Gửi đồng nghiệp “đón con sớm” và hay nhờ vả: Người độc thân cũng cần tiền để tiêu và người yêu để đón!
Tinh thần “Độc-thân-do-it-all” dường như đã thành kim chỉ nam cho nhiều đồng nghiệp và khi có việc gì cần nhờ vả thì câu cửa miệng của họ sẽ là “Em còn độc thân mà, làm giúp anh/chị nhé, anh/chị bận đi đón con”.
Tâm thư của một nhân viên độc thân gửi những người anh chị có con cái đề huề và thích-nhờ-vả:
“Tôi từng là thành viên nhỏ tuổi nhất trong công ty và trên tôi là những anh chị đã có chồng/vợ, con cái đề huề. Tôi đã nghĩ làm việc với những người lớn tuổi sẽ tránh thị phi chốn công sở nhưng thực chất mọi việc diễn ra không suôn sẻ như vậy. Trong 1001 câu chuyện không mấy vui vẻ ở chốn công sở, đây là một câu chuyện phổ biến nhưng ít khi được nhắc tới: "Độc thân do-it-all".
Những tưởng chuyện độc thân vốn là độc quyền của các cô hàng xóm tọc mạch, mấy cô dì họ hàng lúc nào cũng muốn ăn cỗ và hay hỏi “bao giờ cho cô ăn cỗ thế” nhưng ở nhiều công sở, đồng nghiệp cũng không khiến cuộc sống độc thân của bạn vui vẻ hơn nhiều so với khi đi về quê ăn cỗ. Sẽ luôn có những câu hỏi dạng như thế này:
Đây có thể xếp vào dạng những câu hỏi vô duyên nhất với hội độc thân, còn hơn hẳn câu chuyện “bao giờ lấy vợ” vốn đã làm nhiều người nóng mắt và bực bội.
Người ta luôn gói gọn “gia đình” với câu chuyện vợ/chồng hoặc con cái nhưng không ai để ý rằng, những người độc thân cũng cần bố mẹ phải chăm sóc và ở một ngưỡng tuổi nào đó, bạn không thể sống cùng nhà với bố mẹ mà không phụ giúp một đồng nào được (ở riêng thì là một câu chuyện ở ngưỡng đắt đỏ khác).
Nếu những người có gia đình tìm được 1001 khoản thu nhập để kể lể, than vãn cho câu chuyện “Ui giời, có con vào tốn kém lắm em ơi” thì người độc thân cũng có 1002 lý do cho các khoản tiền cần tiêu của họ: tiền đóng góp cho bố mẹ, tiền tiết kiệm mua nhà, tiền chuẩn bị để mai sau lấy vợ, tiền đi ăn ở ngoài hàng với bạn bè, tiệc tùng… đó đều là những khoản mà khi lấy vợ/chồng, bạn hoàn toàn có thể cắt bớt khi dành cho con cái.
Bạn có bao giờ tưởng tượng những người độc thân ở riêng có những khoản gì đè lên đầu không? Tiền ở trọ không thể chia đôi, chi phí sinh hoạt cho một người đôi khi còn cao hơn hai người… Những người độc thân đôi khi còn bỏ lỡ những cơ hội như các loại thẻ hội viên dành cho vợ chồng, gói giảm giá du lịch cho các cặp đôi… Họ không phải chiến đấu với bỉm sữa, nhưng các loại chi phí khác đội lên đầu họ cũng chất cao như núi!
Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng, nếu so sánh hai nhân viên nam cùng thứ bậc và cùng năng lược, nhân viên nam độc thân luôn có mức lương thấp hơn hẳn. Và khi so sánh hai phụ nữ nghỉ hưu, những người độc thân luôn có ít tài sản hơn phụ nữ có gia đình. Không thú vị chút nào phải không?
Nếu có khi nào, bạn không cân nhắc nâng lương cho một nhân sự chỉ vì anh ấy/cô ấy còn độc thân, hãy thử đặt câu hỏi xem rằng liệu nếu anh ta lấy ba vợ thì lương có được tăng gấp ba không? Thước đo của lương thưởng không phải bằng câu chuyện đời tư cá nhân mà bằng năng lực. Công thức của lương thưởng không phải bằng tuổi đời + số con bạn có mà phải bằng với đóng góp và tài năng của mỗi người.
Và nếu tính về sự đóng góp, chắc chắn họ sẽ không phải xin về sớm để đi đón con hay có thể làm OT mà không có lý do con khóc.
Suy nghĩ về những người độc thân luôn đi kèm với những định kiến tiêu cực: Họ là những người cô lập, cô đơn và chỉ nghĩ tới bản thân mình - vậy thì đó chính là những nhân viên “lý tưởng” cho việc ở lại muộn, tới sớm rồi vì cuộc sống của họ cũng đâu có gì mới mẻ?
Hãy luôn nhớ rằng, đằng sau những bãi gửi xe mênh mông những khi chiều về, chúng tôi - những người đang độc thân, cũng có một gia đình.
Những người độc thân cũng có những mối quan hệ bạn bè thân thiết, họ cũng có người yêu để đón đưa và đi chơi với bạn bè. Chúng ta ai cũng được ban tặng một khoản thời gian tương tự nhau mỗi ngày, tại sao lại lấy thời gian của họ để bù đắp cho sự thiếu hụt thời gian của bạn - những người có vợ chồng? Một “cuộc sống” đâu chỉ gói gọn trong câu chuyện đón con, dạy con học, đưa cả nhà đi ăn tối… cuộc sống của những người độc thân đôi khi đơn giản chỉ là về chơi với thú cưng, đọc cuốn sách, nghe nhạc và nằm ngẫm nghĩ về mọi thứ.
Cả hai cuộc đời đó đều cần thời gian và sự tôn trọng.
Khi bạn độc thân, bạn có nhiều thời gian hơn dành cho bạn bè, anh chị em, bố mẹ. Chính vì thế, đời sống xã hội của những người độc thân còn phong phú hơn người có gia đình. Tôi không có những buổi tối nhàm chán, tẻ nhạt như những người có gia đình thường miêu tả - đó là những buổi tối cà phê với bạn bè, đi học một thứ gì mới hay tham gia các hoạt động xã hội. Trong mắt của những người có gia đình, lũ trẻ và tổ ấm là tâm của trái đất; còn trong mắt của những người độc thân, họ quan tâm tới mọi thứ xung quanh và bản thân mình như nhau. Không có cái nào là đúng là sai, nhưng cả hai đều không thể xâm phạm.
Những cặp vợ chồng cần đi nghỉ dưỡng, người độc thân cũng cần; ai cũng có một cái Tết để chờ mong và người độc thân cũng mòn mỏi cả năm ròng để hưởng trọn những ngày Tết. Ai cũng đồng cảm khi con nhỏ của đồng nghiệp bị ốm, nhưng tôi cũng mong mọi người hãy đừng hỏi những câu kiểu “Con chó ốm thôi mà cũng phải về sớm á”.
Gia đình của mỗi người đều quan trọng, dù là với những đứa trẻ đáng yêu hay cuộc sống độc thân với bầy mèo béo múp.
Sẽ luôn có một cái ngưỡng cho sự thân quen và cảm thông cho những người có gia đình trong một số trường hợp (dù bạn không cảm thông với lý do chính đáng thì cũng không ai nói bạn nhỏ nhen được), còn nếu vượt qua thì câu chuyện trở thành một điều không hay. Tôi luôn vui vẻ khi chị đồng nghiệp vội vàng đón con lúc chiều muộn và cần nhờ một số việc; đi kèm với đó luôn là lời cảm ơn dành cho tôi và không bao giờ lôi “câu chuyện độc thân” ra làm cái cớ.
Không nên lẫn lộn giữa sự thân thiết và quyền lợi công việc. Khi những cặp đôi có được rất nhiều quyền lợi ở mọi môi trường công sở, bạn chỉ cần dành cho những người độc thân hai điều: Sự tôn trọng và đừng “lấy cắp” thời gian của họ, dù cố tình hay vô ý.
Tự do có cái giá của nó; chúng ta đều đánh đổi điều gì đó trong cuộc đời để có hạnh phúc; mọi người có hạnh phúc với con cái và phải đánh đổi thêm thời gian, còn những người độc thân, công việc đâu phải lúc nào cũng là niềm vui của họ mà phải trả giá cho mỗi buổi tối để bạn được vui vẻ bên gia đình?