Nữ giáo sư gốc Việt duy nhất của Hội đồng Giải thưởng VinFuture: Nhà khoa học top đầu thế giới về vật liệu năng lượng với 16 năm tuổi thơ không có điện
"Hồi bé, mình thường nhìn bóng cây khi mặt trời chiếu xuống để đoán giờ. Còn ban đêm, mình nghe tiếng sóng biển thì có thể đoán được hôm sau thời tiết sẽ ra sao" - GS. Nguyễn Thục Quyên kể lại.
16 năm tuổi thơ sống không có điện
Trong khuôn khổ của chuỗi sự kiện giải thưởng VinFuture, diễn ra từ ngày 18-21/1, với vai trò là đồng Chủ tịch Hội đồng sơ khảo Giải thưởng, GS. Nguyễn Thục Quyên là nữ giáo sư gốc Việt duy nhất góp mặt trong hội đồng giải thưởng VinFuture.
Thế nhưng, ít ai biết, để trở thành một trong những nữ giáo sư có ảnh hưởng nhất thế giới như hôm nay, con đường nghiên cứu khoa học của chị lại vô cùng gian nan và nhiều thử thách. Thậm chí, GS Quyên còn chia sẻ, những khó khăn trên con đường nghiên cứu khoa học của chị "rất khác so với những nhà khoa học nữ trên thế giới".
Giáo sư Nguyễn Thục Quyên sinh ra ngôi làng nhỏ tại Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) trong một gia đình gồm 5 anh chị em. Sau năm 1975, cha đi cải tạo, 5 anh, chị em phải theo mẹ, một giáo viên dạy toán cấp 2, đi làm kinh tế để kiếm kế sinh nhai. Suốt 16 năm tuổi thơ, chị phải sống trong điều kiện không có điện, thiếu thốn tất cả mọi thứ.
"Nhưng chính vì lớn lên trong hoàn cảnh khó khăn đó, mà mình lại có óc sáng tạo hơn rất nhiều. Chính vì thiếu thốn nên mình phải tìm tòi rất nhiều thứ. Hồi bé, mình thường nhìn bóng cây khi mặt trời chiếu xuống để đoán giờ. Còn ban đêm, mình nghe tiếng sóng biển thì có thể đoán được hôm sau thời tiết sẽ ra sao", chị Quyên kể lại.
Cho đến năm 1991, chị qua Mỹ theo Chương trình Tái Định cư Nhân đạo cùng với gia đình. Chị nhớ lại, khoảng thời gian đầu, chị vô cùng sợ khi sang một đất nước mới. Suốt hai năm đầu tiên, chị nhiều lần khóc đòi về Việt Nam vì không hiểu tiếng Anh và lạ lẫm với phong tục tập quán ở Mỹ.
"Khó khăn nhất là ngôn ngữ, khi ấy đi đâu cũng phải nhờ người thông dịch", GS Quyên kể lại.
Thậm chí, chị từng bị coi thường vì không nói tốt Tiếng Anh. Một giáo viên từng chế nhạo chị Quyên trước cả lớp vì nói Tiếng Anh kém. Chính vì vậy, GS. Quyên quyết tâm học tiếng Anh thật nhanh bằng cách đi học tại ba trường ở ba thành phố cùng một lúc (ở Mỹ, tiếng Anh được học miễn phí). Cứ sáng, chiều, tối, mỗi buổi học ở một trường.
Tháng 9/1993, chị xin học tại Santa Monica College và tham gia bốn lớp tiếng Anh dành cho người nước ngoài. Ngoài ra, chị còn tới những trung tâm dạy kèm sinh viên miễn phí trong trường để học thêm.
Thấy bố mẹ làm việc vất vả trong nhà hàng và ở hãng may, chị không cho phép bản thân thất bại. Để có tiền đi học, chị cũng làm thêm trong nhà hàng, tiệm nail.
"Càng cực mình càng phải cố gắng", chị nói.
GS Nguyễn Thục Quyên kể lại, suốt 16 năm tuổi thơ, chị phải sống trong điều kiện không có điện, thiếu thốn tất cả mọi thứ
Đến với khoa học vì "sợ" tra từ điển
Song, khi đó, mơ ước về sự nghiệp của chị chưa phải là khoa học bởi lẽ chị vốn hứng thú với lịch sử thế giới và yêu văn học, thích địa lý từ lúc còn ở Việt Nam.
"Nhưng khi sang Mỹ, để theo được những lớp văn học là phải ‘ôm’ theo cả một chồng sách, nên mỗi lần lên lớp là mình tra từ điển ‘muốn chết luôn’. Thế là mình bắt đầu chuyển sang học các lớp Toán, rồi nhận ra bản thân học khoa học tự nhiên cũng khá", nữ giáo sư chia sẻ.
GS Quyên cho biết, bước ngoặt để chị xác định sẽ theo đuổi sự nghiệp nghiên cứu khoa học là khi chị 25 tuổi.
"Bước ngoặt trong cuộc đời của mình là khi tham gia lớp học vật lý của một giáo sư. Giáo sư đã chỉ cho cho mình rất nhiều về các tương tác trong vật lý. Và kể từ lúc đó, mình biết được rằng mình sẽ theo đuổi sự nghiệp nghiên cứu khoa học. Nếu để làm lại, mình vẫn sẽ làm chính xác như thế", chị chia sẻ.
Mùa thu năm 1995, chị chuyển từ Đại học Cộng đồng Santa Monica qua Đại học tiểu bang thành phố Los Angeles (UCLA). Chị xin làm ở một phòng thí nghiệm của ngành sinh vật, nhưng chỉ được rửa dụng cụ thí nghiệm.
Thích thú với công việc nghiên cứu, chị xin được làm thí nghiệm nhưng không được nhận vì lý do "nghiên cứu không dành cho tất cả mọi người, bạn nên tập trung vào việc học tiếng Anh". Trải nghiệm bị coi thường này không khiến Giáo sư nản chí, ngược lại, nó trở thành động lực để chị cố gắng nhiều hơn.
Sau khi tốt nghiệp vào năm 1997, chị nộp đơn học cao học và chỉ một năm sau đã có bằng thạc sỹ ngành Lý-Hóa. Chị quyết định học tiếp lên tiến sĩ và trong năm cuối của chương trình, trở thành một trong 7 nghiên cứu sinh xuất sắc của Đại học Califonia, Los Angeles được trao học bổng.
Tháng 6/2001, chị được nhận bằng Tiến sĩ, trước cả những sinh viên trong phòng thí nghiệm sinh vật mà trước đây chị từng phải rửa dụng cụ thí nghiệm cho họ. Khi biết chị được giải thưởng xuất sắc của phân ngành lý – hóa, họ đã rất mắc cỡ vì họ đều phải mất 8 năm mới lấy được bằng tiến sĩ, trong khi chị chỉ làm điều đó trong ba năm.
GS Quyên cho biết, bước ngoặt để chị xác định sẽ theo đuổi sự nghiệp nghiên cứu khoa học là khi chị 25 tuổi.
Ước mơ xây dựng phòng lab tối tân ở ngay Việt Nam
Đến nay chị đã có 7 phòng thí nghiệm (lab) riêng cho nhóm nghiên cứu, trị giá khoảng 4 triệu USD. Đồng thời là một trong số ít nhà khoa học nữ 4 năm liền được vinh danh trong danh sách hơn 4.000 nhà khoa học toàn cầu vào top 1% những nhà khoa học có nhiều trích dẫn nhất thế giới (HCR).
Các nghiên cứu của chị xoay quanh tính chất điện tử của polyelectrolytes liên hợp, giao diện trong các thiết bị quang điện tử, việc tạo và vận chuyển điện tích trong chất bán dẫn hữu cơ, vật liệu mới cho các ứng dụng pin mặt trời hữu cơ, tự lắp ráp phân tử, xử lý vật liệu, đặc tính kích thước nano của pin mặt trời hữu cơ và vật lý thiết bị .
Trong sự nghiệp khoa học, GS. Nguyễn Thục Quyên đã nhận được nhiều giải thưởng danh giá, bao gồm Giải thưởng Nhà Nghiên Cứu Trẻ của Văn phòng Nghiên cứu Hải quân (2005), Giải thưởng Quỹ Khoa học Quốc gia CAREER (2006), Giải thưởng Harold Plous (2007).
Năm 2008, GS. Quyên nhận Giải thưởng Học giả – Giáo viên Camille Dreyfus, sau đó lần lượt là các giải Nghiên cứu viên Alfred Sloan năm (2009), Nghiên cứu viên Đổi mới và Năng lực Cạnh tranh Hoa Kỳ của Quỹ Khoa học Quốc gia 2010, Giải thưởng Nghiên cứu Cao cấp Alexander von Humboldt năm 2015, Nghiên cứu viên của Hiệp hội Hóa học Hoàng gia năm 2016.
Chị chia sẻ, làm khoa học đã khó nhưng phụ nữ trong lĩnh vực này càng vất vả hơn bởi ngoài sự nghiệp, họ còn phải lo cho gia đình. Ngay bản thân chị, dù đã cố gắng rất nhiều nhưng đôi khi vẫn không nhận được sự tôn trọng của đồng nghiệp nam giới.
GS Quyên cho biết, mơ ước hiện tại của bản thân giờ đây có thể xây dựng viện nghiên cứu với phòng lab tối tân ngay ở Việt Nam, mở những workshop để kết nối các nhà khoa học trẻ Việt Nam với thế giới bên ngoài.
"Nếu có những cơ hội và được hướng dẫn, những nhà nghiên cứu trẻ ở Việt Nam có thể đạt được những điều vĩ đại như những nhà khoa học khác trên toàn thế giới", chị chia sẻ.