Lần đầu tiên, Viettel, FPT, Bkav, VNG, cùng 4 ông lớn công nghệ khác bắt tay nhau thành lập liên minh chuyển đổi số, tham vọng xây dựng một Việt Nam hùng cường

08/08/2019 12:22 PM | Kinh doanh

Liên minh được thành lập với mục tiêu cùng liên kết, hợp tác, đồng hành với chính quyền và doanh nghiệp để triển khai, thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số.

Sáng ngày 8/8, liên minh chuyển đổi số do các doanh nghiệp công nghệ hàng đầu Việt Nam chính thức ra mắt tại diễn đàn Vietnam ICT Summit 2019. Liên minh có sự tham gia của một số doanh nghiệp lớn như tập đoàn FPT, Viettel, VNPT, CMC, VNG, Bkav, Misa, MobiFone.

Chủ tịch liên minh, ông Lê Đăng Dũng, Quyền Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel cho biết liên minh chuyển đổi số ra đời, bước đầu dựa trên cơ sở là các doanh nghiệp viễn thông, công nghệ thông tin lớn nhất Việt Nam có sứ mệnh truyền cảm hứng cho toàn xã hội về chuyển đổi số, chủ động thực hiện chuyển đổi số và tạo ra nền tảng, hạ tầng, dịch vụ để tạo điều kiện cho doanh nghiệp và xã hội cùng chuyển đổi.

Sau này, liên minh sẽ mở rộng để các doanh nghiệp đủ năng lực cùng tham gia.

Thay mặt liên minh, ông Dũng cam kết các doanh nghiệp sẽ cùng tích cực đóng góp để hoàn thiện thể chế và hành lang pháp lý cho chuyển đổi số quốc gia; phát triển hạ tầng năng lượng quốc gia, mạng di động 4G, 5G; triển khai cáp quang; phát triển mạng viễn thông, điện toán đám mây, IoT sâu rộng; bổ sung công nghệ big data, blockchain, AI,... chia sẻ tri thức; chủ động tham gia hoàn thiện chính phủ số, hỗ trợ người dân thanh toán số, đảm bảo an ninh mạng,...

Được biết, Liên minh Chuyển đổi số là sáng kiến do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Việt Nam (VINASA) đề ra, nhằm "hiệu triệu", kêu gọi các doanh nghiệp ICT lớn, các chuyên gia đầu ngành, các viện nghiên cứu… chung tay hợp tác, đồng hành cùng Chính phủ, các Bộ, Ngành, tổ chức và doanh nghiệp tham gia vào triển khai và thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam.

Theo Dự thảo Đề án "Chuyển đổi số quốc gia", lộ trình chuyển đổi số Việt Nam sẽ gồm 3 giai đoạn.

Trong đó, giai đoạn 1 từ 2020 đến hết 2022 là giai đoạn tập trung xây dựng các nền tảng cho chuyển đổi số; triển khai các dự án chuyển đổi số ưu tiên trong những ngành nền tảng, trọng điểm.

Giai đoạn 2, từ năm 2023 đến hết 2025 sẽ tăng tốc chuyển đổi trong các lĩnh vực kinh tế xã hội.

Và giai đoạn 3, từ năm 2026 đến 2030 là giai đoạn chuyển đổi số toàn diện, với nền kinh tế, xã hội vận hành dựa trên công nghệ số, đổi mới và sáng tạo.

Nhật Anh

Cùng chuyên mục
XEM