Thà sống "nhạt" chứ không sống "giả tạo": Chấp nhận và sống đúng với con người thật thay vì a dua theo đuổi quan điểm của số đông
Là chính mình có nghĩa bạn có đủ dũng khí để chấp nhận con người thật của bạn. Bạn đủ dũng khí để hiểu rằng bạn là hiện thân của một tổ hợp những bản sắc nhất định và dù bạn có cố đến đâu cũng sẽ có những thứ không thuộc về bạn.
“Hãy sống với chính mình – không phải với suy nghĩ bạn nghĩ người khác sẽ nghĩ về bạn.” - Henry David Thoreau
Đã bao nhiêu lần bạn nghe người khác khuyên bạn sống thật với chính mình? Có lẽ cả tỉ lần.
Đã bao nhiêu lần bạn thấy mình làm được điều này?
Chỉ mới vài tháng trước thôi, tôi thấy những lời khuyên kiểu như “Đừng lo” hết sức vô nghĩa. Tôi cũng không biết làm sao để là chính mình. Nó có nghĩa là gì nhỉ?
Bí mật đơn giản để là chính mình
Bạn tôi lúc nào cũng nói với tôi rằng là chính mình có nghĩa là làm những việc mình muốn và không quan tâm người khác nghĩ gì. Tôi thì không đồng tình với cách định nghĩa đó. Nó khiến “là chính mình” trở nên quá đơn giản.
Tôi đã luôn nghĩ tiệc tùng là hiện thân của sự vui vẻ nhưng dù tôi có cố hoà mình vào bữa tiệc như thế nào, tôi vẫn không thể tận hưởng bầu không khí đó. Tôi ghét cả quá trình từ chuẩn bị, di chuyển, nhảy nhót, ăn uống đến ra về. Tôi thà ở nhà đọc sách hay đi bộ ở quảng trường còn hơn.
Nhiều năm trời, tôi đã nghĩ mình không biết cách vui vẻ.
Nhưng tôi thấy vui khi đọc sách hay đến quảng trường, nó giống với niềm vui của mọi người khi tiệc tùng vậy.
Tôi phải rất chật vật để chấp nhận điều đó vì nó kéo theo việc tôi phải chấp nhận rằng mình không có thú vui như số đông. Tức là quan điểm về niềm vui của tôi có thể rất nhạt nhẽo trong mắt của nhiều người.
Là chính mình có nghĩa bạn có đủ dũng khí để chấp nhận con người thật của bạn. Bạn đủ dũng khí để hiểu rằng bạn là hiện thân của một tổ hợp những bản sắc nhất định và dù bạn có cố đến đâu cũng sẽ có những thứ không thuộc về bạn.
Rất khó để làm điều này vì bạn phải chấp nhận rằng mình khác biệt so với người khác. Nhưng sự khác biệt đó không cần lấn át hay định nghĩa con người bạn.
Bạn không thể giống mọi người. Bạn không cần giống ai cả. Bạn chỉ cần là bạn. Vậy là đủ rồi.
3 bước để là chính bạn
Không có quy định nào để là chính bạn vì bản thân bạn khác với mọi người. Tôi mạn phép nêu ra một vài gợi ý để bạn tham khảo.
1. Hiểu chính mình
Để sống thật với chính mình, trước tiên bạn cần biết mình là ai. Bạn có là con người của tiệc tùng hay không? Bạn thích bắt đầu hay kết thúc một việc? Bạn đi từng bước nhỏ hay tiến những bước dài?
Việc này đòi hỏi bạn tự vấn bản thân rất nhiều. Trong trường hợp của tôi, tôi đã hỏi chính mình rất nhiều câu hỏi với nhiều chủ đề khác nhau. Một số câu hỏi để bạn tham khảo là:
- Mình là con người của buổi sáng hay là cú đêm?
- Mình thấy thoải mái khi là một phần trong nhóm đông người hay mình thích có một vài người bạn thân hơn?
- Mình hướng nội hay hướng ngoại?
- Mình ưa thích mạo hiểm hay những điều an toàn?
- Mình thích thay đổi hay cố định hơn?
- Mình vội vàng hay làm việc chậm rãi?
- Mình thường tuân thủ hay chống lại các quy định?
- Điều gì tạo nên bản sắc của mình?
- Mình muốn mọi người nhớ về mình như thế nào khi mình không còn trong một tập thể?
- Mình trân trọng điều gì nhất trong cuộc sống?
- Mình thích làm gì khi rảnh?
- Điều gì làm mình hứng thú? Nó có làm mình thấy hạnh phúc không?
- Mình thích vật chất hay những trải nghiệm hơn?
- Mình định nghĩa thành công như thế nào?
2. Hài lòng với bản thân kể cả khiếm khuyết
Một khi bắt đầu khám phá bản thân, điều quan trọng là không phê phán chính mình. Xét nét bản thân sẽ tạo rào cản khiến bạn không thể yêu chính mình. Bạn cần chấp nhận mọi thứ về mình, kể cả khiếm khuyết. Tất cả chúng ta đều không hoàn hảo.
Tôi thường xuyên nói tôi hối hận. Đây là một khiếm khuyết và tôi đang cố khắc phục nó. Nhưng cứ mỗi khi tôi làm mình thất vọng, tôi lại phán xét bản thân. Điều này gây ra một kiểu tâm lý không có lợi cho những thay đổi mang tính tích cực.
Bên cạnh việc dừng phán xét chính mình, bạn cần thôi lo lắng về những gì người khác nghĩ về bạn. Không phải quá thờ ơ, bạn nên giữ cho mình khách quan. Hai khái niệm khác nhau như sau.
Khi thờ ơ bạn nói, “Tôi không quan tâm", còn khi khách quan bạn sẽ nói, “Tôi chấp nhận những gì người khác nói về mình”. Điều này đồng nghĩa với việc không ghét bỏ ai đó vì họ có suy nghĩ khác hoặc bị ảnh hưởng bởi những quan điểm khác bạn.
3. Đôi lúc sống chậm lại để chăm sóc chính mình
Cuộc sống luôn bận rộn. Tôi thích điều đó. Tôi không chịu được khi mãi ngồi im một chỗ. Tuy nhiên sự bận rộn có thể là hòn đá cản đường bạn sống thật với chính mình khi bạn không có thời gian để tự vấn và không biết mình muốn gì. Chúng ta cần thời gian để nghỉ ngơi và tiếp năng lượng cho bản thân.
Sau đây là một số cách để có những phút giây sống chậm trong cuộc sống:
- Đi du lịch một mình, không phụ thuộc vào điện thoại di động.
- Dành 10 phút mỗi đêm để suy nghĩ về những việc làm và động lực trong một ngày vừa qua. (Mình đã làm thế vì...)
- Đi dạo trong công viên và thay vì nghe nhạc, hãy lắng nghe những suy nghĩ trong đầu mình.
Việc này có thể khó và không thoải mái nếu bạn chưa quen. Bạn có thể nhanh chóng muốn từ chối chính mình và cần một nguồn động viên để tiếp sức.
Tôi cũng từng sợ hãi nhưng sau này nghĩ lại thì nỗi sợ đó rất đáng giá.
Cố gắng trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình
Tất cả những việc trên dẫn chúng ta đến một câu hỏi: Sống thật với chính mình có phải là tôi không cố trở thành một người tốt hơn hay không?
Câu trả lời là có và không. Nó phức tạp mà cũng đơn giản.
Nếu cố trở nên tốt hơn có nghĩa là bạn luôn tập trung vào những khiếm khuyết của mình và chỉ trích bản thân thì cách này hơi ngốc nghếch. Vì bất kể bạn có tốt lên đến đâu, sẽ không bao giờ hết chỗ cho sự tiến bộ của bạn.
Tuy nhiên, nếu cố trở nên tốt hơn là bạn thấy hạnh phúc với chính mình và nghĩ rằng mình có thể làm nhiều hơn nữa thì chúc mừng bạn. Đó là hướng đi đúng đắn.
—
Một người cần có bản lĩnh để chấp nhận con người thật của chính mình. Mọi chuyện sẽ dễ dàng hơn khi bạn nhớ rằng bản thân bạn không làm gì sai, cách duy nhất để được hạnh phúc là chấp nhận nó.