Grab chểnh mảng với GrabCar, tài xế khó chịu, khách hàng kêu trời, cớ sao Go-Viet vẫn bình chân như vại?

23/01/2019 15:00 PM | Kinh doanh

Khi Grab một mình một chợ ở mảng xe bốn bánh, cả tài xế lẫn khách hàng đều gặp bất lợi.

Khoảng vài tháng trở lại đây, trái với mưa khuyến mại mảng Bike, mảng Car của Grab lâm vào tình trạng đìu hiu mã. Thậm chí có lúc mã khuyến mại mảng Car chỉ giảm 15% - 20%, trong khi mảng Bike khách có thể nhận khuyến mại tới 30.000đ cho hàng chục chuyến đi.

Trò chuyện với một số tài xế GrabCar, một số bác tài cho biết "nản" chạy vì chiết khấu ở mức khoảng 25% khiến cho họ không có động lực chạy xe, nhất là cuối năm cảnh tắc đường triền miên.


Grab chểnh mảng với GrabCar, tài xế khó chịu, khách hàng kêu trời, cớ sao Go-Viet vẫn bình chân như vại? - Ảnh 1.

GrabCar đang khá thoải mái khi đạt vị trí khống chế thị trường gọi "taxi công nghệ".

Thậm chí, những tưởng việc tăng giá vào giờ cao điểm, các khu vực kẹt xe sẽ khiến tài xế hăm hở chạy cuốc hơn. Nhưng nhiều tài xế cho biết vì chiết khấu cao khiến họ cảm thấy không nhận được nhiều hơn, giảm động lực ra đường vào khung giờ cao điểm.

Thực tế cho thấy, vào các khung giờ bình thường, hành khách dùng GrabCar cũng mất từ 7 – 15 phút kể từ lúc tài xế nhận chuyến mới có thể bắt đầu chuyến đi. Đặc biệt tại TPHCM thì con số có thể cao hơn, ngay tại các quận trung tâm.

Về tổng quan thị trường, hiện có nhiều dịch vụ gọi xe hơi tương tự Grab. Nhưng qua quá trình vận hành, các đối thủ đều cho thấy sự hụt hơi, hoặc duy trì được dịch vụ, nhưng không có nhiều ngân sách khuyến mại để mở rộng thị phần. Vì thế, hầu hết các đối thủ đều không được Grab đánh giá cao.

Ở mảng xe hai bánh, khi Go-Viet tung ra Go-Bike thì Grab đáp trả rất mạnh mẽ bằng các chính sách khuyến mại khủng, thậm chí đẩy điểm thưởng GrabReward của GrabBike gần gấp đôi GrabCar. Nhưng chưa có ứng dụng gọi xe hơi nào có thể gây ảnh hưởng như vậy.


Go-Car đang ở đâu?

Được định giá tới 6,5 tỷ USD, Go-Jek (công ty mẹ của Go-Viet) được coi là đối thủ xứng tầm của Grab tại khu vực Đông Nam Á. Vì thế giới tài xế công nghệ và khách hàng đều có phần nào đó kỳ vọng vào việc Go-Viet có khả năng phá thế (gần như) độc quyền của Grab tại thị trường gọi xe công nghệ. Không chỉ về vốn, mà đó còn là vấn đề về con người và công nghệ có khả năng tiệm cận với Grab.

Hồi cuối năm trước, một vài tài xế chia sẻ hình ảnh lên văn phòng Go-Viet học về dịch vụ và chuẩn bị ra mắt Go-Car, thế nhưng đã vài tháng rồi mà Go-Car vẫn bặt vô âm tín. Ngay cả tại buổi Đại hội tài xế, Go-Viet cũng chỉ tập trung vào thông báo các thành công của hãng trong việc phát triển thị trường Việt Nam, rất ít hoặc không đề cập tới Go-Car.

Grab chểnh mảng với GrabCar, tài xế khó chịu, khách hàng kêu trời, cớ sao Go-Viet vẫn bình chân như vại? - Ảnh 2.

Cuối năm trước, một số tài xế hăm hở chia sẻ hình ảnh làm hồ sơ đăng ký Go-Car trên mạng xã hội.


Go-Car đang ở đâu giữa lúc mùa cao điểm đi lại cuối năm đã đến?

Thay vào đó, Go-Viet tập trung cho Go-Food. Tại TPHCM, hình ảnh tài xế Go-Viet tập trung hay xếp hàng tại một số cửa hàng trà sữa không còn hiếm. Cho thấy Go-Food đang được đầu tư đế cạnh tranh với Now hay GrabFood.

Điều này cũng phần nào lý giải việc Go-Car trì hoãn ngày ra mắt. Ngoài việc hãng tập trung vào dịch vụ giao đồ ăn, có thể thấy việc chưa ra mắt Go-Car nằm ở góc độ chiến lược.

Thứ nhất, dịch vụ gọi xe hơi công nghệ sẽ đòi hỏi rất nhiều vốn, không chỉ để vận hành, khuyến mại cho khách hàng, mà chi phí để có một tài xế xe hơi "về đội đỏ" cũng cao hơn rất nhiều một tài xế xe máy.

Có thể tham chiếu chi phí này ở việc Grab hay các nền tảng gọi xe máy chi tiền thưởng việc giới thiệu thành công một tài xế xe máy chỉ ở khoảng 200.000đ – 300.000đ. Trong khi đó từ thời Uber còn hoạt động và Grab hiện nay, không hiếm để thấy các quảng cáo tặng thưởng tới hàng triệu đồng cho việc giới thiệu thành công một tài xế ô tô tham gia hệ thống.

Grab chểnh mảng với GrabCar, tài xế khó chịu, khách hàng kêu trời, cớ sao Go-Viet vẫn bình chân như vại? - Ảnh 3.

Thứ hai, dịch vụ gọi xe hơi, nếu ra mắt, sẽ không cộng hưởng mạnh mẽ vào hệ sinh thái O2O (Online To Offline) mà Go-Viet đang manh nha xây dựng tại Việt Nam. Dễ thấy, một tài xế Go-Bike có thể giao hàng Go-Send hay giao đồ ăn Go-Food, nhưng xế của Go-Car thì chưa có nhiều dịch vụ mở rộng như vậy. Tuy việc một tài xế xe máy chạy nhiều dịch vụ có thể gặp đôi chút khó khăn vì tài xế phải đáp ứng yêu cầu dịch vụ khác nhau. Nhưng điều đó vẫn giúp cho hãng dễ mở rộng lực lượng tài xế cung ứng dịch vụ nhiều hơn là tài xế Go-Car

Ngay cả nhìn về tương lai, tài xế xe máy có thể cung cấp được dịch vụ vận chuyển cho Go-Massage, Go-Clear,… Còn tài xế xe hơi dường như chỉ giới hạn ở các dịch vụ như gọi thuê xe theo giờ, xe hơi đường dài, vốn cần mô hình hoạt động khác so với gọi xe tức thời như Go-Car. Như vậy rõ ràng thiếu sức hấp dẫn hơn hẳn. Nhất là đặt trong bối cảnh Go-Viet vào thị trường sau, phải tập trung vào một số dịch vụ trước đối thủ Grab đã có căn cơ sẵn từ trước.

Như thế, có lẽ người tiêu dùng Việt sẽ vẫn phải tiếp tục chờ Go-Car "bung lụa" trên đường phố Việt trong một khoảng thời gian không gần.

Đạo Khả

Cùng chuyên mục
XEM