“Gái đẹp” Halico ra sao sau 5 năm “kết hôn” cùng đại gia ngoại?

16/09/2016 21:21 PM | Kinh doanh

Nắm trong tay “miếng bánh” không hề nhỏ trên thị trường đồ uống bình dân, việc Halico trở thành một “đối tượng” hấp dẫn đối với các đại gia nước ngoài muốn tấn công vào thị trường Việt cũng là điều dễ hiểu.

Từng là một “cô gái đẹp”

Tiền thân là nhà máy rượu Hà Nội do hãng rượu Fontaine của Pháp xây dựng từ năm 1898, Công ty Cồn rượu Hà Nội ( Halico ) từng là nhà máy lớn nhất trong 5 nhà máy được xây dựng ở khu vực Đông Dương thời bấy giờ.

Trải qua quá trình hơn 100 năm xây dựng và phát triển, Halico đã trải qua không ít thăng trầm, từ thời nấu rượu cho Tây, sau đó là sản xuất cồn phục vụ kháng chiến chống Pháp - Mỹ và khoảng thời gian dài sản xuất - kinh doanh thời bao cấp.

Cuối năm 2006, công ty chính thức chuyển đổi từ hình thức công ty TNHH Nhà nước một thành viên sang hình thức cổ phần. Từ đây, với một loạt giải pháp mới được Ban lãnh đạo công ty đưa ra đã giúp Halico từng bước lên đỉnh vinh quang, được vinh danh với những cái tên mỹ miều như Thương hiệu nổi tiếng thế kỷ 21, Thương hiệu vượt thời gian, lọt top 300 trên bảng xếp hạng 500 doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam, nhận huân chương lao động hạng nhất của Chính Phủ,…

Cùng dây chuyền sản xuất rượu và hệ thống chưng cất cồn hiện đại nhất khu vực, hệ thống nhà phân phối, đại lý phủ khắp đã giúp các sản phẩm của Halico đến được từng ngõ ngách. Những dòng sản phẩm như Lúa mới, Nếp mới, Vodka Hà Nội, Vina Vodka, Vodka 94 Lò Đúc, Ba Kích Sealion,…trở thành thức uống không thể thiếu trong những nhà hàng, bàn tiệc của người Việt.

Việc chiếm lĩnh phần lớn thị phần trong phân khúc rượu bình dân tại Việt Nam đã giúp doanh thu Halico liên tục tăng trưởng trưởng trong giai đoạn 2008- 2012.

Nếu như trong năm 2008, doanh thu của công ty vẫn chỉ ở mức 676 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 162 tỷ đồng thì đến năm 2012, Halico đã lọt danh sách các doanh nghiệp có doanh thu nghìn tỷ với mức 1050 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 205 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 55% và 27% so với 2008.

“Cuộc hôn nhân” đắt đỏ với đại gia Anh

Nắm trong tay “miếng bánh” không hề nhỏ trên thị trường đồ uống bình dân, việc Halico trở thành một “đối tượng” hấp dẫn đối với các đại gia nước ngoài muốn tấn công vào thị trường Việt cũng là điều dễ hiểu.

Giống như hầu hết các tập đoàn đa quốc gia khác, khi xâm nhập vào một thị trường mới, Diageo, tập đoàn rượu bia đa quốc gia lớn nhất thế giới đến từ Anh quốc phải chi rất mạnh tay cho tiếp thị nhằm tạo chỗ đứng cho sản phẩm. Và khi đến Việt Nam, khi muốn tấn công vào thị trường rượu cồn bình dân đầy tiềm năng với gần 100 triệu dân này, Diageo đã chọn phương án ngắn nhất là M&A, và Halico là một mục tiêu hấp dẫn.

Tuy nhiên, việc thuyết phục một doanh nghiệp có bề dày lịch sử hơn 100 năm như Halico sẽ không hề dễ dàng bởi việc để một đối tác ngoại cùng ngành, đầy thâm niên về công nghệ, tài chính và quản trị cùng ngồi vào hội đồng quản trị là điều chẳng mấy dễ chịu.

Dù vậy, sau hơn 3 năm kể từ ngày ký biên bản ghi nhớ, Diageo đã chính thức trở thành đối tác chiến lược của Halico hồi tháng 5/2011 bằng việc mua 30% cổ phần của công ty, tương ứng 6 triệu cổ phiếu. Điều đáng chú ý là hãng rượu Anh đã trả tới 213.600 đồng cho một cổ phiếu Halico, cao hơn rất nhiều so với giá thị trường lúc đó dao động từ 80.000 đến 100.000 đồng/cổ phiếu. Với mức giá này, vốn hóa của Halico lên tới gần 4.300 tỷ đồng, tổng giá trị giao dịch đạt gần 1.300 tỷ đồng (gần 66 triệu USD), được đánh giá là một trong 10 thương vụ lớn nhất Việt Nam trong năm 2011.

Không dừng lại ở đó, sang năm 2012, Diageo tiếp tục mạnh tay chi 21,8 triệu USD để mua thêm 10,6% cổ phần của Halico, cùng với giá mua lại năm ngoái. Hiện tại, đại gia này đang là cổ đông lớn thứ hai của Halico với việc nắm 45,5% cổ phần, đứng sau Habeco (54,3%).

Halico ra sao sau hôn nhân?

Những tưởng sau khi “kết duyên” với ông trùm đồ uống cồn thế giới, Halico sẽ được tiếp sức để tăng cường năng lực sản xuất, mở rộng hệ thống phân phối và tung ra thị trường những sản phẩm mới, củng cố vị thế. Tuy nhiên, mọi chuyện lại đi theo một hướng hoàn toàn khác.

Cuộc kết hôn của Diageo và Halico diễn ra đúng vào thời điểm suy thoái kinh tế lên đến đỉnh điểm, sản xuất đình đốn, người dân thắt chặt chi tiêu. Trong khi đó, các chi phí đầu vào lại tăng chóng mặt gây sức ép lên doanh thu, lợi nhuận của doanh nghiệp. Cụ thể, năm 2013, doanh thu của hãng “bốc hơi” tới 39%, còn 640 tỷ đồng trong khi lợi nhuận chỉ đạt 29 tỷ đồng, giảm tới 86% so với năm trước.

Đà giảm tiếp tục kéo sáng năm 2014 khi doanh thu chỉ còn 397 tỷ đồng, lợi nhuận 30 tỷ đồng. Sang năm 2015, tình hình Halico càng trở nên tồi tệ hơn khi doanh nghiệp bất ngờ công bố thua lỗ tới 21 tỷ đồng.

Không chỉ hoạt động kinh doanh đi xuống, Halico còn gặp rắc rối với hàng loạt “sự cố” liên quan đến lãnh đạo cao cấp.

Đầu năm 2014, Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an tống đạt quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam và khám xét nơi ở của ông Hồ Văn Hải - nguyên Giám đốc Halico. Ông Hải bị khởi tố, bắt tạm giam về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi theo Điều 283 Bộ luật Hình sự.

Sau khi ông Hải bị bắt, ông Mai Văn Lợi, người từng giữ vị trí Giám đốc Khách sạn Lam Kinh, được cơ quan quản lý điều chuyển về đây. Năm 2015, ông Mai Văn Lợi giữ chức Giám đốc Halico, sau đó trở thành Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty.

Tuy vậy, trong thời gian làm lãnh đạo tại đây, ngoài việc kết quả kinh doanh của doanh nghiệp không lấy gì làm sáng sủa, ông Lợi còn được biết đến với những lần bổ nhiệm “kỳ lạ”, làm từ thiện mạnh tay, cho mượn xe tiền tỷ trong khi công ty đang thua lỗ.

5 năm sau cuộc hôn nhân với đại gia, “cô gái đẹp” Halico ngày nào đã biến mất. Thay vào đó là hình ảnh không mấy đẹp về một doanh nghiệp làm ăn bết bát trong khi bộ máy lãnh đạo thì liên tục va vào các bê bối. Với tình trạng hiện tại của Halico, liệu cuộc hôn nhân với Diageo có thể kéo dài bao lâu?

Cùng chuyên mục
XEM