Hạn chế cho vay bất động sản, động lực tăng trưởng tín dụng 6 tháng cuối năm 2022 sẽ đến từ nhóm ngành nào?

23/07/2022 07:52 AM | Kinh tế vĩ mô

Theo SSI Research, động lực tăng trưởng tín dụng cho 6 tháng cuối năm 2022 có thể sẽ khác với nửa đầu năm, khi trọng tâm chuyển sang cho vay dài hạn đối với các lĩnh vực cơ sở hạ tầng, sản xuất, giáo dục, y tế và truyền tải điện.

Tại Hội nghị phát triển thị trường bất động sản được tổ chức ngày 14/7 vừa qua, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết Ngân hàng Nhà nước vẫn giữ chỉ tiêu tín dụng định hướng năm 2022 là 14%. Con số này cao hơn mức tăng 13,61% năm 2021 và 12,17% năm 2020. Luỹ kế từ đầu năm 2022 tới 30-6-2022, tín dụng đã tăng trưởng 9,3%, cao hơn so với mức tăng trưởng cùng giai đoạn của những năm trước dịch Covid-19.

Liệu mục tiêu này có đạt được trong bối cảnh áp lực lạm phát toàn cầu cùng với các quy định mới/dự thảo sửa đổi quy định cũ chặt chẽ hơn trong ngành bất động sản.

Theo quan sát của SSI Research, trong nhiều năm qua NHNN đã nới hạn mức tín dụng cho các ngân hàng trong nước mỗi năm hai lần, mỗi lần bình quân vào khoảng 2% -3%. Căn cứ vào hạn mức ban đầu được NHNN cấp vào đầu năm 2022, tăng trưởng tín dụng được tính ở mức 11,1% đối với các ngân hàng nằm trong phạm vi phân tích của SSI. Con số này thấp hơn 3% so với con số tăng trưởng tín dụng mục tiêu là 14% của NHNN.

Để kiểm soát lạm phát, NHNN có thể thận trọng hơn trong việc nới hạn mức tín dụng trong nửa cuối năm 2022. Hạn mức được cấp thêm có thể chỉ ở mức vừa phải, đi cùng với điều kiện các ngân hàng phải hạn chế giải ngân cho các phân khúc rủi ro.

Tuy nhiên, ngay cả trong trường hợp việc nới hạn mức tăng trưởng tín dụng thấp hơn so với những năm gần đây, SSI Research vẫn kỳ vọng tăng trưởng tín dụng cả năm có thể đạt hoặc nhỉnh hơn con số 14%, phản ánh tác động của lạm phát. Điều này vẫn có nghĩa là tăng trưởng tín dụng trong 6 tháng cuối năm 2022 sẽ chậm hơn so với mức tăng trưởng tín dụng nửa đầu năm.

Theo quan điểm của SSI Research, động lực tăng trưởng tín dụng cho 6 tháng cuối năm 2022 có thể sẽ khác với nửa đầu năm, khi trọng tâm chuyển sang cho vay dài hạn đối với các lĩnh vực cơ sở hạ tầng, sản xuất, giáo dục, y tế và truyền tải điện. Trong vài năm qua, theo số liệu của NHNN, dư nợ dành cho chủ đầu tư bất động sản chiếm từ 5% -10% mức tăng ròng của tổng dư nợ tín dụng. Công ty chứng khoán này cho rằng ngay cả khi hoạt động cho vay chủ đầu tư bất động sản bị hạn chế, nhu cầu tín dụng từ các lĩnh vực khác vẫn đủ lớn để đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng cho năm 2022.

Hạn chế cho vay bất động sản, động lực tăng trưởng tín dụng 6 tháng cuối năm 2022 sẽ đến từ nhóm ngành nào? - Ảnh 1.

Đối với năm 2023, SSI Research dự báo tăng trưởng tín dụng sẽ chậm hơn so với năm 2022 và quay trở lại mức trước Covid là khoảng 13% - 14% so với đầu năm. Ngoài ra, hoạt động cho vay tài chính tiêu dùng có thể sẽ bị ảnh hưởng do tiêu dùng giảm xuống. Tuy nhiên, dư nợ cho vay đối với các doanh nghiệp sản xuất, lĩnh vực cơ sở hạ tầng và các lĩnh vực đang phục hồi sẽ tăng trưởng tốt; với khoảng 1,2 triệu tỷ đồng sẽ được giải ngân thông qua chương trình hỗ trợ lãi suất 2%.

Mộc An

Cùng chuyên mục
XEM