Giá thực phẩm leo thang có khiến Trung Quốc “đầu hàng” thương chiến?
Giá thực phẩm ở Trung Quốc đang tăng cao và có khả năng còn tăng cao hơn nữa do nước này dừng nhập nông sản Mỹ...
Giá thực phẩm ở Trung Quốc đang tăng cao - và có khả năng còn tăng cao hơn nữa do nước này dừng nhập nông sản Mỹ - có thể gây ra ảnh hưởng lớn đối với nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới trong bối cảnh thương chiến Mỹ-Trung căng thẳng.
Số liệu công bố hôm thứ Sáu cho thấy giá thực phẩm ở Trung Quốc trong tháng 7 tăng 9,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, giá thịt lợn tăng 27% do dịch tả lợn châu Phi và giá hoa quả tươi tăng 29,1%.
Dữ liệu trên được đưa ra chỉ vài ngày sau khi Trung Quốc tuyên bố dừng nhập nông sản Mỹ - động thái trả đũa việc Tổng thống Donald Trump tuyên bố áp thuế quan 10% lên 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc bắt đầu từ ngày 1/9.
Theo hãng tin CNBC, giới chuyên gia kinh tế nói rằng lạm phát ở Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng trong ngắn hạn, nhưng Bắc kinh có nhiều lựa chọn để giảm bớt ảnh hưởng của giá thực phẩm leo thang trước khi tình trạng này có ảnh hưởng chính trị.
"Trung Quốc có cơ chế kiểm soát giá cả đối với những mặt hàng thiết yếu để hạn chế tốc độ tăng giá thực phẩm. Ngoài ra, họ còn có dự trữ hàng hóa quốc gia để hạ nhiệt lạm phát giá thực phẩm", chuyên gia kinh tế về Trung Quốc Iris Pang thuộc ING nói với CNBC.
"Trung Quốc cũng có kế hoạch sản xuất thêm nhiều nông sản mà hiện tại họ đang phải nhập khẩu từ các quốc gia khác", bà Pang nói.
Năm 2018, Trung Quốc nhập khẩu tổng cộng 9,3 tỷ USD nông sản từ Mỹ. Do dân số đông và diện tích đất canh tác hạn chế, nước này ngày càng phụ thuộc vào nguồn nông sản nhập khẩu.
Nếu buộc phải tìm đối tác thương mại mới để củng cố an ninh lương thực, Trung Quốc có thể phải chấp nhận trả mức giá cao hơn để mua hàng, bởi các nước xuất khẩu sẽ tận dụng nhu cầu cấp bách của Trung Quốc để tăng giá bán.
"Có một khả năng nhất định các nước xuất khẩu sẽ dùng thương chiến Mỹ-Trung làm đòn bẩy để tăng giá bán lương thực, thực phẩm cho Trung Quốc", ông Rory Green, chuyên gia về kinh tế thuộc TS Lombard, phát biểu.
"Tuy nhiên, những mặt hàng như đậu tương, hoa quả và thịt lợn có nhiều nguồn cung, nên nếu những nhà cung cấp riêng lẻ tăng giá bán lên mức quá cao, Trung Quốc có thể tìm nguồn cung khác", ông Green nhận định.
Theo vị chuyên gia, thách thức đối với Trung Quốc sẽ nằm ở nhu cầu thịt lợn ở mức rất lớn của nước này. Trong trường hợp không đủ thịt lợn, Trung Quốc có thể sẽ phải tăng cường sử dụng các loại thịt khác như thịt gà để đáp ứng nhu cầu trong nước.
Liên minh châu Âu (EU) hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc và Trung Quốc đang có kế hoạch nhập thêm nông sản từ châu Âu để bù đắp cho việc dừng nhập nông sản Mỹ, song song với việc đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp trong nước.
Theo ông Green, việc các công ty nhà nước Trung Quốc tham gia nhập khẩu lương thực-thực phẩm đồng nghĩa với việc Chính phủ nước này có thể bù phần chi phí gia tăng để không đẩy toàn bộ phần giá tăng về phía người tiêu dùng.
Ngoài ra, ông Green cũng cho rằng việc tìm kiếm các nguồn hàng nhập khẩu ngoài Mỹ thực chất sẽ giúp Trung Quốc tăng cường an ninh lương thực-thực phẩm, vì sẽ giúp nước này giảm phụ thuộc vào nguồn cung Mỹ. Việc có nhiều nguồn cung đồng nghĩa Trung Quốc không còn là "con tin đối với các biện pháp hạn chế xuất khẩu mà Mỹ có thể áp" trong tương lai.
Tất cả những phân tích trên cho thấy giá thực phẩm tăng chưa chắc sẽ khiến Trung Quốc chuyển sang một lập trường mềm mỏng hơn trong thương chiến với Mỹ. Bắc Kinh thà trả mức giá cao hơn để mua thịt lợn châu Âu hoặc đậu tương Nam Mỹ, chứ không "đầu hàng" Mỹ.
"Mấy năm gần đây, Trung Quốc đã tìm cách đa dạng hóa nguồn nhập khẩu nông sản khỏi Mỹ, nhằm mục tiêu tăng cường kiểm soát an ninh lương thực", ông Green nhấn mạnh. "Đây là một phần trong chính sách hợp tác nông nghiệp của châu Âu với Nga, Đông Âu, châu Phi và Nam Mỹ".
Vào năm 2014, Trung Quốc đã tích cực tăng nhập khẩu ngô từ Ukraine, theo đó giảm nhập khẩu ngô Mỹ 90%. Ông Green dự báo nếu thương chiến với Mỹ không sớm kết thúc, Mỹ có thể mất vĩnh viễn thị phần đậu tương ở Trung Quốc.
Trong năm 2018, đậu tương Mỹ xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 3,1 tỷ USD, chiếm khoảng 1/3 tổng xuất khẩu nông sản Mỹ sang Trung Quốc.