Giá dầu lao dốc vì nỗi lo kinh tế toàn cầu giảm tốc
Giá dầu thế giới giảm mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Năm, xuống đáy của 2 tháng rưỡi...
Giá dầu thế giới giảm mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Năm, khi thống kê cho thấy tồn kho dầu thô của Mỹ giảm ít hơn dự báo và giới đầu tư lo ngại kinh tế toàn cầu sẽ giảm tốc do chiến tranh thương mại Mỹ-Trung.
Hãng tin Reuters dẫn số liệu từ Cơ quan Thông tin năng lượng (EIA) thuộc Bộ Năng lượng Mỹ cho hay tồn kho dầu thô của nước này giảm gần 300.000 thùng trong tuần trước, thấp hơn nhiều so với mức dự báo giảm 900.000 thùng mà giới phân tích đưa ra trước đó.
Trong tuần trước đó, tồn kho dầu thô của Mỹ đạt mức 476,5 triệu thùng, cao nhất kể từ tháng 7/2017. Tuy đã giảm trong tuần trước, tồn kho này vẫn đang cao hơn 5% so với mức trung bình 5 năm của thời điểm này hàng năm.
"Báo cáo về lượng dầu tồn kho càng làm gia tăng tâm lý bi quan chiếm lĩnh thị trường trong phiên giao dịch ngày hôm nay", ông Abhishek Kumar, trưởng bộ phận phân tích thuộc Interfax Energy, nhận định. "Ngoài ra, mối lo về nhu cầu tiêu thụ dầu từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung được dự báo sẽ tiếp tục là nguồn gây áp lực giảm chủ yếu đối với giá năng lượng này".
Chốt phiên, giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London giảm 2,55 USD/thùng, tương đương giảm 3,7%, còn 66,54 USD/thùng.
Tại thị trường New York, giá dầu thô WTI giảm 3,8%, còn 56,59 USD/thùng.
Đây là mức giá đóng cửa thấp nhất kể từ ngày 22/3 của dầu Brent và kể từ ngày 12/3 của dầu WTI.
"Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung leo thang là một mối rủi ro đối với thị trường dầu", một báo cáo của Bernstein Energy nhận định. Theo báo cáo này, trong trường hợp "một cuộc chiến thương mại toàn diện" xảy ra, nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu sẽ chỉ tăng 0,7% trong năm nay, bằng một nửa so với mức tăng dự báo hiện nay.
Báo cáo nói rằng do nhu cầu yếu đi, khả năng tăng giá của dầu sẽ bị hạn chế, cho dù nguồn cung dầu toàn cầu đang có chiều hướng bị thắt lại.
Năm nay, giá dầu đã được hỗ trợ bởi thỏa thuận cắt giảm sản lượng của Tổ chức Các nước xuất khầu dầu lửa (OPEC) và đối tác, gồm Nga, hay còn gọi là nhóm OPEC+.
Lệnh trừng phạt của Mỹ đối với hai thành viên OPEC là Iran và Venezuela cũng khiến nguồn cung dầu bị siết lại thêm.
Xuất khẩu dầu của Iran trong tháng 5 được cho là đã giảm còn chưa đầy một nửa so với mức của tháng 4, chỉ vào khoảng 400.000 thùng/ngày. Tehran cần xuất khẩu ít nhất 1,5-2 triệu thùng dầu mỗi ngày để cân bằng ngân sách.
Căng thẳng ở vùng Vịnh cũng được xem là một nhân tố hỗ trợ giá dầu hiện nay. Một số vụ tấn công nhằm vào các tài sản dầu lửa đã xảy ra trong khu vực này trong tháng 5, và Iran bị nghi là đứng sau các vụ tấn công đó.
Vào ngày thứ Năm, lãnh đạo các nước Arab đã có cuộc họp thượng đỉnh khẩn cấp ở thủ đô Riyadh của Saudi Arabia nhằm gửi tới Iran một thông điệp mạnh mẽ rằng các cường quốc của khu vực sẽ bảo vệ lợi ích của mình trước bất kỳ mối nguy nào. Cùng với đó, đại sứ Mỹ tại Iran tuyên bố Mỹ sẽ đáp trả bằng vũ lực nếu các lợi ích của Mỹ bị Iran tấn công.
Nhiều nhà phân tích đang kỳ vọng OPEC+ sẽ duy trì thỏa thuận cắt giảm sản lượng cho tới hết năm nay để ngăn khả năng giá dầu sụt giảm trở lại ngưỡng của cuối năm 2018 - thời điểm giá dầu Brent trượt về 50 USD/thùng.
Từ khi OPEC+ bắt đầu hạn chế sản lượng 1,2 triệu thùng/ngày vào tháng 1, giá dầu đến nay đã tăng được khoảng 30%.