Giàu nhanh - Ăn lắm: Người Trung Quốc đang 'chết dần' vì bệnh tiểu đường
Theo Tổ chức y tế thế giới (WHO) ước tính, có khoảng 1,6 triệu người dưới 70 tuổi trên toàn cầu mắc bệnh tiểu đường và có khoảng 4.300 ca bệnh loại này thiệt mạng mỗi ngày, tương đương cứ 3 phút thì có 1 người chết vì tiểu đường trên thế giới.
Số liệu của Liên hiệp phòng chống tiểu đường quốc tế (IDF) cho thấy bệnh tiểu đường xếp thứ 7 trong số 10 loại bệnh gây chết nhiều nhất trên thế giới. Chúng khiến nền kinh tế toàn cầu tiêu tốn tới 12% tổng ngân sách chăm sóc sức khỏe, tương đương 727 tỷ USD.
Một điều đáng ngạc nhiên là khoảng 1/3 số bệnh nhân tiểu đường hiện nay trên thế giới nằm ở Trung Quốc và đây cũng là nước có số bệnh nhân tiểu đường cao nhất toàn cầu. Điều đáng nói là nền kinh tế nước này mới chỉ bùng nổ trong vài thập niên trở lại đây chứ chưa so sánh được với những thị trường đã trở thành nền kinh tế phát triển trong nhiều thập niên qua.
Cách đây 30 năm, bệnh tiểu đường chỉ chiếm 1% tổng dân số Trung Quốc thì tỷ lệ này đã tăng lên 11% hiện nay, tương đương với tỷ lệ ở Mỹ và cao gấp đôi tại Anh, những nước tư bản già đã giàu rất nhiều năm và tiêu thụ thực phẩm giàu chất béo, chất đường hơn.
Tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường ở người trưởng thành Trung Quốc thấp hơn Mỹ nhưng số lượng lại cao hơn
Với sự đi lên của nền kinh tế toàn cầu, bệnh tiểu đường đang ngày càng phổ biến nhưng tại Trung Quốc nó lại đang trở thành một cơn ác mộng. Trên phương diện y học, bệnh tiểu đường là sự suy giảm chức năng kiểm soát lượng đường trong máu của cơ thể. Bệnh tiểu đường cấp 1 thường hiếm gặp và thường xuất hiện sớm. Bệnh nhân có thể sống sót bằng việc sử dụng Insulin hàng ngày.
Tuy nhiên với bệnh tiểu đường cấp 2, chúng phổ biến hơn và thường xuất hiện ở người lớn với những trường hợp béo phì hoặc ít vận động. Bệnh nhân có thể điều trị tạm bằng thuốc cũng như việc thay đổi lối sống.
Dẫu vậy nếu không được điều trị tốt, bệnh tiểu đường có thể biến chứng dẫn đến tổn hại nội tạng, mù mắt, đột quỵ hoặc đau tim. Điều đáng chú ý là bệnh nhân tiểu đường thường không biết mình mắc bệnh bởi triệu chứng của chúng không rõ ràng. Ví dụ như mệt mỏi, thường xuyên khát hoặc hay nóng giận thất thường, hay đi tiểu, vết thương lâu lành và bị sút cân.
Trung Quốc hiện có khoảng 116 triệu bệnh nhân tiểu đường và là nước có nhiều bệnh nhân loại này nhất thế giới. Cách đây 12 năm, con số bệnh nhân mới chỉ chưa đến 25 triệu người và sự bùng nổ của loại bệnh này đang khiến chính quyền Bắc Kinh lo lắng.
Giàu nhanh chết sớm
Sự bùng nổ kinh tế quá nhanh, quá trình đô thị hóa cùng lối sống ít vận động đang khiến người Trung Quốc khốn khổ với bệnh tiểu đường. Thu nhập tăng cao khiến các hộ gia đình tiêu thụ nhiều thực phẩm hơn nhưng không kiểm soát được lượng dinh dưỡng hấp thụ. Những chuỗi cửa hàng ăn nhanh, trà sữa, hệ thống giao đồ ăn nhanh, nước ngọt có ga… đã khiến người Trung Quốc ngày càng béo và yếu hơn.
Hiện 1/7 số người trưởng thành Trung Quốc bị mắc bệnh tiểu đường. Tại thủ đô Bắc Kinh khoảng ¼ số người trưởng thành mắc bệnh tiểu đường.
Trong khi đó, tỷ lệ đô thị hóa tại Trung Quốc đã tăng từ dưới 20% thập niên 1980 lên đến 60% hiện nay. Bên cạnh đó việc hút thuốc quá nhiều cũng là một nguyên nhân khiến tăng bệnh tiểu đường. Trung Quốc chiếm 1/5 tổng dân số toàn cầu nhưng lại tiêu thụ tới 1/3 tổng số thuốc là trên thế giới. Khoảng 50% số nam giới trưởng thành tại quốc gia này hút thuốc hàng ngày.
Bệnh nhân tiểu đường cấp 1 có thể sống sót nhờ tiêm Insulin hàng ngày
Khảo sát của IDF cho thấy 90% số phụ huynh Trung Quốc gặp khó khi chẩn đoán các triệu chứng tiểu đường ở trẻ em. Trong khi đó, khoảng 80% số người lớn trên thế giới không xác định được các triệu chứng của tiểu đường.
Một cuộc khảo sát cũng cho thấy 65% số người mặc bệnh tiểu đường ở Trung Quốc không để ý đến tình trạng của mình, con số này chỉ là 25% tại Mỹ. Tệ hơn, chỉ có 1/3 số bệnh nhân tiểu đường của Trung Quốc là chữa trị tử tế và trong số đó chỉ có 50% là giữ được lượng đường trong máu trong mức cho phép.
Tại Châu Á, bệnh tiểu đường càng khó phát hiện hơn bởi rất nhiều người không béo nhưng vẫn dính bệnh khi chất béo ẩn giấu trong lục phủ ngũ tạng.
Điều nguy hiểm ở đây là thế giới chưa có một phương thuốc nào chữa dứt điểm bệnh tiểu đường mà chỉ có thể hạn chế tác dụng phụ, bởi vậy phòng bệnh tiểu đường vẫn là biện pháp duy nhất đề người dân tránh khỏi cơn ác mộng này.
Xin được nhắc nhở rằng bệnh tiểu đường thậm chí đáng sợ hơn cả HIV. Trong khi bệnh nhân HIV uống thuốc bằng liều cố định trong từng giai đoạn thì bệnh nhân tiểu đường biến chứng rất thất thường tùy vào lối sống. Bệnh nhân tiểu đường sẽ phải thường xuyên kiểm tra lại và thay đổi cơ chế điều trị một cách đắt đỏ.
Các nghiên cứu cũng cho thấy, bệnh nhân tiểu đường dễ biến chứng sang các dạng bệnh khác hơn nhiều so với bệnh nhân HIV.
Thậm chí với những bệnh nhân phải điều trị bằng thuốc, họ cũng gặp phải rất nhiều tác dụng phụ như giảm cân, đau khớp, nôn mửa, tiêu chảy…
Mặc dù bệnh tiểu đường có thể điều trị tạm bằng thuốc và thay đổi lối sống nhưng hệ thống y tế kém cỏi cùng cơ sở hạ tầng yếu khiến các bệnh nhân không phát hiện được sớm để rồi bị biến chứng khi đã quá muộn.
Trong những năm gần đây, sự giảm tốc cùng những bất ổn về kinh tế khiến người dân ít chịu chi cho chăm sóc sức khỏe hơn. Các cuộc khảo sát cho thấy chi cho chăm sóc sức khỏe trong tổng chi tiêu của người Trung Quốc đã giảm từ 60% năm 2001 xuống chỉ còn 30% hiện nay.
Trong những năm gần đây, tăng trưởng chi tiêu cho sức khỏe hàng năm tính ở Trung Quốc đã cao hơn 5-10 điểm phần trăm so với tăng trưởng GDP và khoảng 13% tổng chi tiêu sức khỏe ở nước này là cho điều trị bệnh tiểu đường. Tương tự theo dự báo của Tổ chức phòng chống tiểu đường Mỹ (ADA), tổng chi phí cho bệnh tiểu đường toàn cầu sẽ lên đến hơn 2,1 nghìn tỷ USD năm 2030 và mối nguy hại này sẽ còn tăng do sự chủ quan của người dân.