Giá nhân dân tệ xuống thấp tác động đến Việt Nam ra sao?
Khi nhân dân tệ giảm giá, nhiều nhà kinh doanh kiếm lợi nếu nhập khẩu, ngược lại nếu xuất khẩu có thể khó bán hàng.
Ngân hàng Trung ương Trung Quốc vừa chủ động giảm 0 , 11% giá trị đồng nhân dân tệ so với USD khiến đồng tiền nước này tiệm cận mức 7 nhân dân tệ đổi được 1 USD . Như vậy, đồng tiền Trung Quốc hiện yếu nhất kể từ giữa năm 2008. Suốt từ đầu năm đến nay, đồng tiền Trung Quốc đã mất gần 9% giá trị .
Nếu Trung Quốc giảm giá trị đồng tiền để vực dậy nền kinh tế trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung ngày càng căng thẳng thì Việt Nam cũng rơi vào vòng xoáy tỉ giá giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Nhập khẩu hưởng lợi, xuất khẩu gặp khó
Chuyên đánh hàng trái cây từ Trung Quốc về Việt Nam, anh Phúc tỏ vẻ khả thoải mái trước chuyện nhân dân tệ giảm giá so với USD vì anh đang được lợi rất nhiều từ đây. Nguyên nhân khi đồng tiền Trung Quốc giảm giá, đồng Việt Nam đang ngày càng mạnh hơn so với nhân dân tệ. “Điều này có nghĩa rằng hàng mua từ Trung Quốc có giá ngày càng rẻ trong khi giá bán tại thị trường Việt Nam không thay đổi nhiều. Vậy tôi đang kiếm lợi đến hai lần” - anh Phúc phân tích.
Giải thích kỹ hơn, anh Phúc cho biết giá 1 kg táo hiện khoảng 3 nhân dân tệ. Trước đó, vào giữa tháng 5-2018, một nhân dân tệ đổi được 3.500 đồng Việt Nam, đến giữa tháng 10 vừa qua, một nhân dân tệ chỉ đổi được 3.300 đồng. Điều đó có nghĩa rằng giá táo quy đổi sang tiền đồng rẻ đi vài phần trăm và cứ thế nhân với khối lượng lớn là lợi được rất nhiều tiền.
Tương tự, một giám đốc doanh nghiệp nhựa cũng đang thấy giá mua nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc rẻ đi rất nhiều so với trước đây. “Chúng tôi nhập 70% nguyên phụ liệu từ Trung Quốc và trả bằng đồng nhân dân tệ nên giá đầu vào giảm giúp công ty có điều kiện tăng năng lực cạnh tranh trên thị trường” - vị giám đốc này cho biết.
Trái ngược với niềm vui của các thương nhân nhập hàng Trung Quốc về bán, ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho hay hai năm gần đây, thị trường Trung Quốc đem lại giá trị kim ngạch xuất khẩu rất tốt cho ngành thủy sản Việt Nam. Tỉ giá cũng là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến giá cả và sản lượng đơn hàng. Do đó, việc đồng nhân dân tệ mất giá sẽ tác động ít nhiều đến ngành thủy sản. Giá bán có xu hướng đắt hơn nếu hợp đồng giao dịch bằng tiền Trung Quốc.
Các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản có thể khó bán hàng sang Trung Quốc vì đồng nhân dân tệ mất giá. Ảnh: PM
Mặc dù hiện nay khoảng 90% doanh nghiệp thủy sản Việt Nam chọn đồng tiền thanh toán là USD khi bán sang thị trường Trung Quốc, tuy nhiên không có nghĩa là triệt tiêu được rủi ro về mặt tỉ giá.
Lý do là so với đồng tiền các nước trong khu vực có chủ đích phá giá nội tệ so với USD thì đồng Việt Nam khá ổn định. Như vậy, cùng một sản phẩm bán ra, hàng Việt Nam sẽ đắt hơn so với đối thủ, đồng nghĩa mức độ cạnh tranh với các nước này sẽ gay gắt hơn, do giá bán của họ rẻ hơn.
Can thiệp ngay khi biến động bất thường
TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế, đánh giá nhân dân tệ mất giá so với đồng USD trong khi tiền Việt Nam có biên độ điều chỉnh giá với USD không nhiều. Tính theo tỉ giá chéo, đồng Việt Nam lên giá so với nhân dân tệ. Điều này có thể sẽ dẫn đến một số bất lợi cho kinh tế Việt Nam. Ví dụ, hàng Trung Quốc sẽ tràn vào thị trường Việt Nam nhiều hơn vì giá đã rẻ, nay lại rẻ hơn nữa.
Một khi hàng hóa Trung Quốc giá rẻ thì thương lái Việt Nam ồ ạt nhập khẩu hàng hóa, dẫn tới doanh nghiệp Việt gặp khó khăn ngay trên sân nhà. Với xuất khẩu, hàng hóa Việt Nam vào Trung Quốc cũng không nhiều thuận lợi vì giá sẽ đắt đỏ hơn.
Tiền Việt tăng giá so với nhân dân tệ Tham khảo bảng tỉ giá giữa nhân dân tệ và đồng Việt Nam của Tổng cục Hải quan cho thấy từ đầu năm đến nay, đồng Việt Nam có dấu hiệu ngày càng mạnh so với nhân dân tệ. Nếu vào ngày 5-2, một nhân dân tệ đổi được 3.594 đồng thì đến cuối tuần qua chỉ còn khoảng 3.333 đồng. Như vậy, tiền đồng Việt Nam đã tăng giá 7% so với nhân dân tệ. |
“Vốn nhập siêu với Trung Quốc nên với việc nhân dân tệ mất giá mạnh thì cán cân thương mại của Việt Nam sẽ khá bất lợi. Tất nhiên, điều đó không có nghĩa là tiền đồng phải điều chỉnh theo sự mất giá nhân dân tệ mà cần tính toán cẩn trọng các tác động tích cực lẫn tiêu cực đối với nền kinh tế để có lợi nhất” - ông Hiếu nói.
Theo ông Hiếu, điều tốt nhất lúc này là cần tiếp tục giảm bớt những thủ tục hành chính, những chi phí không cần thiết để doanh nghiệp Việt có thể cạnh tranh tốt hơn không chỉ đối với doanh nghiệp Trung Quốc mà cả những doanh nghiệp các khu vực khác. Đặc biệt, cần kiểm soát tốt thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc, đặc biệt là đường tiểu ngạch.
PGS-TS Trần Hoàng Ngân, Giám đốc Học viện Cán bộ TP.HCM, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, nhận định chiến tranh thương mại Mỹ-Trung dẫn đến Trung Quốc buộc phải phá giá đồng nhân dân tệ và từ đó dẫn đến áp lực tỉ giá đồng Việt Nam với nhân dân tệ cũng như với USD. Do vậy, Ngân hàng Nhà nước phải tính toán rất nhiều biến số để kiểm soát tỉ giá giữa các đồng tiền mà Việt Nam hay giao dịch.
“Bài toán đặt ra sẽ là phải kiểm soát được nó, sẵn sàng can thiệp khi có biến động bất thường, đồng thời tạo điều kiện hỗ trợ cho xuất khẩu và cải thiện cán cân thương mại” - TS Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh.
Mẹo giảm thiệt hại do biến động tỉ giá Theo phân tích của các chuyên gia, nếu đồng nhân dân tệ tiếp tục mất giá so với USD, các ngành hàng như thủy sản, phân bón, sắt thép, nhựa, cao su… sẽ gặp bất lợi vì giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc có thể sẽ giảm trong khi giá trị nhập khẩu tăng và phải cạnh tranh với hàng giá rẻ Trung Quốc tại thị trường nội địa. Trong khi đó, dệt may, ô tô thương mại, dược phẩm… của Việt Nam sẽ là những ngành được hưởng lợi vì giá nguyên liệu đầu vào giảm. Kế toán trưởng một doanh nghiệp cho hay công ty có giao dịch mua bán với nhiều nước, trong đó có cả Trung Quốc. Do đó, tỉ giá cũng là yếu tố ảnh hưởng khá nhiều đến giá thành sản phẩm. Thông thường công ty này chọn USD làm đồng tiền giao dịch mua bán. Tuy nhiên, công ty có bộ phận nghiên cứu tỉ giá để dự đoán trước trường hợp tăng hay giảm để từ đó ra quyết định hợp lý. Chẳng hạn, nếu mua nguyên liệu từ nước ngoài, dự đoán tỉ giá sẽ tăng trong tương lai, công ty sẽ cố định giá trước với đối tác hoặc mua khối lượng lớn để có giá rẻ hơn nhằm giảm ảnh hưởng tiêu cực của tỉ giá.