Tiến sĩ Trần Đình Thiên chỉ ra lợi thế Việt Nam đang sở hữu như Nhật Bản, Hàn Quốc từng có để 'đi tắt đón đầu' trong cách mạng công nghiệp 4.0

25/04/2017 09:05 AM | Kinh tế vĩ mô

Người Việt Nam đồng thời cũng có lợi thế mà ít người dân đất nước nào có được, đó là đặc điểm về sự sáng tạo.

Trong buổi Diễn đàn Cách mạng Công nghiệp 4.0 tổ chức bởi Bộ Công Thương tuần vừa qua, chúng tôi đã có dịp trao đổi với nhiều chuyên gia về 'Cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ 4' - cụm từ đã được nhắc đến nhiều trên mặt báo thời gian qua - cũng như những gì mà Việt Nam cần chuẩn bị cho công cuộc đón đầu.

Tiến sĩ Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam, cho rằng Việt Nam đang có lợi thế của người đi sau, giống như Nhật Bản, Hàn Quốc cách đây 40 - 50 năm, hay như Singapore, UAE mới đây, từ đó mà có thể đón đầu trong cuộc cách mạng này.

Một cách hình ảnh, Tiến sĩ Trần Đình Thiên so sánh việc đi tắt đón đầu giống như việc người ta xây đô thị ở những khu đất trống, không phải giải tỏa đền bù nên sẽ dễ hơn. Còn ở những chỗ đất 'thơm ngon' mà nhà đã xây nên hết, chi phí chuyển đổi sẽ là rất cao.

Người Việt Nam đồng thời cũng có lợi thế mà ít người dân đất nước nào có được, đó là đặc điểm về sự sáng tạo. Tuy nhiên, sự sáng tạo này được tiến sĩ Thiên gọi là sự 'khác người' - sáng tạo chưa được đặt vào khuôn khổ nên vẫn chưa thể phát huy được giá trị của mình.

"Từ xưa đến nay chúng ta vẫn được đánh giá là thông minh. Người Việt nổi tiếng làm nhiều việc cứ khác người, chọn việc khác người mà làm, cứ “lọ mọ” đi tìm những cái khác người để mày mò sáng tạo. Nhưng trong hoàn cảnh thiếu điều kiện, thiếu cơ sở nên sáng tạo đưa ra toàn những thứ ít xài được" - ông Trần Đình Thiên nhấn mạnh.

Trong cuộc cách mạng công nghiệp thứ 4 lần này, sự sáng tạo khác người trên lại bất ngờ nổi lên như một lợi thế lớn. Theo vị tiến sĩ, trong 10 cái 'khác người' ở trên mà chúng ta chọn, khuyến khích và bồi dường được 1 cái 'khác thường thành được 1 sự sáng tạo thôi thì đã là điều rất đáng quý rồi.

Tất nhiên, sau tất cả thì sự sáng tạo này mới chỉ là yếu tố nguyên liệu đầu vào. Điều khó khăn nhất đối với Việt Nam trước cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang đặt vào đôi tay là cần tạo ra những bước đột phá chưa từng có: "một tầm nhìn vượt trội, những con người khác thường đến mức phi thường".

Một tầm nhìn vượt trội, những con người phi thường đó được gói gọn trong một chữ mà tiến sĩ Trần Đình Thiên nhắc đế là 'điên rồ': "Tôi cho rằng chúng ta cần một chút 'điên rồ' trong cuộc cách mạng này thì mới mong đạt được thành công".

"Chỉ có sự điên rồ này thì tính sáng tạo của người Việt Nam mới được phát huy hết. Khi đó, sự 'khác người' mới có đất sống, chứ không chỉ là toàn tạo ra những thứ không xài được".

Trao đổi với ông Damian Kassabgi - Giám đốc Chính sách công khu vực Châu Á Thái Bình Dương của Uber, vị đại diện cho doanh nghiệp là tiêu biểu trong thời công nghiệp 4.0 cũng tỏ ra đồng ý với quan điểm của ông Thiên.

Ông này lấy ví dụ về một văn hóa đặc trưng của công ty Uber mang tên hustle (nghĩa đen: khiến người khác di chuyển nhanh hơn, nghĩa bóng: cố gắng hết mình để thuyết phục ai đó) để mô tả cho những gì mà người Việt cần làm trong cuộc cách mạng công nghiệp ở phía trước:

"Đó là thứ văn hóa mà bạn sẽ làm mọi cách để đạt được mục tiêu như hustle để thuyết phục tài xế tham gia vào Uber, hustle để làm công ty tăng trưởng nhanh nhất có thể. CEO của Uber là Travis Kalanick cũng từng nói rằng "nếu bạn không có sự hustle ở trong mình, bạn sẽ khó mà kiểm được một người cùng chiến tuyến làm việc hết mình bên cạnh" - ông Kassabgi mô tả.

"Điều tương tự với những gì Việt Nam cần làm trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 phía trước. Điều đó giống như văn hóa hustle ở Uber" - vị này kết thúc.

Vượng Lê

Cùng chuyên mục
XEM