Sai lầm của Nhật Bản, tương lai của Trung Quốc?

11/11/2021 08:40 AM | Xã hội

Nền kinh tế Nhật Bản đã gặp khủng hoảng cuối thập niên 1980 khi thị trường xì hơi, liệu Trung Quốc có lặp lại?

Theo hãng tin Bloomberg, những số liệu tiêu cực gần đây cho thấy nền móng kém vững chắc của nền kinh tế Trung Quốc. Sự không minh bạch trong số liệu công bố khiến nhiều chuyên gia thậm chí tin rằng nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới chẳng hề tăng trưởng như các quan chức nói.

Trái lại, nhiều chuyên gia cho rằng đà giảm tốc của Trung Quốc là do nước này còn phải dập dịch theo chiến lược "Zero Covid" cũng như giải quyết cuộc khủng hoảng nợ trên thị trường bất động sản.

Hãng tin Bloomberg nhận định những dấu hiệu tiêu cực gần đây của Trung Quốc thực tế giống những dấu hiệu hơn là nguyên nhân chính tạo khủng hoảng cho nền kinh tế này. Cụ thể, mô hình kinh tế của Trung Quốc được cho là đang đi theo đúng vết xe đổ của Nhật Bản và nhiều khả năng cũng sẽ lâm vào tình cảnh giảm tốc dài hạn như xứ sở hoa anh đào.

Sai lầm của Nhật Bản, tương lai của Trung Quốc? - Ảnh 1.

Cú sốc Nhật Bản

Vào đầu thập niên 1980, nền kinh tế Nhật Bản bắt đầu mở cửa mạnh mẽ dù cấu trúc còn nhiều bất ổn. Hàng loạt doanh nghiệp có tình hình tài chính không thực sự tốt, nghĩa là chi tiêu nhiều hơn lợi nhuận nhưng vẫn tăng cường vay vốn mở rộng.

Tại thời điểm đó, nhiều ngân hàng cho rằng doanh nghiệp có thể trả nợ khi vật thế chấp là những miếng đất liên tục tăng giá. Việc không chú trọng vào quản lý rủi ro đã khiến các ngân hàng cũng như những nhà hoạch định chính sách của Nhật Bản mờ mắt với tăng trưởng nóng dựa trên vay nợ.

Số liệu của Ngân hàng thế giới (World Bank) thời đó cho thấy tỷ lệ tín dụng của ngân hàng cho các doanh nghiệp phi tài chính Nhật Bản đã tăng 60 điểm phần trăm GDP trong 10 năm tính đến cuối năm 1989.

Thế rồi điều gì đến cũng phải đến. Thị trường chứng khoán sụp đổ khi nhà đầu tư không còn tin vào những công ty tăng trưởng nóng nhưng lợi nhuận yếu, trong khi các nhà đầu cơ thì bắt đầu chốt lời. Tiếp đó, bong bóng bất động sản cũng xì hơi theo, khiến ngành ngân hàng méo mặt với những khoản nợ xấu.

Trớ trêu thay, chính phủ phải ổn định hệ thống tài chính và không được để hàng loạt tập đoàn lớn phá sản nhằm tránh 1 cuộc khủng hoảng toàn diện. Thế là hàng tỷ USD được tung ra và các công ty biểu tượng của Nhật Bản vẫn sống sót cho đến ngày nay, vậy nhưng rất nhiều trong số đó thay vì trở thành động lực thì lại là gánh nặng cho nền kinh tế.

Thị trường chứng khoán và tỷ lệ nợ của các công ty phi tài chính theo %GDP tại Nhật Bản

Hãng tin Bloomberg cho biết Nhật Bản có thặng dư tài khoản vãng lai khổng lồ nhưng cũng bị thâm hụt ngân sách cực lớn để có thể giữ cho nền kinh tế không đổ vỡ. Đó là chưa kể đến tình trạng lão hoá dân số nhanh kể từ giữa thập niên 1990 khiến năng suất cũng như lực lượng lao động giảm sút.

Hiện nay, tình trạng của nền kinh tế Trung Quốc cũng chẳng khác gì Nhật Bản khi xưa, nếu không muốn nói là còn tồi tệ hơn.

Theo Bloomberg, nguyên nhân chính ảnh hưởng đến tăng trưởng của Nhật Bản hiện nay là lão hoá dân số nhưng tình trạng này chỉ bắt đầu từ giữa thập niên 1990. Dân số của Nhật Bản chỉ chính thức suy giảm kể từ năm 2008 khi số trẻ sinh mới thấp hơn số người tử vong.

Tại Trung Quốc, dân số của nước này đã đạt đỉnh từ cách đây 10 năm trước và hiện đã bắt đầu suy giảm. Rõ ràng, Nhật Bản chỉ bị tình trạng lão hoá dân số kéo lùi sau khi bong bóng thị trường đã xì hơi, nhưng Trung Quốc thì đã có tình trạng bị kéo này vài năm nay khi thị trường đang bên bờ xì hơi.

Lịch sử lặp lại?

Nhiều chuyên gia nhận định bong bóng thị trường Trung Quốc đã bắt đầu xì hơi khi doanh nghiệp chi tiêu quá nhiều so với lợi nhuận kiếm được. Hãng tư vấn Andrew Hunt Economist tại Anh nhận định mức thâm hụt lợi nhuận-chi tiêu của các doanh nghiệp Trung Quốc đã lên đến 14 điểm phần trăm GDP và có thể còn cao hơn đến 20 điểm phần trăm nếu tính kỹ các công ty ở địa phương.

Tại Nhật Bản, tỷ lệ này vào thời kỳ cao nhất cũng chỉ đạt 8 điểm phần trăm GDP, qua đó cho thấy tốc độ vay nợ của Trung Quốc kinh khủng hơn nhiều. Số liệu của ngân hàng thanh toán quốc tế BIS cho thấy tỷ lệ nợ trên GDP của Trung Quốc đã tăng 65 điểm phần trăm lên 205% GDP chỉ trong 10 năm tính đến năm 2019.

Tỷ lệ  nợ ngân hàng của các doanh nghiệp phi tài chính theo %GDP và so sánh tỷ lệ tăng trưởng dân số Trung Quốc vs thế giới

Xin được nhắc là cuộc khủng hoảng cuối thập niên 1980 của Nhật Bản diễn ra sau khi chi phí lãi vay doanh nghiệp cao hơn GDP danh nghĩa, thời điểm mà tình hình nợ nần của các công ty xứ sở mặt trời mọc đã vô cùng bung bét.

Hãng tin Bloomberg đánh giá Trung Quốc đang ở chính giai đoạn này khi chính phủ buộc phải cứu các doanh nghiệp đang nợ đầm đìa và chắc chắn nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới sẽ bị rung chuyển.

Tồi tệ hơn, cuộc khủng hoảng ở Trung Quốc sẽ không chỉ bị kéo bởi áp lực lão hoá dân số. Xin được nhắc là thị trường bất động sản tại đây vô cùng quan trọng khi chính quyền địa phương dựa trên việc cấp đất, cho thuê bất động sản để tạo nguồn thu ngân sách. Bởi vậy lượng lớn tiền được đổ vào các dự án xây dựng, các công trình vì chúng đem lại tiền bạc cho cả doanh nghiệp lẫn chính quyền địa phương.

Số liệu của Andrew Hunt Economics cho thấy vào năm 1989, chi tiêu cho ngành xây dựng của Nhật Bản chưa đến 8% GDP, thế nhưng con số này hiện là 15% GDP tại Trung Quốc.

Theo Bloomberg, hệ thống ngân hàng ở Trung Quốc hiện đang gặp khó khăn vài năm trở lại đây. Thậm chí nhiều ngân hàng đang vất vả để tìm nguồn vốn duy trì hoạt động do nợ xấu quá cao.

Một yếu tố nguy hiểm nữa là cuộc khủng hoảng trước đây ở Nhật Bản diễn ra khi phần lớn nợ doanh nghiệp dưới dạng trái phiếu bằng đồng Yên, trong khi các công ty Trung Quốc nợ tới 5 nghìn tỷ USD bằng đồng ngoại tệ, tương đương 10% tổng thanh khoản trên hệ thống tài chính quốc gia này.

Hiện nay, Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBOC) đang khá dao động về việc cắt giảm lãi suất để hỗ trợ thị trường bất động sản bởi chúng còn ảnh hưởng đến lợi nhuận ngành ngân hàng.

Rõ ràng, bài học Nhật Bản đã cho thấy một nền kinh tế tăng trưởng nóng không dựa trên những yếu tố cơ bản sẽ dẫn đến những hậu quả dài hạn và có vẻ Trung Quốc đang mắc phải chính sai lầm này.

*Nguồn: Bloomberg

Băng Tâm

Cùng chuyên mục
XEM