Chuyển đổi số: Không phải là “ngủ dậy mình trở thành người khác hẳn”, mà là chỗ nhận thức và sự kiên nhẫn của ông chủ doanh nghiệp

17/05/2019 15:48 PM | Kinh doanh

“Có những doanh nghiệp muốn chuyển đổi số nhưng ngay cả ông chủ cũng chưa tiếp xúc nhiều với xu thế này”, bà Nguyễn Thùy Dương, Phó Tổng giám đốc khối dịch vụ tài chính Emst &Young Việt Nam nhấn mạnh tại “Hội nghị ngân hàng Việt Nam: Đột phá từ số hóa ngân hàng” mới đây.

Đừng thấy “hàng xóm” làm rồi cuống quýt về lập dự án, thuê tư vấn chuyển đổi số ngay cho doanh nghiệp

Trao đổi về câu chuyện chuyển đổi số trong hệ thống ngân hàng, bà Dương cho rằng, điều này đang trở thành một xu thế tất yếu. Cách đây 4 năm, với sự nổi lên của các công ty Fintech thì nếu ngân hàng không bắt kịp xu hướng thì ngân hàng sẽ ở đâu trong công cuộc này?

Theo bà Dương, khi thực hiện chuyển đổi số quan điểm của người đứng đầu rất quan trọng. Có những khách hàng là lãnh đạo một doanh nghiệp/cơ quan chưa tiếp xúc nhiều với xu hướng này nhưng lại hướng công ty phải chuyển đổi số ngay. “Khi nói đến chuyển đổi số thì ông chủ phải đặt mình vào với nó, xem liệu mình đã hiểu nó hay chưa, tương tác với nó hay chưa. Liệu rằng mình có chấp nhận để thay đổi không, có như vậy mới làm tốt được”, bà Dương nhấn mạnh.

Chuyển đổi số: Không phải là “ngủ dậy mình trở thành người khác hẳn”, mà là chỗ nhận thức và sự kiên nhẫn của ông chủ doanh nghiệp - Ảnh 1.

Bà Nguyễn Thùy Dương, Phó Tổng giám đốc khối dịch vụ tài chính Emst &Young Việt Nam. Ảnh: P.N

Vị Phó TGĐ này chia sẻ, hầu hết các ngân hàng Việt Nam hiện nay muốn theo đuổi xu thế công nghệ nhưng bản thân ngân hàng phải biết mình đang ở đâu. Có những ông chủ tịch đi về, thấy người khác chuyển đổi số rần rần cũng cuống lên về “hô” tất cả mọi người phải thành lập dự án, thuê tư vấn về chuyển đổi số. “Câu chuyện chuyển đổi số không phải là ngủ dậy là mình trở thành người khác khẳn. Câu chuyện là phải từ nhận thức, bao gồm cả sự kiên nhẫn, sự đầu tư của chính bản thân tổ chức đó”, bà Dương cho hay.

Theo bà Dương, chuyển đổi số đừng có nhìn vào “hàng xóm” mà trước tiên chúng ta phải xác định được thực lực, bản thân sự quyết tâm của ông chủ/người điều hành xem họ có thực sự muốn làm điều này hay không. Về khía cạnh cạnh tranh, bà Dương chỉ ra, hiện nay sự gia tăng của các công ty Fintech là mối đe dọa với các ngân hàng nếu không bắt tay với Fintech. Bên cạnh đó, cần phải cân bằng giữa mục tiêu tăng trưởng và sự an toàn dữ liệu.

“Phải bắt kịp với xu hướng của thế giới. Càng quốc gia trẻ, quốc gia tiếp cận với công nghệ cao thì việc quản lý sẽ dễ dàng hơn nhưng đồng thời cũng khó khăn hơn vì tốc độ phát triển nhanh hơn rất nhiều so với các quốc gia già cỗi”, bà Dương nhấn mạnh.

Sống trong thời đại số, tương tác trên điện thoại còn nhiều hơn gặp nhau, làm sao để tránh rủi ro, ăn cắp dữ liệu?

“Mổ xẻ” câu chuyện về an ninh mạng, dữ liệu, bà Dương cho rằng, “nếu chúng ta không thực hiện bảo vệ dữ liệu của quốc gia, dữ liệu công ty, bản thân thì một ngày nào đó, trong thị trường cạnh tranh số sẽ khốc liệt hơn rất nhiều so với cạnh tranh thông thường”.

Đặc biệt, trong thời đại số, mọi tương tác trên điện thoại của con người còn nhiều hơn gặp gỡ thì thông tin dữ liệu rất dễ bị “lộ”, và điều này gây tổn thất, rủi ro rất nhiều.

“Trong tất cả các cuộc tấn công chỉ có tấn công an ninh mạng là open vì tất cả mọi người đã biết. Nếu cá nhân, doanh nghiệp không đầu tư để đảm bảo an ninh mạng tốt thì hậu quả ảnh hưởng rất lớn”, bà Dương khẳng định.

Thực tế trên thế giới, xu hướng tấn công dữ liệu đến từ những hacker còn rất trẻ và có xu hướng tăng lên. Theo thống kê từ số liệu phỏng vấn 1.400 CEO bao gồm cả các hãng chuyên về an ninh mạng, ngân hàng, tổ chức tài chính họ đều chia sẻ, các hacker rất thích lấy thông tin về khách hàng, thành viên HĐQT, chiến lược công ty, Trong đó, 55% tất cả các tổ chức chưa biết sẵn sàng bảo vệ chiến lược của họ.

Chuyển đổi số: Không phải là “ngủ dậy mình trở thành người khác hẳn”, mà là chỗ nhận thức và sự kiên nhẫn của ông chủ doanh nghiệp - Ảnh 2.

Trên một số khảo sát bà Dương đưa ra thì chỉ mới 8% các tổ chức hiện nay sẵn sàng cho toàn bộ các yêu cầu về quản trị dữ liệu, 92% còn lại chưa sẵn sàng khi có tất cả các cuộc tấn công.

Tại Việt Nam, trong năm 2018 có 8.319 các cuộc tấn công dữ liệu, con số này có thể lớn hơn vì nhiều công ty bị tấn công không muốn tiết lộ. 560.000 các máy tính bị ăn căp dữ liệu của khách hàng. Theo thống kê thì số cuộc tấn công  trong năm 2019 có thể giảm đi nhưng theo bà Dương nêu các doanh nghiệp không có sự đầu tư vào hạ tầng an ninh mạng thì rủi ro có thể tăng lên.

Khi bị lộ thông tin thường đến từ hai phía là sự phòng vệ tấn công của tổ chức, thứ hai là đến từ sự thuyết phục của người dùng. “Chúng ta hay vô tư điền thông tin riêng tư như password để có được voucher 500 ngàn đến 5 triệu đồng nhưng có thể chúng ta phải chịu tổn thất đến 50 -500 triệu đồng vì bị bị đánh cắp dữ liệu”, bà Dương nhấn mạnh.

Do đó, theo bà Dương bài toán nào cho đầu tư vào cơ sở dữ kiệu tốt không chỉ đối với ngân hàng mà còn đối với các tổ chức có tương tác với ngân hàng. “Đầu tư cho công nghệ, tối ưu hóa mục tiêu tăng trưởng, sẵn sàng đón nhận xu thế công nghệ một cách vui vẻ thay vì chờ đợi được xem là nhiệm vụ cấp thiết của tổ chức/doanh nghiệp”, bà Dương nhấn mạnh thêm.

Phương Nga

Cùng chuyên mục
XEM