Giám đốc về làng heo hút ven rừng Cúc Phương làm nông, nửa năm không biết mùi trà sữa

26/04/2022 08:15 AM | Sống

Cuộc sống của Trung và Hoa trái ngược 180 độ so với trước kia. Họ rời bỏ những tiện nghi cũ ở thành phố, thay vì uống trà sữa thì lấy nước rau muống luộc vắt chanh để giải khát.

Tạm dừng công ty, mở tiệm nông sản yêu thương

Trung Võ là người Đà Nẵng, vợ anh, Hoàng Hoa là người Ninh Bình. Họ làm trong ngành du lịch được gần 5 năm, thường vi vu các khu nghỉ dưỡng hạng sang, bán phòng nghỉ và quay phim, chụp ảnh cho các resort 4 - 5 sao.

Công ty riêng của Trung Võ và Hoàng Hoa mở ra được 2 năm, đang hoạt động ổn thì dịch Covid-19 “chạm ngõ” Đà Nẵng. Gồng được ít lâu, nhưng chi phí duy trì công ty lớn, ngành du lịch lại chịu ảnh hưởng nặng nề, họ đành tạm đóng cửa công ty ít lâu.

 Giám đốc về làng heo hút ven rừng Cúc Phương làm nông, nửa năm không biết mùi trà sữa - Ảnh 1.
 Giám đốc về làng heo hút ven rừng Cúc Phương làm nông, nửa năm không biết mùi trà sữa - Ảnh 2.

Trung Võ và Hoàng Hoa khá nổi tiếng trong cộng đồng yêu du lịch.

Tạm “thất nghiệp”, Trung Võ và Hoàng Hoa sống nhờ khoản tiền tiết kiệm hồi kiếm bộn, dành gần 2 năm để tham gia hỗ trợ chống dịch tại Đà Nẵng. Thời điểm ấy, những ngày trực tiếp đi giao đồ bảo hộ cho các bác sĩ, nhìn thấy những người ốm, người chết trước mặt, tâm tư của Trung Võ xao động nhiều.

Anh trải lòng: “Đà Nẵng giãn cách xã hội rất ngặt nghèo, có thời điểm 1 tổ chỉ được 1 người đại diện đi mua đồ ăn cho tất cả. Chúng mình sống ở phố, nhà chật hẹp, không được đi lại, không mấy khi giao lưu với ai, nhiều khi thực phẩm sạch cũng không có mà ăn luôn.

Đó là khi mình thuyết phục vợ bỏ thành phố về quê vợ ở. Vợ mình học và sống ở thành phố nhiều năm quen rồi, cô ấy rất ngại. Còn mình rất thích về quê, mê nhất là đất đai rộng và thoáng đãng.

Mãi đến khi du lịch ngưng trệ, tạm dừng công ty, sống ở phố mà thật sự không biết làm gì tiếp theo, vợ mình mới đồng ý về quê sống. Gia đình mình về quê gần 7 tháng trước, trước lúc cao điểm dịch bùng lên ở cả nước.”.

 Giám đốc về làng heo hút ven rừng Cúc Phương làm nông, nửa năm không biết mùi trà sữa - Ảnh 3.
 Giám đốc về làng heo hút ven rừng Cúc Phương làm nông, nửa năm không biết mùi trà sữa - Ảnh 4.

Cặp đôi tạm dừng hoạt động của công ty, về Ninh Bình sống chậm một thời gian.


Ở thôn Đại Hòa, xã Xích Thổ, huyện Nho Quan, Ninh Bình quê Hoàng Hoa, họ có nhà cũ của bố mẹ vợ, nhiều năm không ai ở. Bố mẹ Hoa sống ở Hà Nội, ở Ninh Bình chỉ có ông bà nội và họ hàng của cô sinh sống. Tất cả đều là nông dân, sống dựa vào việc làm nông nghiệp: Trồng lúa, hoa màu, nuôi ong trong rừng Cúc Phương.

 Giám đốc về làng heo hút ven rừng Cúc Phương làm nông, nửa năm không biết mùi trà sữa - Ảnh 5.

Gia đình nhỏ được sống gần thiên nhiên, họ hàng khi về quê.


Căn nhà cũ của bố mẹ xập xệ, cỏ cây rậm rạp, Trung và Hoa về dọn dẹp, chỉnh trang lại, trồng thêm cây cối quanh nhà. Ổn thỏa nhà cửa xong, họ kết hợp với người địa phương làm nông nghiệp, mở tiệm nông sản địa phương. Cuộc sống không dư dả nhưng đủ duy trì cuộc sống.

Nửa năm không uống trà sữa, đi rừng thay cho đi bar

Tháng 8 năm ngoái, Trung và Hoa vẫn đi quay resort, được mời đi du lịch trải nghiệm quanh Hội An. Đến khi họ về quê, đó như một cú sốc với tất thảy mọi người. Bố mẹ Hoa ở Hà Nội cũng nơm nớp lo con gái khổ. Ba mẹ Trung ngoài Đà Nẵng cũng không nghĩ là các con đang quen ở phố lại về sống được ở vùng hoang vắng bìa rừng Cúc Phương.

 Giám đốc về làng heo hút ven rừng Cúc Phương làm nông, nửa năm không biết mùi trà sữa - Ảnh 6.
 Giám đốc về làng heo hút ven rừng Cúc Phương làm nông, nửa năm không biết mùi trà sữa - Ảnh 7.

Trung hòa nhập rất nhanh với đời sống nông thôn.


Quanh đây chỉ có 1 - 2 cái nhà thôi, nhà tựa lưng vào núi, trước mặt là cánh đồng, heo hút vô cùng. Chúng mình ăn Tết ở quê luôn. Ba mẹ mình cứ hối thúc quay lại Đà Nẵng vì lo chúng mình không biết làm gì để mưu sinh, trẻ con đi học thế nào... Còn mình thì rất hào hứng.

Dù phương tiện và cuộc sống có chút thiếu thốn, nhưng rau củ xung quanh thì không bao giờ thiếu. Gia đình gần như ăn chay nên việc ăn uống khá đơn giản. Em bé gần 4 tuổi của mình hồi ở thành phố chật hẹp không có không gian thì hay đau bệnh vặt, về đây được ba đưa đi rừng, đi ra cánh đồng chơi, vận động nhiều nên con rất thích.” - Trung hồ hởi kể lại.

 Giám đốc về làng heo hút ven rừng Cúc Phương làm nông, nửa năm không biết mùi trà sữa - Ảnh 8.
 Giám đốc về làng heo hút ven rừng Cúc Phương làm nông, nửa năm không biết mùi trà sữa - Ảnh 9.

Em bé Sứa cũng có những trải nghiệm tuyệt vời ở quê mẹ.


Còn với Hoa, cô mất 1 - 2 tháng đầu nhớ Đà Nẵng da diết. Cô cũng ngại không muốn chia sẻ hình ảnh mới của mình: Ngày ngày ra đồng cuốc đất, làm đồng áng. Điều này ngược hẳn với Trung.

Hoa về quê hơn 1 tháng mới tìm thấy sự cân bằng, tạm quen với cuộc sống nông thôn, dù đó là nơi cô sinh ra. Nhiều năm sống ở miền Nam, quen với nhịp sống thoải mái, bay bổng ở đó, Hoa mất một thời gian “sốc văn hóa” để làm quen lại với quy chuẩn lễ nghi chặt chẽ ở quê.

 Giám đốc về làng heo hút ven rừng Cúc Phương làm nông, nửa năm không biết mùi trà sữa - Ảnh 10.
 Giám đốc về làng heo hút ven rừng Cúc Phương làm nông, nửa năm không biết mùi trà sữa - Ảnh 11.

Hoa thì mất nhiều thời gian hơn để thích nghi với cuộc sống mới.


Sự khác biệt lớn nhất có lẽ là ở phố có tiền, thích gì mua được ngay. Còn ở đây muốn đi mua vật dụng cho công việc thì phải ra tận thị trấn. Gạo không mua sẵn, mà phải đem thóc ở nhà đi xát, rau củ mùa nào thức nấy, nhà trồng được gì thì ăn chứ không đa dạng như ở siêu thị.

Vui chơi cũng rất hạn chế. Buổi tối ở quê buồn ơi là buồn, 7h hơn là nhà mình lên đọc kinh rồi đi ngủ sớm. Đi chơi cũng quanh quẩn cánh đồng, núi sau nhà và rừng Cúc Phương, đâu có bar sàn hay trò vui gì xuyên đêm.

 Giám đốc về làng heo hút ven rừng Cúc Phương làm nông, nửa năm không biết mùi trà sữa - Ảnh 12.
 Giám đốc về làng heo hút ven rừng Cúc Phương làm nông, nửa năm không biết mùi trà sữa - Ảnh 13.

Ở đây, hai ngày mới có chợ phiên họp một lần, khoảng 7 rưỡi sáng ra chợ là không còn đồ gì để mua nữa. Lúc đầu mình thấy thiếu thốn kinh khủng. Nửa năm rồi mình chưa uống trà sữa. Có lần hai vợ chồng đi 40 cây số đi lên phố mà không tìm được hàng trà sữa nào, xong chán quá, hai đứa về luộc rau muống vắt chanh uống.

Khi thích ứng rồi, mình lại thấy tuyệt vời vì có gia đình và thiên nhiên hào phóng ôm ấp. Mình thương mảnh đất này và nó cho lại mình quá nhiều thứ.”, Hoa tâm sự.

Thay đổi cách sống, tâm trí thay đổi theo

Trung và Hoa khá hài lòng trong 6 tháng bỏ phố về quê vì trốn được dịch và có thu nhập tàm tạm, chi tiêu cũng ít đi rất nhiều. Việc kinh doanh nông sản và mật ong giúp họ có thu nhập sống qua những ngày khó.

Với Trung, ở phố một ngày không làm ra tiền thì rất áp lực, nhiều gánh nặng. Ở thành phố, nguồn kinh tế của họ chủ yếu nhờ vào bán phòng nghỉ dưỡng. Đợt dịch, hai vợ chồng rất đau đầu chuyện bảo lưu cho khách, xử lý các chuyến bay bị hoàn, hủy. Còn ở quê, nếu một ngày, một tuần không làm ra tiền, họ vẫn có rau, có gạo ăn nên thoải mái hơn nhiều.

 Giám đốc về làng heo hút ven rừng Cúc Phương làm nông, nửa năm không biết mùi trà sữa - Ảnh 14.
 Giám đốc về làng heo hút ven rừng Cúc Phương làm nông, nửa năm không biết mùi trà sữa - Ảnh 15.

Tiệm nông sản của hai vợ chồng đã khiến chuyến về rừng của họ thêm ý nghĩa.


Còn Hoa, 6 tháng vừa qua cũng rất quý giá với cô khi học được cách hài lòng với những gì đang có, buông bỏ áp lực. Về quê sống, Hoa cũng vui vẻ hơn. Ngoài thời gian thu hoạch mật ong và làm vườn, cặp đôi khá nhàn, làm việc ít hơn, có thời gian cho nhau và có thời gian nhìn vào bên trong, trò chuyện với tâm trí.

Trước đây, Hoa bận kinh khủng, vừa lo việc công ty, vừa lo chăm con mà không gửi được cho ai. Về quê, họ sống thong thả hơn, Trung cũng dành nhiều thì giờ chơi với bé hơn.

 Giám đốc về làng heo hút ven rừng Cúc Phương làm nông, nửa năm không biết mùi trà sữa - Ảnh 16.
 Giám đốc về làng heo hút ven rừng Cúc Phương làm nông, nửa năm không biết mùi trà sữa - Ảnh 17.

Dường như, khi họ thay đổi cách sống, tâm trí thay đổi theo. Về quê sống, họ được gần hơn với thiên nhiên, học thêm các kiến thức và kỹ năng mới liên quan đến rừng, thu hoạch mật ong.

Họ được bảo bọc và muốn giúp đỡ ngược lại người dân, quảng bá cho làng nuôi ong truyền thống ở đây. Người nông dân không rành công nghệ, chỉ biết làm đồng, chăn nuôi và bán giá rẻ mạt, Trung lập tiệm nông sản, quảng bá online giúp tăng thu nhập người dân. Anh cũng khuyến khích họ hạn chế dùng thuốc trừ sâu, phân bón hóa học để có những sản phẩm sạch hơn - điều người thành phố luôn cần.

 Giám đốc về làng heo hút ven rừng Cúc Phương làm nông, nửa năm không biết mùi trà sữa - Ảnh 18.

Hoa mách: “Chồng và con mình thích ở quê quá còn chẳng muốn về. Em bé cứ nhắc đến chuyện về nhà ở Đà Nẵng là mặt phụng phịu. Mình vẫn vận hành cộng đồng du lịch ở Đà Nẵng, đến mùa du lịch rồi nên có lẽ sẽ không ở quê mãi. Chúng mình cũng không muốn về hẳn Đà Nẵng mà bỏ bẵng việc nông sản.

Trong hành trình trải nghiệm, chúng mình muốn đi tìm sự thoải mái và niềm vui. Cả hai nơi đều là quê, là nhà nên sẽ cân đối để không ai bị “thiệt thòi”. Mình muốn con có những năm tháng bay nhảy, trải nghiệm nhiều trong 5 năm đầu đời, còn khi đi học lớp 1, tùy theo tình hình sẽ sắp xếp ở cố định một nơi, bay bổng trong giới hạn vừa phải.”.

Sau hơn 6 tháng ở Ninh Bình, họ đã quay lại Đà Nẵng với rất nhiều trải nghiệm. Trung Võ vẫn duy trì việc kinh doanh nông sản như một sự “tự cam kết”. Cũng vì cả hai khao khát tạo ra giá trị cho chuyến “về rừng”, chứ không đơn thuần là bỏ trốn áp lực thành thị.

Theo Bích Chi

Cùng chuyên mục
XEM