Giá dầu vượt mức 50 USD/thùng bất chấp cuộc họp OPEC kết thúc trong bế tắc

03/06/2016 08:31 AM | Kinh tế vĩ mô

Bế tắc chính trị cũng có nghĩa là nhiều nước thành viên OPEC đang "lâm nguy” như Nigeria, Venezuela và Libya sẽ tiếp tục chịu sức ép do nền kinh tế phụ thuộc nặng nề vào doanh thu xuất khẩu dầu mỏ.

Cuộc họp của Tổ chức Các nước Sản xuất và Xuất khẩu dầu mỏ ( OPEC ) kết thúc trong bế tắc do Iran từ chối kế hoạch kế hoạch bình ổn sản lượng dầu thô mà "kỳ phùng địch thủ” Ả Rập Xê Út đề xướng.

Những tia hy vọng le lói rằng Ả Rập Xê Út và Iran có thể gạt bỏ cuộc tranh chấp quyền lực trong khu vực để đạt được một thoả thuận về sản lượng dầu mỏ nhằm góp phần bình ổn các thị trường dầu mỏ đang bấp bênh đã dập tắt.

Cuộc họp các bộ trưởng dầu mỏ OPEC tại thủ đô Viên (Áo) vào ngày 2/6 đã kết thúc mà không thoả thuận nào đạt được do Tehran từ chối ủng hộ kế hoạch bình ổn sản lượng dầu thô mà Riyadh và các nước thành viên OPEC khác đưa ra.

Bế tắc chính trị cũng có nghĩa là nhiều nước thành viên OPEC đang "lâm nguy” như Nigeria, Venezuela và Libya sẽ tiếp tục chịu sức ép do nền kinh tế phụ thuộc nặng nề vào doanh thu xuất khẩu dầu mỏ.

OPEC "án binh bất động” với lý lẽ giá dầu thô đã tăng 80% kể từ Hội nghị thượng đỉnh OPEC vào tháng 12/2015 và cuộc họp lần này đã đạt được mục tiêu chính là bầu ra tổng thư ký mới người Nigeria, ông Mohammed Barkindo.

Trong thông cáo chính thức bế mạc cuộc họp, OPEC cho biết: "Cung và cầu đang dần cân đối và mức dữ trữ dầu thô và dầu tinh chế của các nước thuộc Tổ chức Hợp tác Kinh tế và Phát triển (OECD) gần đây giảm đáng kể”.

Ả Rập Xê Út do tân Bộ trưởng Năng lượng Khalid al-Falih dẫn đầu đã kêu gọi "phối hợp hành động" để kiềm chế khai thác song không thể xúc tiến nếu không có sự hợp tác của Iran.

Bộ trưởng Dầu mỏ Iran Bijan Zanganeh tuyên bố Iran muốn tận hưởng sự tự do mới có để đẩy mạnh khai thác và xuất khẩu dầu thô sau khi đạt được thoả thuận về chương trình hạt nhân và phương Tây dỡ bỏ lệnh trừng phạt. Theo ông Zanganeh, hạn chế sản xuất sẽ không có lợi cho Iran.

Tình trạng trì trệ bao phủ các thị trường dầu mỏ đã gây ra những biến động chính trị và kinh tế kịch tính ở nhiều nước như Venezuela và Braxin, nơi các cuộc biểu tình đường phố rầm rộ nhằm vào giới lãnh đạo chính phủ.

Venezuela, nước có trữ lượng dầu mỏ lớn nhất thế giới trong năm 2015, đã kiệt quệ bởi tình trạng khan hiếm kéo dài các mặt hàng nhu yếu phẩm, thuốc men, điện, nước, siêu lạm phát và tội phạm lan tràn.

Nga và Kazakhstan, hai nước sản xuất dầu lớn ngoài OPEC, cũng chịu thiệt hại về tài chính công, trong khi Ả Rập Xê Út buộc phải áp dụng một loạt các thuế mới và lên kế hoạch bán cổ phần công ty dầu khí quốc gia Aramco.

Vào thời điểm nay hai năm về trước, giá dầu thô đã đạt mức đỉnh điểm 115 USD/thùng song sản lượng dầu đá phiến của Mỹ tăng cùng với nhu cầu giảm và kinh tế toàn cầu đình trệ đã làm lung lay niềm tin của thị trường.

Giá dầu thô Brent đã lao xuống mức thấp 28 USD/thùng vào tháng 2/2016 trước khi hồi phục lên xấp xỉ mức 50 USD/thùng hiện nay nhờ sản xuất dầu của Mỹ giảm và hoạt động khai thác ở nhiều nơi chịu thiệt hại do cháy rừng ở Canada và các cuộc tấn công vào các đường ống khai thác dầu ở Nigeria.

Sự thất bại trong việc đạt được một thoả thuận bình ổn sản lượng dầu cho thấy tổ chức 56 năm tuổi này đang mất dần đi vai trò điều tiết sản xuất cần có của mình.

Tuy nhiên, kết quả "dậm chân tại chỗ” này của OPEC dù đáng thất vọng song không nằm ngoài dự đoán của thị trường. Ngay sau khi có kết quả của cuộc họp OPEC, giá dầu trên thị trường thế giới đã hạ đôi chút song đã tăng trở lại sau khi có các số liệu về sản lượng và tồn kho dầu của Mỹ giảm. Theo công bố của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), tồn kho dầu thô Mỹ giảm 1,4 triệu thùng, dự trữ xăng giảm 1,5 triệu thùng và dữ trữ nhiên liệu chưng cất giảm 1,3 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 27/5.

Nhờ vậy, giá dầu thô Brent tăng 32 cent hay 0,6% đạt 50,04 USD/thùng trên Sở Giao dịch Kỳ hạn ICE châu Âu vào cuối ngày 2/6 và đây là mức giá cao nhất kể từ ngày 3/11/2015, trong khi giá dầu thô giao tháng 7 trên Sở Giao dịch Hàng hoá New York tăng 16 cent hay 0,3% đạt 49, 17 USD/thùng.

Theo Xuân Hương

Cùng chuyên mục
XEM