Trước trận tứ kết Việt Nam - Nhật Bản nhớ câu nói kinh điển của Tào Tháo: Đả bại kẻ "thành danh hãn tướng" là cách tốt nhất để uy chấn thiên hạ!
Đội tuyển Việt Nam gặp đội tuyển Nhật Bản, trong đầu không phải sợ cái quá khứ Nhật Bản, mà là nghĩ "Nếu đánh bại trận này, mình sẽ uy chấn Châu Á." Họ khao khát thắng cho giấc mơ dân tộc, và giấc mơ xuất ngoại của chính họ.
Vậy là Việt Nam sẽ gặp Nhật Bản ở tứ kết Asian Cup.
Nếu bạn từng sống như tôi, như chúng tôi, một thế hệ xem bóng đá từ những thập niên 90 tới giờ, bạn sẽ biết trân trọng về trận đấu ngày 24/1 tới đây.
Hôm nay, tôi sẽ viết để bạn biết vì sao nó đẹp? Nó đáng trọng, và nó đáng để bạn bỏ hết công chuyện mà ngồi trước màn hình tivi, hay bay sang UAE để xem bóng.
01.
Hồi năm 1998, World Cup được tổ chức ở Pháp, đội tuyển Nhật Bản lần đầu tiên tham dự. Họ nằm chung bảng với Croatia của Suker, Boban và Argentina của Batistuta vĩ đại. Đội tuyển Nhật thua 3 trận, bị loại từ vòng bảng. Nhưng cảm giác nhìn họ là nhìn trên tivi, chưa bao giờ chạm vào thực thể. Những năm tiếp theo, những siêu sao của Nhật Bản xuất hiện, ở một cái gì đó cũng xa xăm cũng chỉ trên tạp chí, họ là Nakata, Nakamura, Honda, hay gần đây là Kagawa. World Cup thì đều đặn góp mặt, ngôi sao đều đặn xuất xưởng.
Còn ta chỉ dám mời mấy đội U17, U19 về đá giao hữu cho vui cửa vui nhà. Nhắc đến U19 mới nhớ, vào giai đoạn cuồng U19 điên nhất của đất nước này, thì Việt Nam cũng thua U19 Nhật Bản trong trận chung kết trên Mỹ Đình. Đấy là trận thua của 1 lò đào tạo trẻ trước một nền bóng đá có hàng trăm lò đào tạo trẻ ưu việt hơn thế.
Nhật Bản - đội bóng chúng ta cần đả bại để tiến gần tới đích của chặng đường Asian Cup 2019
02.
Mỗi khi chúng ta bàn về cách làm bóng đá, chúng ta không hề dám vọng tưởng về Nhật Bản, chỉ mong học tập Thái Lan cũng được rồi. Đội tuyển của ta cũng vậy, mong vượt Thái Lan là mừng rồi, nói gì cái mộng đến gặp Nhật Bản.
Bóng đá Nhật Bản là một cái gì đó ở xa tầm mà mỗi lần gặp là Việt Nam ta "tim đập chân run", xác định rõ thua 4 trái. Trong lần đối đầu cách đây 12 năm, cũng trên đấu trường này, Việt Nam thua nhẹ nhàng 1-4.
03.
V-League bạo lực, nghiệp dư, ông bầu bỏ giải, và rất nhiều cái lộn xộn. Còn J-League cạnh tranh chuyên nghiệp, ngôi sao rất nhiều, nói về độ cạnh tranh hấp dẫn tuyệt không thua giải nào ở Châu Âu. Wenger, Zico từng làm việc ở đây, Iniesta, Torres đang đá ở đây.
Việt Nam đi xuất khẩu cầu thủ vào được các giải J-League 1, J-League 2 mà mừng húm cả lên. Như Công Phượng, Tuấn Anh, hay Công Vinh... cũng chỉ xuất ngoại nhờ các đường tài trợ. Còn đội hình ngày mai ta gặp, toàn thi đấu ở Châu Âu.
Tôi nói rõ 3 điểm trên để bạn biết về đối thủ của chúng ta.
Nhưng không phải để bạn run sợ, mà để biết cảm ơn thế hệ hôm nay. Vì những Park Hang Seo, Công Phượng, Quang Hải, Ngọc Hải, Văn Lâm... đã kéo cái nền bóng đá xa tầm đó đến trước mặt, và đường đường chính chính giao đấu trong một trận đấu không phải cấp độ trẻ, mà là cấp độ quốc gia, không phải giao hữu, mà là chính thức, không phải vòng bảng vô tình bốc thăm trúng, mà là vòng TỨ KẾT, không phải giải vô thưởng vô phạt, mà là giải đấu danh giá nhất Châu lục, không phải đội hình bừa bãi, mà là đội hình mạnh nhất.
Hãy biết trân trọng trận đấu tới, dù thắng hay thua. Bởi đưa Nhật mặt đối mặt ở tứ kết cup châu lục là giỏi lắm rồi, cực kỳ giỏi rồi. Đây là trận đấu mà ngày xưa chỉ diễn ra trong truyện tranh mà thôi.
Chúng ta cũng ko phải là ko có cơ hội. Nhiều người bảo Nhật Bản giấu bài, nhưng thực tế có bài đâu mà giấu. Nhật Bản đang bị khủng hoảng ở vị trí mà họ tự hào nhất: vị trí trequartista số 10. Thế hệ hôm nay của Nhật Bản thiếu sức sáng tạo, đá như trâu húc mả và ưa lên cánh chứ không phải đi vào trung lộ nữa.
Hôm qua, tôi có việc cần dùng tài liệu lại bộ phim Tân Tam Quốc 2010, tôi mở đến tập mà Tào Tháo tuyển tướng đi giải nguy cho Phàn Thành. Khi nghe tin phải đối đầu với Quan Vũ, tất cả các tướng Ngụy đều không ai dám xông pha, cuối cùng Tào Tháo phải chỉ định Vu Cấm. Vu Cấm bước lên tâu:
- Đối thủ là Quan Vũ thành danh hãn tướng, uy trấn thiên hạ. Mạc tướng sợ mình không phải là đối thủ.
Tào Tháo đáp lại:
- Tại sao không thử nghĩ ngược lại chứ? Nếu nhà ngươi chém được Quan Vũ, không phải nhà ngươi sẽ uy chấn thiên hạ sao?
Tôi nghe xong mà gật gù tâm đắc. "Kẻ lớn đương nhiên nghĩ cũng lớn".
Đội tuyển Việt Nam gặp đội tuyển Nhật Bản, trong đầu không phải sợ cái quá khứ Nhật Bản, mà là nghĩ "Nếu đánh bại trận này, mình sẽ uy chấn Châu Á." Họ khao khát thắng cho giấc mơ dân tộc, và giấc mơ xuất ngoại của chính họ.
Tôi tin lứa này đứa nào cũng nghĩ như vậy !