Không chỉ mang toàn bộ chung cư Westa "thế chấp" ngân hàng, Coma18 cũng không biết gần 10 tỷ đồng phí bảo trì đã thu của cư dân giờ ở đâu
Sau khi mua căn hộ chung cư Westa Hà Đông, hàng trăm cư dân mới biết toàn bộ dự án đã được thế chấp ngân hàng, đặc biệt 10 tỷ đồng quỹ bảo trì thu của dân cũng bị chủ đầu tư chiếm dụng.
Những ngày qua, gần 300 hộ dân sống tại chung cư Westa (tọa lạc tại 104 Trần Phú, Hà Đông) – CĐT Công ty Cổ phần Cơ khí xây dựng số 18 – đã căng băng rôn trên nhiều căn hộ và toà nhà để phản đối CĐT phớt lờ chỉ thị của UBND TP Hà Nội về việc trả quỹ bảo trì và sổ đỏ cho cư dân Westa.
Đại diện cư dân chung cư Westa (Hà Đông, Hà Nội) cho biết dù đã được nhận bàn giao căn hộ từ năm 2014 và đến nay dự án đã có 275 trên tổng số 300 căn hộ có người về ở. Tuy nhiên, hiện họ vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ hồng) và toàn bộ hơn 12 tỷ đồng phí bảo trì.
Theo cư dân tòa nhà, chủ đầu tư mới chỉ trả cho cư dân 200 triệu tiền phí bảo trì là quá ít so với số tiền 12 tỷ, sau 5 năm đi vào hoạt động nhiều hạng mục đã xuống cấp nghiêm trọng nhưng không được sửa chữa ảnh hưởng đến cuộc sống hàng trăm hộ dân tại đây.
Các hạng mục xuống cấp có thể kể đến như là hệ thống phòng cháy chữa cháy (PCCC) báo cháy không chính xác, các tầng thương mại chưa được bàn giao thành nơi để rác, hạng mục cây xanh chưa hoàn thiện…
Đặc biệt, gần đây qua thông tin từ Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội, cư dân mới được biết nguyên nhân là chủ đầu tư đang thế chấp cả toà nhà trong ngân hàng.
Theo người dân đã nhiều lần đối thoại với chủ đầu tư nhưng vẫn chưa có kết quả.
Liên quan tới những vấn đề trên, chúng tôi đã có buổi làm việc với phía chủ đầu tư. Đại diện chủ đầu tư thừa nhận toàn bộ dự án đã được thế chấp tại ngân hàng cho khoản vay hơn 170 tỷ đồng.
Trước câu hỏi, liệu Coma 18 có phương án trả khoản nợ của ngân hàng hay không, vị đại diện này cho biết hiện nay tình hình tài chính của công ty vô cùng khó khăn, doanh nghiệp cũng đang cố gắng thu xếp với ngân hàng nhưng vẫn chưa có phương án giải quyết.
Tuy nhiên, theo chúng tôi được biết, hiện nay nguồn tiền trả nợ cho ngân hàng của Coma 18 không khả thi khi thời gian gần đây doanh nghiệp liên tục thua lỗ. Mới đây nhất, báo cáo tài chính quý 1/2019 của Coma 18 cho thấy doanh nghiệp lỗ 81,5 triệu đồng sau thuế.
Trả lời câu hỏi, trong trường hợp Coma 18 không đủ tiền trả cho ngân hàng, ngân hàng sẽ siết nợ tòa nhà thì hàng trăm cư dân mua nhà tại đây sẽ ra sao? Đại diện Coma 18 cho biết cái này chúng tôi chờ pháp luật giải quyết.
Liên quan đến phí bảo trì, theo cư dân phản ánh toàn bộ hơn 12 tỷ đồng phí bảo trì. Tuy nhiên, đại diện chủ đầu tư khẳng định sau khi tính toán lại khoản phí bảo trì đã thu của dân chỉ còn khoảng gần 10 tỷ. Khi được hỏi khoản tiền này đã thu đủ của dân từ khi bán nhà hiện nay khoản này đang nằm ở đâu, vị đại diện này cho biết hiện Coma 18 đã thay 3 đời lãnh đạo và từ khi lãnh đạo mới tiếp nhận từ năm 2015 đã không còn khoản tiền này.
Vậy gần 10 tỷ đồng tiền quỹ bảo trì đã thu đủ của người dân hiện có còn hay đã bị chủ đầu tư chi tiêu cho mục đích khác hiện nay không rõ. Trong khi tình hình tài chính của công ty bết bát, liên tục thua lỗ thì khả năng bàn giao quỹ bảo trì cho cư dân là điều không dễ.
Ông Bùi Quang Đông - Chủ tịch HĐQT Coma 18.
Được biết, khi triển khai dự án Westa Hà Đông, COMA 18 là doanh nghiệp nhà nước nắm giữ 51% phần vốn, thuộc Tổng công ty cơ khí xây dựng (COMA), do Bộ Xây dựng quản lý. Từ tháng 5/2016, COMA đã thoái toàn bộ vốn nhà nước tại dự án. Bởi vậy, COMA 18 là doanh nghiệp cổ phần có 100% vốn tư nhân. Hiện nay, ông Bùi Quang Đông giữ chức chủ tịch Hội đồng quản trị.
Sau khi thay đổi về cơ cấu cổ đông, ban lãnh đạo mới của COMA đang phải đối mặt với hàng loạt khó khăn như nợ ngân hàng chưa có khả năng thanh toán, nợ nhà thầu, nợ thuế, nợ bảo hiểm xã hội... Do đó, tuy khẳng định ban lãnh đạo vẫn từng bước thực hiện các nghĩa vụ của cư dân Westa, vị này cho biết chưa thể giải quyết "một sớm một chiều" mà phải thực hiện từng phần và cần thêm thời gian.
Liên quan đến sự việc này trao đổi với chúng tôi, Luật sư Nguyễn Hữu Đỉnh cho biết, chủ đầu tư mang dự án cầm cố ở ngân hàng để bán là vi phạm pháp luật bởi đây là tài sản đã thế chấp, chủ đầu tư phải giải chấp mới được bán. Vì một tài sản không thể vừa thế chấp cho ngân hàng, vừa bán cho người khác.
Đối với phí bảo trì, Luật sư Đỉnh phân tích, tiền phí bảo trì này không phải là tiền của chủ đầu tư mà đây là khoản tiền cư dân giao cho chủ đầu tư giữ hộ, sau này trả lại theo quy định của pháp luật. "Đối với những trường hợp chủ đầu tư cố tình không trả thì có thể khởi tố hình sự", Luật sư này cho biết.