Gặp gỡ 7 chủ nhân giải thưởng VinFuture: Tạo nên hàng loạt công trình cứu thế giới, nhưng có nhà khoa học nghiên cứu suốt 40 năm không ai biết đến
7 nhà khoa học đã được vinh danh trong lễ trao giải VinFuture. Họ là những nhà giáo sư, tiến sĩ hàng đầu thế giới, nhưng đằng sau hào quang đó là cả công sức nghiên cứu nhiều năm liền, từng trải qua hàng loạt thất bại.
Sáng nay 21/1, sự kiện Giao lưu cùng chủ nhân Giải thưởng VinFuture đã được diễn ra vào lúc 9h tại Đại học VinUni. Với sự tham gia giao lưu, chia sẻ của chủ nhân 4 giải thưởng trị giá 4,5 triệu USD đã thu hút được rất nhiều sự quan tâm của công chúng.
Trước đó, vào tối ngày 20/01/2022, Lễ Trao giải VinFuture lần thứ I trong khuôn khổ Tuần lễ Khoa học VinFuture (từ 18 đến 21/1/2022) đã diễn ra thành công tại Nhà hát Lớn, Hà Nội.
Chủ nhân của giải thưởng chính và 3 giải đặc biệt đã chính thức xuất hiện. Theo đó, Giải thưởng Chính (VinFuture Grand Prize) trị giá 3 triệu USD: Bộ ba tác giả vắc xin Covid-19 công nghệ mRNA. Nghiên cứu này đã góp phần tác động tích cực vào hàng tỷ người trên thế giới trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay. Bên cạnh đó là ba giải thưởng đặc biệt dành cho Nhà khoa học nghiên cứu trong lĩnh vực mới, Giải đặc biệt dành cho Nhà khoa học nữ và Giải Đặc biệt dành cho Nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển.
Trong buổi Giao lưu, các nhà Khoa học vô cùng thoải mái khi chia về quá khứ, những khó khăn, động lực của mình trong quá trình nghiên cứu khoa học.
Chủ nhân giải VinFuture 30 triệu USD: Nghiên cứu một công trình cứu cả nhân loại suốt 40 năm nhưng không ai biết đến
Sự xuất hiện đặc biệt cuối cùng là chủ nhân Giải thưởng Chính (VinFuture Grand Prize) trị giá 3 triệu USD: Bộ ba tác giả vắc xin Covid-19 công nghệ mRNA. Bao gồm: GS. Drew Weissman, Tiến sĩ Katalin Karikó và GS. Cullis.
Trong phần giao lưu này, cả ba nhà Khoa học đã chia sẻ về quá trình khó khăn khi tìm ra vaccine công nghệ mRNA. Về quá trình nghiên cứu công nghệ mRNA cho vắc xin Covid-19, Tiến sĩ Katalin Karikó chia sẻ: "Tôi đã bắt đầu nghiên cứu về mRNA từ 40 năm trước, khi đó chỉ là những mRNA thông thường. Trong khoảng thời gian đó, chẳng ai biết tôi là ai, tôi chỉ là những người làm nghiên cứu bình thường. Không ngờ sau đó, nghiên cứu của tôi lại góp phần làm nên một loại vắc xin giúp ích cho hàng triệu người".
Tiến sĩ Katalin Karikó đã bắt đầu nghiên cứu về mRNA nhưng không ai biết đến bà...
Từ những mRNA thông thường, cả ba nhà Khoa học đã kết hợp, phát triển và tìm ra một vỏ bọc hữu hiệu đưa mRNA vào cơ thể giúp kích hoạt phản ứng miễn dịch của cơ thể. Nói về mục đích bắt đầu hợp, GS. Cullis hài hước chia sẻ rằng: "Chúng tôi bắt đầu khi chưa và chỉ mong muốn là mỗi ngày sẽ kiếm được một cốc bia là đủ. Dần dần từ cái mục đích ấy phát triển dần thành những thành quả như hiện tại".
Trong quá trình nghiên cứu vắc xin mang công nghệ mRNA, 3 nhà Khoa học đều coi trọng sự hợp tác, và đây là điều mà cả 3 vị nghĩ là quan trọng nhất để đạt được thành công này. Mỗi người đều có một vai trò nhất, góp phần quan trọng vào việc bảo vệ nhân loại trước đại dịch Covid-19.
Thành công ngày hôm nay của bộ ba nhà Khoa học đến từ sự hợp tác và tin tưởng
GS. Omar M. Yaghi: Từ cậu bé nghèo thành nhà hoá học hàng đầu thế giới
Giáo sư Omar M. Yaghi là nhận giải Giải Đặc biệt thứ nhất dành cho nhà khoa học nghiên cứu lĩnh vực mới. Ông chính là "cha đẻ" của công trình nghiên cứu khung hữu cơ-kim loại (MOFs).
Để nói về thành công ở hiện tại, GS. Omar M. Yaghi nhìn lại quá khứ, tuổi thơ, con đường nghiên cứu của chính mình.
Xuất hiện và chia sẻ đầu tiên trong buổi sáng hôm nay là chủ nhân Giải thưởng đặc biệt dành cho Nhà khoa học nghiên cứu lĩnh vực mới - Giáo sư Omar M. Yaghi, Phòng thí nghiệm Quốc gia thuộc Đại học California-Berkeley (Mỹ).
Giáo sư Omar M. Yaghi là nhận giải Giải Đặc biệt thứ nhất dành cho nhà khoa học nghiên cứu lĩnh vực mới
Trong buổi giao lưu, Giáo sư Omar đã đặt ra 3 câu hỏi về việc những giải pháp để tác động tốt tới cuộc sống con người. Từ 3 câu hỏi này, Giáo sư Omar lý giải về nghiên cứu khung hữu cơ-kim loại (MOFs) của mình. Từ nghiên cứu trong lĩnh vực mới này đã giúp con người có thể tận dụng vật liệu có sẵn trong tự nhiên để tạo ra nguồn vật liệu vô hạn.
Cơ duyên của Giáo sư đến từ một lần tình cờ vào thư viện, GS. Omar M. Yaghi đã bị thu hút bởi các mô hình phân tử. Từ đó, ông bắt đầu ngẫm nghĩ và thấy được rằng phân tử hay mỗi vật liệu đều có những lỗ rỗng. Dù chúng có liên kết với nhau như thế nào thì vẫn có những lỗ rỗng. Vì thế nên những sáng tạo khoa học bắt đầu.
Giáo sư luôn đặt ra câu hỏi là những gì mình tạo ra sẽ được ứng dụng như thế nào, đi đâu và về đâu, tác động của nó đến mọi thứ như nào. Ông bắt đầu từ 3 câu hỏi: Làm thế nào để giảm khí CO2 trong không khí? Làm thế nào để tạo ra một nguồn nước mới? Làm cách nào để một vật liệu 1gr có thể bao phủ cả một sân bóng đá?
Và việc nghiên cứu những lỗ hổng của các vật liệu đã giúp ông trả lời cho những câu hỏi này.
Ông Yigha giới thiệu mô hình khung hữu cơ-kim loại (MOFs)
Giáo sư Zhenan Bao: Nhà khoa học nữ với nghiên cứu "Da nhân tạo"
Xuất hiện tiếp theo của chủ nhân Giải Đặc biệt danh cho nhà khoa học nữ - Giáo sư Zhenan Bao - là câu chuyện của bé Nguyễn Như Linh (SN 2010, ở Thượng Lâm, Mỹ Đức, Hà Nội) bị cụt đến khuỷu tay, một chân bị khoèo, thiếu ngón. Từ câu chuyện này đã đặt ra câu hỏi cho các nhà nghiên cứu "Làm sao để giúp cho những người tàn tật tìm lại cảm giác".
Mang đến buổi giao lưu, GS. Zhenan Bao kể về quá trình đến với khoa học của mình, những động lực để bà Zhenan Bao tạo ra nghiên cứu da nhân tạo có thể giúp hàng triệu người trên thế giới có những cảm nhận chân thực. Công nghệ da nhân tạo có thể tạo phản ứng khi bị lực tác động, cảm nhận nhiệt độ nóng hay lạnh, vật liệu cứng hay mềm qua hệ thống mạch điện tử cảm biến gắn dưới da.
Xuất phát điểm của GS. Zhenan Bao cũng không mấy dễ dàng khi bà phải tự vượt qua khó khăn trong thời gian đầu di cư sang Mỹ. Nhưng việc liên tục đặt ra các câu hỏi đã khiến bà có hướng đi cho riêng mình. Bà thắc mắc là có thể tạo ra màn hình gập từ những phân tử thì tại sao lại không thể làm tạo cảm giác cho làn da? Vì thế bà đi tìm câu trả lời cho hơn 1 tỷ người có khiếm khuyết về cơ thể trên thế giới. Từ đó, da nhân tạo được GS. Zhenan Bao cho ra đời.
Nói về thành quả này, GS. Zhenan Bao mong muốn những người trẻ hãy đặt thật nhiều câu hỏi và đi tìm lời giải cho chúng. Chỉ có như vậy mới có thể tạo ra được những tác động tích cực với bản thân và cho cả thế giới.
GS. Zhenan Bao chia sẻ về quá trình nghiên cứu da nhân tạo
Thành công đến từ việc trở thành... "chuyên gia thất bại"
Màn giao lưu tiếp theo với khán giả là chủ nhân của Giải Đặc biệt dành cho nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển Tìm ra gel Tenefovir ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm HIV. Đó là, vợ chồng người Nam Phi Giáo sư Quarraisha Abdool Karim và Giáo sư Salim Abdool Karim. Công trình nghiên cứu này góp phần góp phần ngăn chặn lây lan HIV trên toàn cầu và Phòng chống HIV hiệu quả cho phụ nữ không chỉ giúp làm giảm nhu cầu điều trị ARV của họ mà còn hạn chế nguy cơ trẻ sơ sinh bị nhiễm HIV.
Cặp vợ chồng Giáo sư người Nam Phi luôn trăn trở về đại dịch HIV/AIDS và đặc biệt tỉ lệ mắc ở phụ nữ cao gấp 4 lần so với nam giới, trong đó độ tuổi từ 15-19 là nhiễm cao nhất. Vì thế, vượt qua rất nhiều khó khăn từ việc nghiên cứu cho đến đi đàm phán nguồn nguyên liệu, 2 nhà Khoa học còn tự nhận mình là những "chuyên gia thất bại" vì thử nghiệm rất nhiều trước khi đến với thành công cuối cùng.
Và cuối cùng, đến năm 2010, cả hai nhà khoa học đã dẫn đầu một thử nghiệm lâm sàng mang tính bước ngoặt bước đầu cho thấy thuốc ARV có thể ngăn ngừa lây truyền HIV qua đường tình dục.
Kết hợp ăn ý trong công việc, vợ chồng nhà khoa học người Nam phi còn có cuộc sống vô cùng thú vị khi 2 người hoàn toàn hiểu ý nhau trong phần thử thách Couple or Trouble. 2 nhà khoa học đến với nhau từ tình yêu nghiên cứu khoa học, luôn tương trợ lẫn nhau để tạo ra tác động tích cực cho hàng triệu người.
Vợ chồng nhà Khoa học người Nam Phi đã có phần giao lưu vô cùng thú vị
Tước đó, bà Lê Mai Lan, Tổng Giám đốc tập đoàn Vingroup, Giám đốc điều hành Quỹ VinFuture đã có phần phát biểu mở đầu buổi giao lưu.
Theo bà Lê Mai Lan, mỗi người đều có một hoàn cảnh khác nhau, có những khó khăn khác nhau, bản thân bà cũng là một người vươn lên từ nghèo khó. Nhưng bà biết chỉ có Khoa học là chìa khoá để giúp đỡ con người, mang lại thành công cho cuộc sống. Vì vậy, bản thân bà Mai Lan rất trân trọng những nghiên cứu khoa học và cũng khuyến khích mọi người luôn sáng tạo và dám thử sức trong lĩnh vực này.
Bà Lê Mai Lan phát biểu tại buổi Giao lưu
Quỹ VinFuture và Giải thưởng VinFuture - do tỷ phú Phạm Nhật Vượng và phu nhân Phạm Thu Hương sáng lập - không chỉ góp phần nâng tầm vị thế đất nước Việt Nam trong lĩnh vực khoa học và công nghệ toàn cầu; mà còn là cầu nối với cộng đồng khoa học trong nước với các nhà khoa học và công nghệ hàng đầu thế giới, tạo động lực cho việc phát triển của khoa học công nghệ cao.
Trong đó Giải thưởng chính - trị giá 3 triệu USD (khoảng 70 tỷ đồng) - và là một trong những giải thưởng có giá trị lớn nhất trên thế giới.
Ngoài ra, VinFuture còn có 03 Giải Đặc biệt, mỗi giải trị giá 500 nghìn USD (khoảng 11,5 tỷ đồng) dành cho các nhà khoa học nữ; các nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển và các nhà khoa học nghiên cứu những lĩnh vực mới.