Google, Samsung và Trung Quốc đã làm nên cuộc cách mạng Android như thế nào

12/08/2019 10:01 AM | Xã hội

Thành công ngày nay của Android không thể không kể đến đóng góp của cả 3 lực lượng lớn này, và điều đó khó có thể lặp lại trong tương lai để tạo nên một nền tảng như vậy nữa.

Steve Jobs từng nói với nhà viết tiểu sử Walter Isaacson: "Tôi sẽ dành đến hơi thở cuối cùng nếu cần, và tôi sẽ dùng đến mỗi đồng trong số 40 tỷ USD của Apple để sửa lại điều bất công này." Điều bất công đó là gì? Một hệ điều hành có tên Android, phần mềm miễn phí của Google để các nhà sản xuất có thể sử dụng và tạo nên các tính năng tương tự iPhone. Dưới triều đại của Jobs, Apple đã nỗ lực kiện tụng nhằm loại bỏ sự tồn tại của hệ điều hành này. Mục đích của Jobs được gói gọn trong một câu nói: "Tôi sẽ hủy diệt Android."

Ơn trời rằng Jobs đã thất bại, cả trên tòa án cũng như trên thị trường. Không có Android, smartphone có lẽ vẫn đứng yên ở nơi chúng sinh ra khi ông còn sống: một công nghệ đáng chú ý với ảnh hưởng chỉ giới hạn trong một phần của thế giới, như PC đã từng làm được trước đây. Thế nhưng thay vào đó, smartphone đã mang lại một nhánh mới của cuộc cách mạng công nghệ, một động lực thúc đẩy đã lan tới những phần còn lại của thế giới.

Google, Samsung và Trung Quốc đã làm nên cuộc cách mạng Android như thế nào - Ảnh 1.

Thị phần giữa iOS và Android của các nước trên thế giới

Chỉ mới một thập kỷ trước, thời điểm chiếc Android đáng chú ý đầu tiên lên kệ, Samsung Galaxy, cho đến nay, khi Samsung chuẩn bị ra mắt chiếc flagship mới nhất của mình, Galaxy Note 10, khoảng một nửa dân số thế giới đã có smartphone hoặc thiết bị nào đó tương tự như vậy. Trong lịch sử, chỉ có một vài thiết bị tiêu dùng đạt tới sự phổ biến đáng kể như vậy. Dù Apple là người khai sáng cho cuộc cách mạng smartphone, Android mới là yếu tố cần thiết biến thiết bị này trở nên phổ biến như hiện nay.

Cho dù điều này có thể vẫn xảy ra ngay cả khi Android không tồn tại. Nhưng có lẽ sẽ mất nhiều thời gian hơn để smartphone và internet đạt tới điểm đột phá như ngày nay và mức độ người dùng trực tuyến có thể dừng lại ở mức thấp hơn nhiều.

Khi Jobs tuyên bố hủy diệt Android, iPhone chiếm thị phần 15% trong số 175 triệu smartphone được bán trên toàn cầu. Đến 2018, iPhone vẫn có 15% thị phần nhưng tổng doanh số smartphone đã vượt qua con số 1,4 tỷ chiếc. Các thiết bị Android chiếm hơn 8 trên 10 thiết bị mới được bán ra.

Google, Samsung và Trung Quốc đã làm nên cuộc cách mạng Android như thế nào - Ảnh 2.

Tỷ lệ các đồ vật xuất hiện trong hộ gia đình Mỹ.

Google: người đặt nền móng cho thành công của Android 

Có 3 lực lượng quan trọng làm nên con số phi thường này. Đầu tiên là Google, với phần mềm và dịch vụ của họ, sau đó là Samsung, người khổng lồ điện tử Hàn Quốc và cuối cùng là Trung Quốc, nơi đà tăng trưởng kinh tế đáng kinh ngạc đã tạo nên một lượng người dùng khổng lồ đối với những thiết bị thay đổi cuộc sống này. Cùng nhau, liên minh bất đắc dĩ này đã tạo nên một biến chuyển công nghệ chưa từng thấy trước đây. Điều đó tạo nên bản chất cho thành công của Android: nó đã và đang là một mớ hỗn độn nóng bỏng.

Từ quan điểm của hiện tại, thật dễ dàng cho rằng sự phổ biến của smartphone đã được định trước, nhưng có lẽ chỉ một nhà tiên tri đầy lạc quan về công nghệ mới có thể dự đoán được nó khi Google mua lại một startup tên Android vào năm 2005.

Sau khi iPhone ra mắt như một quả bom vào năm 2017, Google đã vội vàng mã nguồn mở hệ điều hành di động của mình cho các công ty viễn thông và các nhà sản xuất điện thoại. Đổi lại, Google có thể cài đặt sẵn cỗ máy quảng cáo trực tuyến của mình vào phần lớn điện thoại chạy Android.

Google, Samsung và Trung Quốc đã làm nên cuộc cách mạng Android như thế nào - Ảnh 3.

HTC G1 - smartphone Android đầu tiên

Với Android, bất cứ nhà sản xuất điện thoại nào cũng có thể tạo ra một sản phẩm giống như iPhone và nếu muốn, họ có thể tùy chỉnh nó theo thương hiệu của mình. Những thiết bị Android đầu tiên ra mắt thị trường chậm chân hơn iPhone đến 18 tháng. Chúng cục mịch và xấu xí cũng như không được chấp nhận ngay từ đầu.

Nhưng công nghệ tiến bộ hơn và thiết bị đã tốt hơn và những chuyển động dần dần đã bắt đầu cất cánh từ năm 2009. Trong khi những người tiên phong trong điện thoại di động như Motorola và HTC đã tạo nên dấu ấn đầu tiên với điện thoại Android, Samsung mới là người đưa nó lên một tầm cao mới.

Samsung: người đưa Android lên một tầm cao mới

Galaxy là thiết bị Android đầu tiên đến từ một nhà sản xuất điện thoại lớn. Trước khi iPhone xuất hiện, Samsung đã là nhà sản xuất điện thoại di động lớn thứ hai thế giới sau Nokia. Khi đợt sóng thần iPhone đầu tiên tràn đến, hãng điện tử Hàn Quốc dường như bất động nhưng sau đó họ bắt đầu xem Android là cách để mang lại sự hấp dẫn cho người dùng.

Samsung bắt đầu tạo ra hàng loạt điện thoại Android với những mức giá phù hợp và các tính năng khác biệt. Tại quê nhà và những thị trường khác ở châu Á, Samsung tích cực đưa ra các điện thoại màn hình lớn và sau đó chúng trở thành một xu hướng toàn cầu. Còn tại Mỹ, từ năm 2011, công ty bắt đầu chi tiền cho các chương trình quảng cáo trên truyền hình để chế nhạo người dùng iPhone vì trung thành với các thiết bị chỉ có những nâng cấp nhỏ nhoi.

Google, Samsung và Trung Quốc đã làm nên cuộc cách mạng Android như thế nào - Ảnh 4.

Galaxy S - dòng điện thoại Android làm nên tên tuổi Samsung.

Các đối thủ đã chế giễu Samsung vì cách tiếp cận này với thị trường Mỹ nhưng hóa ra nó lại thành công. Chỉ hai năm sau khi chấp nhận Android, Samsung qua mặt Apple trở thành nhà sản xuất smartphone lớn nhất thế giới, với mỗi một điện thoại trong số 5 chiếc được bán ra. Năm tiếp theo, theo báo cáo của Counterpoint Research, công ty Hàn Quốc nâng tỷ lệ này lên 1/3 giữa lúc thị trường smartphone bùng nổ.

Thành công của Samsung mang lại lợi ích cho cả liên minh Android. Năm 2012, doanh số thiết bị Android gấp 6 lần so với hai năm trước đó, và vượt trội so với iPhone với tỷ lệ 4:1. Ngay cả khi phiên tòa xét xử giữa Apple và các công ty đại diện Android như Samsung mới chỉ bắt đầu nhưng rõ ràng Android đang chiến thắng và đưa smartphone tới số đông người dùng trên toàn cầu.

Trung Quốc: cơn cuồng smartphone đã đưa Android tới tột đỉnh vinh quang

Một động lực quan trọng cho Android là Trung Quốc. Nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của chính phủ đã tạo nên sự phát triển đáng kinh ngạc của các mạng internet di động tốc độ cao trên khắp mọi ngóc ngách của đất nước này.

Mới đầu Samsung là người chiếm lĩnh thị trường Trung Quốc trước khi sự bùng nổ dân số thành thị bắt đầu hướng đến Apple. Nhưng người chiến thắng cuối cùng lại là các công ty smartphone trong nước như Huawei và Xiaomi, khi tạo ra các phiên bản Android không có ứng dụng Google.

Google, Samsung và Trung Quốc đã làm nên cuộc cách mạng Android như thế nào - Ảnh 5.

Thị phần smartphone toàn cầu: iOS vẫn chỉ chiếm khoảng 15-16%, trong khi Android áp đảo hoàn toàn.

Smartphone đã làm nên một cơn sốt đối với quốc gia đông dân nhất hành tinh này. Theo báo cáo của Liên Hiệp Quốc, năm 2005, chưa đầy 10% dân số Trung Quốc sử dụng internet, nhưng đến năm 2017, con số là 54%. Gần như toàn bộ 800 triệu người dùng trực tuyến thông qua smartphone thay vì PC. Apple cũng thành công ở Trung Quốc, nhưng có đến 9 trên 10 smartphone bán ra tại thị trường này dùng Android.

Ở Ấn Độ, thị trường smartphone lớn tăng trưởng nhanh nhất thế giới hiện nay, theo báo cáo của Counterpoint Research, các thiết bị Android chiếm đến 99% số máy bán ra, và các thiết bị chạy KaiOS là điện thoại kết nối internet phổ biến thứ hai tại đây. Mô hình này được lặp đi lặp lại trên toàn thế giới: iPhone là người đi trước nhưng Android là người chiếm thị phần lớn nhất và biến smartphone trở thành công cụ điện tử phổ biến nhất từ trước đến nay.

Năm ngoái, doanh số smartphone đã gấp 9 lần con số trong năm 2008, năm sau khi iPhone ra mắt. Đối với điện thoại di động truyền thống, mất đến ¼ thế kỷ để doanh số hàng năm đạt tới mức 1 tỷ thiết bị. Smartphone làm được điều đó nhanh hơn nhiều, vượt qua mức 1,5 tỷ thiết bị mỗi năm trước khi doanh số thiết bị mới bước vào thời kỳ suy giảm gần đây.

Tất nhiên, Android cũng mang đến các nhược điểm cho chế độ tam hùng này cũng như phần còn lại của thế giới. Samsung và các nhà sản xuất Android khác đang tích cực tìm cách thoát ra khỏi Google bằng cách đưa ra các ứng dụng hoặc tính năng riêng của mình trước khi nó được đưa vào gói phần mềm tiêu chuẩn của Google.

Bản thân Google cũng đang gặp rắc rối với tăng trưởng của mình. Năm ngoái sau một cuộc điều tra kéo dài, Ủy ban châu Âu phán quyết rằng việc Google miễn phí Android đi kèm với các ràng buộc đi kèm là việc vi phạm luật chống độc quyền của châu Âu. Bên cạnh đó, EU cũng phạt Google vì ưu tiên dịch vụ mua sắm trực tuyến của mình trước các đối thủ và gây tổn hại đến cạnh tranh trong lĩnh vực quảng cáo tìm kiếm internet. Công ty đang kháng cáo với cả 3 phán quyết này.

Do vậy, mỗi lực lượng làm nên vị thế Android ngày nay đang bắt đầu suy nghĩ một cách nghiêm túc về những mặt trái đi kèm với quá trình thiết lập nên trật tự này. Android đã chiến thắng, nhưng khi các công ty đang chạy đua trong việc tìm ra tương lai của hậu smartphone, Jobs dường như đã trả được mối thù của mình.

Mô hình kinh doanh kiểm soát và ra lệnh toàn bộ của Apple cho phép họ làm chủ điều tiếp theo sẽ là gì, cho dù đó là ô tô tự lái hay kính thực tế tăng cường. Chúng ta sẽ không bao giờ thấy điều gì giống như Android nữa.

Android chiến thắng trên smartphone, nhưng triết lý của Steve Jobs mới là đích đến 

Smartphone hiện đang trong giai đoạn giữa trong chu kỳ sản phẩm của mình, theo tiêu chuẩn tăng trưởng của thế giới công nghệ. IDC ước tính rằng doanh số thiết bị này sẽ giảm lần thứ ba liên tiếp trong năm nay.

Vẫn còn một khoảng cách lớn giữa con số 50% dân số toàn cầu hiện dùng internet di động với dự đoán mức phổ biến 80-90% của các nhà phân tích. Nhưng để internet di động tiếp cận tới 3,5 tỷ và 4 tỷ người dùng tiếp theo sẽ vô cùng khó khăn. Ngay cả Android cũng không thể đưa mức giá xuống thấp hơn nữa để đưa smartphone tới những người và những nơi chúng đang không phổ biến rộng rãi.

Google, Samsung và Trung Quốc đã làm nên cuộc cách mạng Android như thế nào - Ảnh 6.

Loa thông minh đang được xem như thiết bị cho thời hậu smartphone.

Và khi các kỹ sư công nghệ đang đánh cược vào điều vĩ đại tiếp theo sau smartphone, điều kỳ lạ là Android hay các hệ thống tương tự Android lại không có vai trò chính. Trong tương lai với các kết nối không dây trở nên đủ nhanh và rẻ, internet có thể có ở khắp mọi nơi, trong ô tô, ghế ngồi, máy đo nhiệt, thiết bị trợ lý ảo, và các kính thông minh, lúc này vai trò điểm kết nối với thế giới số của smartphone sẽ trở nên không còn quan trọng nữa.

Những nền tảng lớn nhất dành cho điện toán đám mây, ô tô tự lái và các trợ lý ảo đều là các hệ thống độc quyền, không phải các liên minh mở như Android. Những nhà phát triển quan trọng của các nền tảng này, ví dụ như Alphabet – công ty mẹ của Google – đều đang đánh cược rằng, việc họ hành động một mình sẽ tốt hơn.

Họ có ví dụ để minh chứng cho điều đó: Apple. Cho dù chỉ chiếm thị phần nhỏ trong doanh số smartphone thế giới, Apple lại chiếm phần lớn lợi nhuận của việc sản xuất smartphone và những người sở hữu iPhone trung thành đang bỏ ra hàng tỷ USD để mua thêm các phụ kiện, ứng dụng và dịch vụ của Apple mỗi năm.

Vì vậy, trong khi hệ điều hành của Google xâm chiếm ra toàn cầu, triết lý của Steve Jobs mới là người chiến thắng khi các thiết bị kết nối bước sang thế hệ tiếp theo. Dù sao đi nữa, tương lai điện toán có lẽ không giống như Android – một nền tảng công nghệ mở với mọi bên và đôi khi không được kiểm soát – đang thống trị thế giới.

Theo Nguyễn Hải

Cùng chuyên mục
XEM