Gien "học hành" đang ngày một hiếm và đây là lý do vì sao

24/01/2017 13:35 PM | Khoa học

Các nhà nghiên cứu nói rằng trong khi hiệu ứng này chỉ thể hiện ở sự sụt giảm nhẹ của chỉ số IQ trong mỗi thập niên, nhưng nếu xét theo độ dài thế kỷ thì tác động này sẽ rất đáng kể.

Nghiên cứu từ deCODE, một công ty chuyên về công nghệ di truyền ở Reykjavik cho biết, các nhóm gien khiến người ta dành nhiều năm trong cuộc đời cho việc học hành đang trở nên hiếm hơn ở nước này trong giai đoạn 1910-1975.

Các nhà nghiên cứu đã sử dụng một cơ sở dữ liệu của hơn 100.000 người và nhận thấy có sự sụt giảm nhẹ nguồn gien này, và các gien liên quan đến học hành cũng ảnh hưởng đến khả năng sinh sản.

Những ai mang nhiều gien học hành hơn thường có xu hướng sinh ít con hơn những người khác. Điều này dẫn các nhà nghiên cứu đến một nhận định cho rằng các gien này đang dần trở nên hiếm hơn, bởi những người có trình độ học vấn cao hơn lại đóng góp ít hơn vào nguồn gien của Iceland.

Nghiên cứu cho biết, dành nhiều thời gian hơn cho học tập và công việc không phải là lý do duy nhất khiến những người có trình độ học vấn cao lập gia đình muộn và có con ít hơn. Nhiều người mang gien này rời bỏ con đường học hành sớm mà vẫn sinh ít con hơn những người khác.

Thực ra tác động này khá nhỏ. Theo ước tính của các nhà nghiên cứu, nó chỉ làm giảm khoảng 0,04 điểm IQ mỗi thập niên. Tuy nhiên, theo Kari Stefansson, người chỉ đạo nghiên cứu này, thì nếu xu hướng này tiếp tục diễn ra, tác động có thể sẽ rất nghiêm trọng.

Theo Melinda Mills, giáo sư xã hội học ở Đại học Oxford, "Trình độ học vấn, khi nào chúng ta có con và có bao nhiêu con, chủ yếu được quyết định bởi các yếu tố xã hội và môi trường. Chúng bao trùm hẳn tác động của gien di truyền. Theo thời gian, rõ ràng phụ nữ ngày nay đã có thêm từ 3 - 4 năm trong con đường học hành của mình so với năm 1910".

Stefansson thừa nhận rằng những thay đổi trong giáo dục có thể che lấp mọi tác động về di truyền, và lấy dẫn chứng là chỉ số IQ tăng gần 14 điểm trong giai đoạn 1932-1978, khi những thay đổi về công nghệ và kinh tế xã hội khiến giáo dục tiến lên về mọi mặt với quy mô rộng khắp.

Ewan Birney, giám đốc Viện Tin sinh Châu Âu tại Cambridge cho biết, ông sợ rằng nghiên cứu này sẽ bị hiểu nhầm khi tuyên bố trình độ học vấn được quyết định bởi gien di truyền, vì thế những ai đang phải vật lộn ở trường học cũng sẽ vô vọng kể cả khi phương pháp giảng dạy được cải thiện. "Điều này không đúng, và cần phải nhấn mạnh hơn nữa", ông nói.

Robert Plomin, một chuyên gia di truyền học hành vi tại trường King’s College London cho biết, nghiên cứu này là một bằng chứng cho thấy điểm đa gien - vốn dùng để đo lường sự mạnh yếu về di truyền của một người - đang là tâm điểm của cuộc cách mạng DNA. "Chúng đã làm thay đổi khoa học và sớm muộn cũng sẽ tác động đến xã hội", Plomin nhận định.

Đinh Vân

Cùng chuyên mục
XEM