Góc nhìn khác về công cuộc chuyển đổi số: Không có trí tuệ tự nhiên “ngon lành” thì đừng nói tới chuyện làm trí tuệ nhân tạo
Câu chuyện chuyển đối số trong các ngành bản chất vẫn bắt đầu từ chuyển đổi trong giáo dục.
"Chuyển đổi số vì một Việt Nam hùng cường" là thông điệp chủ đạo của diễn dàn Vietnam ICT Summit 2019 diễn ra trong ngày 8/8 vừa qua. Không ít người tại diễn đàn thực sự tin rằng Việt Nam có thể chuyển đổi số thành công và bứt phá trong tương lai.
Tuy nhiên, TS. Lê Trường Tùng, Chủ tịch Đại học FPT, đồng thời là Chủ nhiệm Câu lạc bộ các trường đại học ngoài công lập lại có góc nhìn khác về vấn đề này.
"Chuyển đổi số vì một Việt Nam hùng cường là 1 thông điệp mạnh, nhưng không biết bao nhiêu vị ngồi đây tin rằng chúng ta sẽ chuyển đổi số thành công, Việt Nam sẽ hùng cường? Tôi thuộc trường phái tin nhưng lo", TS. Tùng đặt câu hỏi đồng thời tự đưa ra đáp án của mình với những người ngồi dưới.
Ông Tùng cho biết trong bối cảnh toàn cầu hoá, câu chuyện hùng cường hay không hùng cường còn phải so sánh tương đối với các quốc gia khác. Không phải chỉ mỗi Việt Nam chuyển đổi số mà các quốc gia khác cũng đều đang tích cực chạy đua trong cuộc chiến này.
Làm rõ quan điểm của mình, vị đại diện Đại học FPT thừa nhận ông lo nhiều hơn. Tại Việt Nam hiện nay, mọi người thường nói nhiều hơn đến câu chuyện cách mạng công nghiệp 4.0, IoT (Internet kết nối vạn vật), AI (trí tuệ nhân tạo), hy vọng những lĩnh vực này sẽ tạo ra hướng phát triển đột phá ở trong mỗi ngành và trên cả đất nước. Nhưng thật ra còn một khía cạnh nữa, nếu không phát triển được thì Việt Nam khó có thể hùng cường; khoảng cách giữa Việt Nam và các quốc gia khác sẽ lớn hơn hiện nay rất nhiều.
Đó là chuyển đổi trong giáo dục.
"Không có trí tuệ tự nhiên ‘ngon lành’ thì không thể làm được trí tuệ nhân tạo"
"Không có trí tuệ tự nhiên ‘ngon lành’ thì không thể làm được trí tuệ nhân tạo", Chủ tịch Đại học FPT khẳng định mạnh mẽ.
Với giáo dục, theo TS.Tùng, có 2 bài toán cần giải quyết: Một là trách nhiệm đào tạo nguồn nhân lực có tố chất chuyển đổi số để sau này tham gia vào sự nghiệp chuyển đổi số các luồng kinh tế - xã hội. Hai là chính bản thân giáo dục cũng phải chuyển đổi số. Bởi nếu "giáo dục không tự chuyển đổi số thì chắc cũng khó đào tạo nguồn nhân lực cho chuyển đổi số, trong khi thời gian lại không còn nhiều".
Trên phạm vi toàn cầu, giáo dục nói chung đang có nhiều cơ hội bứt phá. Có thể thấy rất rõ các tấm gương bỏ học giữa chừng đi làm doanh nghiệp, các công ty lớn tự thành lập viên nghiện cứu mà không chờ kết quả nghiên cứu từ các trường đại học , các tập đoàn lớn sẵn sàng tuyển dụng cán bộ không cần bằng cấp đại học,...
Trong khi tại Việt Nam, ông Tùng Nhận định, vì nhiều lý do chủ quan và khách quan, giáo dục đang bị tụt hậu; cơ hội chuyển đổi số để tạo nguồn nhân lực dẫn dắt sự phát triển đang "hết sức khó khăn"; có một loạt bài toán đặt ra trong các vấn đề chuyển đổi số giáo dục cần được giải quyết,..
"Nhưng tôi chỉ nói 2 bài toán, không phải chúng ta mà nhiều nước khác cũng đang đau đầu. Nước nào giải quyết nhanh hơn nước ấy sẽ có cơ hội cực kỳ lớn về nhân lực nói riêng, và phát triển hạ tầng kinh tế xã hội nói chung".
TS. Lê Trường Tùng, Chủ tịch Đại học FPT
Với bài toàn 1, TS.Tùng hy vọng AI sẽ tham gia giải quyết được đó là tình trạng toàn bộ nền giáo dục dựa trên đào đạo theo lô, nghĩa là học theo lớp. Trong khi bản chất mỗi người có tố chất khác nhau, học tập theo cách của riêng mình. Làm sao đưa AI vào môi trường đào tạo truyền thống, cá thể hóa từng ngành học, là bài toán cực kỳ quan trọng.
"Khi đào tạo theo lô, các giáo viên phải hướng đến đối tượng với sự tiếp thu trung bình. Khi đó đối tượng dốt không học được, đối tượng giỏi không phát triển được. Nước nào nhanh chóng đào tạo, cá thể hóa để sinh viên trung bình học kiểu trung bình, sinh viên giỏi học kiểu giỏi thì trong một thời gian ngắn, mặt bằng đầu ra sẽ rất khác nhau so vói quốc gia khác".
Trong khi đó, bài toán thứ 2 là lớp học online hiện nay đang triển khai nhiều nhưng không thể thay thế cho giáo dục truyền thống, vì thiếu yếu tố sư phạm. Làm sao đưa yếu tố sư phạm vào giáo dục online, vào máy móc là bài toán lớn trong giáo dục online nói chung và AI nói riêng.
"Chúng tôi từng ghé thăm viện bảo tàng Quang Trung ở Bình Định. Có một câu Quang Trung nhắc tới thế này: ‘Xây dựng đất nước lấy việc học làm đầu’. Chuyển đổi số cũng thế. Chúng ta bàn về trí tuệ nhân tạo, và muốn làm vậy phải phát triển trí tuệ tự nhiên trước đã", TS Lê Trường Tùng nhấn mạnh.