Giám đốc Nhân sự Masan: Doanh nghiệp muốn thu hút người Việt ở nước ngoài trở về phải có chiến lược phụng sự quốc gia
"Đầu tiên, bạn phải nói rõ được với họ rằng họ có thể đóng góp cho Việt Nam như thế nào khi trở về quê hương. Điều này rất quan trọng. Họ có thể lựa chọn bất cứ công ty nào trên thế giới, vậy tại sao lại là Việt Nam?", bà Nguyễn Tâm Thanh – Giám đốc Nhân sự Tập đoàn Masan đặt vấn đề.
Chia sẻ trên được bà Nguyễn Tâm Thanh - Giám đốc Nhân sự Tập đoàn Masan đưa ra trong Tọa đàm “ Xây dựng chiến lược nhân tài xuyên biên giới ở châu Á ”, nằm trong khuôn khổ sự kiện The Makeover 2024 diễn ra tại TP.HCM trong hai ngày 15-16/10, do Talentnet tổ chức.
Tại buổi tọa đàm, ông Andree Mangels - Phó Tổng Giám đốc, Giám đốc phát triển Việt Nam & Quốc tế của Talentnet - cho biết sự ra đời của AI có thể tạo ra đến 97 triệu công việc trong năm 2025. Để tăng trưởng bền vững trước một tương lai rất khó đoán định, các doanh nghiệp đang tìm kiếm những kỹ năng mới từ người lao động, đồng nghĩa với việc “săn đón” nhân tài sẽ diễn ra mạnh mẽ hơn, không giới hạn về lãnh thổ.
Lý giải về nhu cầu tuyển dụng nhân tài trên toàn cầu của các công ty hiện nay, bà Tâm Thanh cũng chỉ ra rằng có một số kỹ năng vẫn còn thiếu trên thị trường lao động ở Việt Nam. Thêm vào đó, tính đa dạng về góc nhìn, sáng kiến đổi mới, cũng như giải pháp từ các nhân tài trên toàn cầu là yếu tố rất cần thiết với mỗi tổ chức.
“Nhiều người Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ thích môi trường làm việc có tính đa dạng cao hơn, bởi họ cho rằng có thể học hỏi nhiều hơn nhờ việc tiếp xúc với nhiều nền văn hóa, quốc tịch khác nhau, cũng như rèn luyện kỹ năng tiếng Anh”, ông Andree bổ sung thêm.
Ông Kunal Malhotra – Giám đốc Quốc gia Việt Nam và Hàn Quốc của LinkedIn đánh giá lực lượng lao động xuyên biên giới là một khái niệm sẽ tồn tại bền vững, chỉ ra rằng giai đoạn Covid-19 đã chứng tỏ tầm quan trọng về mặt năng suất mà lực lượng này có thể đem lại.
Tuy nhiên, không phải cứ có kỹ năng thì ứng viên sẽ thành công tại các doanh nghiệp quốc tế. Bà Tâm Thanh nhấn mạnh yếu tố vô cùng quan trọng là sự hòa hợp về mặt văn hóa doanh nghiệp và văn hóa quốc gia.
Một câu hỏi được khán giả đặt ra tại tọa đàm liên quan đến những yếu tố để thu hút các chuyên gia Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại nước ngoài trở về làm việc.
“Đầu tiên, bạn phải nói rõ được với họ rằng họ có thể đóng góp cho Việt Nam như thế nào khi trở về quê hương. Điều này rất quan trọng. Họ có thể lựa chọn bất cứ công ty nào trên thế giới, vậy tại sao lại là Việt Nam? Bản thân doanh nghiệp phải có chiến lược, tầm nhìn phụng sự đất nước, mong muốn đóng góp cho Việt Nam. Hãy nhìn vào Alibaba hoặc Huawei, họ thành công vì thu hút được nhiều nhân tài người Trung Quốc trở về đất nước làm việc”, bà Tâm Thanh trả lời.
Giám đốc Nhân sự Masan tiếp tục nhấn mạnh yếu tố hòa nhập về văn hóa, bởi khi trở về Việt Nam, người lao động cũng sẽ đối mặt thách thức xuất phát từ khác biệt trong suy nghĩ và hành động.
“Một người ngồi vào vị trí giám đốc hay quản lý cấp cao không chỉ đảm nhiệm các công việc liên quan đến chiến lược, mà phải làm mọi thứ. Hôm nay lập chiến lược, ngày mai phải thực thi với những KPI chi tiết. Thành thật mà nói, trong 30 năm làm việc ở nhiều công ty khác nhau, tôi chưa từng thấy nơi nào đặt KPI rõ ràng như Masan. Điều này có thể gây bất ngờ với nhiều người từ nước ngoài”, bà Tâm Thanh chia sẻ.
Lời khuyên đầu tiên của Giám đốc Nhân sự Masan dành cho những người Việt trở về quê hương làm việc là phải tin vào giá trị của bản thân. Vấn đề thứ hai là rào cản ngôn ngữ và thứ ba là văn hóa. Nếu có thể xử lý được 3 điều này, bà khẳng định họ sẽ thành công ở Việt Nam.
Ngược lại với việc thu hút nhân tài người Việt trở về quê hương, một khán giả khác đặt câu hỏi là làm thế nào để người Việt có thể cạnh tranh trên toàn cầu .
Trước vấn đề này, bà Tâm Thanh cho biết mọi người thường ra nước ngoài làm việc với niềm tin về các cơ hội sự nghiệp, học hỏi được những kỹ năng chưa có trong nước. Theo bà, điều kiện đầu tiên để làm việc tốt ở nước ngoài là trở thành một công dân toàn cầu, cố gắng thấu hiểu và tôn trọng sự khác biệt văn hóa, trong khi vẫn giữ vững những giá trị của bản thân.
“Một vấn đề nữa là trong các cuộc tranh luận, người Việt thường ít bày tỏ quan điểm để tránh xung đột. Tuy nhiên, tôi nhận thấy điều này giờ đây đã thay đổi nhiều. Thế hệ trẻ đã tự tin hơn rất nhiều”, bà Tâm Thanh chỉ ra.
“Một điều mà tôi đã học được là nếu làm tốt, bạn phải lên tiếng để mọi người biết. Nếu có kỹ năng nào mà bạn tin rằng mình làm tốt thì phải giơ tay lên, dù đó là vị trí nào đi chăng nữa”, Giám đốc Nhân sự Masan kết lại phiên tọa đàm.