Gần 1.000 trẻ em ở Madagascar chết vì bệnh sởi, người dân không có đủ vắc-xin để tiêm
Trong khi đó ở các nước Phương Tây, nhiều bậc cha mẹ nhất quyết không cho con đi tiêm dù có thừa vắc-xin.
Ba đứa trẻ đang đá bóng trên bãi biển. Một trong số đó là con trai của anh Dada, một ngư dân người Madagascar, hai đứa trẻ còn lại là con của những người họ hàng gần đó. Tiếng cười khúc khích của lũ trẻ trôi dạt trên bãi biển ướt nắng, một trong những bãi tắm đẹp và nổi tiếng nhất của quốc đảo Đông Phi.
Khung cảnh ấy bây giờ chỉ còn là hoài niệm buồn trong tâm trí Dada, cả ba đứa trẻ đều đã chết. Chúng là những nạn nhân mới nhất của dịch sởi đang hoành hành bên rìa Ấn Độ Dương, dịch sởi tồi tệ nhất trong vài thập kỷ trở lại đây.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) báo cáo bệnh sởi đang gia tăng ở 98 quốc gia trên toàn cầu. Tại các nước giàu có như Hoa Kỳ và Đức, nhiều bậc cha mẹ đang cố tình không tiêm chủng cho con cái mình, vì tin vào những lý thuyết sai lầm về vắc-xin sởi liên quan đến bệnh tự kỷ.
Nhưng ở đây, Madagascar, một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới, người dân lại đang tuyệt vọng vì không tìm đâu ra vắc-xin để tiêm.
Nhiều người phụ nữ con bồng cháu bế, cuốc bộ qua hàng dặm đường mới đến được trạm y tế để tiêm chủng. Nhưng họ lại phải đi về tay không vì đất nước đang không có đủ vắc-xin, Bộ Y tế nói, và nhiều người dân đơn giản là quá nghèo để có thể mua chúng.
Dada giữ tấm ảnh chụp chung của những đứa trẻ xấu số vừa chết vì bệnh sởi, một trong số đó là con trai anh
Limberaza, đứa con trai đầu lòng của Dada, đã được bố mình dẫn đi tiêm chủng một mũi vắc-xin tại cơ sở y tế quận Fort Dauphin. Nhưng mũi tiêm nhắc lại thứ hai có giá tới 15 đô la – quá sức chi trả của một gia đình sống chỉ với 2 đô mỗi ngày. Dada đã mang đứa bé tới một y sĩ khám chui ở Madagascar khi đứa bé bị ốm
"Tôi không đủ khả năng để đưa con mình đến bệnh viện", Dada lặng lẽ nói khi vợ anh ôm trong lòng đứa con trai mới 2 tuổi, em của Limberaza, không cất được lên lời.
Mọi chuyện bắt đầu vào tháng 1 năm 2019, khi Limberaza bắt đầu ho. Rồi sau đó là triệu chứng phát ban. Sau một tuần lễ, cậu bé qua đời trong một cơn sốt cao.
Gần như ngay lập tức, đứa cháu gái của Dada - Martina 3 tuổi - cũng đổ bệnh. Người mẹ của cô bé chỉ biết khóc lóc và vuốt ve trên khuôn mặt con gái bé bỏng. Martina chết 8 ngày sau đó.
Rồi đến lượt Mario, một đứa trẻ 3 tuổi khác là con trai của Pela - em gái Dada - cũng chết khi tay vẫn nắm chặt lấy tay mẹ. "Những đứa trẻ từng có cả một cuộc đời ở phía trước", Dada nói với giọng nghẹn ngào.
Ba đứa trẻ đã cùng nằm xuống trong số gần 1.000 người, chủ yếu là trẻ em, chết vì bệnh sởi ở Madagascar kể từ tháng 10 năm ngoái.
Cái chết của họ cho thấy thực tế nghiệt ngã phải đối mặt khi không được tiêm phòng, để bảo vệ mình khỏi một trong những căn bệnh truyền nhiễm mạnh nhất thế giới.
Virus sởi có thể gây biến chứng mù, viêm phổi, sưng não dẫn đến tử vong. Chúng có thể tồn tại đến 2 giờ bên ngoài không khí, sau khi một bệnh nhân ho hoặc hắt hơi, để dễ dàng lây nhiễm cho những người gần đó.
Mặc dù chúng ta có một loại vắc-xin phòng sởi hiệu quả cao, năm 2017 cả thế giới vẫn có khoảng 110.000 người chết vì căn bệnh này, theo số liệu của WHO. Hầu hết những nạn nhân, như Limberaza và 2 anh em họ cậu bé, là những đứa trẻ dưới 5 tuổi.
Kể từ tháng 10 năm ngoái, ít nhất 922 người - chủ yếu là trẻ em - ở Madagascar đã phải chết vì bệnh sởi
Những mũi tiêm cho sự sống
Trong giai đoạn từ năm 2000 đến năm 2017, WHO ước tính chiến lược tiêm chủng mở rộng vắc-xin sởi đã ngăn chặn tổng cộng 21,1 triệu ca tử vong trên toàn cầu – biến các mũi tiêm trở thành một trong những thành tựu y tế cứu sống nhiều sinh mạng nhất, theo cách gọi của cơ quan y tế Liên Hợp Quốc.
Tuy nhiên, thông tin sai lệch về vắc-xin đang khiến nhiều người mất niềm tin, làm lung lay thành tựu mà chúng ta chung tay xây dựng được, ngay cả ở những quốc gia gần xóa sổ được bệnh sởi trước đây. Dịch sởi đang quay lại tấn công thế giới.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), chỉ trong 2 tháng đầu năm 2019 nước Mỹ đã có hơn 200 trường hợp mắc sởi, con số cao hơn tổng số ca mắc của cả năm 2017 cộng lại.
Trong vòng 6 tuần đầu năm nay, Nhật Bản cũng báo cáo 167 người nhiễm sởi - tỷ lệ cao nhất trong hơn một thập kỷ trở lại đây.
Năm ngoái, Vương quốc Anh ghi nhận hơn 900 trường hợp mắc sởi, chủ yếu ở trẻ em và thanh thiếu niên chưa được tiêm phòng. Con số này ở Pháp còn cao hơn nhiều, 2.913 ca.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, số ca mắc bệnh sởi của cả Châu Âu năm 2018 đã tăng gấp 3 lần so với năm 2017 - lên 82.596 ca, con số cao nhất được ghi nhận trong thập kỷ này.
Gián đoạn tiêm chủng trong giai đoạn chiến tranh ở Ukraine khiến số ca mắc sởi ở nước này trong năm 2018 tăng gấp hơn 11 lần so với năm 2017.
Ở Châu Á, Philippines hiện cũng đang phải hứng chịu một dịch sởi bùng phát mạnh. Hơn 8.400 trường hợp đã nhiễm bệnh, 136 người tử vong. Tỷ lệ nhiễm sởi ở thủ đô Manila đã tăng hơn 1.000% so với cùng kỳ năm ngoái.
Sự gia tăng các ca mắc sởi được thúc đẩy một phần bởi phong trào chống vắc-xin đang diễn ra trên toàn thế giới. Những bậc cha mẹ không cho con mình đi tiêm chủng đầy đủ vì nghi ngờ vắc-xin MMR (phòng sởi, quai bị, rubella) gây ra bệnh tự kỷ, mặc dù thông tin này đã bị bác bỏ .
Tổ chức Y tế thế giới gọi vấn đề mới này là "do dự vắc-xin" – sự miễn cưỡng hoặc từ chối tiêm vắc-xin của người dân mặc dù họ có thể tiếp cận chúng. Ngay sau khi nó được định nghĩa, do dự vắc-xin đã được xếp vào top 10 thách thức lớn nhất đe dọa đến sức khỏe toàn cầu trong năm 2019.
Do dự vắc-xin không phải là vấn đề ở Madagascar, nhưng sự nghèo đói lại mang đến một rủi ro lớn hơn cho quốc đảo này.
Hàng năm, Madagascar vẫn đón không ngớt những du khách giàu có đổ về từ khắp nơi trên thế giới, để được tận hưởng cảm giác sống trong rừng mưa nhiệt đới, ngắm những con vượn cáo mắt to. Những thương nhân cũng đến đây để mặc cả giá buôn cho những viên sapphire sáng bóng và vani có mùi thơm đặc chất Madagascar.
Vậy mà gần một nửa số trẻ em ở hòn đảo này vẫn bị suy dinh dưỡng, tỷ lệ cao nhất ở nhóm các quốc gia Châu Phi.
Đất nước từng là thuộc địa cũ của Pháp đã bị đánh bại bởi nhiều thập kỷ đảo chính chìm vào bất ổn. Viện trợ nước ngoài giảm mạnh sau cuộc đảo chính năm 2009 ở Madagascar, gây ra những cuộc chiến chính trị cay đắng ngay trên đường phố.
Các nhà lãnh đạo tham nhũng đã phớt lờ hệ thống chăm sóc sức khỏe đang sụp đổ, mặc cho dịch hạch, sốt xuất huyết và những virus chết người thường xuyên bùng phát.
Sởi là căn bệnh "đặc sản" của hòn đảo này, nhưng lần cuối cùng chính phủ tổ chức được một chiến dịch tiêm chủng quốc gia là từ năm 2004. Chỉ có hơn 1 phần 3 trẻ em vào trên hòn đảo vào lúc này đang được vắc-xin bảo vệ, cách rất xa mục tiêu 95% của WHO để tạo được tấm lá chắn miễn dịch cộng đồng.
Madagascar cần 7 triệu USD để có đủ vắc-xin sởi cho toàn bộ dân số, nhưng họ chỉ có 4 triệu vào lúc này.
Do dự vắc-xin không phải là vấn đề ở Madagascar, nhưng tiêm được vắc-xin cho một đứa trẻ ở đây vẫn là thử thách thực sự
Ngay cả khi đủ tiền mua vắc-xin, vẫn còn nhiều thách thức khác ngăn cản những đứa trẻ ở Madagascar, trước khi chúng chạm được tay vào mũi tiêm. Vắc-xin cần phải được bảo quản lạnh, nhưng chỉ có dưới 15% dân số ở Madagascar có điện.
Hệ thống đường bộ ở hòn đảo này chủ yếu là đường đất, thứ sẽ biến thành bùn sau những cơn mưa thường xuyên của đất nước nhiệt đới. Đi tiêm chủng biến thành những chuyến đi đầy gian nan và tốn kém.
Mặc dù đã triển khai được một chương trình chủng ngừa khẩn cấp cho 2,2 triệu trong tổng số 26 triệu dân, từ tháng 10 năm ngoái ít nhất 922 người - chủ yếu là trẻ em - ở Madagascar vẫn phải chết vì bệnh sởi, WHO cho biết.
Nhiều đứa trẻ trong số đó, như Limberaza, trước đây đã từng tiêm phòng sởi nhưng mới được một mũi, vẫn cần một mũi tiêm nhắc lại nữa. Madagascar hy vọng sẽ triển khai được chương trình tiêm chủng miễn phí trong năm nay. Hiện tại, mũi vắc-xin đầu tiên là miễn phí nhưng mũi thứ hai thì không.
Vượt chướng ngại vật
Mặc dù có nhiều khó khăn, nhiều phụ huynh ở Madagascar đã chịu khó đi bộ hàng cây số để tìm vắc-xin cho con mình, Jean Benoît Mahnes, Phó đại diện Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc tại Madagascar cho biết.
Chỉ có điều, thứ chào đón họ ở cuối con đường thường là những phòng khám đóng cửa, hoặc một bác sĩ không có vắc-xin, hoặc có vắc-xin nhưng đã hết hạn.
"Tiêm vắc-xin cho một đứa trẻ là thử thách thực sự ở đây", Mahnes nói.
Lydia Rahariseheno, một người phụ nữ 33 tuổi, cho biết cô đã phải đi bộ một tiếng rưỡi đồng hồ trước khi tới được một phòng khám. Rahariseheno dẫn theo 3 đứa con, đi dọc theo con đường trong nỗi lo lắng sẽ bị cướp, chỉ để tìm kiếm những mũi vắc-xin.
Sau nhiều lần đi đi về về, những đứa trẻ mới chỉ được tiêm có 1 mũi vì phòng khám không phải lúc nào cũng có bác sĩ.
Thất bại của hệ thống y tế khiến những bậc cha mẹ thường đưa con ốm đến cơ sở chữa bệnh chui, nơi những đứa trẻ được cho uống thuốc thảo mộc, rót nước sôi vào lá thuốc rồi uống. Những đứa trẻ chỉ được đưa đến bệnh viện khi tình trạng của chúng xấu đi, Manitra Rakotoarivony, giám đốc Chương trình Xúc tiến Sức khỏe của Bộ Y tế Madagascar cho biết.
Cả gia đình Dada đang cố gắng bảo vệ những đứa con còn lại của họ trong tuyệt vọng.
Cậu bé Limberaza thậm chí đã không đợi được cho đến khi tới bệnh viện. Anh Dada từng đặt hi vọng vào mũi tiêm thứ hai sẽ bảo vệ được cho con trai mình, với điều kiện nó phải rẻ hơn. Nhưng thực tế lại không như vậy.
Hai đứa trẻ Mario và Martine thậm chí còn chưa được tiêm mũi vắc-xin phòng sởi nào. Bây giờ, cả gia đình đang cố gắng bảo vệ những đứa con còn lại của họ trong tuyệt vọng.
"Chúng tôi không ngờ rằng việc không tiêm chủng vắc-xin lại có thể giết chết con mình", Pela, mẹ của cậu bé Mario nói trong nước mắt. "Đứa con trai còn lại của tôi, chắc chắn, tôi sẽ đưa nó đi tiêm chủng".