Hành trình 10 năm của Tập đoàn Thành Thành Công: Phong cách sinh tồn kiểu ‘con gián’, đi nhanh hay chậm cũng sẽ đi đến đích!
Trong 10 năm, Tập đoàn Thành Thành Công từ vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng phình to lên gần 19.000 tỷ đồng. Từ một công ty đa ngành, họ dần gom lại còn 4 ngành chính là nông nghiệp, bất động sản, năng lượng và du lịch. Trong quá trình phát triển, một khi đã nhận định cái gì đó họ sẽ làm đến cùng cho, dù gặp khó khăn lớn đến thế nào đi nữa, theo đúng phong cách "từ từ cháo sẽ nhừ".
Vậy là 1 thập niên nữa của thế kỷ 21 đã trôi qua. 10 năm thăng trầm chìm nổi, các thuyền trưởng doanh nhân đã lèo lái con thuyền của mình ra sao trên thương trường đầy sóng gió - ai vững tay chèo, ai từng lạc lối?
Ôn cố tri tân, hãy cùng chúng tôi lần giở lại từng trang hồi ký về các doanh nghiệp đáng chú ý nhất trong thập niên vừa qua với series "THẬP KỶ THƯƠNG TRƯỜNG" – Những câu chuyện kinh doanh nổi bật nhất của các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Chúng tôi hi vọng series này sẽ là một món quà cuối năm ý nghĩa dành tặng đông đảo quý độc giả yêu mến CafeBiz, như slogan của chúng tôi: "Kinh doanh tốt hơn, Cuộc sống đẹp hơn" - "BETTER BUSINESS – BETTER LIFE".
Với 41 năm tuổi, Thành Thành Công là một tập đoàn kinh tế "lão làng" tại thị trường Việt Nam. Sự phát triển của doanh nghiệp này phản ánh khá tương đồng với sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam với rất nhiều thăng trầm, thành công lẫn thất bại, có lúc đứng trên đỉnh vinh quang cũng có lúc tụt dốc xuống vực sâu.
Năm 2010, khi độ mở kinh tế Việt Nam ngày càng lớn đồng nghĩa với cơ hội lớn và nguy cơ cũng lớn không kém; Thành Thành Công đã dũng cảm lấn sân qua nhiều mảng miếng quan trọng của nền kinh tế, từ xuất phát điểm sản xuất cồn, cầm đồ, buôn bán mật rỉ và logistic.
Năm 2011, Tập đoàn Thành Thành Công (TTC Group) được thành lập với vốn điều lệ tăng lên 3.000 tỷ đồng, cùng 6 đơn vị thành viên là Thành Công Tây Ninh (tên cũ là Bourbon Tây Ninh), Đường Ninh Hòa, Thương mại Thành Thành Công, Đặng Huỳnh, Thành Ngọc.
Năm 2012, danh mục đầu tư của họ tăng lên 60 công ty. Năm 2016, TTC tiếp tục tái cơ cấu với vốn điều lệ lên 11.371 tỷ đồng cùng các thành viên được tập đoàn sở hữu vốn chi phối; hoạt động 5 lĩnh vực chủ chốt: bất động sản – năng lượng - nông nghiệp - giáo dục – du lịch với 21 công ty thành viên. Quy mô doanh số năm 2015 là doanh thu thuần 15.405 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 1.114 tỷ đồng.
Năm 2019, TTC bán lại mảng giáo dục. Năm 2020, tập đoàn này có vốn điều lệ: 18.800 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu: 23.262 tỷ đồng, tổng tài sản: 65.441 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế: 581 tỷ đồng; với 4 tổng công ty, 1 Ủy ban ngành và 120 đơn vị trực thuộc.
Vợ chồng Chủ tịch Tập đoàn Thành Thành Công - Đặng Văn Thành và Huỳnh Bích Ngọc.
Sau 10 năm tăng tốc, TTC đã có những thành tựu đáng tự hào, ví dụ như TTC Sugar đang dẫn đầu ngành đường, TTC Energy là đơn vị có nhà máy điện mặt trời hòa lưới điện quốc gia sớm nhất thị trường… Tuy nhiên, TTC và ông chủ Đặng Văn Thành cũng gặp rất nhiều khó khăn tưởng chừng không vượt qua được: đánh mất Sacombank năm 2012, ngành mía đường rơi xuống đáy bởi áp lực ATIGA năm 2018…
Như mọi doanh nghiệp khác, hiện tại, TTC Group vẫn đang lao đao bởi Covid-19, nhất là ngành du lịch và bất động sản. Tuy nhiên, chắc chắn họ sẽ vượt qua cơn sóng dữ này để tiếp tục phát triển, như nhiều lần họ đã thoát hiểm ngoạn mục trong quá khứ.
Còn nếu soi kỹ, phong cách sinh tồn và phát triển của TTC Group phản ánh đúng tính cách của Nhà sáng lập kiêm nhà lãnh đạo tinh thần Đặng Văn Thành: một khi đã nhận định cái gì đó họ sẽ làm đến cùng, cho dù gặp khó khăn lớn đến thế nào đi nữa, theo đúng phong cách sinh tồn kiểu ‘con gián’ và phát triển kiểu ‘từ từ cháo sẽ nhừ’. Vị Chủ tịch này có thể ra những quyết định sai lầm và khi nhận lại hậu quả xấu, sẽ đau buồn nhưng không suy sụp mà tìm cách sửa chữa – theo một cách nào đó, để đạt đến mục tiêu đề ra trước đây.
Còn nhớ, sau khi phải từ bỏ đứa con ‘mang nặng đẻ đau’ Sacombank cùng nhiều hoài bão chưa thực hiện được trong ngành ngân hàng – tài chính, ông Đặng Văn Thành đã mất tới 2 năm để ‘xoa dịu vết thương’, sau đó mới tái xuất thương trường dẫn dắt TTC tiếp tục tiến về phía trước. Mới đây, ông lần nữa lại úp mở ý định quay lại ngành ngân hàng – tài chính, nhằm tiếp tục hiện thực hóa những giấc mơ còn dở dang!
DẪN DẮT NGÀNH ĐƯỜNG VIỆT NAM
Sau rất nhiều năm lăn lộn trong ngành đường, hiện TTC Sugar (công ty con của TTC Group) đang dẫn đầu ngành đường cả về quy mô lẫn thị phần. Để nhanh chóng ghi dấu ấn của mình trên thị trường, TTC Sugar không phát triển kiểu tự tay gầy dựng từng bước nhỏ mà thường xuyên tiến hành M&A với các nhà máy đường khắp cả nước.
Thông qua quá trình mua bán sáp nhập, tập đoàn này đã sở hữu một loạt các doanh nghiệp mía đường lớn bao gồm Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh (TTC Tây Ninh), Công ty TNHH MTV Đường Biên Hoà – Ninh Hoà, SEC Gia Lai, CTCP Mía đường Phan Rang, Đường Nước Trong, Đường La Ngà…
Trong quá trình tái cấu trúc và tinh giản hệ thống doanh nghiệp, hai doanh nghiệp mía đường trong đế chế của ông Đặng Văn Thành là Đường Biên Hòa (BHS) và TTC Tây Ninh đã thâu tóm 100% vốn điều lệ tại Công ty Mía đường Hoàng Anh Gia Lai của bầu Đức. TTC Group cũng tiến hành sáp nhập Đường Ninh Hòa vào Đường Biên Hòa và sáp nhập Mía đường Nhiệt điện Gia Lai vào TTC Tây Ninh.
Thành Thành Công - Biên Hòa (TTC Sugar) là kết quả của rất nhiều vụ M&A đình đám trong ngành đường của TTC Group.
Đến tháng 8/2017, Mía đường Thành Thành Công - Tây Ninh và Đường Biên Hòa chính thức sáp nhập thành Công ty CP Thành Thành Công – Biên Hóa (TTC Sugar - SBT), đồng thời gần 300 cổ phiếu BHS cũng bị hủy niêm yết.
Theo tiết lộ của tập đoàn này, hiện mảng nông nghiệp của họ có 18 công ty đường thành viên, tổng công suất mía 29.500 tấn mía/ngày, tổng diện tích vùng nguyên liệu là 65.000ha trải dài ở 3 nước Đông Dương là Lào, Campuchia và Việt Nam. TTC Sugar đã gầy dựng được những cánh đồng mẫu lớn để trồng mía organic ở Tây Ninh và Lào, nhằm phục vụ mục tiêu cao cấp hóa dần sản phẩm từ mía đường.
Trong suốt quá trình bành trướng của mình, ngành nông nghiệp hay cụ thể là ngành đường của TTC không phải lúc nào cũng nếm được vị ngọt.
Năm 2018, với lượng đường tồn kho tăng, cùng với áp lực của Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) đã tác động tiêu cực lên hoạt động doanh nghiệp lĩnh vực ngành mía đường của Việt Nam. Cổ phiếu của một số doanh nghiệp ngành đường cũng vì thế mà chịu ảnh hưởng mạnh.
Vào tháng 3/2018, cổ phiếu SBT của đại gia Đặng Văn Thành liên tục "đỏ sàn". Đến thời điểm hiện tại, cổ phiếu SBT chỉ còn ở mức giá 17.750 đồng/CP, giảm mạnh so với mức giá 24.350 đồng/CP hồi đầu năm 2018. Sự sụt giảm này cũng "kéo" SBT lọt khỏi top 30 doanh nghiệp có mức vốn hóa lớn nhất sàn HoSE, từ mức vốn hóa đạt trên 13.560 tỷ đồng xuống mức vốn hóa chỉ còn vỏn vẹn hơn 9.887 tỷ đồng ở thời điểm đó.
Tới năm 2019-2020 được xem là thời điểm thành công của Thành Thành Công - Biên Hòa khi doanh thu đạt 12.850 tỷ đồng, tăng trưởng 18,4% so với năm trước đó, lợi nhuận gộp thu được đạt 1.403 tỷ đồng, tăng 61% so với cùng kỳ, biên lợi nhuận gộp đạt 10,9%. Lợi nhuận trước thuế đạt 504 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế tăng 43,5% so với cùng kỳ, lên mức 372 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng đầu niên độ niên độ 2019-2020, thị trường đã tiêu thụ 699 ngàn tấn đường từ TTC Sugar, tăng 33% so với cùng kỳ, ghi nhận doanh thu thuần đạt 9.122 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ và đạt gần 84% kế hoạch doanh thu cả năm. Theo đó, lợi nhuận gộp đạt 891 tỷ, tăng 54% so với cùng kỳ.
Một nhà máy đường của Thành Thành Công.
TTC Sugar hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh công nghiệp (B2B) và kinh doanh tiêu dùng (B2C) với hơn 50 dòng sản phẩm đường, hệ thống phân phối rộng khắp cả nước tại hơn 50.000 điểm bán lẻ và là nhà cung cấp đường lớn cho các công ty đa quốc gia hoạt động trong ngành thực phẩm, đồ uống, sữa, dược phẩm…Ngoài ra, họ còn xuất khẩu sang 17 nước khác, trong đó có những thị trường khó tính như Úc, Mỹ, châu Âu..
TTC Sugar cũng khai thác các sản phẩm cạnh đường - sau đường, như: mật rỉ (nguyên liệu sản xuất cồn sinh học, xăng ethanol E5), điện thương phẩm, phân vi sinh hữu cơ, nước mía không ngọt Miaqua - được ngưng tụ trong quá trình sản xuất đường, chè Thành Ngọc, nước dừa và sữa dừa đóng hộp Cocoxim với chất lượng tiêu chuẩn quốc tế…
Gần nhất, vào tháng 3/2020, TTC Sugar và Dole – doanh nghiệp có doanh thu khoảng 2,5 tỷ USD/năm, sẽ hợp tác trong dự án trồng chuối Nam Mỹ để xuất khẩu trên quy mô 156 ha tại nông trường Thành Long. Ngoài hỗ trợ vốn và kỹ thuật, Dole còn có trách nhiệm bao tiêu sản phẩm mới này cho TTC Sugar.
Ngành cốt lõi và quan trọng nhất này của TTC Group đang được ông Đặng Văn Thành giao cho vợ - bà Huỳnh Bích Ngọc và con gái – Đặng Huỳnh Ức My quản lý.
MẢNG BẤT ĐỘNG SẢN CÓ DẤU HIỆU CHỮNG LẠI
TTC Land – tiền thân là Sacomreal, dù xuất hiện trên thị trường bất động sản khá sớm nhưng phát triển khá cầm chừng và bị nhiều doanh nghiệp cùng ngành như Novaland, Hưng Thịnh… bỏ lại phía sau. Đơn cử doanh thu thuần của Novaland đạt gần 11.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 3.382 tỷ đồng năm 2019, còn doanh thu thuần của TTC Land khoảng 1.031 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 228 tỷ đồng. Tháng 11/2019, TTC Land từng bị xử phạt gần 10 tỷ đồng do vi phạm hành chính và chậm nộp thuế.
Chưa hết, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, doanh thu của TTC Land không tốt như kỳ vọng, với doanh thu thuần ghi nhận 344 tỷ đồng - giảm 53% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 93 tỷ đồng – đạt 97% kế hoạch đề ra, sau 9 tháng đầu năm 2019.
Vì nhiều lý do khác nhau, trong khoảng năm trở đây, dù nguồn thu của TTC Land khá dồi dào từ 2 nơi: 1 đến từ các nhà đầu tư và 1 đến từ bán lại cổ phần trong các công ty con, song công ty vẫn không phát triển dự án ồ ạt mà khá cầm chừng.
TTC Land đang đặt rất nhiều kỳ vọng vào mảng bất động sản nông nghiệo trong tương lai.
Tháng 6/2019, chứng khoán Bản Việt từng chi ra 152 tỷ đồng để mua cổ phiếu của TTC Land, ngoài đầu tư tài chính, Bản Việt còn hỗ trợ về chiến lược trong hoạt động gọi vốn của đối tác; nhờ thế, 5 tháng sau, TTC Land đã thành công kêu gọi 100 triệu USD vốn đầu tư từ Lotte E&C. Năm 2019, TTC Land đã thu về 410 tỷ đồng từ việc bán 20% cổ phần tại TTC IZ và 185 tỷ đồng từ bán dự án Hải Phòng Plaza cho DOJI; tháng 11/2020, công ty thu về thêm 560 tỷ đồng sau khi thanh hoán tài sản và cơ cấu lại danh mục đầu tư của mình.
Về quy mô doanh thu họ có thể phát triển chậm, song khả năng mở rộng thị trường trong bất động sản của họ trong vài năm gần đây khá nhanh; hiện tại, TTC Land hoạt động gần như ở tất cả mảng miếng từ dân dụng, công nghiệp, phân phối sản phẩm, quản lý tòa nhà và bất động sản nông nghiệp. TTC Land hiện sở hữu 27 dự án đã và đang bàn giao, phục vụ trên 105.000 khách hàng. Hiện tổng tài sản TTC Land hơn 11.000 tỷ đồng, tổng quỹ đất trên 1.500 ha, đội ngũ nhân sự trên 600 người.
Mới đây, TTC Land đã đề ra chiến lược 5 năm tới, với những con số cụ thể như sau: doanh thu và lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp sẽ tăng trưởng với tốc độ bình quân hơn 30%/năm. Phấn đấu đến năm 2025, doanh thu sẽ đạt hơn 4.500 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt hơn 1.000 tỷ đồng.
Một vấn đề nữa của TTC Land là họ vẫn đang loay hoay trong việc tìm thế hệ lãnh đạo kế cận phù hợp.
Ông Nguyễn Đăng Thanh đã rời TTC Land chỉ sau hơn 1 năm ngồi lên chiếc ghế Chủ tịch.
Tháng 5/2019, ông Nguyễn Đăng Thanh – một trong những học trò cũ của ông Đặng Văn Thành ở Sacombank trước đây được mời về giữ chức Chủ tịch kiêm CEO của TTC Land. Nhiệm vụ của cựu CEO Hoa Lâm là tái cơ cấu lại TTC Land – đặc biệt là ở mảng tài chính đồng thời thu hút vốn đầu tư để đưa công ty vươn lên những tầm cao mới.
Đến tháng 10/2019, ông Nguyễn Đăng Thanh còn hừng hực khí thế muốn cống hiến cho TTC Land: "Mơ ước của tôi là có thể học hỏi cách thức mà Apple đã thành công để áp dụng cho doanh nghiệp mình". Thế nhưng, đến tháng 6/2020, ông này đã chính thức từ nhiệm và TTC Group đã bổ nhiệm bà Nguyễn Thùy Vân lên ngồi chiếc ghế nóng. ‘Lý do cá nhân và muốn quay trở lại ngành ngân hàng’ chính là câu trả lời của ông Thanh về quyết định ra đi chỉ sau 1 năm làm việc cho TTC Land.
Cũng như thế, tháng 11/2020, ông Nguyễn Đăng Thanh đã trao lại chức vị CEO TTC Land cho ông Vũ Quốc Thái, song chưa đến 1 năm sau, ông Thái lại tiếp tục trao lại vị trí này cho ông Võ Quốc Khánh – Phó Giám đốc thường trực lúc đó.
LĨNH VỰC NĂNG LƯỢNG TÁI TẠO NON TRẺ
TTC Group là một trong những doanh nghiệp Việt tích cực tham gia vào lĩnh vực năng lượng tái tạo nhất. Tại Hội nghị khách hàng ngành năng lượng của TTC được tổ chức cuối tháng 6/2017, lãnh đạo tập đoàn này cho biết sẽ sử dụng số vốn 1 tỷ USD để xây dựng tới 20 dự án điện mặt trời, với tổng công suất lên tới 1.000 MW trong 2 năm tới. Ông Thái Văn Chuyện – Tổng Giám đốc của TTC còn ví von, nếu kế hoạch của thành công, chúng sẽ là "20 cỗ máy in tiền" cho TTC trong 20 năm tới.
"Chúng tôi sẽ phát triển các dự án điện mặt trời theo kiểu vốn góp 30% và vốn vay 70%. Hiện, trong két sắt của Thành Thành Công, 300 triệu USD đã sẵn sàng", ông Chuyện cho biết. Tuy nhiên, sự thật cho thấy, mọi chuyện không thể nhanh như dự đoán của Ban lãnh đạo TTC, khi hiện tại họ mới có 6 dự án điện mặt trời.
Vào ngày 12/10/2018, nhà máy điện mặt trời Phong Điền tại Thừa Thiên Huế của CTCP Điện Gia Lai (thành viên TTC Group) đã chính thức hòa vào lưới điện quốc gia và đây là nhà máy điện mặt trời đầu tiên tại Việt Nam được đóng điện.
5 nhà máy điện mặt trời của Điện Gia Lai vào tháng 6/2019.
Đến tháng 6/2019, TTC có 5 công ty thành viên ở mảng năng lượng bao gồm Điện Gia Lai, TTC Energy, TTC Solar Farm, TTC Wind Farm và TTC Hydropower Plant; trong đó Điện Gia Lai là công ty chủ lực. Ngoài nhà máy Phong Điền, Điện Gia Lai còn đã đóng điện thêm 4 nhà máy điện mặt trời khác, nâng tổng công suất lên gần 350 MW.
Đến tháng 8/2019, Điện Gia Lai cho biết, doanh thu thuần lũy kế 6 tháng đầu năm của họ đạt 514 tỷ đồng, gấp 2,3 lần so với cùng kỳ năm trước và đạt 51% kế hoạch năm; lợi nhuận trước thuế lũy kế của họ vẫn tăng 67% so với cùng kỳ, đạt 164 tỷ đồng và hoàn thành đến 68% kế hoạch năm, trong đó lợi nhuận trước thuế riêng quý II tăng trưởng tới 128% so với cùng kỳ. Như vậy, Điện Gia Lai đã hoàn thành 2/3 chặng đường lợi nhuận trước thuế chỉ trong 6 tháng đầu năm 2019.
Sở dĩ, doanh thu và lợi nhuận từ mảng điện mặt trời của Điện Gia Lai tốt như thế là bởi sản lượng các nhà máy điện mặt trời của họ đều cao hơn mong đợi. Thế nên, họ đã chào bán đấu giá công khai các nhà máy thủy điện quy mô nhỏ, công suất dưới 2MW, có thể mang về cho Điện Gia Lai ít nhất 205 tỷ đồng và họ sẽ dùng số tiền này đầu tư các dự án điện mặt trời với tổng công suất dự kiến hơn 700 MWp sắp tới.
Thông tin gần nhất, doanh thu thuần 9 tháng đầu năm 2020 của Điện Gia Lai đạt 959 tỷ đồng, tăng 19% cùng kỳ; phần lớn đến từ điện mặt trời 72%, thủy điện 23%, còn lại từ các hoạt động khác như bán hàng, xây lắp và dịch vụ chiếm 5%. Tương đương lợi nhuận sau thuế ghi nhận 206 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ. Được biết, Điện Gia Lai đang xây dựng chiến lược phát triển năng lượng tái tạo với mục tiêu đạt 1.000 MW vào năm 2022.
Một nhà máy điện mặt trời của Điện Gia Lai.
Còn theo TTC Group, hiện mảng năng lượng của họ có 12 công ty con, đang sở hữu 15 nhà máy thủy điện với tổng công suất thiết kế lên 130,8MW, 9 nhà máy nhiệt điện từ bã mía với tổng công suất 153,6MW, 5 nhà máy điện mặt trời có tổng công suất 257,4MW, 3 dự án điện gió có công suất 180MW cùng 238 công trình điện mặt trời áp mới với tổng công suất 57MW.
Tháng 2/2020, ngân hàng phát triển châu Á (ADB) đã ký hợp đồng cho vay trị giá 37,8 triệu USD với Công ty CP Đầu tư phát triển năng lượng TTC, nhằm tài trợ vốn cho dự án năng lượng mặt trời tại Việt Nam. Trong đó, 7,6 triệu USD sẽ được cho vay dưới dạng vốn vay ưu đãi không song song từ Quỹ Cơ sở hạ tầng khu vực tư nhân châu Á (LEAP) có sự góp vốn của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA). Số vốn này sẽ được họ dùng để xây dựng và vận hành nhà máy điện mặt trời có công suất 50MW tại Tây Ninh.
DU LỊCH GẶP THÁCH THỨC LỚN TRONG NĂM COVID-19
Công ty CP Du lịch Thành Thành Công (TTC Hospitality), tiền thân chính là Công ty CP du lịch Goft Việt Nam (Vinagoft), lên sàn năm 2009 với mã chứng khoán tên VNG. Năm 2014, Vinagoft được đổi tên thành TTC Hospitality. Qua nhiều lần mua bán, sáp nhập và tự phát triển; cho đến thời điểm hiện tại, công ty này có 12 khách sạn – resort từ 3 đến 4 sao, chủ yếu hoạt động trong mảng trung và cận cao cấp.
Ngoài hệ thống địa điểm lưu trú trải dài trên nhiều phân khúc tại các tỉnh thành du lịch trọng điểm từ Hội An trở vào Nam và có 1 khách sạn ở Angkor-Campuchia, TTC Hospitality còn có các mảng kinh doanh bổ trợ toàn diện, như 1 khu vui chơi giải trí ở Đà Lạt và 1 ở Bình Thuận, 2 trung tâm hội nghị tiệc cưới cùng một số nhà hàng và Công ty TNHH Lữ hành Quốc tế TTC (TTC Travel).
Trước đó, tháng 12/2017, TTC Group đã sáp nhập thêm Du lịch Thắng Lợi – đang làm ăn thiếu hiệu quả vào TTC Hospitality, nâng vốn điều lệ của ngành du lịch lên 837 tỷ đồng.
Tháng 6/2018, TTC Hospitality từng đưa ra một kế hoạch phát triển khá tham vọng đến năm 2020. Cụ thể: TTC Hospitality dự tính sẽ xây dựng thêm 6 khách sạn 4 sao nữa sau năm 2018; năm 2019, có thêm 3 khách sạn 4 sao được ra mắt ở TP. HCM, Gia Lai và Huế; năm 2020, tiếp tục có thêm 3 khách sạn 4 sao được đưa vào hoạt động tại Đà Nẵng, Hà Nội và Phú Quốc.
TTC resort Ninh Thuận.
Dự kiến sau năm 2020, TTC Hospitality sẽ có 19 khách sạn – resort từ 3 đến 4 sao, chủ yếu theo phong cách "khách sạn trong thành phố" nhằm phủ sóng toàn quốc.
Tại thời điểm đề cập ở trên, TTC Hospitality có 12 khách sạn – resort; đến tháng 9/2019, có 14 khách sạn – resort. Nhưng cho tới gần cuối năm 2020, vì nhiều nguyên do khác nhau – đặc biệt là do Covid-19, kế hoạch đề ra năm 2018 của họ đã bị phá sản; khi số lượng điểm lưu trú không tăng lên so với 2018 và họ vẫn chưa bước chân qua khỏi đèo Hải Vân hay đến Phú Quốc. Trong Covid-19, một khách sạn của họ ở gần chợ Tân Bình trong đã chuyển đổi thành chỗ để trưng bày áo cưới!
Về đầu tư trong mảng du lịch: tháng 2/2019, TTC Hospitality đã mạnh dạn tiến hành sáp nhập Thung Lũng Tình Yêu và Đồi Mộng Mơ - 2 khu du lịch lâu đời, nổi tiếng trong ngành du lịch Đà Lạt với tổng mức đầu tư lên đến 40 triệu USD cho các hạng mục khu vui chơi trong nhà, ngoài trời với đầy đủ các phân khu. Ngoài ra, TTC World – Thung lũng Tình yêu còn được đầu tư 4 triệu đô la Mỹ cho hàng loạt hạng mục phục vụ về cảnh quan.
Tháng 9/2019, TTC Hospitality đã tiến hành ký kết hợp tác chiến lược cùng Nhà vận hành quốc tế Minor Hotels trong việc quản lý và vận hành khách sạn Dốc Lết. Tổng mức đầu tư của TTC Hospitality cho dự án khách sạn Avani Dốc Lết lên đến gần 500 tỷ đồng.
Về doanh thu các năm: doanh thu thuần năm 2019 của TTC Hospitality khoảng 914, 823 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 53,7 tỷ đồng, doanh thu 2018 khoảng 919, 310 và lợi nhuận trước thuế khoảng 90,405 tỷ đồng.
Báo cáo tài chính mới nhất của TTC Hospitality cho thấy, doanh thu thuần 6 tháng đầu năm đạt 253 tỷ đồng, giảm 45% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, doanh thu từ hoạt động tài chính do ghi nhận lãi từ chuyển nhượng cổ phần tại CTCP Du lịch Bến Tre, CTCP Du lịch Đồng Thuận và CTCP Du lịch Núi Tà Cú đạt hơn 97 tỉ đồng và các khoản lãi khác nên lãi ròng 6 tháng đầu năm 2020 của TTC Hospitality đạt gần 57 tỉ đồng, tăng 65% so cùng kỳ.
Thương hiệu F&B mới của TTC Hospitality - Bánh Mì Anh Mập.
Theo chia sẻ của ông Nguyễn Thế Vinh - Chủ tịch TTC Hospitality với chúng tôi, thì Covid-19 không chỉ khiến doanh nghiệp này giảm doanh thu mà còn khiến tất cả kế hoạch - chiến lược kinh doanh trong năm 2020 gặp thách thức lớn. Và để đa dạng hóa nguồn thu, TTC Hospitality đang đẩy mạnh mảng ẩm thực như cho ra mắt bánh trung thu mang thương hiệu TTC Hospitality hay ra mắt các xe tải bán bánh mì thương hiệu Bánh Mì Anh Mập đặt trước các diểm lịch của họ.
Trong năm 2020, TTC Hospitality có ý định mở thêm khu lưu trú tại Đà Nẵng, nhưng do Covid-19, họ buộc phải tạm hoãn kế hoạch. "Hiện tại, thị trường của chúng tôi mới đến Hội An. Trong tương lai, chúng tôi có ý định mở thêm một khách sạn nữa tại Đà Nẵng nhằm phủ thị trường miền Trung tốt hơn", Chủ tịch TTC Hospitality khẳng định.
Một kế hoạch lớn tiếp theo trong tương lai của TTC Hospitality chính là mở rộng phân khúc khách hàng - TTC Hospitality muốn lấn sân sang phân khúc 5 sao. Theo đó, ngoài việc xây dựng và phát triển những chỗ lưu trú tiếp theo theo phong cách cao cấp, doanh nghiệp cũng sẽ nâng cấp một số khách sạn - resort hiện có tiệm cận với 5 sao.
"Trước đây làm điện, hồi làm ngân hàng cũng vậy, ngân hàng của tôi là tiên phong bán lẻ nhưng bán lẻ của tôi không phải thuần túy tạo nền móng lợi nhuận ổn định đâu, mà có nhiều ý nghĩa lắm như chống cho vay nặng lãi. Bây giờ cũng vậy, những ngành tôi đầu tư như điện năng lượng mặt trời, tôi đã chuẩn bị trước 5-6 năm nay.
Đó là vai trò tiên phong của TTC, tôi đã chuẩn bị kỹ, tôi đầu tư dàn trải chứ không tập trung để ảnh hưởng đến đường truyền. Đến giờ này, TTC đã chọn những danh mục đầu tư thân thiện với môi trường, đi vào xu thế, đầu tư hoàn toàn năng lượng sạch như điện sinh khối, thủy điện, điện mặt trời, điện gió", Chủ tịch Đặng Văn Thành chia sẻ về sứ mệnh của mình và TTC Group trong một phỏng vấn gần đây.