Hà Nội có thể sẽ hết tắc đường, bớt ô nhiễm vào năm 2020 nhờ lý do quan trọng sau

07/12/2016 10:05 AM | Xã hội

Nếu đúng như báo cáo của UBND TP Hà Nội mới đưa ra, thì đến năm 2020, 117 cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn 12 quận sẽ di dời ra khỏi nội thành.

Di dời 117 cơ sở sản xuất công nghiệp đến 2020

Điều này sẽ đồng nghĩa là hàng trăm nghìn công nhân đang làm việc tại 117 nhà máy (thuộc 21 dự án) này sẽ làm việc tại ngoại thành.

Theo đó, tổng quỹ đất có thêm của thành phố sau di dời là 346.000m2. Trong đó, diện tích xây dựng nhà ở là 141.862m2; diện tích đất trường học là 39.136m2; diện đích đất hạ tầng kỹ thuật là 150.258m2; diện tích đất thương mại, dịch vụ là 11.238m2.

Dự kiến, lộ trình di dời các cơ sở công nghiệp theo 4 giai đoạn:

- Giai đoạn 1: Thực hiện ở 4 quận nội thành gồm: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng.

- Giai đoạn 2: Di dời các cơ sở vừa gây ô nhiễm môi trường vừa không phù hợp quy hoạch.

- Giai đoạn 3: Di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường.

- Giai đoạn 4: Di dời các cơ sở còn lại.

Báo cáo UBND TP cho biết, đến thời điểm hiện tại, công tác di dời các cơ quan - đơn vị, cơ sở y tế - giáo dục đã tổ chức thực hiện theo đúng quy định tại Khoản 1, Điều 9, Luật Thủ đô.

Cụ thể là không xem xét giải quyết các trường hợp mở rộng diện tích sử dụng đất và quy mô giường bệnh của các bệnh viện hiện có; không xây dựng mới các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp (chỉ chấp thuận một số dự án cải tạo nâng cấp cơ sở vật chất, chất lượng phục vụ, không tăng giường bệnh như Bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức...).

UBND TP Hà Nội cũng đã xem xét, giới thiệu địa điểm đầu tư xây dựng các cơ sở bệnh viện - trường học, các cơ quan - đơn vị để phục vụ di dời.

Đến nay, tổng số cơ sở bệnh viện đã và đang thực hiện di dời là 8 cơ sở. Trong đó, 2 cơ sở đã đi vào sử dụng là Bệnh viện K cơ sở 2 và Bệnh viện Nội tiết Trung ương, nhưng tiếp tục sử dụng cơ sở cũ.

TP Hà Nội đã bố trí quỹ đất khu các trường đại học tập trung tại Hòa Lạc với quy mô 279,5ha. Đến nay mới có 1 trường được giới thiệu di dời đến khu vực này là Khoa Luật thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội.

Trường Đại học Y tế Công cộng đang thực hiện di dời, tuy nhiên, khu đất sau di dời tại số 138B Giảng Võ đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận bán chỉ định, chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

TP Hà Nội đã phối hợp với các Bộ và cơ quan giới thiệu, bố trí quỹ đất phục vụ di dời cho 9 cơ quan, trong đó 7 cơ sở tiếp tục giữ lại làm trụ sở hoặc bàn giao cơ quan Trung ương quản lý và 2 cơ sở đã được chấp thuận chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

Theo ông Phan Hồng Sơn, Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội, việc áp dụng quy hoạch chung về quản lý dân cư phần nào giảm áp lực về dân số trong khu vực nội thành Hà Nội.

Trong những năm qua, số lượng nhân khẩu tạm trú, số lượng người dân di cư tự phát vào nội thành Thủ đô tăng đột biến. Tính đến nay, toàn thành phố có gần 70.000 hộ và 720.000 nhân khẩu tỉnh ngoài tạm trú. Riêng 12 quận nội thành trong 3 năm qua đã tiếp nhận và giải quyết đăng ký thường trú cho 3.452 trường hợp.

Tính đến ngày 1/7/2016, thành phố Hà Nội đăng ký hộ khẩu khoảng 1.877.599 hộ với 7.385.545 nhân khẩu.

Mỹ Lan

Cùng chuyên mục
XEM