GDP quí I: Dự báo thách thức lớn cho tăng trưởng kinh tế năm 2019
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long đã trao đổi với Báo Hải quan xung quanh vấn đề tăng trưởng kinh tế quý I cũng như tăng trưởng kinh tế của cả năm 2019.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa cập nhật, ước tính tốc độ tăng trưởng kinh tế GDP quý I năm 2019 là 6,58% so với cùng kỳ năm 2018. Mức tăng này thấp hơn cả tốc độ tăng trưởng quý I của kịch bản theo phương án thấp đã được đưa ra từ cuối 2018. Ông nhận định như thế nào về điều này?
- Thứ nhất, so với năm ngoái tốc độ tăng trưởng của quý I năm nay ước tính thấp hơn, và đồng thời thấp hơn so với mặt bằng chung một số năm. Như vậy, ngay quý đầu tiên tốc độ tăng trưởng GDP đã không bằng năm 2018. Điều này do rất nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân ảnh hưởng của tết Nguyên đán với thời gian chiếm gần 2 tháng nên GDP trong quý có xu hướng giảm. Thực ra, trong các năm thì chỉ có năm 2018 là tăng trưởng GDP quý I tăng cao. Bộ Kế hoạch Đầu tư dự báo GDP quý I năm nay sẽ tăng nhưng tăng không cao như năm ngoái, tuy nhiên dự báo này chưa tuân thủ quy luật tăng GDP quý I của các năm.
Theo ông, những nguyên nhân nào dẫn đến việc Bộ KH&ĐT hạ dự báo tăng trưởng quý I, và ông dự báo tăng trưởng GDP quý I sẽ như thế nào?
- Theo những phân tích tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 2 vừa qua thì nguyên nhân là do có rào cản, trì trệ, sự chậm trễ của các cơ quan chức năng đã tác động tới hoạt động sản xuất của các DN và tăng trưởng của các DN bắt đầu có xu hướng tăng chậm lại. Tựu trung lại, có rất nhiều nguyên nhân trong đó có cả chủ quan và khách quan. Tuy nhiên, tôi cho rằng, trong bối cảnh như vậy thì rào cản chính là tác động lớn nhất làm cho GDP của quý I tăng chậm.
Đối với đánh giá, ước tính của Bộ KH&ĐT về tăng trưởng, theo tôi thì đây là những con số chấp nhận được. Trên thực tế, những con số đầu tiên về tăng trưởng kinh tế mà Bộ KH&ĐT đưa ra là con số ước tính, con số thứ 2 là con số sơ bộ và thứ 3 mới là con số chính thức. Đây mới là con số ước tính, sau đó dựa trên báo cáo của cơ quan chức năng mới có con số sơ bộ và chính thức.
Hiện CPI bình quân 2 tháng đầu năm tăng 2,6% so với cùng kỳ năm 2018 và đây cũng được đánh giá là mức tăng thấp so với cùng kỳ năm trước. Ngày 20/3, giá điện tăng hơn 8%, việc tăng giá điện sẽ tác động như thế nào đến lạm phát và tăng trưởng, thưa ông?
- Trong cả năm, theo tính toán giá điện tăng sẽ tác động làm tăng từ 0,29-0,31% CPI. Tuy nhiên, đối với CPI tháng 3 và CPI quý I thì sẽ không có tác động mạnh. Bởi chu kỳ thống kê tính đến ngày 21 hàng tháng nhưng ngày 20/3 giá điện mới chính thức tăng, nghĩa là mới tăng được 1 ngày nên chưa có ảnh hưởng. Đặc biệt, trong những ngày vừa qua Dịch tả lợn châu Phi cũng làm cho chỉ số giá giảm... Đây là những nhân tố tác động tới CPI. Bên cạnh đó, cần lưu ý một vài dấu hiệu của giá dầu, trong hai kỳ giá dầu thế giới liên tục tăng nhưng trong nước giá xăng dầu chỉ tăng 1 kỳ thông qua việc sử dụng quỹ bình ổn giá. Như vậy, có thể nói CPI quý I dự báo không có gì đột biến, chỉ số vẫn ở mức thấp. Nhưng cảnh báo trong quý II và thời gian tới, việc Tổng cục Thống kê đưa ra mục tiêu kiểm soát lạm phát từ 3,6- 3,9% nhưng đó tính toán là trong điều kiện chưa tính đến các biến động khác.
Theo ông, đâu là những diễn biến đáng chú ý của kinh tế thế giới và trong nước sẽ tác động tới GDP của Việt Nam năm 2019? Với những diễn biến đó, theo ông, GDP năm nay sẽ theo kịch bản nào?
- Năm 2018 tăng trưởng GDP khá cao, nhưng GDP quý I năm nay lại bắt đầu chững lại. Quốc hội đã rất thận trọng khi đặt ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2019 là từ 6,6-6,8%. Trước đó năm 2018 chúng ta tăng trưởng tới 7,08%, cao nhất trong 10 năm qua. Hiện nay động lực tăng trưởng, tiềm năng cho tăng trưởng vẫn còn nhiều, vấn đề là chúng ta phải làm sao để khai thác hết các tiềm năng tăng trưởng đó.
Hiện nay chúng ta có 5 động lực cho tăng trưởng gồm thể chế, hạ tầng, nguồn nhân lực, khu vực kinh tế tư nhân và cách mạng công nghiệp 4.0. Vậy trong năm 2019, kinh tế Việt Nam phải đối mặt với những khó khăn nào? Chúng ta thấy có khá nhiều trắc trở. Trước hết, đó là sự biến động của kinh tế thế giới như cuộc chiến tranh thương mại Mỹ- Trung chưa kết thúc; giá cả nhiên liệu thế giới phụ thuộc vào nguồn cung, giá dầu tăng do hiện nay các nước OPEC đang siết nguồn cung, đồng thời dự trữ của các nước Âu Mỹ thấp dẫn tới dầu tăng cao, cản trở tăng trưởng GDP.
Sự bất ổn của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung tác động, làm chậm lại tăng trưởng kinh tế thế giới, tác động tới kinh tế Việt Nam, làm chậm lại việc XK. Bên cạnh đó, việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tuyên bố ổn định lãi suất cũng có thể ảnh hưởng tới kinh tế trong nước... Trong khi đó, trong nước đang diễn ra Dịch tả lợn châu Phi, đây là nguồn thực phẩm quan trọng trong chuỗi lương thực thực phẩm của Việt Nam, tạo ra hạn chế sản lượng rất lớn, khả năng tăng giá thời gian tới sẽ cao và phát triển sẽ tăng chậm lại. Những hạn chế này dự báo sẽ tạo ra thách thức lớn cho tăng trưởng kinh tế năm 2019 trong việc đạt được chỉ tiêu của Quốc hội đề ra.
Về dự báo cụ thể, tôi cho rằng tăng trưởng năm 2019 sẽ không bằng mức tăng trưởng của năm 2018, và nếu tăng trưởng đạt mục tiêu Quốc hội đề ra cũng là sự cố gắng đáng ghi nhận.
Xin cảm ơn ông!