Phú Quốc bị ngập sâu kỷ lục: Nhà khoa học giải thích thế nào?
Những trận mưa cực đoan đã tạo ra lượng mưa lớn nhất từ khi có số liệu đo mưa tại Phú Quốc (Kiên Giang) đến nay. Nhưng việc khiến Phú Quốc bị ngập sâu trong những ngày qua không chỉ do mỗi thiên tai gây ra.
Kỷ lục của kỷ lục
Theo Tiến sĩ Bùi Đạt Trâm – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng Khoa học công nghệ - Khí tượng thủy văn và môi trường (TP. Hồ Chí Minh), lượng mưa trong 9 ngày (1- 9.8.2019) tại Phú Quốc là 1.120mm. Bình quân mưa khí tượng (24 giờ - từ 19h hôm trước - 19h hôm sau) là 124,4mm/ngày. Đây là đợt mưa đạt 2 kỷ lục so với trung bình 9 ngày đầu tháng 8 nhiều năm qua tại Phú Quốc.
“Mưa cả đợt lớn nhất và lượng mưa ngày lớn nhất từ trước tới nay tại Phú Quốc”- TS Trâm cho biết.
Vào cao điểm, có nơi bị ngập sâu đến 2m, khiến nhiều nơi bị chia cắt hoàn toàn. LT
Tuy nhiên, số liệu đo đạc chuyên ngành còn cho thấy, trong trận mưa cực đoan này (do cường độ gió Tây Nam hoạt động mạnh) còn có “kỷ lục của kỷ lục”. “Trận mưa ngày 9.8 đạt 358mm, là kỷ lục từ khi có số liệu đo mưa tại Phú Quốc từ trước đến nay”- TS Trâm khẳng định.
Nhân tai “nối giáo” thiên tai
Thực ra Phú Quốc từng trải qua các trận mưa ngày cực lớn. Số liệu khí tượng ghi nhận, trận mưa ngày 17.8.1990 là 248,9mm; ngày 6.8.2000 là 200mm và ngày 22.8.1997 là 327mm. Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Trâm, đây vẫn chưa phải là các trận mưa, các đợt mưa “tới hạn”- tức trận mưa hội tụ được tất cả các yếu tố khí tượng có cường độ mạnh nhất kết hợp lại ở trạng thái tối ưu nhất để tạo ra một trận mưa lớn có thể gây ra các trận lũ lụt “đại hồng thủy”.
Không chỉ xây dựng lấn chiếm hành lang an toàn cầu giao thông...
...mà còn lấn chiếm cả đường thoát nước. Ảnh: LT
Vậy sao Phú Quốc vẫn bị ngập nặng? Theo TS Trâm, bên cạnh sự nổi giận của thiên nhiên, còn có nguyên nhân do nhân tai “nối giáo”. Đảo Phú Quốc rộng 600km2, tương đương Quốc đảo Singapore, do đó, có đủ chủng loại địa hình như một quốc gia: Vừa có núi cao với thung lũng, khe suối, sông ngòi, vừa có đồng bằng,.. Vì vậy gặp khi có các trận mưa đạt đến độ có khả năng sinh dòng chảy mặt hình thành lũ, tốc độ tập trung nước từ sườn núi vào khe suối, vào sông ngòi, về thung lũng, về đồng bằng,.. rồi tiêu thoát ra biển, cũng tuân theo quy luật của các lưu vực sông, nhất định có độ “trì trệ” trên đường lũ vận động.
Lấn chiếm kênh mương thoát nước tự nhiên. Ảnh: LT
Trong khi đó, ghi nhận thực tế và xác nhận từ nguồn thông tin chính thống cho thấy, Phú Quốc đã xuất hiện nhiều yếu tố làm tăng độ “trì trệ”. Đó không chỉ là hệ thống công trình xây dựng, giao thông, thủy lợi, tiêu thoát nước đô thị, mà còn có nạn kiệt quệ rừng đầu nguồn... Tất cả chúng liên hợp lại tạo ra ngập úng cục bộ, ngập úng diện rộng... khi có các trận mưa lớn, lũ lớn…
Phá cây rừng ở Gành Dầu. Ảnh: LT
Nói cách khác, chính nhân tai đã “nối giáo” cho thiên tai tác động tiêu cực hơn chính nó. Vì vậy để hạn chế ngập lụt, bên cạnh việc khơi thông dòng chảy kênh, mương ra biển, cần khơi thông dòng chảy ngay nếp nghĩ của con người.