Gắn mào xe công nghệ: Lo ngại bùng phát 'taxi dù'

01/07/2019 18:54 PM | Xã hội

Đại diện nhiều hợp tác xã vận tải cho rằng, nếu quy định bắt buộc phải gắn mào xe công nghệ vừa đi ngược xu thế công nghệ 4.0, gây phiền hà cho tài xế và hành khách, đặc biệt sẽ dễ xảy ra tình trạng “taxi dù” bùng phát. Taxi dù gây thất thu thuế

Liên quan đến Dự thảo Nghị định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô (thay thế Nghị định 86/2014/NĐ-CP), ngày 14/6/2019, Bộ GTVT tiếp tục có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ lần thứ 9. Trao đổi về Dự thảo sửa đổi, ông Hồ Trọng Ngọc, Chủ nhiệm Hợp tác xã Dịch vụ và Du lịch Thăng Long cho biết: “Từ ngày xe công nghệ được thí điểm triển khai tại Việt Nam đã nâng cao chất lượng dịch vụ đồng thời mang lại nhiều tiện ích cho hành khách trong việc sử dụng dịch vụ xe công cộng. Đặc biệt tận dụng số lượng lớn xe nhàn rỗi, tăng thêm thu nhập cho tài xế”. Hiện nay Hợp tác xã Thăng Long đang quản lý hơn 5.500 xe, chúng tôi đã khảo sát, ghi nhận ý kiến của tài xế về việc quy định gắn mào xe công nghệ nhưng 90% các xã viên không đồng tình với quy định trên.

Lý giải về điều này, ông Ngọc cho rằng xe, công nghệ đã kết nối ứng dụng qua app nên không còn tình trạng khách đứng ngoài đường vẫy xe nữa vì vậy quy định gắn mào để nhận diện là không cần thiết. Việc gắn mào sẽ xảy ra tình trạng “taxi dù” bùng phát bởi khách không đặt xe qua app mà tự vẫy xe như thế việc quản lý chất lượng sẽ rất khó khăn. Nếu quay lại hình thức hoạt động như trước đây khách bắt xe dọc đường trả tiền mặt cho tài xế nhà nước cũng thất thu thuế. Theo ông Ngọc, hoạt động kinh doanh hiện nay của tài xế chạy xe công nghệ chủ động được thời gian, tận dụng lúc rảnh rỗi để chạy xe kiếm thêm thu nhập. Nếu gắn mào sẽ gây phiền hà cho cả chủ xe và hành khách sử dụng dịch vụ. Các cơ quan chức năng chỉ cần siết chặt quản lý khi xe đăng ký qua ứng dụng cập nhật đầy đủ theo quy định với các Sở GTVT hoặc có thể áp dụng công nghệ trong việc kiểm tra, quản lý. Phòng ngừa taxi dù Nhìn nhận trên phương diện thực tế điều hành và quản lý, ông Phạm Đăng Vỹ, Chủ nhiệm Hợp tác xã Vận tải Thương mại và Dịch vụ Nguyên Vỹ bày tỏ quan điểm: “Thời đại công nghệ 4.0 nếu ra đường mà hành khách vẫy tay bắt xe khi xảy ra tình trạng chặt chém giá cước, chạy lòng vòng… ai sẽ chịu trách nhiệm quản lý và truy tìm lái xe.

Theo ông Vỹ, nếu quy định bắt buộc phải đeo mào rất dễ xảy ra tình trạng taxi giả danh đeo mào bắt khách “bát nháo”, bởi hiện nay tình trạng “taxi dù” vẫn ngang nhiên đeo mào hoạt động chặt chém hành khách vẫn chưa xử lý được dứt điểm. Thực tế taxi công nghệ rất dễ quản lý, bởi chỉ cần truy cập vào hệ thống phần mềm sẽ hiển thị đầy đủ các thông tin một cách chi tiết. Tại sao hiện nay xe công nghệ đang được người dân lựa chọn sử dụng lại không khuyến khích phát triển? ông Vỹ đặt vấn đề. Theo ông Vỹ, nên tách riêng biệt giữa 2 loại hình taxi truyền thống và xe công nghệ để có những quy định quản lý cho phù hợp chứ không nên đánh đồng. Có nhiều hình thức để quản lý không phải đeo mào mới quản lý được.

Theo P.V

Cùng chuyên mục
XEM