera, Loïc cho biết anh rời Việt Nam để có thể gặp gia đình.

"Có những cáo buộc rằng tôi không quay lại Việt Nam vì Leflair đang bị điều tra, nhưng thực ra chỉ là vì Covid-19. Hiện tại biên giới đang đóng cửa, không có người ngoại quốc nào có thể nhập cảnh cho đến tháng 9, hoặc thậm chí đến cuối năm. Vậy nên, ngay khi tôi được quyền nhập cảnh, tôi sẽ quay trở lại".

"Ngay sau khi trở lại Việt Nam, chúng tôi sẽ liên hệ với các bên đang xử lý vụ việc như luật sư, tòa án, và cả cảnh sát", Loïc nói.

Cho dù bạn có đang cố startup trong lĩnh vực nào, cho dù bạn được đầu tư bao nhiêu thì mọi thứ đều là "Possible" ở Đông Nam Á, đặc biệt ở Việt Nam

Anh cũng chia sẻ rằng mình muốn làm rõ để mọi người hiểu "sự thật đằng sau những tựa báo giật title", và anh đã được thông báo rằng tòa án TPHCM đã chấp thuận tuyên bố phá sản của Leflair. Đồng sáng lập Pierre-Antoine Brun cũng không hề bị cảnh sát bắt giữ.

"Có những người đang buộc tội chúng tôi vì họ tức giận, họ đang gặp khó khăn tài chính sau vụ phá sản", Loïc nhận định.

Trong bài trả lời phỏng vấn, Loïc nhiều lần ca ngợi môi trường khởi nghiệp của Việt Nam và gọi nơi này là "mảnh đất giàu cơ hội", với tinh thần khởi nghiệp lớn và việc thành lập công ty tương đối thuận lợi.

"Tôi vẫn tin tưởng vào nền kinh tế Việt Nam như ngày đầu tôi đến đây. Tôi nghĩ mình cần phải đi tìm một phương hướng kinh doanh khác, nhưng tôi vẫn mong muốn quay trở lại Việt Nam để khởi đầu lại. Đây chắc chắn không phải công ty cuối cùng mà tôi gây dựng ở Việt Nam", Loïc bày tỏ.

Hậu phá sản, ông chủ Tây của Leflair cay đắng trả lời báo Việt Nam: Người đời thích nghe chuyện một công ty thất bại hơn là những câu chuyện thành công - Ảnh 3.

Nhìn lại chặng đường 5 năm của Leflair, Loïc cho rằng mặc dù phá sản, nhưng startup này đã thành công trong việc tham gia vào thương mại điện tử - một canh bạc "đốt tiền" được cho là sân chơi của các ông lớn - với nguồn vốn cực ít ỏi thậm chí là "tay không".

"Nhiều người, đặc biệt ở khu vực Đông Nam Á cho rằng thương mại điện tử là sân chơi chỉ dành cho các ông lớn nước ngoài với số tiền đầu tư hàng tỷ USD - một canh bạc mà ít startup nào dám lao vào. Leflair đã chứng minh điều này là sai", Loïc nhận định.

"Bạn có thể xây dựng một doanh nghiệp thương mại điện tử từ nguồn vốn cực ít ỏi thậm chí tay trắng. Khi mới thành lập công ty, chúng tôi mới 25 tuổi, vừa mới tách khỏi Lazada. Tuy không có nhiều vốn tiết kiệm, nhưng chúng tôi vẫn lao đầu vào một lĩnh vực với rất nhiều rào cản và cần rất nhiều vốn đầu tư. Thế nên, tôi nghĩ cho dù bạn có đang cố thâm nhập vào lĩnh vực nào, cho dù bạn được đầu tư bao nhiêu thì mọi thứ đều là "Có thể" (Possible)" ở Đông Nam Á, đặc biệt ở Việt Nam".

Bình An

Cùng chuyên mục
XEM