GĐ quyền LGBT Việt Nam: "Là đồng tính bạn cứ tự tin công khai đi, đừng cố che giấu bản thân cả đời này chỉ để làm hài lòng gia đình, xã hội"
Việc công khai giới tính thật của mình bây giờ không phải trả giá qua đắt nữa, thôi thì cứ công khai đi, cái giá hôn nhân bạn phải trả còn đắt hơn so với việc bạn công khai.
Từng công khai mình là người đồng tính, từng bị gia đình đe dọa, hắt hủi. Thế nhưng, cũng từ những nỗi đau, rào cản đó mà Lương Thế Huy - một người nội tâm đến nay đã trở thành - Giám đốc chương trình quyền LGBT của Viện nghiên cứu Isee Việt Nam.
Với sứ mệnh giám đốc, Huy mang lòng nhiệt huyết và nguồn sống bất tận đi truyền cảm hứng cho các thành viên, tiếp thêm lòng dũng cảm cho họ được sống là chính mình. Mới đây, Huy nằm trong danh sách những gương mặt 30 tuổi nổi bật nhất Việt Nam. Huy còn là đại diện Việt Nam phát biểu tại Phiên họp của Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc diễn ra tại Thuỵ Sĩ...
Câu chuyện về Lương Thế Huy chắc chắn là một câu chuyện tuyệt vời, đầy lòng nhân ái mà tất cả chúng ta đều có thể học hỏi.
Chào Lương Thế Huy, anh được mọi người biết đến nhiều hơn với tên gọi Giám đốc quyền LGBT và được vinh danh gương mặt dưới 30 tuổi trẻ nhất Việt Nam. Vậy, cơ duyên nào đã đưa anh đến với cộng đồng LGBT?
Lương Thế Huy: Tôi là một người đồng tính nên tôi quan tâm đến các vấn đề về đồng tính hay LGBT. Ngay từ khi còn học cấp 2, năm lớp 9 tôi đã tự tìm hiểu và đọc các bài báo ít ỏi về LGBT. Tuy nhiên, những thông tin tôi đọc được từ bác sĩ có một cái gì đó không đúng chẳng hạn như bác sĩ nói đồng tính là những người sinh ra khuyết tật về giới tính...
Cảm thấy không thỏa mãn, tôi lên mạng tìm đến các trang web trên thế giới, hay xem những bộ phim nước ngoài để biết được họ nói gì về đồng tính, lúc đó khái niệm LGBT còn mù mờ lắm. Tôi tìm rồi tự dịch ra tiếng Việt, sau đó chắp nối thành câu chuyện và ghi chép lên trang mạng cá nhân của mình.
Đến năm cấp 3 tôi bắt đầu phổ biến bài viết của mình, tham gia diễn đàn đồng tính thì thấy có các tên gọi như LGBT. Trước đó tôi chỉ thấy trên thế giới nhắc đến cộng đồng LGBT mà không hề biết ở Việt Nam mình cũng có.
Sau này, tốt nghiệp đại học chuyên ngành Luật xong, tôi thực tập với công việc phù hợp ngành học của mình, luật. Làm được nửa năm, kiến thức tôi tăng lên, nhưng năng lượng và động lực lại tụt giảm. Thế là tôi nghỉ việc. Đúng lúc đó Trung tâm ICS, tổ chức đầu tiên của cộng đồng LGBT Việt Nam đăng tuyển, tôi ứng tuyển vào và trở thành những nhà hoạt động quyền LGBT chuyên nghiệp đầu tiên của Việt Nam.
Quay trở lại, khi ý thức được mình là người đồng tính, cảm xúc của anh lúc đó thế nào? Và thời gian công khai với gia đình, bạn bè có phải là quá trình khó khăn, bĩ cực nhất đối với anh không?
Lương Thế Huy: Giống như bạn, cũng có nhiều người thắc mắc với tôi rằng người đồng tính khi biết mình đồng tính thì sẽ như thế nào?
Nhưng đối với tôi, đó là điều tự nhiên, không có gì bất thường. Chúng ta khi mới lớn sẽ có cảm giác thích một người, bị cuốn hút bởi một người nào đó. Tuy nhiên, thích người cùng giới hay khác giới thì cũng là thích một người. Cái làm tôi bối rối lúc đó là tại sao tôi lại thích người này chứ không phải là tại sao tôi thích người cùng giới hay khác giới.
Năm lớp 9 tôi ý thức được mình là người đồng tính và bắt đầu thể hiện ra ngoài. Thật ra nhiều người nghĩ công khai có nghĩa là phải khai báo với mọi người tôi là đồng tính nhưng không phải thế.
Việc không khai diễn ra rất tự nhiên thôi, ví dụ như bạn bè xung quanh trêu chọc khi thấy tôi thể hiện mối quan tâm tình cảm của mình thì tôi cũng chấp nhận, giỡn lại như bình thường. Nhữngngười thế hệ trẻ như tôi thì cũng dễ dàng chấp nhận nhất là khi họ thấy mình là người bạn tốt, vui vẻ, không phân biệt đồng tính, dị tính hay song tính.
Đối với gia đình, khi thấy tôi chia sẻ các bài viết của mình lên trang web, các diễn đàn thì cha mẹ phát hiện ra và hỏi tôi cũng thừa nhận.
Phản ứng của gia đình lúc đó bàng hoàng, bất ngờ, thậm chí là dọa nạt, van xin, tìm đủ mọi cách khuyên tôi đi khám bác sĩ, cấm quan hệ với bạn bè khác. Tôi và gia đình đã phải trải qua một thời gian khá căng thẳng, cả hai bên không tìm được tiếng nói chung và phải im lặng.
Cách tốt nhất tôi chứng minh được cho ba mẹ là học hành thật tốt và tỏ ra mình là người độc lập. Thực ra, nỗi lo của cha mẹ là lo cho tương lai của con, lo cho người đồng tính không tìm được hôn nhân hạnh phúc, dễ bị lợi dụng tình cảm...
Đến cuối năm lớp 12 thì cha mẹ tôi chấp nhận. Quá trình tiếp nhận vẫn kéo dài đến bây giờ và chưa kết thúc. Vì niềm tin phải được xây dựng chứ không chỉ có tin hoặc không tin.
Tuy nhiên, xã hội Việt Nam dường như chưa có cái nhìn đủ rộng đối với người đồng tính. Trong quá trình đấu tranh để được gia đình thừa nhận, có khi nào anh cảm thấy tuyệt vọng?
Tôi thừa nhận mình là người sống lạc quan nên mọi thứ tôi tin đều có cách giải quyết ổn thỏa. Thành thực mà nói, vấn đề kỳ thị hay định kiến với người đồng tính là do con người tạo ra chứ không phải tự nhiên thế. Mà phàm đã cái gì con người tạo ra được thì cũng xóa bỏ đi được.
Hôm nay tôi thuyết phục ba mẹ không nghe, ba mẹ mắng lại thì tôi nghe. Nghe ba mẹ mắng 1,2 rồi 3 năm khi họ nói nhiều rồi cũng chán, muốn nghe tôi nói thì lúc đó tôi thuyết phục lại ba mẹ.
Điều làm tôi lo sợ nhất chính là nỗi lo của ba mẹ. Đôi khi ba mẹ không phải là không chấp nhận đứa con mình đồng tính mà nhiều khi là không chấp nhận được mình thất bại trong việc đáp ứng kỳ vọng của xã hội với tư cách là một người bố mẹ. Xã hội có sức khoan dung hơn sẽ chấp nhận điều đó.
Trong con mắt tôi lúc đó thì bố mẹ thật tội nghiệp, bị định kiến kìm hãm cuộc sống quá nhiều chứ tôi chưa bao giờ trách bố mẹ quá đáng, không tôn trọng con.
Tôi đã công khai tròn 10 năm từ năm 2006. Hành trình dài, chậm rãi, từng chút một, và tốt dần lên.
Nhưng đó là anh, chắc chắn còn rất nhiều người đồng tính đang gặp khó khăn khi công khai giới tính của mính, thậm chí bị gia đình đánh đuổi, vì sao lại vậy?
Mỗi người có một câu chuyện, một lí do riêng. Đọc sách sẽ giúp mọi người có cách nói chuyện cởi mở hơn với gia đình nhưng không phải bạn nào cũng có khả năng đối thoại tốt. Cách tốt nhất là các bạn ấy nên yêu bản thân mình hơn, chấp nhận định kiến làm mình buồn lòng là không yêu bản thân mình.
Người khác làm tổn thương mình chỉ khi mình cho phép họ làm vậy mà không có bất cứ phản ứng gì.
Vậy suốt quá trình tham gia Isee với vai trò là Giám đốc quyền LGBT, anh đã có những trải nghiệm gì? Nói cách khác động lực nào thôi thúc anh gắn bó với LGBT?
Niềm vui cũng là động lực, khi bạn làm gì vui thì bạn muốn duy trì công việc. Trăn trở cũng là động lực để mình tạo ra sự thay đổi, làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn.
Động lực lớn nhất của tôi đó là cảm thấy mình là một phần của cộng đồng, việc mình làm có ý nghĩa với những ai đó. Đó cũng chính là lí do chưa bao giờ tôi từ chối phỏng vấn báo chí. Vì tôi tìm cách hi sinh cuộc sống riêng tư của mình để truyền cảm hứng cho người đồng tính đang sống trong bóng tôi hoặc cho những người kỳ thị sẽ ủng hộ người đồng tính...
Hoặc đôi khi nhận được những dòng tin nhắn cảm ơn trên mạng xã hội từ nhưng người mình không quen biết. Cái này quan trọng và ý nghĩa lắm, như là bác sĩ thì cho người ta sức khỏe, thầy cô thì cho người ta kiến thức, còn công việc hoạt động LGBT của tôi cho người ta sự tự hào, dũng cảm.
Anh có thể kể một câu chuyện khiến anh day dứt mãi không nguôi khi hoạt động cho quyền LGBT?
Làm dự án thì lúc nào cũng cảm thấy vui vì được gặp các bạn công khai, tự hào và nghĩ là vấn đề của người đồng tính đã được giải quyết nhưng khi tiếp cận tư vấn thì mới biết còn quá nhiều vấn đề này sinh.
Tôi hay nhận điện thoại tư vấn hoặc gặp gỡ trực tiếp với nhiều bạn LGBT gặp khó khăn với gia đình. Có trường hợp bị nhốt và đánh đập trong nhà, khi người bạn của bạn đồng tính đó gọi cho tôi, và đưa đến trung tâm thì tôi mới biết đó là người đồng tính, nhưng lại không thể nghe và nói. Thậm chí, khi cha mẹ quá căng thẳng, bạn ấy bỏ đi quên không mang theo trợ thính. Chúng tôi phải hỗ trợ nhau qua những đoạn viết trên giấy.
Hoặc có trường hợp một bạn nữ ở Sài Gòn từng tự tử vì gia đình và người yêu bỏ rơi. Về sau, bạn này đã chuyển giới và rất mạnh mẽ, có cuộc sống tự lập tốt.
Sau mỗi lần nghe tư vấn thì tôi lại hứa với lòng mình sẽ làm truyền thông xã hội tốt hơn để gia đình, cộng đồng có cái nhìn khác với ngươi đồng tính. Đó là cái tôi nặng lòng trăn trở nhất.
Lương Thế Huy - Giám đốc chương trình quyền LGBT của Viện nghiên cứu Isee Việt Nam.
Thực tế, ở Việt Nam vẫn còn nhiều câu chuyện vì làm hài lòng gia đình và xã hội, mặc cảm và giấu diếm thân phận nên nhiều người đống tính đã kết hôn. Quan điểm của anh về vấn đề này?
Chuyện hôn nhân giả phổ biến ở lớp tuổi lớn hơn mà theo tôi thì chả giải quyết được vấn đề gì. Hôn nhân bình phong để làm gì? Đề làm vừa lòng gia đình đúng không? Vậy thì tôi dám khẳng định 100% hôn nhân bình phong đều không làm hài lòng gia đình.
Vì gia đình muốn lấy vợ thì anh lấy nhưng xong lại khắc khoải lo sinh con, sinh con song khắc khoải lo cho con ăn học...
Tôi thấy các bạn kết hôn là để che giấu nhưng cuối cùng thì cũng không che giấu nổi quá 2 năm. Sớm muộn bạn gặp người bạn yêu thật lòng thì cũng không thể giấu được, như người ta nói trong nhân gian có hai điều không thể giấu, một là khi say hai là khi đã yêu ai rồi...
Và bạn cũng không thể giả tạo được mãi là tôi yêu cô ấy, anh ấy. Cuối cùng là dằn vặt, dày vò nhau, là thủ phạm giết chết hạnh phúc gia đình. Chẳng ai hạnh phúc cả, những cái bố mẹ ép buộc vì nghĩ là sẽ hạnh phúc cho con nhưng tất cả chỉ là ảo tưởng mà thôi.
Thế nên là nếu là người đồng tính thì hãy chấp nhận và công khai đi, bạn không thể nào làm bố mẹ hay xã hội hài lòng 100% về bạn được.
Tôi nghĩ bây giờ khác rồi, việc không khai không phải trả giá qua đắt nữa, thôi thì cứ công khai đi, cái giá hôn nhân bạn phải trả còn đắt hơn so với việc bạn công khai.
Anh có lời khuyên gì cho các bạn đồng tính trong cộng đồng LGBT cũng như những người vẫn sống trong bóng tối có cuộc sống tốt đẹp hơn?
Các bạn không có gì khác biệt chỉ những người nhìn mới thấy bạn khác biệt mà thôi. Mỗi người chúng ta có cái chung đều là con người, đều có quyền của con người. Cái riêng là mỗi người có ước mơ, có câu chuyện riêng.
Người đồng tính cần biết rằng xã hội đã khác ngày hôm qua vì thế cứ hãy tự tin và dũng cảm công khai. Một khi các bạn nếm được ngày tự do thì không muốn sống thêm một ngày nào phải che giấu nữa, chỉ khi cả cộng đồng tự do công khai thì xã hội sẽ có cái nhìn khác.
Đồng thời xã hội, mà cụ thể là từng người, cũng cần biết rằng mình đang sống trong một thế giới đa dạng và chỉ có tôn trọng chứ không phải chối bỏ mới làm con người hạnh phúc hơn, từ đó tạo một môi trường trong lành, an toàn hơn với những người đồng tính mà vẫn còn có thể bị mất việc, bị đuổi học vì họ là người đồng tính.
Về phía bản thân anh, anh đã có nhiều đóng góp cho cộng đồng LGBT, vậy anh đã tìm được ý chung nhân chưa?
Tôi có mối quan hệ kéo dài 9 năm rồi, người yêu tôi là người nước ngoài nên chúng tôi có thể kết hôn hợp pháp. Nhưng hôn nhân không phải là mấu chốt làm cho mối quan hệ tốt đẹp hơn hay xấu đi mà mối quan hệ được chúng tôi vun đắp từng ngày.
Thời gian tới, LGBT có hoạt động gì để tạo môi trường trong lành, an toàn hơn với người đồng tính ở Việt Nam?
Chúng tôi sẽ tập trung nghiên cứu về quyền chuyển giới, Bộ Luật dân sự đã thông qua tuy nhiên cụ thể thế nào cần có Luật ban hành.
Bên cạnh đó, tới đây chúng tôi tiếp tục tổ chức nhiều sự kiện truyền thông về quyền LGBT, làm việc với các cơ quan nhà nước, tập huấn cho các trường đại học, cơ sở y tế, xây dựng năng lực cho cộng đồng LGBT...
Xin cảm ơn anh!