Giới trẻ Trung Quốc: Cho tiền cũng không muốn kết hôn, sinh con, van xin 'hãy để chúng tôi yên'!

14/01/2022 13:44 PM | Xã hội

Trung Quốc bất lực với cả một thế hệ trẻ "lười" kết hôn, sinh con.

Gen Z Trung Quốc lười kết hôn
Gen Z Trung Quốc lười kết hôn

Đối mặt với tình trạng dân số ngày càng thu hẹp và già đi ở mức báo động, giới chức Trung Quốc trong nhiều năm qua đã cố gắng khắc phục những hệ luỵ từ chính sách một con kéo dài hàng thập kỷ. Họ nới lỏng các hạn chế, cho phép tất cả cha mẹ sinh 3 con. Nhiều ưu đãi thuế và trợ cấp nhà ở cho các cặp vợ chồng mới sinh cũng được đưa ra nhằm khuyến khích người trẻ kết hôn và có con đầu lòng. Sinh con theo đó được coi là nghĩa vụ của một người Trung Quốc yêu nước, trong đó, các đảng viên được khuyến khích nhiều hơn cả trong việc làm gương đi đầu.

Tuy nhiên, không một nỗ lực nào của giới chức đại lục mang lại kết quả. Tỷ lệ sinh của Trung Quốc kể từ năm 2017 đều giảm khi ngày càng nhiều người trẻ từ chối kết hôn và sinh con.

Chính vì vậy, một giải pháp mới đã được đề xuất. Ông Ren Zeping, nhà kinh tế có ảnh hưởng lớn tại đại lục vừa công bố bản nghiên cứu mang tên "Đã tìm ra giải pháp cho tỷ lệ sinh đẻ thấp của Trung Quốc". Sau khi xem xét các chính sách kế hoạch hóa gia đình và cách chính phủ các nước áp dụng để tăng tỷ lệ sinh, ông Ren cho rằng việc thành lập một quỹ đặc biệt khuyến khích người trẻ sinh con là vô cùng cần thiết.

Giới trẻ Trung Quốc: Cho tiền cũng không muốn kết hôn, sinh con, van xin hãy để chúng tôi yên! - Ảnh 1.

Tỷ lệ sinh của Trung Quốc kể từ năm 2017 đều giảm khi ngày càng nhiều người trẻ từ chối kết hôn

"Nếu Ngân hàng Trung ương PBOC dành 2.000 tỷ nhân dân tệ (tương đương 313 tỷ USD) cho quỹ, Trung Quốc sẽ có thêm 50 triệu trẻ sơ sinh trong 10 năm tới. Điều này sẽ giải quyết vấn đề thiếu hụt trẻ sơ sinh cũng như tình trạng dân số già của Trung Quốc, qua đó giảm bớt gánh nặng lên người dân, doanh nghiệp và chính quyền địa phương", ông Zen viết.

Quỹ khuyến khích sinh nở nên được bơm tiền tài trợ đầy đủ để phục vụ các dự án hỗ trợ sinh sản, thưởng tiền mặt, giảm thuế cho các cặp vợ chồng mới sinh cũng như hỗ trợ các cơ sở chăm sóc trẻ. "Các nhà tạo lập quỹ có thể lấy cảm hứng từ các chính sách đầu tư tái phát triển khu ổ chuột cũng như chương trình hỗ trợ doanh nghiệp cắt giảm lượng khí thải carbon của chính phủ".

"Trung Quốc từng thổi phồng giá bất động sản chỉ bằng cách in tiền. Nếu áp dụng chiến lược tương tự - bắt đầu in tiền để khuyến khích sinh đẻ, Trung Quốc sẽ có thêm nhiều người trẻ hơn trong tương lai", ông Zen cho biết.

Giới trẻ Trung Quốc: Cho tiền cũng không muốn kết hôn, sinh con, van xin hãy để chúng tôi yên! - Ảnh 2.

Nếu Ngân hàng Trung ương PBOC chịu chi 2.000 tỷ nhân dân tệ (tương đương 313 tỷ USD), Trung Quốc sẽ có thêm 50 triệu trẻ sơ sinh trong 10 năm tới

Bên cạnh đó, ông cũng kêu gọi giới chức nhanh chóng áp dụng các đề xuất của mình bởi những người trong độ tuổi sinh đẻ muốn có con sẽ sớm đến giai đoạn hiếm muộn. "Quỹ chủ yếu dành cho những người sinh từ năm 1975 đến năm 1985. Không nên tính đến những người sinh sau năm 1990, bởi thế hệ Millennials và Gen Z đa số không muốn có con".

Chính sách bơm tiền khó có thể cải thiện tình trạng già hoá dân số

Tuy nhiên, đề xuất trên được cho là khó có thể cải thiện tình trạng già hoá dân số Trung Quốc, trong bối cảnh thế hệ Gen Z nước này phần lớn không hề có ý định lập gia đình. Năm 2020, chỉ 8,1 triệu cặp vợ chồng tại Trung Quốc kết hôn, giảm 40% so với mức đỉnh hồi năm 2013. Hệ luỵ này, một phần, được cho là đến từ việc thay đổi thái độ với hôn nhân, đặc biệt ở phụ nữ, khi ngày càng nhiều người cảm thấy chán ngán với một xã hội bất bình đẳng giới.

Đầu tháng này, bài đăng chúc mừng một cặp vợ chồng trẻ đăng ký kết hôn trên Weibo của hãng thông tấn Trung Quốc cũng nhận về không ít phản ứng tiêu cực của giới trẻ đại lục. Họ cho rằng chính phủ đang gián tiếp gây áp lực, buộc họ phải sớm tổ chức đám cưới để cải thiện tỷ lệ sinh đẻ.

"Có phải hãng thông tấn đang gián tiếp thúc giục những bạn trẻ sinh sau năm 2000 kết hôn không? Hãy để họ yên", một bình luận cho hay.

Giới trẻ Trung Quốc: Cho tiền cũng không muốn kết hôn, sinh con, van xin hãy để chúng tôi yên! - Ảnh 3.

Năm 2020, chỉ 8,1 triệu cặp vợ chồng tại Trung Quốc kết hôn, giảm 40% so với mức đỉnh hồi năm 2013

Bên cạnh đó, bản thân đề xuất của ông Zen cũng đang tạo ra không ít luồng ý kiến trái chiều. Trong khi một số ca ngợi ông "suy nghĩ thấu đáo", những người khác lại chỉ trích vị chuyên gia này quá "đơn giản hóa vấn đề" và "không xét tới khả năng xảy ra hiệu ứng dây chuyền".

"Một biện pháp kích cầu như thế này chắc chắn sẽ gây ra lạm phát và đẩy chi phí sinh hoạt của người dân lên cao hơn. Làm sao một chuyên gia kinh tế lại không biết điều này chứ?", một người dùng Weibo bình luận.

Theo: SupChina

Huệ Anh

Cùng chuyên mục
XEM