Hà Nội: Một nửa chung cư chưa bàn giao phí bảo trì, Bộ Xây dựng kiến nghị chuyển cơ quan điều tra

17/06/2019 09:35 AM | Bất động sản

Hơn 254 dự án bị chủ đầu tư (CĐT) chậm trễ bàn giao quỹ bảo trì, đây là một trong những nguyên nhân chính khiến cho tranh chấp giữa CĐT và cư dân trở nên căng thẳng leo thang dẫn đến nhiều vụ việc không mong muốn.

Liên quan đến công tác quản lý Nhà nước về quản lý, sử dụng nhà chung cư trên địa bàn TP Hà Nội, Bộ Xây dựng vừa có văn bản thông báo gửi UBND TP Hà Nội.

Theo đó, Bộ Xây dựng cho biết việc xử lý các tranh chấp phát sinh trong quản lý nhà chung cư còn chậm, hiệu quả chưa cao do các cấp chính quyền cơ sở, các Sở, ngành chưa vào cuộc hoặc vào cuộc nhưng không đạt yêu cầu; chưa xử lý, giải quyết dứt điểm những vụ việc thuộc thẩm quyền.

Đến nay trên địa bàn thành phố vẫn còn số lượng khá lớn chung cư (253/745 chung cư thương mại, chiếm 34%; 60/153 chung cư tái định cư, chiếm 29%) chưa tổ chức được Hội nghị của nhà chung cư và thành lập Ban quản trị.

Trên địa bàn thành phố vẫn còn 100/492 (chiếm 20%) chung cư thương mại, 35/82 (chiếm 43%) chung cư tái định cư chưa bàn giao được Hồ sơ nhà chung cư cho Ban quản trị; 154/492 (chiếm 31,3%) chung cư thương mại chưa bàn giao diện tích sở hữu chung cho Ban quản trị, trong đó có 23 trường hợp (chiếm 4,7%) phát sinh tranh chấp về diện tích chung – riêng.

Vẫn còn số lượng rất lớn chung cư (254/492 chung cư thương mại, chiếm 52%; 33/82 chung cư tái định cư, chiếm 40%) chưa bàn giao kinh phí bảo trì phần sở hữu chung cho Ban quản trị, trong đó phát sinh 39 trường hợp chung cư thương mại có tranh chấp về kinh phí bảo trì này.

Công tác PCCC vẫn còn nhiều tồn tại: Tính đến tháng 6/2018, Cảnh sát PCCC thành phố đã tổ chức rà soát, kiểm tra các cơ sở, công trình nhà cao tầng về các quy định về PCCC và đã công bố danh sách 91 công trình cao tầng cần khắc phục các tồn tại vi phạm về PCCC, trong đó phần lớn là các nhà chung cư cao tầng; vẫn còn những dự án chưa được nghiệm thu PCCC nhưng đã đưa dân vào ở…

Công tác đôn đốc, kiểm tra, thanh tra các chủ đầu tư, các chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư của các cơ quan chức năng chưa thường xuyên, chưa đáp ứng. Việc xử lý các hành vi vi phạm trong quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư chưa kịp thời, chưa triệt để.

Trước thực trạng trên, Bộ Xây dựng kiến nghị UBND TP Hà Nội tiếp tục chỉ đạo Sở Xây dựng TP Hà Nội và các cơ quan chức năng của thành phố khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ đã được Thủ tướng Chính phủ giao tại Chỉ thị số 29/2018/CT-TTg cũng như tập trung thực hiện một số nội dung cụ thể sau: Lãnh đạo, chỉ đạo khắc phục các hạn chế, tồn tại đã nêu và thực hiện nghiêm túc pháp luật liên quan tới công tác quản lý, vận hành chung cư.

Thường xuyên rà soát, cập nhật tình hình và số liệu về quản lý, sử dụng nhà chung cư, đặc biệt là số liệu liên quan đến kinh phí bảo trì (phân loại số liệu theo thời gian trước và sau khi có Luật Nhà ở 2014).

Tiếp tục công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục về các quy định của pháp luật trong quản lý, sử dụng nhà chung cư cho từng nhóm đối tượng trên địa bàn thành phố (chính quyền cấp quận, huyện, phường, xã; Chủ đầu tư; Ban quản trị; đơn vị quản lý vận hành; chủ sở hữu, người sử dụng). Có hình thức khen thưởng xứng đáng để động viên kịp thời đối với các cấp chính quyền, các tổ chức, cá nhân có liên quan làm tốt công tác liên quan đến quản lý, sử dụng nhà chung cư cũng như phê bình nghiêm khắc các cấp chính quyền, tổ chức, cá nhân làm chưa tốt công tác này. Có tổng kết, đánh giá để xem xét nhân rộng mô hình chung cư "An toàn - Thân thiện - Lịch sự" như quận Bắc Từ Liêm đã triển khai.

Tiếp tục chỉ đạo Sở Xây dựng, các quận, huyện đôn đốc các chủ đầu tư dự án trên địa bàn chưa tổ chức Hội nghị nhà chung cư thì khẩn trương tổ chức Hội nghị nhà chung cư theo quy định để bầu Ban quản trị, bàn giao kinh phí bảo trì phần sở hữu chung 2% cho Ban quản trị.

Chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm quy định về quản lý, sử dụng nhà chung cư trên địa bàn (trong đó cần tập trung xem xét, giải quyết đối với các chung cư đang có tranh chấp như: Hồ Gươm Plaza, Star City 81 Lê Văn Lương, Goldmark City, một số dự án của doanh nghiệp tư nhân Điện Biên, Usilk City…).

Đối với một số chung cư thuộc sở hữu Nhà nước mà không có kinh phí bảo trì hiện nay đã xuống cấp thì đề nghị UBND TP Hà Nội chỉ đạo các cơ quan có liên quan: Sở Xây dựng, Sở Tài chính… xây dựng kế hoạch, bố trí nguồn vốn để bảo trì các chung cư này.

Chuyển cơ quan điều tra để xử lý nghiêm theo quy định đối với các chủ thể có hành vi vi phạm nghiêm trọng trong quản lý, sử dụng, vận hành nhà chung cư, đặc biệt là hành vi chiếm dụng, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư trái quy định của pháp luật.

Chỉ đạo các cơ quan của thành phố khẩn trương thực hiện việc đầu tư sủa chữa, cải tạo, nâng cấp lắp mới hệ thống PCCC tại các khu nhà chung cư tái định cư của thành phố. Khẩn trương tổ chức kiểm định chất lượng các chung cư cũ trên địa bàn để có phương án xử lý.

Chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất các quận, huyện khẩn trương giải quyết việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho cư dân tại các dự án có đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận.

Chỉ đạo Sở Xây dựng báo cáo Bộ Xây dựng theo quy định tại Khoản 2, Điều 47 của Thông tư số 02/2016/TT-BXD về tình hình thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về quản lý, sử dụng nhà chung cư trên địa bàn TP Hà Nội theo định kỳ 6 tháng, hàng năm hoặc đột xuất.

Theo Thanh Ngà

Cùng chuyên mục
XEM