Chuyển đổi số như một cuộc đua marathon, doanh nghiệp sẽ "chết" giữa hành trình nếu không có kế hoạch rõ ràng và chuẩn bị chi tiết

24/05/2019 07:40 AM | Kinh doanh

Chuyển đổi số tại Việt Nam: Trước hết doanh nghiệp phải thay đổi về văn hóa, và bắt đầu từ người lãnh đạo

Theo khảo sát năm 2018 của IDC, chuyển đổi số (digital transformation) đang trở thành chiến lược mới tại các doanh nghiệp Việt Nam. Gần 90% doanh nghiệp đã bắt đầu chuyển đổi số với các bước khác nhau, hơn 30% lãnh đạo doanh nghiệp được khảo sát xem chuyển đổi số là vấn đề sống còn.

Tuy nhiên, hiện tại quá trình chuyển đổi số của Việt Nam mới ở giai đoạn ‘da lông’, theo một khảo sát 50 doanh nghiệp Việt của Cisco vào tháng 4 vừa qua, thì 17% các doanh nghiệp nhỏ và vừa thiếu kỹ năng số và nhân lực, 16,7% thiếu nền tảng thông tin đủ mạnh, 15,7% thiếu tư duy kỹ thuật số…

Còn các chuyên gia đến từ các công ty tư vấn hàng đầu lại chỉ ra rằng, nhiều doanh nghiệp Việt vẫn chưa ý thức được, chuyển đổi số thật sự là như thế nào, Ban lãnh đạo vẫn cho rằng đó là công việc của bộ phận IT và chỉ cần đổ tiền ra mua công nghệ mới là hoàn tất, khiến công cuộc chuyển đổi số thường rất khó khăn và hay thất bại.

Ít có sự tham gia của Ban lãnh đạo vào quá trình chuyển đổi số

Nhờ chuyển đổi số, GDP của thế giới sẽ tăng trưởng gấp 10 lần, từ 6% năm 2017 đến 60% 2012. Còn theo nghiên cứu của dự án Microsoft Asia Study 2018, chuyển đổi số sẽ đóng góp vào GDP của khu vực châu Á – Thái Bình Dương 1,1 triệu tỷ USD.

Việt Nam tất nhiên không thể đứng ngoài xu hướng này, khi trong vài năm gần đây, phong trào chuyển đổi số đang lan rộng ra khắp cả nước. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Chí Đức – Giám đốc Votiva Việt Nam, chuyên gia có 20 kinh nghiệm trong chuyển đổi số, thì chúng ta mới có lượng chứ chưa có chất.

Giáo sư David L.Rogers từng cho rằng: chuyển đổi số không phải là về công nghệ, mà về chiến lược và sự đổi mới trong ý thức. Tại Việt Nam, nhiều dự án chuyển đổi số thất bại là vì các lãnh đạo doanh nghiệp vẫn đứng ngoài cuộc.

"Trong rất nhiều dự án, Ban quản trị, Giám đốc IT và cả Giám đốc Công nghệ thông tin (CIO) đều hiếm khi tham dự. Từ những dự án chuyển đổi số mà chúng tôi thực hiện, thì 90% dự án thành công là nhờ sự tham gia của Ban lãnh đạo và nhân sự cao cấp trong bộ phận liên quan.

Dù tự làm hoặc thuê công ty tư vấn, Ban lãnh đạo doanh nghiệp cũng nên dành ra từ 6 tháng đến 1 năm để làm việc chung với ban dự án. Nếu doanh nghiệp không có vị trí CIO, thì cần thuê một CIO ở bên ngoài có đủ năng lực và sức mạnh", ông Nguyễn Chí Đức đề nghị.

Chuyển đổi số như một cuộc đua marathon, doanh nghiệp sẽ chết giữa hành trình nếu không có kế hoạch rõ ràng và chuẩn bị chi tiết - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Chí Đức - Giám đốc Votiva Việt Nam

Ngoài ra, thay vì cố sức làm một cái gì đó thật lớn, hãy bắt đầu từ những dự án nhỏ kiểu thử nghiệm. Với dự án nhỏ, thất bại nhanh thì cũng sửa nhanh. Sau khi vài dự án nhỏ thành công, chúng ta sẽ thuyết phục Ban lãnh đạo tham gia dễ hơn. Tóm lại, muốn chuyển đổi số thành công: cần lôi kéo sự tham gia của Ban lãnh đạo và đi từng bước nhỏ, truyền thông đến từng nhân viên.

Bà Nguyễn Thùy Dương – Phó Tổng Giám đốc, Khối dịch vụ tài chính Ernst & Young Việt Nam, cũng rất đồng tình với nhận xét của ông Đức.

Trong quá trình tư vấn, bà thấy, tại Việt Nam, nhiều lãnh đạo đã không tham gia các dự án chuyển đổi số mà giao toàn quyền cho nhân viên. Trong mảng ngân hàng, nhiều Chủ tịch chưa từng xài mobile banking, internet banking để giao dịch, vì mọi giao dịch tiền bạc của họ đều để thư ký làm. Nếu họ không sử dụng dịch vụ mới, thì họ làm sao biết nó cần thiết hay không, hoặc công cuộc chuyển đổi số của ngân hàng mình đã đi tới bước nào, có ưu điểm và nhược điểm gì?

Ngoài ra, tại Việt Nam, công tác bảo mật vẫn chưa tốt, ví dụ như ở ngành ngân hàng. Năm 2018, các ngân hàng Việt Nam chịu 8.319 vụ tấn công, chỉ một nửa cảnh báo an ninh mỗi ngày được điều tra, đứng thứ 7 trên thế giới trong mục tiêu tấn công của Trojans ngân hàng, 624 triệu USD là con số thiệt hại do virus máy tính gây ra cho người dùng Việt.

Chuyển đổi số là câu chuyện về nhận thức, sự kiên nhẫn từ bản thân tổ chức hơn là chuyện về công nghệ, bà Dương nhận định.

Từ kinh nghiệm thực tiễn về chuyển đổi số tại Coca Cola, ông Rahul Shinde – CIO Coca Cola Beverages Vietnam cũng nghĩ rằng, chuyển đổi số nên bắt đầu từ lãnh đạo.

"Trong tất cả, chuyển đổi văn hóa là khó nhất, vì thế, quá trình chuyển đổi số nên bắt đầu từ lãnh đạo.

Vì lãnh đạo của Coca Cola hiểu khá nhiều về công nghệ, nên trong dự án chuyển đổi số của chúng tôi, tất cả cùng nhìn về một hướng, lãnh đạo dễ dàng hiểu về những gì mà chũng tôi giải thích là chúng tôi sẽ làm. Họ giúp chúng tôi chuyển đổi về văn hóa, giải quyết nhiều vấn đề phát sinh khác trong doanh nghiệp suốt quá trình chuyển đổi số.

Người Việt thích ứng việc thay đổi công nghệ rất nhanh. Tuy nhiên, không ít nhân viên của chúng tôi lo sợ việc chuyển đổi số sẽ làm họ mất việc, thế nên, chúng ta cần nhìn vào thay đổi và chia sẻ để họ hiểu. Thúc đẩy chuyển đổi văn hoá phải bắt đầu từ trên cao, dựa vào kịch bản kinh doanh thực tế và cần tất cả mọi người tham gia. Chuyển đổi số không thể thành công trong 1 đêm mà cần nhiều thời gian", ông Rahul Shinde tiết lộ.

Vậy làm sao để thuyết phục lãnh đạo cùng tham gia? Ông Lui Sieh – Trưởng bộ phận tư vấn, Cố vấn CIO, Công ty SynergySynq chia sẻ rằng, chúng ta cần thể hiện rõ: nhiệm vụ của chúng ta là như thế nào, kết quả sẽ là gì, kế hoạch - nhiệm vụ cụ thể, khách hàng của chúng ta là ai và giá trị mà họ muốn nhận lại.

Ví dụ: Amazon luôn hướng tới khách hàng, họ muốn xây dựng một nền tảng nơi mà mọi người đến đều có thể mua một cái gì đó. Tham vọng của họ là có thể chiến thắng mọi đối thủ.

Mặt khác, doanh nghiệp cần có tinh thần chuẩn bị chiến thắng: tinh thần hành động, chuẩn bị kỹ càng, vì chuyển đổi số như một cuộc chạy đua marathon, nếu không lên kế hoạch rõ ràng và chuẩn bị chi tiết có thể bị chết giữa hành trình.

Ngành ngân hàng mới ở giai đoạn thứ 2

Chuyển đổi số như một cuộc đua marathon, doanh nghiệp sẽ chết giữa hành trình nếu không có kế hoạch rõ ràng và chuẩn bị chi tiết - Ảnh 2.

Ông Lê Anh Dũng – Phó Vụ trưởng, Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Trên thực tế, ngân hàng là ngành sốt sắng nhất với việc chuyển đổi số. Hiện tại, 59% ngân hàng thương mại ở Việt Nam đã và đang triển khai chuyển đổi số, 35% đang nghiên cứu xây dựng chiến lược chuyển đổi số, 6% còn lại vẫn chưa làm gì. Các ngân hàng Việt thường chuyển đổi số theo 2 cách: tự đổi mới bằng cách xây dựng các khả năng – công nghệ của ngân hàng số, tăng cường hợp tác với các fintech để nhanh chóng tận dụng thế mạnh của đôi bên.

Chuyển đổi số trong ngân hàng thường chia làm 3 giai đoạn từ thấp đến cao: chuyển đổi số quy trình – giao dịch xử lý tự động; chuyển đổi số ở kênh giao tiếp – Mobile Banking, Mobile Payment, Omni-channel, MXH, Fanpage; chuyển đổi số ở nền tảng dữ liệu – dùng clound, big data, blockchain, AI.

Ví dụ: TP Bank với dịch vụ ngân hàng tự động Live Bank, Vietcombank với Digital Lab,  MB với chatbot phục vụ 24/7, VPBank với YOLO - ngân hàng số tích hợp rất nhiều tiện ích khác nhau...

Tuy nhiên, theo khảo sát của ông Lê Anh Dũng – Phó Vụ trưởng, Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, thì phân phần lớn các ngân hàng Việt Nam chỉ mới triển khai ở cấp độ 2 – chuyển đổi về quy trình và kênh giao tiếp. Còn giai đoạn 3 chuyển đổi ở nền tảng dữ liệu mới được triển khai tại một số ngân hàng tiên phong, chưa phổ biến.

Reet Chaudhuri – Chuyên gia cao cấp mảng Thanh toán và Giao dịch, MC Kinsey còn khắt khe hơn, ông cho rằng, dù 50% ngân hàng ở Hà Nội và TP. HCM đã có ngân hàng số, nhưng quá trình chuyển đổi ở các ngân hàng Việt Nam mới chỉ hớt váng bên ngoài mà thôi, ngay cả YOLO  của VPBank cũng chưa tạo ra những đề xuất số hấp dẫn.

Các ngân hàng Việt nên tạo ra những giá trị mới, biến đổi và tạo ra những mô hình kinh doanh hiện đại, phát triển doanh nghiệp theo xu hướng tấn công như tạo ra một hệ sinh thái.

Ví dụ: Webank của Wechat đã thành công khai thác 10 triệu khách hàng của Wechat. Khi Webank đưa ra bất cứ đề xuất gói vay nào với khách hàng, chỉ cần khách hàng đồng ý vay, họ ngay lập tức sẽ tiến hành giao dịch. Sở dĩ, Webank có thể mạnh dạng cho vay như thế, là bởi, trước đó họ đã thẩm định khách hàng đó qua các giao dịch – hoạt động trên Wechat, Alipay cũng như mạng xã hội, để xem khách hàng có thể vay một gói bao nhiêu tiền thì có khả năng chi trả.

Các ngân hàng Việt vẫn chưa có sản phẩm số để khai thác 60% người tiêu dùng chưa có tài khoản ngân hàng ở vùng nông thôn – bán đô thị.

Quỳnh Như

Cùng chuyên mục
XEM