Giám đốc quỹ đầu tư ESP Capital Lê Hoàng Uyên Vy chỉ ra điểm 'thiệt thòi' khiến startup Việt dù rất giỏi công nghệ nhưng chưa vươn ra thế giới thành công
"Nhiều khi 2 startup cùng lúc, làm mô hình giống nhau, một ở Việt Nam và một ở Sing, thì startup ở Sing lớn nhanh hơn, và lại tấn công ngược lại vào thị trường Việt Nam".
Là cựu CEO Adayroi.com, từng có nhiều dự án khởi nghiệp thành công và lọt vào danh sách "30 Under 30" 2016 của Forbes Châu Á, Lê Hoàng Uyên Vy hiện nay đang gắn bó với khởi nghiệp trong vai trò Giám đốc Điều hành ESP Capital - quỹ đầu tư mạo hiểm vào startup đang hoạt động tại Việt Nam và Singapore.
Trao đổi với chúng tôi mới đây, Lê Hoàng Uyên Vy đã có những chia sẻ về những điểm tích cực và hạn chế của startup Việt hiện tại.
Startup Việt học mô hình nhanh, đã theo kịp những ứng dụng công nghệ thế giới
Sự toàn cầu hóa - theo kịp thế giới về công nghệ và mô hình kinh doanh là 2 điểm tích cực của startup Việt mà Lê Hoàng Uyên Vy chỉ ra.
"Ngày xưa mình có một business idea (ý tưởng kinh doanh) tốt, mình cần ứng dụng công nghệ mới, thì giữa việc mình biết công nghệ đó và ứng dụng công nghệ đó, rồi ứng dụng như thế nào, nó có một khoảng cách", cựu CEO Adayroi nói.
"Nhưng giờ tôi thấy phần lớn trình độ ứng dụng công nghệ nói chung, tất cả các startup Việt đều được nâng lên một bậc", Vy nhận định.
Lê Hoàng Uyên Vy cho rằng hiện tại, việc tiếp thu thông tin và học hỏi về các mô hình kinh doanh mới là điều không khó với các startup Việt Nam hiện nay.
"Startup có thể học mô hình rất nhanh, có thể nhìn nhận ra những điểm cốt lõi trong mô hình rồi ứng dụng", cô nói.
Theo Vy, startup Việt đã theo kịp công nghệ, mô hình kinh doanh của thế giới. Ảnh minh họa.
Nhưng điểm 'thiệt thòi' khiến startup Việt chưa thể vươn ra thế giới
Đó là cơ hội tiếp cận vốn ngay từ giai đoạn đầu. "Đầu tiên, các thông tin để tiếp cận các quỹ đầu tư, startup Việt thiệt thòi hơn so với trong khu vực", Lê Hoàng Uyên Vy cho hay.
Cụ thể hơn, Giám đốc Điều hành ESP Capital nói: "Nếu nói quỹ đầu tư cho startup giai đoạn đầu, thì Việt Nam đang thiếu so với các nước trong khu vực. Startup Việt Nam vẫn hạn chế với tiếp cận nguồn vốn. Đó là một thiệt thòi".
Theo Uyên Vy, do thiệt thòi về tiếp cận nguồn vốn đó mà founder của các startup Việt thường chỉ đang tập trung giải quyết những vấn đề tại Việt Nam trước.
"Trong lúc đó, những startup trong khu vực – ví dụ như Singapore hay Malaysia, họ tiếp cận với nguồn vốn tốt hơn, thì nhà đầu tư của họ bắt họ phải đi mở rộng thị trường nhanh hơn mình. Cho nên, nhiều khi 2 startup cùng lúc, làm mô hình giống nhau, một ở Vietnam và một ở Sing, thì startup ở Sing lớn nhanh hơn, và lại tấn công ngược lại thị trường Việt Nam", Lê Hoàng Uyên Vy nhận định.
Nhận xét của Vy phần nào điểm tương đồng với nhận định của ông Louis Nguyễn - Tổng giám đốc công ty quản lý Quỹ đầu tư Saigon Asset Management (SAM) và là một trong những cá mập khách mời trong mùa 2 chương trình Shark Tank Việt Nam.
Tại Shark Tank Forum 2018, khi được đề nghị nhắn nhủ đến cộng đồng startup Việt, vị Shark này nói: "Nên tập trung vào những sản phẩm có thể giải quyết một thị trường lớn và vô biên giới".
"Khi bạn làm chuyện nhỏ, rất khó khăn cho những nhà đầu tư khi đầu tư vào những dự án nhỏ. Vô biên giới tức là không chỉ Việt Nam mà tất cả những nước khác, tại sao Yeah1 IPO niêm yết gần đây rất thành công, đó là vì sản phẩm của họ vô biên giới", Shark Louis Nguyễn cho hay.
Bà Lê Hoàng Uyên Vy và Shark Louis Nguyễn tại Shark Tank Forum 2018. Ảnh: Fanpage Shark Tank Việt Nam
Mảng Medtech và Edutech ở Việt Nam còn rất tiềm năng
Bên cạnh đó, trả lời về cơ hội của các startup Việt với ước mơ xây dựng hệ sinh thái trong bối cảnh những cái tên nước ngoài như Grab đã có những bước đi trước rất vững chắc tại chính thị trường Việt Nam, Lê Hoàng Uyên Vy cho biết: "Thế giới này, nếu người có tiền mà thắng tất cả thì không bao giờ có startup cả đúng không?"
"Google có hệ sinh thái nhưng rất nhiều vấn đề hiện giờ mà Google cũng chưa giải quyết được toàn bộ. Và rất nhiều startup mọc ra. Ví dụ như Facebook – cách đây 10 năm là 1 startup và Facebook sinh ra để giải quyết vấn đề về social network", Vy đặt vấn đề.
"Tôi nghĩ cơ hội luôn luôn có. Luôn luôn có những điểm trống. Bây giờ cuộc sống này đâu hoàn hảo đâu, ngày nào cũng phải có chuyện gì đó mà mình bực mình đúng không? Nếu startup hiểu được những điểm trống đó và biết được cái pain point (tạm dịch: vấn đề, 'nỗi đau') mà người dùng đang trải qua, và giải quyết pain point đó từ nhỏ và phát triển tới lớn thì tôi tin startup đó luôn luôn có cơ hội phát triển", Vy cho hay.
Cụ thể, Vy chỉ ra những mảng còn rất tiềm năng ở Việt Nam, còn rất vấn đề chưa được giải quyết. Đó là Medtech – công nghệ y tế. "Việt Nam cực kỳ nhiều pain point, đi bệnh viện rất cực, và chưa có hệ sinh thái của ông lớn nào đang tấn công vào Medtech", Vy nói.
Hay "Edutech - công nghệ giáo dục, những ông lớn chưa động tới, đó là cơ hội", cô chỉ ra.
Giám đốc Điều hành ESP Capital kết luận: "Việt Nam còn rất nhiều mảng mà có thể dùng startup làm động lực phát triển những ngành đó".