Giải mã cuộc khẩu chiến Mỹ - Trung về nguồn gốc virus SARS-CoV-2
Những câu hỏi xung quanh nguồn gốc virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang dấy lên một cuộc khẩu chiến nảy lửa giữa Washington và Bắc Kinh, đe dọa làm trầm trọng hơn quan hệ vốn đã căng thẳng giữa hai nước.
Những ngày gần đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Ngoại trưởng Mike Pompeo đã tăng cường những cáo buộc cho rằng virus SARS-CoV-2 có nguồn gốc từ một phòng thí nghiệm ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc , nơi dịch COVID-19 khởi phát từ tháng 12/2019.
Ngoại trưởng Pompeo ngày 3/5 tuyên bố có "bằng chứng lớn" cho thấy dịch COVID-19 bắt nguồn từ một phòng thí nghiệm Trung Quốc, nhưng ông không công khai bằng chứng. Trước đó, hôm 30/4, Tổng thống Trump cũng tuyên bố ông được cung cấp bằng chứng về việc đại dịch đã khởi phát từ phòng thí nghiệm Trung Quốc nhưng không được phép chia sẻ nó.
Những cáo buộc đó đã vấp phải phản ứng gay gắt từ Chính phủ Trung Quốc. Hôm 6/5, Bắc Kinh phản pháo, mô tả cáo buộc từ Nhà Trắng là hành động “bôi nhọ” nhằm củng cố cơ hội tái cử của Tổng thống Trump. Trong khi đó, thông tin tình báo được chia sẻ trong mạng "Ngũ Nhãn" (5 Eyes) – một liên minh gồm Mỹ và bốn đồng minh là Anh, Australia, New Zealand và Canada – cũng mâu thuẫn với cáo buộc từ chính quyền Tổng thống Trump.
Dưới đây là những câu hỏi xung quanh tranh cãi về nguồn gốc SARS-CoV-2 .
Trung Quốc phản ứng ra sao?
Ngày 6/5, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã gọi cáo buộc của Mỹ là một chiến lược chính trị nhằm “bôi nhọ Trung Quốc” của phe Cộng hoà trước thềm cuộc bầu cử 2020.
“Những chiến lược của phe Cộng hoà Mỹ được phơi bày gần đây cho thấy họ được khuyến khích tấn công Trung Quốc dưới chiêu bài virus”, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh tuyên bố và bổ sung rằng Trung Quốc đã “chán ngấy với những chiêu trò như vậy”.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh trong cuộc họp báo ngày 6/5. Ảnh: Bộ Ngoại giao Trung Quốc
“Chúng tôi kêu gọi Mỹ ngừng lan truyền những thông tin sai lệch hoặc gây hiểu lầm cho cộng đồng quốc tế. Họ nên đối mặt với những vấn đề của chính mình và đối phó với đại dịch ở trong nước”, bà Hoa Xuân Oánh nói.
Đại diện Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng lưu ý thực tế là Ngoại trưởng Mỹ Pompeo đã không cung cấp được bất cứ bằng chứng rõ ràng nào củng cố cho cáo buộc của mình. “Ông Pompeo không thể trình ra bất cứ bằng chứng nào bởi vì ông ta không có gì cả. Vấn đề này nên để các nhà khoa học xử lý chứ không phải các chính trị gia đang vượt ra khỏi nhu cầu chính trị trong nước của họ”.
Truyền thông Nhà nước Trung Quốc cũng đồng loạt phản bác các cáo buộc từ Mỹ, chỉ trích thói đổ lỗi của Washington, thậm chí đồng loạt tấn công cá nhân nhằm vào ông Pompeo. Đài truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV gọi ông là “quỷ dữ”, “điên rồ”, trong khi Tân Hoa xã gọi ông Pompeo là “kẻ dối trá”. Tờ Hoàn Cầu Thời báo của Đảng Cộng sản Trung Quốc cho rằng nhà ngoại giao hàng đầu Mỹ “đã đánh mất la bàn đạo đức của mình”.
Bắc Kinh cũng liên tục nhấn mạnh rằng cho đến nay không có bất cứ kết luận nào về nguồn gốc của virus SARS-CoV-2, khẳng định vấn đề này nên để các nhà khoa học và chuyên gia nghiên cứu. Họ cũng phản ứng mạnh mẽ trước những lời kêu gọi về một cuộc điều tra quốc tế độc lập về nguồn gốc của virus gây bệnh COVID-19, cho rằng đây là hành động mang động cơ chính trị nhằm bôi nhọ Trung Quốc.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên từng đưa ra giả thuyết trên Twitter rằng virus SARS-CoV-2 do quân đội Mỹ phát tán tại Trung Quốc. Ảnh: Reuters
Quan chức và truyền thông nhà nước Trung Quốc thậm chí còn đưa ra những cáo buộc ngược, đổ lỗi cho Mỹ. Hồi tháng Ba, trên Twitter, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên đã đưa ra giả thuyết rằng SARS-CoV-2 bắt nguồn từ Mỹ và được quân đội nước này phát tán tại Trung Quốc.
Quan điểm từ giới khoa học
Các nhà khoa học cho đến nay về cơ bản bác bỏ các giả thuyết cho rằng virus SARS-CoV-2 là sản phẩm nhân tạo. Hồi tháng Hai, 27 chuyên gia y tế công cộng đã công bố thư ngỏ trên tạp chí y khoa danh tiếng Lancet lên án những thuyết âm mưu như vậy. Họ dẫn các bằng chứng khoa học “cơ bản kết luận rằng virus này có nguồn gốc hoang dã”.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn kênh National Geographic phát sóng hôm 4/5, Tiến sĩ Anthony Fauci, chuyên gia bệnh truyền nhiễm hàng đầu của Mỹ, cho rằng "các bằng chứng khoa học nghiêng rất lớn tới việc SARS-CoV-2 không thể do nhân tạo hoặc cố tình biến đổi”, ông Fauci nói, “Mọi chi tiết về quá trình tiến hóa từng bước theo thời gian đã chỉ ra mạnh mẽ rằng virus này đã tiến hóa trong tự nhiên, sau đó nhảy sang các loài”.
Giám đốc Viện Quốc gia về bệnh truyền nhiễm và dị ứng Mỹ, Tiến sĩ Anthony Fauci phát biểu trước phóng viên tại Vườn Hồng, Nhà Trắng, trong khi Tổng thống Trump lắng nghe. Ảnh: Reuters
Trong một bài báo đăng trên tạp chí Nature Medicine vào ngày 17/3, các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm hàng đầu ở Mỹ, Anh và Australia cũng nói họ "không thể tin được" rằng SARS-CoV-2 xuất hiện từ một phòng thí nghiệm, dựa trên những phân tích so sánh dữ liệu gien. "Các phân tích của chúng tôi cho thấy rõ ràng SARS-CoV-2 không phải là một cấu trúc phòng thí nghiệm hay một loại virus được thao túng có chủ đích", bài báo viết.
Mặc dù nguồn gốc chính xác của virus gây bệnh COVID-19 vẫn chưa được rõ, nhưng nhiều chuyên gia tin rằng virus có khả năng bắt nguồn từ dơi và nhảy sang người từ vật chủ trung gian - có lẽ là tê tê.
Ban đầu, chính quyền Trung Quốc cho rằng ổ dịch có thể liên quan đến một khu chợ động vật hoang dã ở Vũ Hán, nơi một số bệnh nhân COVID-19 đầu tiên có tiếp xúc.
Nhưng giả thuyết đó cũng đối mặt với nhiều câu hỏi sau khi các nhà khoa học xem xét kỹ hơn các trường hợp nhiễm virus đầu tiên. Một bài báo được các nhà khoa học Trung Quốc đăng trên tạp chí Lancet vào ngày 24/1 cho thấy trong 41 bệnh nhân COVID-19, được báo cáo là đầu tiên, chỉ có 27 người tiếp xúc với khu chợ trên.
Chúng ta biết gì về Viện Virus học Vũ Hán?
Phòng thí nghiệm đang ở tâm điểm các cáo buộc từ chính quyền Mỹ thuộc quyền quản lý của Viện Virus học Vũ Hán- một chi nhánh của Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc do chính phủ điều hành. Đây là phòng thí nghiệm duy nhất tại Trung Quốc đại lục được đặt ở cấp độ bảo vệ sinh học cao nhất, được gọi là An toàn sinh học Cấp 4 (BSL-4).
Các phòng thí nghiệm BSL-4 được thiết kế để nghiên cứu những bệnh nguy hiểm nhất thế giới - có nguy cơ lây nhiễm cao, thường gây tử vong và thường không có cách điều trị đáng tin cậy, chẳng hạn như virus Corona.
Phòng thí nghiệm Vũ Hán được thành lập sau khi dịch viêm đường hô hấp cấp tính nặng (SARS), quét qua Trung Quốc và các khu vực khác ở châu Á vào năm 2002 và 2003. Chứng kiến sự tàn phá của SARS, chính phủ Trung Quốc đã quyết định xây dựng phòng thí nghiệm BSL- 4 tại Vũ Hán để chuẩn bị đối phó tốt hơn với một dịch bệnh truyền nhiễm trong tương lai. Cơ sở này có thể chẩn đoán, nghiên cứu và phát triển các loại thuốc chống virus và vaccine phòng mầm bệnh mới.
Phòng thí nghiệm An toàn sinh học quốc gia Vũ Hán được thiết kế và xây dựng với sự trợ giúp của Pháp. Công trình đi vào hoạt động đầy đủ từ tháng 1/2018.
Nhà virus học hàng đầu Trung Quốc, Thạch Chính Lệ - được biết đến với biệt danh "nữ người dơi" với 16 năm thám hiểm săn virus trong hang dơi - và nhóm của bà đã nghiên cứu nhiều loại virus Corona khác nhau tại phòng thí nghiệm này. Nhóm của Thạch Chính Lệ cũng đã đi đầu trong nghiên cứu tìm hiểu SARS-CoV-2. Đầu tháng 2/2020, bà Thạch và cộng sự đã có bài viết trên tạp chí Nature kết luận rằng SARS-CoV-2 và virus Corona được phát hiện trên dơi móng ngựa ở tỉnh Vân Nam có bộ gien giống nhau 96%.
Những nghi ngờ đến từ đâu?
Danh mục nghiên cứu virus Corona của phòng thí nghiệm Vũ Hán, và khoảng cách gần từ nơi này tới khu chợ hải sản đã dẫn đến một cơn lốc những tin đồn và thuyết âm mưu ngay từ những ngày đầu bùng phát dịch COVID-19.
Một trong những tin đồn cho rằng một nhà nghiên cứu đã bị dơi cắn khi đang nghiên cứu con vật và nhiễm virus. Một phiên bản khác nghi ngờ một sinh viên thực tập tại Viện Virus học Vũ Hán chính là "bệnh nhân số 0". Ngoài ra còn có thuyết âm mưu cho rằng phòng thí nghiệm P4 ở Vũ Hán làm việc cho quân đội Trung Quốc để chế tạo vũ khí sinh học.