Gửi những người ăn nói vụng về: Không biết nói gì tốt nhất đừng nói, nói không suy nghĩ chỉ tổn thương người khác mà thôi
Lời nói là con dao hai lưỡi, xin bạn nhất định phải cẩn thận với nó. Có những lúc nói sai rồi bạn cười một cái cho qua, nhưng tổn thương trong lòng người sẽ vẫn luôn có đó.
01
Hôm qua mới giải quyết xong đề án, lại mua được một vé xem phim giảm giá, nên tâm trạng tôi tốt lắm, định tan làm đi xem phim rồi về ngủ sớm. Nào ngờ đi được nửa đường thì gặp đồng nghiệp cũ nên đứng lại hàn huyên vài câu.
- Chồng chị về chưa?
- Vẫn chưa.
- Thế thì chắc anh ấy không định về đâu, chị có chờ nữa cũng vô vọng thôi.
Nghe cô ấy nói xong, tâm trạng vui vẻ của tôi liền mất sạch.
Ngày nào tôi cũng cố gắng tự an ủi bản thân, ngăn mình không nghĩ quá nhiều về hoàn cảnh hiện tại. Thế mà chỉ một câu nói của cô ấy đã kéo tôi trở lại hiện thực.
Có những lúc, tôi thật sự rất ghét những người "quan tâm" tôi. Họ luôn thăm dò mọi góc ngách trong cuộc sống của tôi, sau đó đưa ra những kiến nghị "tốt cho tôi".
Nhưng họ thật sự đang quan tâm tôi sao? Giống như đồng nghiệp kia, ngoài việc lúc nào cũng nhắc nhở tôi về tuổi tác, rồi giục tôi mau sinh con, thì cô ấy có biết gì về tôi?
Bạn bè thực sự sẽ không đụng vào vết sẹo của bạn, bởi họ hiểu câu chuyện đằng sau lựa chọn đó, họ hiểu bạn có nỗi khổ tâm không nói ra được.
02
Lan là bạn học cùng tôi từ mẫu giáo đến hết cấp 2, hồi đó chúng tôi chơi rất thân, đi đâu cũng dính lấy nhau, như hình với bóng. Mặc dù cấp 3 và đại học không học cùng nhau, thậm chí bây giờ cũng đang làm việc ở hai tỉnh thành khác nhau, nhưng chúng tôi chưa bao giờ đứt liên lạc.
Bây giờ Lan đang làm việc ở Đà Nẵng còn tôi thì ở Hà Nội, mặc dù xa nhau nhưng năm nào chúng tôi cũng sắp xếp gặp nhau ít nhất hai lần, hoặc cùng nhau đi du lịch, hoặc tôi vào Đà Nẵng thăm Lan, hoặc là Lan ra Hà Nội chơi với tôi.
Dù đã kết hôn được 5 năm, nhưng cô ấy không hề có ý định sinh em bé. Trước giờ tôi chưa từng hỏi tại sao. Cô ấy cũng biết tôi không sống chung với chồng dù đã lập gia đình, nhưng không bao giờ đề cập đến.
Tôi vô cùng cảm ơn sự im lặng của cô ấy, cô ấy hiểu nếu tôi muốn nói thì tự nhiên sẽ nói, tôi không nói, mà cô ấy hỏi, thì chính là một sự giày vò.
Thăm dò tâm tư của người khác là một hành động rất bất lịch sự. Là một người trưởng thành, bạn nên nhận ra rằng hành động đó sẽ ảnh hưởng, có thể khá xấu, đến tâm trạng người bị hỏi. Dù câu từ của bạn có đủ chủ ngữ, vị ngữ, đại từ nhân xưng và tình thái từ thì cũng không có nghĩa là nó sẽ khiến người nghe dễ chịu. Dù thế nào đi nữa, vừa mở miệng ra đã hỏi chuyện riêng tư của người khác là vô cùng bất lịch sự, thiếu tôn trọng đối phương.
Có lẽ cũng vì những năm gần đây được quá nhiều người "quan tâm", nên tôi vô cùng chú ý đến sự tế nhị trong giao tiếp, hạn chế góp ý về cuộc sống riêng tư của người khác.
03
Đầu năm nay, một người bạn khác của tôi đột nhiên bỏ việc và đi khỏi Hà Nội. Bao nhiêu năm nay, hai chúng tôi có thể xem như chị em trong nhà, gặp chuyện gì cũng kể với nhau.
Nhưng tôi hoàn toàn không hề biết gì về chuyện cô ấy nghỉ việc. Mãi đến một ngày tôi nhắn tin hẹn đi ăn, cô ấy mới nói là đã rời Hà Nội, và sẽ liên lạc lại với tôi khi tâm trạng tốt hơn.
Đến bây giờ tôi vẫn đợi cô ấy liên lạc, mặc dù rất muốn biết rốt cuộc đã xảy ra chuyện gì, nhưng tôi nhẫn nhịn không hỏi. Cô ấy không muốn nói cho tôi, có nghĩa là tôi không thể giúp gì được, nói ra chỉ thêm một người lo. Mà nếu đã chẳng giúp gì được, thì sao tôi lại phải cố chấp động tới nỗi đau của cô ấy chứ?
Có những người yếu đuối, họ cần động viên của người xung quanh nhưng bên cạnh đó cũng có những người không như vậy, họ lựa chọn mạnh mẽ. Khi người ta đã lựa chọn mạnh mẽ sau những nỗi buồn, thì chúng ta, những người quan tâm thật sự không nên làm phiền, gợi lại nỗi buồn, chạm vào vết thương lòng của họ nữa nhất là khi chúng ta cũng không thể giúp gì được cho họ. An ủi phải đúng lúc, đúng hoàn cảnh, và quan trọng là đúng người.
04
Thực ra những người "quan tâm" bạn kiểu đó, đều là những người không thể giải quyết vấn đề của bạn.
Người đã kết hôn thì sốt ruột hộ bạn bè còn độc thân, ai đã ly hôn thì rêu rao rằng hôn nhân chỉ là giả dối, người sinh con rồi nói những người không muốn có con là ích kỷ, người đã đi làm thấy những người đi học thạc sĩ, tiến sĩ là lãng phí thời gian, người khởi nghiệp, lập nghiệp lại cho những người đi làm thuê là đang đem bán linh hồn, ai đã mua nhà thì giục người khác phải mua được nhà bằng mọi giá...
Con người, nói cho cùng, thì chỉ khi thấy lựa chọn của chính mình không đúng, mới dùng cách vùi dập người khác để tìm sự tán đồng. Họ chê bôi giục giã này nọ, thực ra chỉ là muốn bạn tán đồng, ngưỡng mộ họ mà thôi.
Dù biết rõ rằng đã lựa chọn khác biệt thì không nên để ý đến ánh mắt của người khác, nhưng con người vẫn là con người, kiểu gì cũng sẽ có lúc yếu đuối. Hơn nữa, lời đàm tiếu của người đời thực sự khiến người ta khó thở. Ngôn ngữ tuy vô hình nhưng lực sát thương của nó không hề nhỏ.
Bạn ăn cái bánh ngọt, lập tức có người tới bên cạnh lải nhải đồ ngọt tăng cân; cuối tuần lên thư viện đọc sách, lại có người khuyên bạn nên vận động; bạn muốn đi biển, thế là có người phàn nàn đi biển đen da. Mặc dù không có ác ý, nhưng những câu nói ấy rất dễ làm tụt cảm xúc. Mà như thế thì mấy lời "quan tâm" có khác gì mấy câu vu vơ của người xa lạ?
Chúng ta dành hai năm để học nói, nhưng lại dành hơn 60 năm để học ngậm miệng. Nhiều khi, chúng ta càng nói nhiều, mâu thuẫn sẽ càng nhiều. Khi giao tiếp, rất nhiều người chỉ vội vàng bày tỏ suy nghĩ của mình mà không quan tâm đến cảm xúc và suy nghĩ của người khác.
Hai năm học nói, cả đời học ngậm miệng. Nếu không hiểu, không nói nhiều. Tâm trạng bất ổn, nói từ từ. Nếu không có gì để nói, thì đừng nói.
Đi đúng đường, đừng cố níu kẻ vô tâm, kết bạn với người hiểu chuyện, cắt bớt các mối quan hệ vô nghĩa, uống trà thanh tịnh, thưởng rượu ngát hương, mở rộng quan hệ, bớt lời thị phi.
Ngay bây giờ, hãy bắt đầu từ việc đừng chọc đến nỗi đau của người khác mỗi lần nói chuyện.