'Giải cứu' Bầu Đức: Nợ 100 USD là vấn đề của bạn, nhưng nợ 1 tỷ USD lại là việc của ngân hàng

18/05/2016 10:41 AM | Kinh doanh

Cứu bầu Đức, các ngân hàng cũng đang tự cứu chính mình.

Nhà đầu tư sở hữu cổ phiếu của Hoàng Anh Gia Lai đang là những người vui mừng nhất trên thị trường chứng khoán, khi 2 mã HAG và HNG tăng trần với lượng đặt mua khổng lồ.

2 cổ phiếu của Bầu Đức tăng mạnh ngay sau khi xuất hiện thông tin cho biết, NHNN với sự tham dự của nhiều cục, vụ chức năng đã họp bàn và xem xét thông qua đề xuất của các ngân hàng về phương án tái cơ cấu nợ cho Hoàng Anh Gia Lai.

Theo phương án được các chủ nợ của Hoàng Anh Gia lai bàn bạc và thống nhất, các ngân hàng thương mại đã xin cho Hoàng Anh Gia Lai được giữ nguyên nhóm nợ và miễn giảm lãi một số khoản nợ.

Các chủ nợ cho rằng, việc tái cơ cấu nợ cho Hoàng Anh Gia Lai là do xét thấy khó khăn hiện tại của công ty xuất phát từ yếu tố biến động của thị trường, trong khi tài sản đảm bảo vẫn còn nguyên vẹn, nên các ngân hàng đồng thuận kéo dài thời gian trả lãi và gốc cho phù hợp hơn với công ty.

"Nếu bạn nợ ngân hàng 100 USD, đó là vấn đề của bạn. Nhưng nếu bạn nợ ngân hàng 100 triệu USD, đó lại là việc của ngân hàng."

J. Paul Getty

Thế nhưng, nhiều ý kiến cho rằng, quyết định của Ngân hàng Nhà nước không chỉ "cứu" bầu Đức mà còn cứu các ngân hàng đang cho Hoàng Anh Gia Lai vay nợ.

J. Paul Getty (1892 - 1976), tỷ phú người Mỹ - được tạp chí Fortune công nhận là người giàu nhất nước Mỹ năm 1957 và được Sách Kỷ lục Guiness công nhận là giàu nhất thế giới năm 1966, từng nói: "Nếu bạn nợ ngân hàng 100 USD, đó là vấn đề của bạn. Nhưng nếu bạn nợ ngân hàng 100 triệu USD, đó lại là việc của ngân hàng."

Câu nói của Getty có lẽ đúng với đa số các trường hợp, bao gồm cả Hoàng Anh Gia Lai. Tính đến cuối quý I/2016, Hoàng Anh Gia Lai nợ tổng cộng 28.100 tỷ đồng, trong đó riêng nợ ngân hàng BIDV là hơn 10.000 tỷ đồng.

10.000 tỷ đồng lớn như thế nào? Theo báo cáo tài chính quý I/2016 của BIDV, nợ xấu của ngân hàng này đang ở mức 11.250 tỷ đồng, chiếm 1,8% tổng dư nợ.

Như vậy, nếu Hoàng Anh Gia Lai không thể trả các khoản vay, thì nợ xấu của BIDV sẽ tăng gần gấp đôi, lên trên mức 3% mà Ngân hàng Nhà nước quy định. Rộng hơn, nợ xấu của toàn hệ thống ngân hàng cũng sẽ tăng lên.

Trên thực tế, phần lớn các khoản nợ của Hoàng Anh Gia Lai đều chưa tới hạn phải trả, nên trong ngắn hạn các ngân hàng không cần phải lo lắng. Thế nhưng, nếu không được tháo gỡ thanh khoản, tình hình của bầu Đức có lẽ sẽ rất khó khăn, bởi việc bị xếp vào nợ xấu sẽ khiến Hoàng Anh Gia Lai rất khó để có thể tiếp tục đi vay vốn từ ngân hàng. Khi dòng tiền gặp bế tắc, việc quay vòng vốn gặp khó khăn, tình hình sẽ trở nên khó lường hơn.

"Nếu bạn nợ ngân hàng 100 triệu USD, đó là việc của ngân hàng". Không chỉ Hoàng Anh Gia Lai, mà bất cứ doanh nghiệp nào khi vay vốn ngân hàng mà gặp khó khăn về vấn đề tài chính đều được ngân hàng tìm cách hỗ trợ.

Không ngân hàng nào muốn doanh nghiệp phá sản để siết nợ và bán thanh lý tài sản. Doanh nghiệp làm ăn có lợi nhuận và trả lãi đầy đủ là điều mà các ngân hàng mong đợi nhất.

Minh Quân

Cùng chuyên mục
XEM