Hãng xe công nghệ đau đầu khi tài xế ‘lách luật’: Bắt khách dọc đường, gạ khách hủy chuyến để khỏi phải trả phí hoa hồng cho ứng dụng

21/11/2023 10:20 AM | Kinh doanh

Đau đầu cách tài xế công nghệ nhận các chuyến xe 'ngoại tuyến'.

Jitu Jisan là tài xế công nghệ ở Dhaka, song chia sẻ với Rest of World, anh cho biết việc nhận khách qua ứng dụng gọi xe chỉ là lựa chọn cuối cùng. Thông thường, Jitu Jisan chỉ sử dụng ứng dụng Pathao để tìm kiếm người có nhu cầu, sau đó tắt app, giao dịch tiền trực tiếp và đi ‘khep’.

‘Khep’ là thuật ngữ mới phổ biến, ám chỉ việc tài xế hợp đồng ‘lách’ khỏi các nền tảng gọi xe như Pathao và Uber ở Bangladesh để tránh trả phí hoa hồng. Thông thường, các tài xế sẽ yêu cầu khách hàng hủy chuyến đi đã đặt, sau đó thanh toán trực tiếp. Họ cũng có thể bắt khách dọc đường và đưa ra mức giá tương đương trên ứng dụng.

“Chúng tôi thích đi ‘khep’ hơn là làm việc trên ứng dụng. Dù sao thì mọi nỗ lực đều đến từ phía tài xế chúng tôi”, Jisan nói với Rest of World . “Xe của chúng tôi, tiền xăng cũng là của chúng tôi. Các nền tảng chỉ hỗ trợ đưa chúng tôi vào ứng dụng và tính phí hoa hồng”.

Theo một nghiên cứu được thực hiện bởi một nhóm các nhà nghiên cứu liên kết với Đại học BRAC ở Dhaka, hơn 60% tài xế tham gia cuộc khảo sát vào tháng 4/2023 cho biết họ đã chọn hình thức ‘khep’. Người ta ước tính có 7,5 triệu chuyến xe mỗi tháng trên khắp cả nước vào năm 2020 và sang đến đầu năm nay, giám đốc nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Bangladesh cho biết thị trường chia sẻ chuyến đi sẽ là phân khúc vô cùng quan trọng. Định giá ước tính lên tới 1 tỷ USD trong vòng 5 đến 7 năm tới.

Trên khắp đất nước, hiện tượng ‘khep’ phổ biến đến mức các nền tảng gọi xe buộc phải điều chỉnh chính sách. Chẳng hạn, Uber giới thiệu mô hình đăng ký mới khuyến khích các tài xế ở Bangladesh trả trước một phần nhỏ cước chuyến đi để tránh mất phí hoa hồng. “Chúng tôi tin rằng chính sách này sẽ mang lại trải nghiệm tốt hơn cho các tài xế. Điều này cũng góp phần đảm bảo sự an toàn của họ”, đại diện Uber nói. “Hy vọng điều này sẽ giúp giảm đáng kể số lượng tài xế thực hiện chuyến đi ‘ngoại tuyến’.

Trong khi đó, ứng dụng gọi xe Pathao cũng đang thí điểm chính sách mới, cho phép tài xế “dành bao nhiêu thời gian tùy ý với mức giá mà họ có thể chi trả”. Các gói đăng ký trong 1,7,15 hoặc 30 ngày có giá dao động từ 0,27 USD-4 USD.

Nhiều mô hình đăng ký tương tự cũng được các ứng dụng gọi xe khác áp dụng. Chẳng hạn, tại Ấn Độ, nền tảng chia sẻ chuyến đi Namma Yatri giới thiệu dịch vụ đăng ký cho phép tài xế nhận cuốc không giới hạn mỗi ngày chỉ với 0,3 USD.

Theo Belal Ahmed Khan, tổng thư ký Hiệp hội Lái xe chia sẻ ở Dhaka, sự phổ biến của ‘khep’ là hệ lụy của nhiều năm các tài xế bất mãn.

Tài xế Uber ‘lách luật’ để tránh trả phí hoa hồng: Bắt khách dọc đường, yêu cầu người đặt hủy chuyến và thanh toán trực tiếp - Ảnh 1.

Các tài xế Pathao

“Họ chọn ‘khep’ vì tiền hoa hồng cao. Các công ty ứng dụng gọi xe không quan tâm đến họ”, ông nói và cho biết tại Bangladesh, Uber tính phí hoa hồng lên tới 25% trong khi Pathao tính phí 15%. “Các tài xế thường tập trung tại những con đường đông đúc ở Dhaka và Chittagong, sau đó thương lượng giá với khách hàng”.

Theo Aditto Baidya Alok, một nhà nghiên cứu tại Đại học BRAC, đi ‘khep’ giúp tài xế không mất thu nhập, lại vừa có thể thể hiện sự bất mãn với các ứng dụng gọi xe. Kể từ tháng 10 năm 2019, rất nhiều các cuộc đình công đã diễn ra.

“Các chuyến đi như khep chính là một cách để các tài xế phản ứng. Họ phản đối chính sách của các ứng dụng gọi xe, song không phải hy sinh thu nhập của mình”, Aditto Baidya Alok nói.

Chia sẻ với Rest of World, một tài xế tên Abu Bakr Siddique cho biết anh thích đi ‘khep’ hơn là đình công vì cách này trước đây không hiệu quả.

“Nếu đình công, hành khách sẽ không thể gọi xe. Chúng tôi cũng mất thu nhập. Tốt hơn hết là nên đi ‘khep’. Đó là lý do vì sao chúng tôi ngừng đình công”, anh kể.

Nhiều hành khách dần trở nên yêu thích đi ‘khep’ do mức độ phổ biến quá lớn. Golam Rabanni, một nhân viên văn phòng ở Dhaka, cho biết anh thường gọi xe từ những con đường đông đúc, sau đó thương lượng giá với tài xế.

Dẫu vậy, theo các chuyên gia, ‘khep’ đi kèm với rất nhiều những rủi ro. Bỏ qua ứng dụng đồng nghĩa với việc các ứng dụng gọi xe không thể theo dõi và đảm bảo an toàn cho tài xế và khách hàng. Họ có thể bị tấn công hoặc đơn giản là gặp phải những tranh chấp trên đường.

Những rủi ro như vậy khiến một số tài xế chọn cách quay trở lại hoạt động trên nền tảng.

“Không có ứng dụng, tôi không biết mình đang đón ai và tôi cảm thấy không an toàn”, tài xế Uber Mohammed Jashim cho biết.

Mohammed Mamun, tài xế từng làm việc với Pathao, cũng bày tỏ lo ngại tương tự. “Tôi rất lo về sự an toàn của mình. Nếu sử dụng ứng dụng, tôi có thể tránh được những con đường có tỷ lệ tội phạm cao”, anh nói.

Được biết, việc Bangladesh là một trong số những khu vực có mật độ dân số cao nhất thế giới đã tạo động lực cho rất nhiều các hãng gọi xe công nghệ tiếp cận thị trường. Trong đó, Pathao đặt mục tiêu kiểm soát 60% đến 70% thị trường xe máy tại khu vực. 

"Tại một số thời điểm, công nghệ của chúng tôi đã bắt kịp với đối thủ", đại diện Pathao nói. 

Theo: Rest of World

Vũ Anh

Từ khóa:  uber , grab
Cùng chuyên mục
XEM