Trung Quốc biến một quốc gia thành 'thiên đường hàng nhái': Bán đồ fake kiếm hơn 150 triệu đồng/tháng, 'sơ mi Gucci' giá chưa đến 150 nghìn đồng

18/11/2023 09:09 AM | Xã hội

Các thương lái tại đây chủ yếu nhập hàng từ Trung Quốc.

Một buổi chiều tháng 9 lộng gió tại Chợ Balogun, các thương lái nhanh tay bày biện hàng hóa để chào mời khách. Một số lấn chiếm tràn cả ra đường khiến người đi bộ phải bước vòng qua rất khó khăn.

Nhiều mặt hàng trông khá quen thuộc, in hẳn logo Nike, Adidas… song lại có tên rất lạ: Aidads, Baiencglaca, Berbuery và Guccy. Các ông chủ, bà chủ đon đả mời khách vào xem qua, miệng liến thoắng: “Quần jean, thắt lưng, giày thiết kế nguyên bản. Hãy theo tôi và tôi sẽ cho bạn giá bán buôn”, một người nói, tay đưa nhanh tấm danh thiếp có hình ảnh sản phẩm nhỏ xíu.

Ở Nigeria, chúng được gọi là hàng fake, na ná giống bản auth nhưng có giá chỉ bằng một phần nhỏ. Trước khi mời chào khách ở Chợ Balogun, các thương lái thường nhập hàng trên các nền tảng mua sắm Trung Quốc.

Bất chấp nhiều năm đấu tranh pháp lý, một số nền tảng thương mại điện tử Trung Quốc vẫn tràn ngập hàng nhái, trong đó, AliExpress, Taobao và DHgate nổi tiếng là những ‘thiên đường hàng giả’. Không khó để tìm ra một chiếc túi xách bản dupe Dolce&Gabbana với giá chưa đến 20 USD hay một đôi Nike rẻ tiền. 

Phóng viên Rest of World đã có dịp trò chuyện với 40 thương lái. 35 người cho biết họ thường nhập hàng từ các nền tảng Trung Quốc hoặc trực tiếp từ nhà sản xuất.

Theo Ganiu Adewuyi, giám đốc điều hành tại ABSAS Nigeria Limited, trước sự trỗi dậy của các trang thương mại điện tử Trung Quốc, quần áo đã qua sử dụng trở thành mặt hàng phổ biến ở Nigeria. Các thương nhân nhập khẩu các kiện hàng thiết kế cũ từ khắp nơi trên thế giới, từ châu Âu, Mỹ đến các nước láng giềng.

“Một khi có nhu cầu, hàng nhái sẽ xuất hiện”, Ganiu Adewuyi nói.

Deepankar Rustagi, đồng sáng lập và Giám đốc điều hành nền tảng thương mại điện tử B2B OmniBiz Africa có trụ sở tại Lagos, cho biết hàng giả đã tràn lan ở Nigeria trong hơn một thập kỷ và Trung Quốc chính là nhà cung cấp. Sự phát triển của ngành thương mại điện tử đã giúp số hóa và mở rộng thị trường hàng giả của Nigeria.

Trung Quốc trước đó đã nỗ lực kiểm soát thị trường hàng nhái trực tuyến thông qua nhiều dự luật, thậm chí tịch thu và tiêu hủy hàng kém chất lượng. Tuy nhiên, có vẻ như ngay khi một liên kết giả mạo được báo cáo và xóa đi, một liên kết khác lại xuất hiện.

Các nhà lập pháp Nigeria cố gắng ngăn chặn hàng giả, song việc thiếu hụt các cơ chế thực thi mạnh mẽ đã gây ra rất nhiều khó khăn. Theo Ochije Nnani, một chuyên gia thương mại điện tử, “hơn 90% thương hiệu thời trang bán ở Nigeria là hàng nhái và chúng chủ yếu đến từ Trung Quốc hoặc châu Á.

“Người Nigeria muốn mặc đẹp, song lại không đủ sức mua hàng thật”, Ochije Nnani nói. Trên các trang bán buôn như YiToo và 1688 thuộc sở hữu của Alibaba, một đôi Nike hoặc Adidas có thể được bán với giá dưới 10 USD.

Namang Banah, 33 tuổi, sống ở Lagos, bắt đầu bán buôn vào năm 2018 sau khi đến tỉnh Hồ Nam theo học. Vào thời điểm đó, anh nhận ra sống ở Trung Quốc tương tự với việc “ngồi trên một mỏ vàng”. Anh sẽ đóng vai người trung gian giữa bạn bè ở Nigeria và nền tảng mua sắm Trung Quốc.

“Khám phá thế giới thương mại điện tử là lựa chọn phù hợp nhất giúp tôi có để tồn tại và kiếm sống”, Namang Banah nói.

Khởi đầu chỉ với 35.000 naira (98 USD vào thời điểm đó), Banah bắt đầu giúp mọi người ở Nigeria mua hàng trên các nền tảng như Taobao. Khách hàng chia sẻ liên kết đến các sản phẩm họ muốn, sau đó nhờ Banah mua hàng, gửi phát nhanh đến Nigeria và trả phí hoa hồng khoảng 5%–10% tùy theo số lượng.

Sáu năm sau, hàng hóa Trung Quốc trở nên dễ tiếp cận hơn. Banah, ngày quay trở lại Nigeria, đã chuyển được tổng cộng hơn 11 tấn hàng hóa cho bất kỳ ai muốn mua hàng từ Trung Quốc đại lục.

Trở lại Chợ Balogun, trong trung tâm mua sắm năm tầng có tên Rainbow Plaza, Lolade Giwa đang phỏng vấn một nhân viên mới tiềm năng cho cửa hàng của mình.

“Quy tắc rất đơn giản: Phải có ít nhất 1 người đứng trông cửa hàng và bạn không được ăn trộm ăn cắp”, Giwa nói, ám chỉ những chiếc túi và giày nhái hàng hiệu.

Trung Quốc biến một quốc gia trở thành 'thiên đường hàng nhái': Thương lái bán đồ fake kiếm hơn 150 triệu đồng/tháng, sơ mi Gucci giá chưa đến 150 nghìn  - Ảnh 2.

Chia sẻ với Rest of World, Giwa cho biết công việc kinh doanh đang bùng nổ và cô đang có kế hoạch mở rộng gian hàng. Cô đã gặp người bán qua các nền tảng thương mại điện tử Trung Quốc, hiện có thể kết nối trực tiếp với các nhà sản xuất tại đây và có thể kiếm được trung bình 3–5 triệu naira (3.700–6.200 USD) mỗi tháng (tương đương 90-150 triệu đồng).

Một chiếc túi “Louis Vuitton” trên kệ được cô bán với giá chỉ 13.000 naira (16 USD), trong khi hàng thiết kế có giá khoảng 1.300 USD. Nhu cầu lớn nên hàng hết khá nhanh.

“Ngay khi tôi đăng bán, sản phẩm này đã hết size và màu”, Giwa kể.

Tương tự, Chidera Christian, 21 tuổi, cho biết cửa hàng anh làm việc kiếm được khoảng 1 triệu đến 3 triệu naira (1.300 – 3.900 USD) mỗi ngày. Doanh thu trung bình hàng tháng là 20 triệu naira (25.000 USD). Hàng chủ yếu được nhái từ các thương hiệu như Versace, Louis Vuitton và Burberry. Một chiếc áo sơ mi “Gucci” có giá 5.000 naira (gần 150 nghìn đồng), trong khi một chiếc áo phông thông thường may bằng vải dày hơn một chút được bán với giá 7.000 naira (9 USD).

Theo một người bán tên Oluwatobiloba Adeshina, 23 tuổi, cô không có đủ vốn mở cửa hàng nên quyết định bán online trên WhatsApp. Các sản phẩm chủ yếu được nhập từ Trung Quốc với giá rất rẻ.

“Tôi có thể thêm phí giao hàng vào giá hoặc không. Dù thế nào cũng không lỗ vì tôi chỉ đặt hàng khi có khách mua”, Oluwatobiloba Adeshina nói.

Sự bùng nổ thương mại điện tử Trung Quốc ở Nigeria đã tạo ra hiệu ứng lan truyền. Các công ty vận chuyển như Sky Cargo Ltd., Grace Logistics' Ocean Freight, AAA Cargo International, Weight and Carry Express Cargo Limited và Choice Airways tung ra một loạt các dịch vụ uy tín thông qua đường hàng không hoặc tàu thủy. Sky Cargo cũng có một nhà kho ở trung tâm chợ Lagos.

Theo: Rest of World

Vũ Anh

Cùng chuyên mục
XEM