Giá dầu vẫn sẽ hướng xuống mức 10 USD/thùng
Tại một số vùng của Mỹ như bang Texas, do chi phí nhân công giảm, tiền thuê thiết bị đi xuống, chi phí lắp giàn khoan và đường ống hạ khiến chi phí cận biên để khai thác dầu tại đây xuống chỉ còn 10-20 USD/thùng và thậm chí mức giá này còn thấp hơn tại Vịnh Ba Tư ở Trung Đông.
Vào tháng 2/2015, giá dầu thô Mỹ WTI xuống mức 52 USD.thùng và chỉ bằng 1/2 so với mức đỉnh năm 2014. Khi đó, nhiều chuyên gia nhận định giá dầu sẽ còn giảm xuống dưới 20 USD/thùng.
Dẫu vậy, giá dầu vẫn không giảm và liên tục xoay quanh mốc 50 USD/thùng trong thời gian gần đây. Thậm chí nhiều nhà đầu tư còn hy vọng giá dầu sẽ phục hồi trở lại.
Tuy nhiên, hy vọng này quá xa vời và nhiều khả năng giá dầu có thể xuống 10-20 USD/thùng trong tương lai. Tại sao vậy?
Sự sụp đổ của đế chế OPEC
Đầu tiên, đà tăng giá gần đây của dầu mỏ không liên quan đến những yếu tố cơ bản dài hạn trên thị trường dầu mà chủ yếu là do các tác động ngắn hạn, như cháy rừng tại Canada khiến nước này tạm đóng cửa các giàn khoan, giảm sản lượng tại Nigeria và Venezuela do biến động chính trị, hy vọng của nhà đầu tư rằng ngành khai thác dầu đá phiến Mỹ sẽ phải tiếp tục giảm sản lượng...
Mặc dù những yếu tố tạm thời trên thúc đẩy giá dầu giữ ở mức 50 USD/thùng, nhưng chúng không thể tồn tại lâu. Rõ ràng là thị trường dầu mỏ thế giới đang thừa cung, trong khi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã không còn làm chủ được giá dầu như trước đây. Thậm chí, những ảnh hưởng về kinh tế đang khiến các thành viên OPEC trở nên bất đồng quan điểm về hạn mức sản lượng khai thác.
Thành viên chủ chốt của OPEC, Ả rập Xê Út cũng đã phải thừa nhận một thực tế mới là dầu mỏ không còn “hot” như trước nữa. Chính nước này đã đồng ý kế hoạch đóng băng sản lượng từ Nga, phát hành trái phiếu để vay thêm tiền, bán cổ phần công ty dầu khí quốc gia và cố gắng tìm kiếm hướng đi mới cho nền kinh tế.
Sản lượng khai thác dầu của OPEC (triệu thùng/ngày)
Ả Rập Xê Út và các thành viên OPEC đang lầm vào một tình thế tiến thoái lưỡng nan. Với vai trò điều tiết giá dầu như trước đây, OPEC sẽ điều chỉnh sản lượng nhằm giữ mức giá cân bằng. Tuy nhiên, việc cắt giảm sản lượng để đẩy giá dầu lên lại khiến các nước này mất dần thị phần trước ngành dầu đá phiến Mỹ. Hệ quả là họ cứ tiếp tục bơm thêm dầu và giá thì vẫn tiếp tục ở mức thấp.
Tính đến cuối năm 2015, Ả Rập Xê Út đã bơm 33 triệu thùng/ngày, mức cao kỷ lục.
Trong khi đó, một thành viên khác của OPEC là Iran mới được dỡ bỏ lệnh cấm vận đang có kế hoạch nâng sản lượng lên 6 triệu thùng/ngày vào năm 2020 và trở thành nước có sản lượng khai thác lớn thứ 2 trong khối.
Nga, một quốc gia sản xuất dầu lớn khác cũng không chịu kém cạnh khi tăng cường bơm dầu nhằm chống đỡ nền kinh tế cũng như ngân sách đang bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt từ Phương Tây. Thậm chí Libya, một quốc gia đang sa lầy trong nội chiến tại Trung Đông cũng cố gắng khai thác dầu hết mức có thể để có tiền chi cho chiến tranh. Đó là chưa kể hàng loạt những nước xuất khẩu dầu lớn khác đang cố gắng tăng cường sản lượng nhằm bù đắp nguồn thu giảm do giá dầu thấp.
Báo cáo của Tổ chức năng lượng quốc tế (IEA) cho thấy nếu các thành viên OPEC đàm phán thành công để đóng băng sản lượng và nếu ngành khái thác dầu đá phiến Mỹ cắt giảm sản lượng 600.000 thùng/ngày trong năm nay cùng với 200.000 thùng/ngày vào năm 2017 thì thế giới vẫn thừa 1,5 triệu thùng dầu/ngày từ nay đến năm sau. Hiện tại, thị trường dầu mỏ đang thừa cung khoàng 1-2 triệu thùng dầu/ngày.
Chi phí khai thác cận biên xuống còn 10-20 USD/thùng
Thêm vào đó, kể cả các nước cắt giảm sản lượng thì họ cũng khó đẩy giá dầu lên mức cần thiết để cân bằng ngân sách, vốn dao động từ 208 USD/thùng tại Libya cho đến 52 USD/thùng tại Cô Oét. Ngoài ra, hàng loạt những chi phí cho sản xuất như thuê giàn khoan, vận chuyển dầu, bảo dưỡng máy móc... khiến ngành dầu mỏ buộc phải tăng sản lượng để bù số doanh thu bị mất do giá dầu thấp.
Trong một cuộc chiến về giá, mức giá cân bằng trên thị trường tương đương với chi phí cận biên trong khai thác dầu mỏ. Tại một số vùng của Mỹ như bang Texas, do chi phí nhân công giảm, tiền thuê thiết bị đi xuống, chi phí lắp giàn khoan và đường ống hạ khiến chi phí cận biên để khai thác dầu tại đây xuống chỉ còn 10-20 USD/thùng và thậm chí mức giá này còn thấp hơn tại Vịnh Ba Tư ở Trung Đông.
Hơn nữa, năng suất khai thác dầu của ngành dầu đá phiến Mỹ đang ngày càng được cải thiện. Nhiều báo cáo cho thấy số giàn khoan dầu tại Mỹ giảm nhưng nhà đầu tư không nhận ra rằng hầu hết những giàn khoan đóng cửa là kiểu khoan cũ, tức là chỉ khai thác được một một mỏ cho mối giàn khoan.
Trong khi đó, công nghệ khái thác mới (Fracking) cho phép mỗi giàn khoan khai thác được 20-30 mỏ dầu với đường ống theo kiểu mạng nhện. Như vậy, số dầu mỗi giàn khoan được sẽ tăng lên và báo cáo số giàn khoan không còn phản ánh chính xác thực tế của ngành dầu đá phiến Mỹ nữa.
Nhiều chuyên gia dự đoán những tiến bộ trong kỹ thuật khai thác dầu như Fracking, khoan thẳng, khoan dưới mực nước sâu hay kỹ thuật khoan Arctic sẽ làm tăng sản lượng của các nước ngoài OPEC từ 58,1 triệu thùng/ngày năm 2015 lên 58,6 triệu thùng/ngày trong năm nay.
Cầu giảm, dự trữ nhiều
Một nguyên nhân nữa khiến giá dầu sẽ còn ở mức thấp là lực cầu không còn mạnh như trước. Trung Quốc, thị trường tiêu thụ dầu mỏ lớn trên thế giới đã giảm tốc kinh tế sau thời kỳ tăng trưởng nóng. Hơn nữa, quốc gia này đang cố gắng chuyển đổi cấu trúc kinh tế từ phụ thuộc vào sản xuất và xuất khẩu sang tập trung dịch vụ và tiêu dùng. Điều này chắc chắn sẽ khiến nhu cầu dầu mỏ tại đây đi xuống.
Tại Phương Tây, những lo ngại về ô nhiếm môi trường và thay đổi khí hậu cùng sự tiến bộ khoa học kỹ thuật đang khiến dầu mỏ ngày càng mất đi vị thế của mình. Những nguồn năng lượng sạch như gió, mặt trời đang là hướng đầu tư mới của nhiều nước. Trong khi đó, ngành xe điện cũng đang trở thành mối quan tâm mới của người dân, qua đó đe dọa nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ.
Thêm nữa, chúng ta cũng không thể quên ảnh hưởng từ những kho dự trữ dầu lớn trên thế giới. Tình trạng thừa cung dầu hiện nay sẽ làm các kho dự trữ dầu ngày càng quá tải và buộc phải bán bớt ra trong tương lai,qua đó gây áp lực với giá dầu.
Kho dự trữ dầu tại Cushing-Oklahoma-Mỹ đã sắp hết dung lượng lưu trữ và điều này cũng đang xảy ra với hàng loạt kho chứa dầu ở Châu Âu như Amsterdam, Rotterdam hay Antwerp. Dự trữ dầu chiến lược của Trung Quốc cũng đang dần đến hạn mức quá tải. Tính trên toàn cầu, lượng dầu dự trữ đã tăng lên mức kỷ lục khi có thêm 370 triệu thùng dầu được đưa vào kho kể từ tháng 1/2014.
Đó là chưa kể đến một lượng dầu lớn được lưu trữ trên các tàu chở dầu khi nhà đầu tư quyết định chưa bán lô hàng mà đầu cơ chờ giá lên. Tuy nhiên, do chi phí trữ dầu tại các tàu chở này ở các cảng vào khoảng 1,13 USD/thùng/tháng, cao hơn nhiều tại các kho chứa như Crushing (40 cent/thùng/tháng) hay các kho chứa dầu chiến lược của Mỹ (25 cent/thùng/tháng) nên nhà đầu tư hiện đang ưa chuộng trữ dầu trên các xe chở dầu với chi phí khoảng 50 cent/thùng/tháng.
Bên cạnh đó, việc vay nợ quá nhiều của các công ty năng lượng khiến họ buộc phải tăng sản lượng nhằm thanh toán khoản nợ khổng lồ dù giá dầu đang ở mức thấp. Do giá đồng USD tăng nên chi phí nhập khẩu dầu mỏ sẽ cao hơn và ảnh hưởng đến nhu cầu dầu mỏ tại các thị trường này.
Việc giá dầu giảm xuống dưới 20 USD/thùng có thể gây ra khủng hoảng trên thị trường, tương tự như sự sụp đổ của bong bóng dotcom cuối thập niên 90 hay khủng hoảng năm 2008. Mặc dù giá dầu không chắc chắn sẽ xuống đến mức quá thấp như vậy do giá dầu thấp sẽ quay trở lại thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ dầu. nhưng chắc chắn giá dầu sẽ thấp hơn mức bình quân 82 USD/thùng trong nửa đầu thế kỷ này cũng như thấp hơn rất nhiều so với kỳ vọng của các nhà khai thác.