Giả thiết mới vị trí máy bay MH370 gặp nạn

25/05/2019 10:15 AM | Xã hội

Goodfellow cho rằng cơ trưởng MH370 có ý định hạ cánh xuống Langkawi, quần đảo ngoài khơi phía Tây Bắc Malaysia, sau khi một đám cháy bùng phát trong buồng lái.

Trong khi vụ mất tích máy bay mang số hiệu MH370 của hãng hàng không Malaysia Airline vẫn còn nhiều điều bí ẩn, phân tích mới đây của một cựu phi công có thể tiết lộ manh mối mới về những gì đã xảy ra với chiếc máy bay xấu số.

Theo cựu phi công Christopher Goodfellow - đồng nghiệp của cơ trưởng chuyến bay MH370, sự thay đổi hành trình đột ngột của máy bay này hướng về phía Nam Ấn Độ Dương với mục đích cứu hành khách và phi hành đoàn.

Theo Goodfellow, cơ trưởng cấp cao Zaharie Shah, người từng trải qua 18.000 giờ bay, dường như đã cố gắng hạ cánh xuống sân bay quốc tế Langkawi, một quần đảo ngoài khơi phía Tây Bắc Malaysia, sau khi một đám cháy bùng phát trong buồng lái.

"Lượt quay trở lại (Malaysia) chính là chìa khóa của vấn đề", Goodfellow viết trong một bài đăng trên blog.

"Phi công chúng tôi được tập huấn để nhận biết đâu là sân bay gần nhất an toàn khi đang trong hành trình. Sân bay phía sau, tiếp giáp hay phía trước - chúng luôn ở trong đầu phi công, luôn luôn", ông lưu ý, nhấn mạnh rằng Shah thực sự là một cơ trưởng có kinh nghiệm hoàn hảo.

Sau đó, ông giải thích tại sao Langkawi có thể là một lựa chọn để phi công cố gắng hạ cánh.

"Khi tôi nhìn thấy đường rẽ trái trực tiếp đó, theo bản năng, tôi biết anh ấy đang có ý định hạ cánh xuống sân bay đó. Anh ấy chính xác hướng đến Palau Langkawi, một đường bay dài 13.000 feet (3,9 km) phía trên mặt nước và không có trở ngại gì", cựu phi công nói.

Goodfellow phân tích dòng thời gian của các sự kiện được kết nối với MH370 và cho rằng có khả năng xảy ra hỏa hoạn trên máy bay do nhiệt độ quá nóng ở một trong các lốp bánh trước. "Sau khi cất cánh, một vụ cháy lốp sẽ tạo ra khói khủng khiếp", ông viết và nói thêm rằng mặt nạ oxy sẽ không có ích gì ngoài làm xấu đi tình hình trong trường hợp hỏa hoạn này.

Goodfellow cho rằng, máy bay có thể tiếp tục bay tự động sau khi phi hành đoàn chết vì ngộ độc khói, cho đến khi nó hết nhiên liệu và rơi.

Trong một phân tích khác, kịch bản hỏa hoạn bị các chuyên gia bác bỏ vì cho rằng sẽ có một cuộc gọi nếu có hỏa hoạn. "Thông thường, với một đám cháy điện, sẽ xuất hiện khói trước khi có cháy" - một chuyên gia nói.

Chuyến bay MH370 của Malaysia Airlines cất cánh từ Kuala Lumpur chở 239 hành khách trên máy bay, đã mất tích vào ngày 8/3/2014 sau khi biến mất khỏi radar. Sau nhiều năm nỗ lực vẫn không xác định vị trí máy bay gặp sự cố, chính phủ Malaysia tuyên bố kết thúc cuộc tìm kiếm vào tháng 5/2018.

(Nguồn: Sputnik)

Theo Phương Anh

Cùng chuyên mục
XEM