Cổ đông chiến lược của Halico: "Bá chủ" thế giới rượu từ các cuộc thâu tóm
(CafeBiz) Bằng việc đưa ra một cái giá hời, Diageo đã sở hữu gần 1/2 công ty rượu lớn nhất Việt Nam.
Cuộc 'hôn nhân' mau lẹ
Khi Tập đoàn Diageo ngỏ ý muốn mua cổ phần tại Công ty cổ phần cồn rượu Hà Nội (Halico), dư luận trong nước từng đặt câu hỏi: Làm thế nào để Halico chấp thuận chuyển nhượng cho Diageo?
Bởi một doanh nghiệp có bề dày lịch sử hơn 100 năm như Halico, sẽ không dễ dàng đồng ý một đối tác ngoại cùng ngành, lão luyện về công nghệ, tài chính ngồi chung mâm ở hội đồng quản trị.
Thế nhưng, phần nào đó Diageo đã làm được, và làm rất nhanh chóng. Trong vòng 2 năm, với cái giá rất hời (hơn 11 USD/cổ phiếu), Diageo đã nắm giữ 45,5% cổ phần tại Halico.
Theo thỏa thuận giữa 2 bên, Diageo sẽ hỗ trợ Halico trong các lĩnh vực đổi mới, phát triển thương hiệu và hậu cần. Trong khi đó, hoạt động phát triển kinh doanh của Diageo tại thị trường Việt Nam sẽ được công ty này thực hiện riêng rẽ, bao gồm việc đẩy mạnh quảng bá các sản phẩm rượu Johnnie Walker, Smirnoff và Baileys.
Sở hữu nhiều nhãn hiệu rượu cao cấp nổi tiếng thế giới, nhưng rõ ràng để vào Việt Nam, chính Halico mới là cánh cửa rộng nhất cho Diageo khi muốn tấn công thị trường rượu cồn bình dân ở đất nước hơn 90 triệu người này.
Vậy, tiềm lực Diageo lớn đến thế nào? Mục đích của cuộc hôn nhân giá trên trời với Halico là gì?
Số 1 trên bản đồ rượu thế giới
Diageo là Tập đoàn đa quốc gia về rượu và đồ uống có cồn nổi tiếng của Anh, là nhà sản xuất rượu mạnh (spirits) lớn nhất thế giới và là một trong các hãng hàng đầu cung ứng bia và rượu vang.
Các thương hiệu rượu trứ danh mà Diageo đang sở hữu có thể kể đến là Smirnoff (vodka bán chạy nhất thế giới), Johnie Walker (rượu Scotch Whisky bán chạy nhất thế giới), Bailey (rượu mùi bán chạy nhất thế giới) và Guinness (bia đen bán chạy nhất thế giới).
Diageo cũng là nhà phân phối độc quyền của các nhãn hiệu José Cuervo (rượu tequila bán chạy nhất thế giới), Crown Royal (rượu Canadian Whisky bán chạy nhất thế giới).
Công ty này đang nắm 34% cổ phần tại bộ phận đồ uống có cồn Moët Hennessy của tập đoàn LVMH (sở hữu các nhãn hiệu rượu Moët & Chandon, Veuve Clicquot và Hennessy).
Sản phẩm của Diageo đã được bán tại hơn 180 thị trường nước ngoài, có văn phòng ở 80 quốc gia trên toàn cầu và số lượng nhân viên hơn 25.000 người. Các thị trường trọng điểm của hãng là Vương quốc Anh, Ireland, Mỹ, Canada, Ý, châu Phi, châu Đại dương và Mỹ Latin, và khu vực Caribean.
Kết thúc năm tài chính 2012 (từ 1/7/2011 – 30/6/2012) doanh số toàn cầu của Diageo đạt hơn 10,76 tỷ bảng (tương đương 17 tỷ USD), tăng 8% so với năm tài chính trước đó. Lợi nhuận ròng đạt 3,2 tỷ bảng (~5 tỷ USD, tăng 11%). Thuế thu nhập doanh nghiệp đã đóng trên toàn cầu là 17,7%.
Các sản phẩm danh tiếng
Diageo phủ kín danh mục sản phẩm của mình từ bia đến tất cả các dòng rượu chính như Whisky, Vodka, rượu Gin, rượu Rum, Bourbon, rượu mùi, rượu vang, cocktail cùng các loại rượu của địa phương như rượu mía cachaca Brazil, rượu Ấn Độ, rượu Baijiu Trung Quốc, rượu Schnapps Đức làm từ trái cây, Canadian Whisky, Irish Whisky, Tennessee Whisky …
Diageo đã từng sở hữu một số thương hiệu đồ ăn nhanh khá lớn như Pillsbury ( đã bán cho General Mills năm 2000) và chuỗi nhà hàng Burger King (bán cho Tập đoàn Texas Pacific năm 2002 với giá 1,5 tỷ USD).
Ngoài ra, Diageo còn là chủ của hệ thống khách sạn nghỉ dưỡng quốc tế cao cấp Gleneagles (Scotland) và 34% cổ phần trong bộ phận đồ uống Moet Hennessy trong Tập đoàn LVMH (Pháp).
Đi thâu tóm để thành bá chủ
Công ty Diageo ra đời năm 1997 nhờ sự sáp nhập của 2 công ty GrandMet và Guiness. Cái tên Diageo được nhà tư vấn xây dựng thương hiệu Wolff Olins đặt bằng cách ghép chữ “dia” (nghĩa là “ngày” theo tiếng Latin) với gốc “geo” (trong tiếng Hi Lạp mang nghĩa “thế giới”), với hàm ý “mọi lúc (dia), mọi nơi (geo), người người đều chúc tụng nhau bằng rượu của chúng tôi”.
Diageo niêm yết đồng thời trên cả hai sàn chứng khoán: Sở giao dịch chứng khoán New York (mã DEO) và Sở giao dịch chứng khoán London (mã DGE).
Trụ sở chính của Diageo đặt tại Park Royal, London, Vương quốc Anh. Địa điểm này trước đây từng là nhà máy Guinness, đóng cửa vào năm 2004, sau gần 7 thập niên sản xuất bia kể từ năm 1936.
Một số nhà máy lớn:
Diageo là nhà sản xuất whisky lớn nhất thế giới với 28 nhà máy chưng cất whisky từ mạch nha và 2 nhà máy chưng cất whisky từ ngũ cốc.
Diageo đã mua và vận hành 14 nhà máy rượu Scotch whisky danh tiếng để đa dạng hóa danh mục rượu Scotch whisky của hãng và đồng thời sở hữu cổ phần ở 8 công ty rượu từng đóng cửa như Port Ellen, Rosebank, Brora, Convalmore, Glen Albyn, North Brechin, Banff, và Linlithgow.
Ở Scotland, bằng chương trình xây mới nhà máy và mở rộng hạ tầng có sẵn, Diageo sẽ xây thêm nhà máy chưng cất whisky từ mạch nha lớn nhất Scotland tại Roseisle và nhà máy Cameron Bridge Grain chưng cất whisky từ ngũ cốc lớn nhất Scotland tại Fife.
Tháng 2/2011, Diageo chi 2,1 tỷ USD để mua công ty rượu Mey Icki của Thổ Nhĩ Kỳ.
Tháng 5/2012, Diageo tiếp tục chi 300 triệu bảng Anh để mua lại Ypioca, nhãn hiệu rượu cachaca (Cachaca – rượu mía là một món đồ uống làm từ đường mía lên men, chỉ có ở Brazil) bán chạy nhất của Brazil .
Tháng 6/2012, Diageo công bố đầu tư 1 tỷ bảng Anh vào sản xuất rượu Scotch Whisky trong vòng 5 năm tới, xây dựng mới 1 nhà máy chưng cất rượu, một số cơ sở hiện có sẽ mở rộng và tăng năng lực sản xuất tổng thể lên 30-40%.
Tháng 11/2012, Diageo mua lại 53,4% cổ phần tại Công ty rượu mạnh United Spirits của Ấn Độ với giá 1,28 tỷ bảng.
Thị trường mới nổi – Việt Nam là điểm nóng
Các thị trường mới nổi được Diageo đánh giá là điểm sáng dẫn đường trong năm qua, mang lại sự tăng trưởng 3 quý liên tiếp của hãng này.
Tập đoàn Diageo đã đầu tư vào thị trường mới nổi khá mạnh tay, với tổng mức đầu tư hơn 70% chi phí marketing (chi phí marketing năm 2012 là 1,69 tỷ bảng Anh). Chìa khóa cho tăng trưởng ở thị trường này được Diageo đánh giá là ở phân khúc tiêu dùng trung lưu với các dòng sản phẩm tầm trung, mức giá hợp lý.
Thời gian tới, trong chiến lược thâu tóm và đầu tư, Diageo quyết tâm gia tăng sự hiện diện của mình bằng một số thương vụ mua lại quan trọng tại các thị trường mới nổi, thông qua các danh mục đồ uống địa phương bên cạnh các sản phẩm cao cấp sẵn có.
Theo báo cáo vắn tắt của Diageo, năm 2012, tập đoàn này đã tăng tỷ lệ sở hữu lên 45,5% tại Halico của Việt Nam; bành trướng tại thị trường Trung Quốc bằng việc hợp nhất Shuijingfang (công ty sở hữu thương hiệu rượu baiju của Trung Quốc); mua lại Meta Abo (hãng bia lớn thứ 2 ở Ethiopia); mua lại Ypióca (hãng rượu mía hàng đầu của Brazil).
Chưa hết, thương vụ mua lại Mey Icki (năm 2011) không chỉ mang lại cho Diageo thương hiệu rượu Yeni Raki đứng đầu thị trường rượu mạnh ở Thổ Nhĩ Kỳ, mà còn giúp Diageo mở rộng hệ thống bán lẻ tại đất nước này năm 2012 lên 80% thị phần.
Tại Việt Nam:
Theo đánh giá của Diageo, sản phẩm Vodka Hà Nội của Halico chính là sản phẩm “đinh” đang dẫn đầu thị trường rượu cồn bình dân ở Việt Nam.
Năm 2012, Diageo tiếp tục mạnh tay chi khoảng 14 triệu bảng Anh (tương đương 21,8 triệu USD) để mua 10,6% cổ phần của Halico, cùng với giá mua lại năm trước.
Bức tranh sơ lược nói trên phần nào cho thấy tham vọng của Diageo đối với đối tác nội địa có lịch sử 100 năm có lẻ trên thị trường rượu cồn Việt Nam như Halico. Cái kết của cuộc hôn nhân giữa Diageo – Halico sẽ vẫn là dấu hỏi của thì tương lai?
Kỳ Anh