Giấc mơ tàu cao tốc của Mỹ: Nhìn người ta đi từ Bắc Kinh đến Hong Kong trong 9 tiếng mà 'phát điên', bạo chi 1,2 nghìn tỷ USD thay đổi cuộc chơi

11/11/2021 14:21 PM | Xã hội

Trung Quốc thành công với mạng lưới tàu cao tốc đang làm Mỹ 'nóng mắt'.

Tổng thống Mỹ Joe Biden đứng bên ngoài đoàn tàu của Amtrak tại Pennsylvania tháng 4/2021. Nguồn ảnh: Internet
Tổng thống Mỹ Joe Biden đứng bên ngoài đoàn tàu của Amtrak tại Pennsylvania tháng 4/2021. Nguồn ảnh: Internet

Cara là một người dùng mạng Twitter ở Mỹ nhưng chỉ có vỏn vẹn 700 người theo dõi. Các bài đăng của cô chẳng bao giờ nhiều tương tác. Thế nhưng với một bức ảnh mạng lưới tàu cao tốc của nhà thiết kế Alfred Twu tại Mỹ vào tháng 1/2021 với lời tựa: "Tôi muốn có mạng lưới này quá đi thôi", chúng đã thu về hơn 185.000 lượt thích và hơn 50.000 lượt chia sẻ.

"Chúng ta nhìn vào những nước có hệ thống tàu cao tốc hiện đại và tự hỏi tại sao nền kinh tế số 1 thế giới lại không làm được. Chẳng có lý do nào để chúng ta không làm điều này cả", Cara viết.

Trường hợp của Cara chỉ là một trong số vô vàn người dân Mỹ cảm thấy ngạc nhiên vì nền kinh tế số 1 thế giới không phát triển cơ sở hạ tầng công cộng như tàu cao tốc mà dựa quá nhiều vào những phương tiện tốn xăng như xe hơi hay máy bay. Thế rồi chỉ vì giá xăng lên xuống mà mọi người lo lắng, giá cả biến động mạnh trong khi các dịch vụ vận tải công cộng thì chẳng phủ sóng rộng rãi.

Giấc mơ tàu cao tốc của Mỹ: Nhìn người ta đi từ Bắc Kinh đến Hong Kong trong 9 tiếng mà phát điên, bạo chi 1,2 nghìn tỷ USD thay đổi cuộc chơi - Ảnh 1.

Giấc mơ về mạng lưới tàu cao tốc của giới trẻ Mỹ

Năm 2013, chuyên gia thiết kế Alfred Twu đã xây dựng một sơ đồ về mạng lưới tàu cao tốc tại Mỹ và chúng hiện vẫn được rất nhiều người chia sẻ trên mạng xã hội, cho thấy giấc mơ của nhiều người dân với một phương tiện vận tải công cộng thân thiện môi trường hơn xe hơi hay máy bay.

Nghiện xe hơi

Trên thực tế, ngành đường sắt là trung tâm của giao thông Mỹ trong thế kỷ 19-20. Thế nhưng sau Thế chiến II, các nhà hoạch định chính sách Mỹ lại chọn xe hơi và máy bay làm cốt lõi cho mạng lưới giao thông vận tải, qua đó khiến ngành đường sắt mất dần ưu thế.

Phải đến đầu thập niên 1970, chính phủ mới mua lại hàng loạt những công ty đường sắt phá sản để thành lập nên tập đoàn Amtrak để tham gia cuộc chơi, thế nhưng ai cũng hiểu thời đại tàu hỏa đã qua từ lâu tại Mỹ.

Việc phát triển mạng lưới đường sắt đã không còn thu hút được sự quan tâm của chính quyền cũng như chẳng còn mấy lợi nhuận cho các công ty. Rõ ràng, ở một thị trường tư bản thì việc không có lợi nhuận đồng nghĩa với khó phát triển.

Khi Tổng thống Bill Clinton còn nắm quyền, ông đã thúc đẩy để tuyến tàu cao tốc Acela Express được ra đời vào năm 2000. Đến thời Tổng thống Barack Obama, ngành đường sắt lại được phen mưng thầm khi Đạo luật phục hồi và tái đầu tư (ARRA) cấp đến 10 tỷ USD trong số 787 tỷ USD cho mảng này. Thế nhưng 11 năm đã trôi qua mà vẫn chẳng có gì mới xuất hiện.

Theo Vox, chính phủ Mỹ luôn có nguồn ngân sách cấp vốn đều đặn để duy trì, nâng cấp hay phát triển mạng lưới đường bộ cho xe hơi. Họ liên kết được với chính quyền các bang để đảm bảo mạng lưới đường cao tốc được phát triển liên tục. Vậy nhưng với đường sắt, quan niệm xây dựng các tuyến đường tàu hỏa tốn kém hơn vẫn còn tồn tại.

Việc các nhóm lợi ích đổ tiền để tuyên truyền nhược điểm về đường sắt đã khiến nhiều chính trị gia phản đối các dự án. Tại Mỹ, qua điểm cho rằng đường sắt tốn kém, tốn chi phí bảo dưỡng hay vận hành, đắt đỏ trong xây dựng... vẫn tồn tại.

Giấc mơ tàu cao tốc của Mỹ: Nhìn người ta đi từ Bắc Kinh đến Hong Kong trong 9 tiếng mà phát điên, bạo chi 1,2 nghìn tỷ USD thay đổi cuộc chơi - Ảnh 2.

Chẳng ai quan tâm

Trên khắp Châu Âu và Châu Á, tàu cao tốc đã trở thành một trong những phương tiện vận tải khá phổ biến. Người ta có thể đi từ Bắc Kinh đến Hong Kong chỉ bằng 9 tiếng tàu cao tốc, hoặc từ Madrid đến Barcelona với 3 tiếng. Tại Mỹ, chỉ có duy nhất 1 tuyến tàu cao tốc hiện nay còn vận hành là Acela Express của Amtrak, chạy từ Boston tới thủ đô Washington.

Trớ trêu thay, dù có thể chạy với vận tốc 266km/h nhưng chuyến tàu này lại chỉ dám chạy 113km/h do cơ sở hạ tầng không đảm bảo an toàn.

Theo tờ Vox, dù bản kế hoạch đầu tư 1,2 nghìn tỷ USD của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã được thông qua nhằm đầu tư cơ sở hạ tầng nhưng để xây dựng được mạng lưới tàu cao tốc như của nhà thiết kế Tưu đã vẽ, Mỹ sẽ phải chờ vài chục năm mới có thể hoàn thiện.

Nguyên nhân khó khăn thì có rất nhiều, từ sự phản đối của các chính trị gia cho đến sự vận động hành lang của những hiệp hội, tập đoàn hàng không, xe hơi... Việc tham gia của người chơi mới chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến lợi ích của nhiều người trong mảng giao thông vận tải, du lịch, năng lượng.

Giới trẻ Mỹ ngày nay dần không còn quan tâm đến xe cộ mà để ý nhiều đến môi trường, khí hậu trái đất hơn. Thêm nữa, gánh nặng kinh tế khiến nhiều người cảm thấy không còn thoải mái với việc di chuyển bằng xe hơi hay máy bay vốn quá tốn kém. Tình trạng này ngày càng phổ biến hơn khi Trung Quốc đầu tư thành công mạng lưới tàu cao tốc kể từ sau cuộc khủng hoảng 2008.

Giấc mơ tàu cao tốc của Mỹ: Nhìn người ta đi từ Bắc Kinh đến Hong Kong trong 9 tiếng mà phát điên, bạo chi 1,2 nghìn tỷ USD thay đổi cuộc chơi - Ảnh 3.

Trung Quốc đã phát triển mạnh mạng lưới đường sắt và tàu cao tốc trong hơn 10 năm.

Số liệu của Ngân hàng thế giới (World Bank) cho thấy hiện nền kinh tế thứ 2 thế giới đã có hơn 24.000 km đường tàu cao tốc với hơn 1,7 triệu hành khách mỗi năm. Trong khi đó tại Châu Âu, những chuyến tàu chạy nhanh tới 322km/h đã trở thành chuyện thường và đáng ganh tỵ với giới trẻ Mỹ.

Với tốc độ hơn 300 km/h, bạn có thể đi từ New York đến Chicago chỉ trong 1 tiếng đồng hồ. Tuy nhiên với tốc độ tàu hiện nay của Mỹ thì bạn sẽ phải mất đến 20 tiếng", chuyên gia Juliet Eldred trong ngành đường sắt tại Mỹ ngán ngẩm nói.

Mặc dù không thay thế được hoàn toàn xe hơi lẫn máy bay nhưng chắc chắn tàu cao tốc thải ít khí thải nhà kính cũng như thuận tiện hơn so với các chuyến bay ngắn. Thay vì tốn hàng giờ tại các sân bay xa trung tâm thì người dân có thể đến trực tiếp các sân ga tàu cao tốc ngay nội đô.

Tuy nhiên có lẽ người Mỹ đã quá quen dùng xe hơi và may bay khiến việc phát triển tàu cao tốc bị bỏ bê. Mọi việc chỉ bắt đầu thay đổi khi Trung Quốc và Châu phát triển mạnh đường sắt và nhận được những lợi ích rõ ràng trong bối cảnh giá xăng dầu biến động và phong trào bảo vệ môi trường dâng cao.

*Nguồn: Vox

Băng Băng

Cùng chuyên mục
XEM