Gửi tiền hàng tháng về cho mẹ chồng, đến ngày tôi thông báo mua nhà mà chết lặng trước câu nói của bà
Khi thông báo kế hoạch sẽ mua nhà, mẹ chồng đã yêu cầu họp mặt gia đình và làm điều không ngờ.
Bài viết dưới đây là chia sẻ của cô Khương đang nhận được sự chú ý trên nền tảng Toutiao.
Xoay xở để báo hiếu mẹ
Tôi và chồng là bạn học cùng lớp đại học. Chúng tôi yêu nhau được 5 năm thì đi đến kết hôn khi đã đủ thấu hiểu. Thay vì trở về quê hương để lập nghiệp, chúng tôi quyết định bám trụ tại thành phố. Do điều kiện gia đình 2 bên không khá giả nên vợ chồng tôi buộc phải xoay xở.
Chúng tôi nỗ lực làm việc để vừa đáp ứng được cuộc sống của 2 người, vừa mong muốn dư thêm một khoản để gửi về biếu bố mẹ hàng tháng. Do bố mẹ tôi đã có tiền hỗ trợ tuổi già của cơ quan nên ông bà từ chối nhận. Duy chỉ có mẹ chồng không có lương hưu nên chúng tôi “ép” bà nhận số tiền chúng tôi hỗ trợ. Điều chúng tôi mong muốn là bà sẽ dùng khoản tiền này nhằm mua thuốc bổ, ăn những món ngon, đi du lịch nếu muốn để nâng cao sức khỏe ở những năm tháng tuổi già.
Thông thường, vợ chồng tôi chuyển khoản cho mẹ 3.000 NDT vào ngày đầu tháng (khoảng 10,5 triệu đồng). Mỗi lần như vậy, tôi đều đích thân gọi để thông báo cho bà, đồng thời hỏi thăm tình hình ở quê nhà. Tất nhiên, tôi không quên dặn mẹ không phải quá tiết kiệm, hãy ăn uống đầy đủ để giữ gìn sức khỏe. Đó mới điều quan trọng. Đáp lại, mẹ nhắc nhở vợ chồng chúng tôi hãy giữ lại ít tiền để chi tiêu ở thành phố lớn và không cần phải gửi số tiền lớn đến như vậy.
Câu nói khiến 2 vợ chồng chết lặng
Thời gian thấm thoát trôi qua. Guồng quay công việc luôn cuốn chúng tôi đi. Sau gần 1 năm, cả 2 vợ chồng mới có thể sắp xếp thời gian để trở về thăm mẹ. Nhân cơ hội này, tôi cũng thông báo với bà về kế hoạch sẽ mua nhà ở thành phố trong thời gian tới. Tôi chia sẻ thẳng thắn về việc sẽ vay trả góp ngân hàng khoảng 70% tiền nhà. Còn lại, 2 vợ chồng tự gom góp hoặc vay mượn anh em bạn bè.
Kể với mẹ câu chuyện này, chúng tôi không phải mong muốn sẽ nhờ mẹ hỗ trợ. Bởi vợ chồng tôi hoàn toàn hiểu được rằng bà đã vất vả kiếm sống cả đời. Khoản tiền tiết kiệm ở những năm tháng tuổi già là chỗ dựa để bà có thể thoải mái chi tiêu.
Song chúng tôi không ngờ rằng sau bữa tối hôm đó mẹ đã gọi các con lại để nói chuyện. Khi tất cả có mặt đông đủ, mẹ trao cho chúng tôi cuốn sổ tiết kiệm trị giá 300.000 NDT (khoảng 1 tỷ đồng). Bà nói rằng mong muốn hỗ trợ các con tiền mua nhà. Vì tò mò, tôi hỏi mẹ về nguồn gốc của số tiền này. Bởi vợ chồng tôi hiểu mẹ không thể nào có số tiền lớn đến như vậy.
Lúc này bà mới tiết lộ đều đặn hàng tháng dùng số tiền tiết kiệm vợ chồng tôi gửi để gửi vào ngân hàng chứ không bỏ ra tiêu. Vợ chồng tôi như chết lặng khi nghe được điều này. Thấy vậy, mẹ vội vàng giải thích: “Mẹ sống một mình ở quê nhà không cần chi tiêu quá nhiều tiền. Số tiền 2 đứa gửi về mẹ đã cất đi chỉ với mong muốn có cơ hội được giúp đỡ. Mẹ nghĩ giờ là lúc nên trao lại cho vợ chồng con số tiền này”.
Sau khi nghe bà nói câu đó, cả 2 vợ chồng tôi đã òa khóc. Trong suốt thời gian về thăm nhà, tôi quan sát kỹ cuộc sống của mẹ và nhận ra: Thứ bà thiếu không phải là tiền. Điều mà những đấng sinh thành của chúng ta cần hơn cả là sự chăm sóc và quan tâm của con cái.
Nói chuyện nhiều hơn với mẹ, tôi nhận ra rằng việc gửi 3.000 NDT hàng tháng cho mẹ thực chất chỉ là một cách để chạy trốn trách nhiệm. Vợ chồng tôi dùng tiền để không phải chăm sóc mẹ và nghĩ rằng điều này là hiếu thảo. Song thực tế sự hiếu thảo chân thành không chỉ đo bằng tiền bạc, điều cần làm hơn cả là sự đồng hành.
Khi còn nhỏ, cha mẹ chỉ mong con phát triển khỏe mạnh. Lớn hơn một chút, cha mẹ bắt đầu kỳ vọng nhiều hơn, mong con học tốt, tránh xa những thứ tiêu cực. Và lúc con bắt đầu bước vào ngưỡng cửa đại học, cha mẹ mong con mình sau khi tốt nghiệp tìm được một công việc tốt.
Những kỳ vọng của cha mẹ đều hướng đến mục đích chung là mong con nên người, có cuộc sống vui vẻ. Thế nhưng càng lớn, với những bộn bề của cuộc sống, công việc, nhiều người hiếm khi quan tâm xem cha mẹ thật sự cần gì ở mình. Dù không nói ra, song cha mẹ nào cũng mong được con cái kề cận, yêu thương mỗi ngày.
Con cái không thể chỉ dùng tiền bạc để bày tỏ lòng hiếu thảo mà còn cần cảm nhận nhu cầu của bố mẹ bằng cả tấm lòng. Chỉ bằng cách này, chúng ta mới làm tròn trách nhiệm của 2 từ “hiếu thảo”.