Hàng loạt cựu nhân viên tiết lộ lý do khiến họ bỏ việc tại TikTok: Làm việc 12-16 tiếng/ngày, họp hành bất kể ngày đêm

06/06/2022 11:41 AM | Kinh doanh

"Sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống nghe có vẻ hoang đường", một người chia sẻ.

Mới đây, một số cựu nhân viên của TikTok đã công khai lên tiếng phản đối chính sách làm việc quá sức và không minh bạch về tiền lương của công ty cũ.

Các nhân viên cũ của TikTok từng làm việc tại văn phòng San Francisco và New York từ năm 2019 đến 2022 miêu tả rằng "văn hóa 996" (làm việc từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối, 6 ngày/tuần) đã làm tổn hại đến sức khỏe tinh thần và cuộc sống cá nhân của họ. "996" là văn hóa khá phổ biến ở Trung Quốc, đặc biệt là trong ngành công nghệ.

Chloe Shih (San Francisco) gia nhập TikTok năm 2020 với tư cách là giám đốc sản phẩm nhưng đã xin nghỉ việc sau 1 năm, vào tháng 10/2021. Shih (hiện là giám đốc sản phẩm tại Discord) đã đăng một video dài 15 phút lên YouTube ngay sau khi nghỉ việc để giải thích lý do rời đi là vì cô thường xuyên phải làm việc từ 12 đến 16 tiếng/ngày.

"Sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống nghe có vẻ hoang đường. Bất cứ ai làm việc cho một công ty công nghệ có trụ sở tại Trung Quốc đều không có thời gian để thư giãn. Điều đó thực sự tồi tệ", cô chia sẻ.

Hàng loạt cựu nhân viên tiết lộ lý do khiến họ bỏ việc tại TikTok: Làm việc 12-16 tiếng/ngày, họp hành bất kể ngày đêm - Ảnh 1.

Chloe Shih (Ảnh: Internet).

Shil cho biết cô phải sẵn sàng họp bất kể ngày đêm với đồng nghiệp ở Anh và Trung Quốc. Khi cô phàn nàn với nhóm điều hành, họ nói rằng cô không nhất thiết phải tham gia mọi cuộc họp. Tuy nhiên, cô cảm thấy mình không có đặc quyền để từ chối việc họp hành.

Pabel Martinez, cựu giám đốc tài khoản toàn cầu tại TikTok, chia sẻ: "Chính sách ‘996’ thật khét tiếng. Tôi nghĩ rằng văn hóa làm việc này đã thấm nhuần khắp công ty và mọi người thường được khuyến khích làm thêm giờ".

Shih và các cựu nhân viên khác cho biết thực tế này diễn ra phổ biến ở Trung Quốc nhưng công ty mẹ ByteDance đã đưa ra một số biện pháp để ngăn chặn vào năm ngoái.

TikTok hiện có hơn 1 tỷ người dùng trên khắp thế giới. Công ty đã thành lập trụ sở toàn cầu ở Mỹ nhưng theo nhiều nhân viên, họ vẫn chịu ảnh hưởng từ Trung Quốc cả về sản phẩm và văn hóa làm việc.

Về phần mình, TikTok từ chối bình luận về vấn đề trên. Người phát ngôn của công ty cho biết họ chưa bao giờ áp dụng chế độ "996" đồng thời khẳng định họ có chính sách tuyển dụng và lương thưởng xứng đáng.

Người này cho biết thêm: "Là công ty toàn cầu, các nhóm của chúng tôi cộng tác với đồng nghiệp trên khắp thế giới. Chúng tôi vẫn tìm cách để cung cấp cho nhân viên sự hỗ trợ và tính linh hoạt, bao gồm khuyến khích sử dụng thời gian nghỉ để nạp năng lượng, chỉ định thời gian không tổ chức các cuộc họp hay tự động hiển thị lời nhắc múi giờ".

Trong khi một bộ phận nhân viên TikTok phàn nàn về chế độ làm việc khắc nghiệt, vẫn có những người chấp nhận làm thêm nhiều giờ để có thêm thu nhập. Shil kể rằng một đồng nghiệp ở Trung Quốc của cô thường xuyên làm việc ngoài giờ, kể cả cuối tuần, để lo cho gia đình.

Hàng loạt cựu nhân viên tiết lộ lý do khiến họ bỏ việc tại TikTok: Làm việc 12-16 tiếng/ngày, họp hành bất kể ngày đêm - Ảnh 2.

Ảnh: Internet.

Melody Chu là một cựu nhân viên khác của TikTok ở San Francisco. Cô từng làm trưởng nhóm sản phẩm từ tháng 7/2020 đến tháng 11/ 2021. Theo cô, chế độ tại TikTok đòi hỏi mức độ hi sinh cá nhân cao vì tuần làm việc có thể kéo dài tới 80 tiếng và tin nhắn công việc được gửi đến gần như mọi lúc, kể cả nửa đêm.

Đặc biệt, trong thời gian đại dịch Covid-19 bùng phát trên thế giới, sự thất vọng của nhân viên TikTok lại được bộc phát công khai và nhiều hơn bao giờ hết.

Dylan Juhnke - một cựu giám đốc đối tác thương hiệu, từng bày tỏ sự bức xúc với việc công ty không minh bạch về tiền lương. Anh từng hỏi cấp trên về việc tại sao các giám đốc được trả lương không giống nhau dù công việc tương tự.

Pabel Martinez – một cựu giám đốc tài khoản, cũng nói rằng anh từng bị quở trách nội bộ vì chia sẻ trên LinkedIn khoản tiền lương cơ bản 220.000 USD, cùng với 55.000 USD tiền thưởng.

Nguồn: BI

Mộc Tiên

Cùng chuyên mục
XEM