Giấc mơ FDI chưa thành sự thật của Myanmar
Cho đến thời điểm hiện nay, các nhà đầu tư phương Tây vẫn giữ quan điểm “chờ xem” về Myanmar...
Đối với giới lãnh đạo doanh nghiệp ở Myanmar , hy vọng về vốn đầu tư từ Mỹ và châu Âu được gọi bằng một từ viết tắt "NATO".
Trong một cuộc trao đổi với hãng tin Bloomberg, ông Sean Turnell - cố vấn kinh tế đặc biệt của nhà lãnh đạo Myanmar Aung San Suu Kyi - giải thích rằng đây là viết tắt của cụm từ "No Action, Talk Only" (chỉ nói, không làm"), nhấn mạnh những cơ hội bị bỏ lỡ và tiềm năng còn chưa được lấp đầy của quốc gia này.
Sau khi chính phủ dân lên cầm quyền ở Myanmar vào tháng 3/2016, kết thúc quãng thời gian 5 thập kỷ quân đội cầm quyền, nền kinh tế nước này bắt đầu quá trình chuyển đổi, cùng với những kỳ vọng lớn về dòng vốn đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện nay, các nhà đầu tư phương Tây vẫn giữ quan điểm "chờ xem" về Myanmar.
"Vấn đề về vốn đầu tư của phương Tây vào Myanmar không phải là dòng vốn ngừng chảy, mà là dòng vốn chưa bao giờ chảy đến", ông Turnell nói.
Theo số liệu của Chính phủ Myanmar, nước này chỉ thu hút được hơn 30 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) kể từ tài khóa 2014-2015 đến nay. Trong đó, Singapore dẫn đầu danh sách các nhà đầu tư, với số vốn 14,5 tỷ USD, tiếp theo là Trung Quốc đại lục và Hồng Kông với lượng vốn tương ứng là 7,1 tỷ USD và 2,6 tỷ USD.
Tình hình được dự báo sẽ không khá lên trước cuộc bầu cử Quốc hội vào năm 2020. Chính phủ Myanmar đang đối mặt với nhiều thách thức lớn như xây dựng cơ sở hạ tầng đáp ứng tăng trưởng kinh tế bền vững và nâng cấp hệ thống ngân hàng cho phù hợp với yêu cầu của thế kỷ 21.
"Vấn đề lớn nhất là nhiều người dân không nhận thấy có thay đổi rõ ràng hay cải thiện nào trong cuộc sống hàng ngày của họ. Người dân đã có nhiều kỳ vọng", ông Khin Maung Nyo, một nhà phân tích chính trị Myanmar, nhận định.
Tuy nhiên, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vẫn có cái nhìn lạc quan về triển vọng kinh tế Myanmar trong trung hạn. "Giai đoạn tự do hóa kinh tế đầu tiên ở Myanmar đã dẫn tới sự cất cánh tăng trưởng và giảm nghèo ấn tượng. Giờ là lúc cần một làn sóng cải cách thứ hai để duy trì động lực này", một báo cáo hồi tháng 11 của IMF có đoạn viết.
Dù vắng bóng vốn đầu tư từ Mỹ và châu Âu, dòng vốn từ Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore vẫn giúp Myanmar trở thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng mạnh nhất khu vực Đông Nam Á. Năm ngoái, Myanmar đạt tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6,4%. Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới (WB), kinh tế Myanmar sẽ tăng 6,8% trong năm 2017 và tăng 7,2% trong trung hạn.
Và dù các công ty phương Tây còn chần chừ với việc rót vốn vào Myanmar, nhiều doanh nghiệp vẫn lạc quan về thị trường ở đây. Ông Hal Bosher, cố vấn đặc biệt ngân hàng Yoma Bank, phát biểu: "Ai cũng ngạc nhiên khi đến Myanmar. Tôi cho rằng nền kinh tế Myanmar lớn hơn nhiều so với con số chính thức 60-70 tỷ USD. Tôi nghĩ GDP thực sự phải cao gấp đôi con số chính thức".
Tháng 3 năm ngoái, công ty ứng dụng gọi xe Grab bắt đầu thử nghiệm dịch vụ ở Yangon. Đến nay, Grab tiếp tục phát triển hoạt động ở Myanmar, bao gồm thử nghiệm dịch vụ taxi ba bánh ở Mandalay. Hiện có 6,6 triệu tài xế, người bán hàng và đại lý sử dụng nền tảng Grab ở Myanmar.
Tháng 6 vừa qua, Myanmar thông qua luật đầu tư mới cho phép nước ngoài nắm tới 35% cổ phần tại các công ty ở nước này. Luật mới có hiệu lực từ ngày 1/8, mở ra hy vọng dòng vốn ngoại chảy vào Myanmar sẽ tăng.
Mặc dù vậy, Bộ trưởng Bộ Tài chính Myanmar Soe Win thừa nhận rằng Myanmar không thể áp dụng mức sở hữu nước ngoài 35% đối với bất kỳ vụ đầu tư nước ngoài nào, chẳng hạn khi những ngân hàng lớn như Standard Chartered hay HSBC muốn vào nước này.
"Còn phải chờ xem sẽ có những hạn chế như thế nào đối với các nhà đầu tư nước ngoài muốn rót vốn vào ngành bảo hiểm và ngân hàng, cũng như những công ty niêm yết của Myanmar", ông Romain Caillaud, Giám đốc công ty tư vấn Asia Group Advisors, nhận định. "Tuy nhiên, luật mới cũng giúp cải thiện thêm môi trường kinh doanh ở Myanmar".